Đài phát thanh Cận Đông của tình báo Anh
Sharq al-Adna – Trạm phát sóng Cận Đông – một cơ quan do chính phủ Anh tài trợ ngân sách và nhân sự để hoạt động trong bối cảnh những phát triển chính trị và quân sự ở Trung Đông có bao gồm cả Anh sau khi kết thúc Kế hoạch phân vùng của Liên hợp quốc cho Palestine (UNPPP).
Trạm Sharq al-Adna cực kỳ quan trọng cho cả Anh và phương Tây nói chung liên quan đến Trung Đông trong thập niên 1950, đặc biệt là sau khi Tổng thống Ai Cập – Gamal Abdel Nasser – tiến hành quốc hữu hóa kênh đào Suez (tháng 7 năm 1956) sau khi người Anh rời đi từ tháng 6. Bài viết đề cập đến cuộc chiến tranh tuyên truyền của Anh thông qua trạm Sharq al-Adna đã được hé lộ trong các tài liệu được giải mật hồi giữa thập niên 1990.
Sharq al-Adna: Trạm vô tuyến mật của Anh
Sharq al-Adna hay Trạm phát sóng Arab Cận Đông (gọi tắt Đài Cận Đông), là một trạm vô tuyến mật do Anh kiểm soát, chuyên phát sóng bằng tiếng Arab suốt 10 tiếng mỗi ngày từ năm 1941 đến khi sụp đổ vào thời điểm nổ ra khủng hoảng kênh đào Suez trong năm 1956, khi đó đài này được quân đội tiếp quản và có tên mới là Sawt Al Britani – Đài tiếng nói Anh (VOB), nhằm chống lại Đài phát thanh Cairo của Ai Cập.
Cục chiến dịch đặc biệt của Anh (SOE) đã xây dựng Đài Cận Đông ở Jenin (Palestine) vào năm 1941, sau đó dời đến Jaffa, đến năm 1943 thì đài này dưới quyền kiểm soát của Cơ quan điều hành chiến tranh chính trị (PWE), kế đó đài lại chuyển đến Jerusalem trong năm 1947 và cuối cùng là đóng ở Cyprus năm 1948, lúc đó bề nổi thì đài hoạt động thương mại nhưng trên thực tế nó vẫn chịu sự kiểm soát của các cơ quan tình báo Anh, nguồn ngân sách đến từ chính phủ Anh, tiền quảng cáo và công ty dầu mỏ.
Nhân viên chủ yếu của đài Cận Đông vẫn là người Arab và một số sĩ quan Anh hoạt động ẩn. Những thực thể như Sharq Al-Adna không dễ nghiên cứu, ngay cả nhóm tác giả khi muốn viết bài về nó cũng bị cản trở bởi các chính phủ và quan chức đương thời, bởi những quy tắc bí mật khi phát hành tài liệu nhà nước và cũng như một số khía cạnh nhạy cảm khác. Phần lớn tài liệu về đài Cận Đông thường tập trung vào các sự kiện cao trào của năm 1956.
Bài báo này phân tích về bản chất “công việc thông tin” của Anh tại Trung Đông trong suốt Thế chiến II và Chiến tranh Lạnh, làm nổi bật lòng trung thành của những người có liên quan, cũng như cung cấp sự khởi đầu sâu sắc về việc phát sóng trong thế giới Arab. Khác với các đài phát thanh bên ngoài Trung Đông, đài Cận Đông hoạt động mật, kiểu như tìm cách che giấu ai là chủ thực sự cho các hoạt động phát thanh. Ngay cuối Thế chiến II, SOE bị giải tán (cơ quan này được người Anh thành lập vào năm 1940 nhằm tiến hành các hoạt động phá hoại chủ yếu tại các lãnh thổ do địch chiếm đóng).
SOE có một nhánh tuyên truyền gọi là SO1 do đài Cận Đông bảo trợ. SO1 còn có tên là Baker Street Irregulars, nằm ngay phía sau trụ sở London của họ. Phát thanh chỉ là một phần nhỏ trong một nỗ lực tuyên truyền rộng lớn hơn nhiều do SOE kiểm soát. Đứng đầu SO1 là ông Rex Leeper, người mà sau này đã sáng lập nên Hội đồng Anh.
Mùa thu năm 1941, Rex Leeper trình ra một bản phác thảo về chiến tranh chính trị, tuyên truyền và tin tức. Phần phát thanh nhấn mạnh đến 2 thực thể: một tập hợp các kênh truyền thanh “đen” bao gồm nhiều ngôn ngữ Châu Âu phát từ Jerusalem, và đài Cận Đông từ Jaffa. Các viên chức thông tin trên khắp khu vực đã phân phối tư liệu được sản xuất ở Cairo và xây dựng mạng lưới liên lạc của riêng họ. Nguyên tắc mật của đài Cận Đông: tất cả tài liệu tuyên truyền do SOE thực hiện phải không được đến từ bất kỳ nguồn nào của Anh.
