Phan Văn Tài Em: Chàng “Hai lúa” từ chối tham gia bán độ

Phan Văn Tài Em: Chàng “Hai lúa” từ chối tham gia bán độ

Sau này, trong cuốn tự truyện “Phút 89” của Lê Công Vinh, cầu thủ gốc xứ Nghệ có tường thuật lại sự việc, với ý ngưỡng mộ Phan Văn Tài Em vì hành động nói không với tiêu cực dũng cảm của Tài Em: “Văn Quyến, Quốc Vượng, Văn Trương, Hải Lâm, Bật Hiếu, Phước Vĩnh, Quốc Anh là 7 cái tên dính vào vụ mua bán độ trong trận đấu với Myanmar. Họ nhận tiền để đá sao cho trận ấy chỉ thắng với tỷ số tối thiểu”.

“Phan Văn Tài Em được mời vào “đường dây” này nhưng anh không nhận lời và đi báo cáo lại với Ban huấn luyện” – Lê Công Vinh viết thêm trong cuốn tự truyện “Phút 89” vừa nêu.

So với nhiều đồng đội, đồng nghiệp cùng trang lứa, Phan Văn Tài Em chỉ được xem là “Hai lúa”, bởi anh sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo An Lục Long, huyện Châu Thành, Long An.

Phan Văn Tài Em: Chàng “Hai lúa” từ chối tham gia bán độ - 1 Tài Em có xuất phát điểm không lấp lánh bằng nhiều cầu thủ cùng trang lứa, nhưng kết thúc của anh lại có hậu hơn và thành công hơn hẳn

Tài Em cũng không phải là cầu thủ có tố chất đặc biệt, anh không so được với Phạm Văn Quyến, Huỳnh Quốc Anh, cũng như nhiều, rất nhiều cầu thủ khác. Ở Tài Em cũng không có vẻ hào nhoáng hay chất tài hoa như đại đa số đồng nghiệp khác vốn nổi tiếng và có lượng người hâm mộ đông đảo. 

Cầu thủ của đất Long An bình dị cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Sau thành công ở AFF Cup 2008, cùng ngôi vô địch với đội tuyển Việt Nam, một trong những việc mà Tài Em làm đầu tiên trong thời gian được nghỉ, đó là về quê, xách giày đi đá… sân ruộng với những người bạn, người hàng xóm từ thưở thiếu thời.

Rồi sau những bản hợp đồng “bom tấn” cùng với các đội bóng nhà giàu nổi tiếng chịu chơi, chịu chi Navibank Sài Gòn và XM Xuân Thành Sài Gòn, Tài Em không lao vào những cuộc vui thâu đêm suốt sáng như nhiều cầu thủ phút chốc có tiền tỷ vẫn làm, anh chắt chiu và trân trọng những bản hợp đồng ấy. Thành ra, sự nghiệp của Tài Em bền hơn hẳn, đáng giá hơn hẳn! 

Và sự nghiệp đấy thật ra cũng sẽ rất bình thường, nếu như không có sự xuất hiện của 2 nhân vật, người đầu tiên là ông bầu Võ Quốc Thắng – người giúp lột xác bóng đá Long An, là một trong những ông bầu tiên phong ở trào lưu “xã hội hoá” TDTT cách nay gần 20 năm, người biến đội Long An tầm thường thành thế lực của bóng đá Việt Nam hồi đầu những năm 2000.

Người thứ 2 là HLV Henrique Calisto. Trong khi ai cũng thấy Tài Em bình thường như bao cầu thủ khác, ông lại thấy được cái hay của chàng cầu thủ “Hai lúa” này.

Phan Văn Tài Em: Chàng “Hai lúa” từ chối tham gia bán độ - 2

Trước khi giải nghệ vào năm 2016 ở tuổi 34, Tài Em đã có hầu hết các danh hiệu quan trọng nhất mà 1 cầu thủ Việt Nam có thể có: 1 lần vô địch AFF Cup (2008), 2 lần vô địch V-League (2005 và 2006) và 1 Quả bóng vàng Việt Nam (2005)

Tài Em không đặc biệt chơi hay ở vị trí nào trước thời HLV Calisto, nhưng sau khi qua tay vị HLV người Bồ Đào Nha, vị trí nào cầu thủ của Đồng Tâm Long An ngày đó cũng đá hay: Từ tiền vệ phòng ngự, tiền vệ cánh, cho đến tiền vệ tấn công và thậm chí hộ công.

Nếu phải xếp hạng các tiền vệ tài hoa bậc nhất bóng đá Việt Nam trong khoảng 20 – 30 năm qua, Tài Em có thể… không có thứ hạng, bởi anh không lấp lánh bằng Nguyễn Hồng Sơn, Nguyễn Quang Hải, hay người đồng đội cùng thời Nguyễn Minh Phương. Nhưng thành công của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2008 cũng như thành tích 2 lần vô địch V-League của Đồng Tâm Long An các năm 2005 và 2006, ghi dấu ấn không nhỏ của Tài Em.

Chàng “Hai lúa” đá bóng có khả năng dứt điểm không tệ, chuyền bóng giỏi, chịu khó đeo bám khi tham gia phong ngự, còn lúc tham gia tấn công lại rất nhiệt tình và thể hiện tư duy chiến thuật tốt.

Thật ra thì ở giai đoạn cuối của AFF Cup 2008, khi Minh Phương không đạt thể lực tốt nhất, một vài trận phải ngồi dự bị, Tài Em và Lê Tấn Tài chính là những người giữ trục giữa của đội tuyển Việt Nam, trước các đối thủ cực mạnh, cực kỳ đáng gờm về mặt thể lực là Singapore và Thái Lan ở bán kết và chung kết.

Nhưng ngoài chuyện chuyên môn, người ta sẽ nhớ nhiều đến Tài Em ở cái lắc đầu với tiêu cực như đã nêu ở phần đầu bài, nhớ về một cầu thủ giàu bản lĩnh đối lập với cái vẻ ngoài chân chất, dám nói không với dàn cầu thủ đáng được gọi là “sao số”, có tầm ảnh hưởng cực lớn ở đội tuyển ngày ấy.

Cũng trong cuốn tự truyện “Phút 89”, Lê Công Vinh lại viết: “Sau khi các cầu thủ nhúng chàm bị bắt, HLV Riedl (người dẫn dắt U23 Việt Nam tại SEA Games năm 2005 – PV) ngao ngán, ông nói rằng các cầu thủ Việt Nam bán độ đã phạm phải một tội ác. Họ đã nhẫn tâm phản bội lại những giá trị tốt đẹp của bóng đá. Tệ hại hơn, họ đã phản bộ lại hàng triệu triệu CĐV trung thành nhất. Vì quá yêu tiền, họ đã chà đạp lên tất cả”.

Số này không có Tài Em, và cầu thủ trưởng thành từ đất Long An chính là giá trị đẹp để người hâm mộ nói chung vẫn còn tin vào tính chân thật của bóng đá nội thời đó, tin rằng vẫn còn có những cầu thủ thật sự trong sáng, có tâm với nghề, sẵn sàng vươn lên bằng nội lực, dám nói không với những cám dỗ!

Kim Điền

Rate this post