Vì mục đích này mà tuyên truyền của SOE nếu cần thiết có thể khác với chính sách chính thức của Nữ hoàng Anh. Mặt khác, nó cũng cho phép chính phủ Anh tránh xa những nội dung phát sóng mang tính chính trị nhạy cảm. Đài Cận Đông được thành lập vào mùa hè năm 1941 khi có những lo ngại rằng Cairo có thể lọt vào tay các lực lượng Đức, Ý; bản thân Palestine cũng bị đe dọa. Sau khi được thành lập nếu xảy ra “những điều tồi tệ nhất”, đài Cận Đông có thể phát ở Sudan hoặc thậm chí là Kenya như một phương tiện để kháng cự Đức Quốc xã (ĐQX).
Tiến sĩ Ishaq al-Husseini, giám đốc chương trình Đài phát thanh Cận Đông của SOE. Ảnh nguồn: Paljourneys.
Nhân sự và các chương trình phát sóng
Thiếu tướng không quân Kenneth Carron Buss, “người hoạch định tầm xa” là người có nhiều năm hoạt động ở Trung Đông: nói tiếng Arab trôi chảy, hiểu biết văn hóa Arab, và là người cải sang đạo Hồi. Ngoài kiến thức địa phương từ những sĩ quan lâu năm như Kenneth Carron có được, SOE còn có một danh sách dài các tài năng bao gồm những học giả cao cấp của những đại học danh tiếng ở Anh. Một người như vậy là nhà Đông Phương học, Tiến sĩ J Hayworth-Dunne.
Mùa thu năm 1941, Hayworth-Dunne được trao nhiệm vụ sản xuất các tập gấp tuyên truyền và những thứ tương tự, rải các tư tưởng thân Anh và nỗ lực bẻ gãy các đối tác ủng hộ Đức-Ý; phái các đặc vụ xâm nhập vào những thánh đường Hồi giáo để phát tán tin đồn. Nhân sự cho trạm Cận Đông gồm cả người Anh và Arab được lựa chọn kỹ lưỡng. Heyworth-Dunne đề cập đến các chương trình phát sóng của Sheikh Haj Amin Husseini, cựu Đại giáo sĩ Jerusalem, khi đó đang sống ở Berlin.
Khi có ý kiến cho rằng điều cần thiết là giám đốc chương trình của trạm mới nên là người Arab, và thế là một trong các họ hàng của Haj Amin Husseini là Tiến sĩ Ishaq al-Husseini đã được chọn. Ishaq Husseini dạy tại Cao đẳng Arab ở Jerusalem, từng học báo chí ở Cairo và văn chương tại Đại học SOAS (London), là một trong những nhân vật văn học hàng đầu ở Palestine. Một nhân vật chính trị khác là Sheikh Abdul Kadir Al Muzaffar đã đưa ra những bài bình luận mang tính thời sự cho đài Cận Đông.
Chỉ huy cánh của đài Cận Đông là Alfred Marsack, nói lưu loát tiếng Arab, cũng cải sang đạo Hồi, là người trực tiếp phát sóng những nguyên tắc đạo Hồi và di sản Arab, những chương trình giải trí và âm nhạc. Về mặt chính trị, Marsack đồng tình với nguyện vọng của người Arab và chia sẻ sự phản đối của họ đối với người nhập cư Do Thái. Đội ngũ nhân viên Arab của đài Cận Đông gồm 120 người đến từ nhiều vùng.
Đài Cận Đông phát thanh đủ mạnh để có thể nghe được từ Aleppo (Syria) đến Asmara (Eritrea) và Khartoum (Sudan), và từ Tehran (Iran) đến Cyrenaica (Lybia) và Tripoli (Lybia). Kamel Qustandi, người cuối cùng làm việc ở bộ phận thương mại của đài Cận Đông sau khi đài này chuyển đến Cyprus, ông trở thành người đứng đầu bộ phận kịch của đài. Đối với ông Nicola Ziada, người đã làm việc tại đài Cận Đông cho hay nhân viên của đài này đã ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của hầu hết mạng phát thanh Arab.
Và ở đài Cận Đông thường xuyên có các chương trình được lựa chọn riêng bởi các giám đốc Arab và sự can thiệp kín kẽ từ các sĩ quan tình báo Anh. Đã có lúc đài Cận Đông định mời “người khổng lồ văn học” Ai Cập là Taha Hussein đến nhà đài để nói chuyện. Sau này ông Taha Hussein nhớ lại rằng “Các điều khoản quá hào phóng bao gồm vé đi lại hạng nhất, bao ăn uống cho cả gia đình tôi. Tôi cho rằng có gì đó không bình thường nên từ chối”.
Ngoại trưởng Anh Ernest Bevin phủ nhận đài Cận Đông do bộ ngoại giao điều hành. Ảnh nguồn: Wikipedia.
Đổi mới vai trò theo thời gian
Khi chiến tranh ở Âu Châu kết thúc vào năm 1945, tình hình an ninh ở Palestine xấu đi, việc đi lại trên khắp nước này đặc biệt khó khăn đối với các nhân sự Anh và Arab. Theo thời gian, đài Cận Đông buộc phải dọn tới khu Bab el Zahiri của Jerusalem để tránh các hoạt động chống phá. Đến mùa hè năm 1947, đại tá Edward C Hodgkin trở thành giám đốc thứ 3 của đài Cận Đông, đài đưa tin tức với mức độ phổ biến đến mức trong một số trường hợp còn hơn hẳn đài BBC.
Có một thực tế là dù đài Cận Đông được công nhận là một đài do Anh hậu thuẫn, nhưng các chương trình của nó lại có khuynh hướng duy trì thiện chí với thế giới Arab. Một thời gian ngắn trước khi thành lập nhà nước Israel vào năm 1948, đài Cận Đông lại phải dời đến Limassol, “một trong những đơn vị quân đội Anh ở Cyprus”, địa điểm này từng là “một bộ máy tuyên truyền khổng lồ ở Trung Đông sau khi kết thúc chiến tranh”, tại thời điểm nơi đây có máy phát sóng trung bình mạnh nhất khu vực do MI-6 vận hành.
Khi chiến tranh Lạnh kết thúc, Phòng nghiên cứu thông tin (IRD) của Bộ Ngoại giao Anh tỏ ra hết sức quan tâm tới các đài phát thanh tiếng Arab. Các đài phát thanh do Anh kiểm soát như Cận Đông và BBC hết sức được ưa chuộng. Ngay từ lúc mới thành lập, Hồi giáo, đặc điểm nổi bật của đài Cận Đông cũng là yếu tố chính trong nỗ lực tuyên truyền của IRD. Nó được coi như một bức trường thành chống Cộng và “IRD hăng hái tuyên truyền sự không tương thích của chủ nghĩa cộng sản và đạo Hồi” ở Ai Cập.
Và vì lập trường của mình đối với Palestine, nên đài Cận Đông bị cáo buộc phát sóng bài Do Thái, và sau năm 1948 là bài Israel, dẫn đến 21 cáo buộc rằng Bộ Ngoại giao Anh đã dùng đài Cận Đông như một “đặc vụ tinh ranh”. Đầu thập niên 1950 cũng chứng kiến sự căng thẳng của Anh với Ai Cập khi có sự đồn trú đông đảo lính Anh ở nước này, và sau đó là khủng hoảng Suez.
Nguồn tài chính duy trì hoạt động
Rất khó xác định chính xác ai hoặc thực thể nào đã tài trợ và cuối cùng kiểm soát đài Cận Đông trước và sau khi nó chuyển tới Cyprus. Bị chất vấn trước quốc hội về các chương trình phát sóng ủng hộ hành động vũ trang của các nước Arab ở Palestine, Ngoại trưởng Anh Ernest Bevin phủ nhận đài Cận Đông do Bộ Ngoại giao điều hành và khẳng định “nó hoạt động bởi một tổ chức liên kết với thế giới Arab” và rằng “những người đã vận hành nó cũng là những người đã điều hành nó suốt nhiều năm ở Palestine”.
Hai năm sau đó khi được chất vấn những câu hỏi tương tự, Ngoại trưởng thuộc địa, John Dugdale, đã hé lộ rằng đài Cận Đông được điều hành bởi một công ty tư nhân được đăng ký ở Cyprus, “mục tiêu chính của nó là thúc đẩy giao lưu văn hóa và thông tin đại chúng trên khắp Cận Đông”. Hồi tháng 4 năm 1950, tờ Bưu điện Palestine thông tin rằng đài Cận Đông được quản lý bởi một công ty tư nhân tên là Hội Cận Đông dưới quyền chủ tịch là Sir Harold MacMichael, nguyên Cao ủy Palestine, nhưng nó không đăng ký ở Anh mà là ở Cyprus.
Một thông cáo tóm tắt của Nội các Anh vào tháng 11 năm 1956 có hé lộ đôi chút rằng ai đã trả tiền cho đài Cận Đông cũng như số tiền đó là bao nhiêu. Trong năm 1950, tờ Bưu điện Palestine công bố rằng đài Cận Đông đã được Bộ Ngoại giao Anh tài trợ với số tiền tương đương 10.000 bảng Anh/năm.
Tờ báo này viết: “Đài phát thanh Arab Cận Đông được làm chủ bởi một công ty tư nhân do chính phủ của Nữ hoàng trực tiếp quản lý. Toàn bộ các giám đốc và nhân viên cao cấp là người Anh, nhưng đa phần nhân viên thường là người Arab. Theo nguồn tin mà chúng tôi có thì đài Cận Đông có ngân sách khoảng 400.000 bảng Anh/ năm, thu 60.000 bảng Anh/ năm từ ngân sách quảng cáo, và 75.000 bảng Anh từ tài trợ đặc biệt của các hãng dầu mỏ. Phần ngân sách còn lại được cung cấp bởi “Cuộc bỏ phiếu mật”, một khoản tiền hào phóng, cùng lúc mà Dịch vụ đối ngoại BBC cho Trung Đông được cấp 141.000 bảng Anh/ năm nhằm phát sóng 38 tiếng/ tuần.