Nữ sĩ Quỳnh Dao – 50 năm chịu tiếng cướp chồng
Ở tuổi 79, Quỳnh Dao vướng vào tranh cãi với các con riêng của chồng, bị chỉ trích năm xưa làm kẻ thứ ba.
Theo Ifeng, Quỳnh Dao chuẩn bị phát hành cuốn Trước khi hoa tuyết rơi – Bài học cuối cùng của đời tôi, nói về một đôi vợ chồng già đối diện với chứng suy giảm trí nhớ, việc lắp ống thở và cái chết. Bà chia sẻ: “Cuốn sách này như bóc từng lớp vảy ở miệng vết thương chằng chịt trên người tôi. Tim tôi như vỡ vụn khi đánh máy từng chữ. Tôi nhẫn nhịn nỗi đau đó để hoàn thành cuốn sách đặc biệt nhất, quan trọng nhất của đời tôi”.
Bìa cuốn sách sắp phát hành của Quỳnh Dao.
Cuốn sách là những câu chuyện về chính cuộc đời Quỳnh Dao và chồng bà – ông Bình Hâm Đào. Các con riêng của Bình Hâm Đào phản đối Quỳnh Dao xuất bản sách vì cho rằng cha của họ luôn kín đáo về đời tư, không muốn công khai cuộc sống, bệnh tật của mình.
Ông Bình Hâm Đào hiện nằm viện ở Đài Loan vì tai biến mạch máu não, phải đặt ống thông dạ dày. Ông không thể nhận ra vợ, con, cháu.
Hai tháng trước khi xuất bản sách, Quỳnh Dao và các con riêng của Bình Hâm Đào trải qua cuộc “khẩu chiến” căng thẳng. Nữ sĩ quả quyết chồng dặn dò bà khi ông nguy kịch không cần đặt ống thông dạ dày hay máy thở, để ông được ra đi nhẹ nhàng. Tuy nhiên, các người con kịch liệt phản đối, cho rằng như vậy là bất hiếu. Hai bên chỉ trích lẫn nhau. Quỳnh Dao viết trên trang cá nhân: “Hãy sống một cách oanh liệt, đừng bắt người khác nằm cô quạnh, như thế là tàn nhẫn, vậy mà họ cho rằng đó là tình yêu”.
Vợ chồng Quỳnh Dao – Bình Hâm Đào.
Con cái của Bình Hâm Đào đáp trả: “Bố tôi mất trí, không nhớ được bà, chẳng thể nói yêu bà. Với bà, ông không đáng để sống tiếp, chi bằng được chết nhẹ nhõm. Nhưng với chúng tôi, dù bố như vậy, bố không nhận ra chúng tôi cũng không sao, chỉ cần bố được sống trong thế giới của bố là đủ”.
Lời lẽ của các con Bình Hâm Đào làm Quỳnh Dao đau khổ, phiền muộn. Bà chỉ trích họ quá độc ác, tàn nhẫn. Hồi tháng 5, bà quyết định giao chồng cho các con Bình Hâm Đào chăm sóc.
Từ sự việc cha nằm viện, các con Bình Hâm Đào nhắc lại chuyện Quỳnh Dao xen vào gia đình họ hơn 50 năm trước. Bình Vân, con trai Bình Hâm Đào, viết trên trang cá nhân ông chưa bao giờ quên nỗi đau mẹ phải gánh chịu. “Nếu một mối tình đánh đổi bằng việc làm tổn thương người khác, bằng sự hy sinh của người phụ nữ khác, thì cho dù thế nào, tình yêu đó không cao đẹp gì, không đáng đem ra khoe khoang, ngợi ca”.
Trước lời lẽ của Bình Vân, Quỳnh Dao phản bác: “Tôi sai rồi, hơn 50 năm trước tôi không nên gửi bản thảo Song ngoại tới Hoàng Quán (tạp chí do Bình Hâm Đào làm tổng biên tập)… Tôi sai ở lúc đó chứ không phải bây giờ… Xin lỗi ba người con của ông. Tôi không nên quen cha của các anh chị, các anh chị hãy tha cho tôi”.
Quỳnh Dao còn nói nhà họ Bình được giàu sang sung túc có công của bà. Bà viết sách, làm phim, sau đó cùng chồng và con riêng của chồng mở công ty sản xuất phim, tiền được chia đều. “Không có tôi thì không có công ty, nhưng tôi để ông ấy (Bình Hâm Đào) có tất cả hào quang, vì tôi yêu ông ấy. Giờ đây ngẫm lại, 50 năm qua là một giấc mơ, tôi chẳng còn gì cả”, bà viết.
Quỳnh Dao qua hai đời chồng, bà có con trai với người chồng thứ nhất. Sau khi ly dị, bà trải qua tám năm làm người thứ ba trong hôn nhân của Bình Hâm Đào. Sau đó, vợ ông Bình buông xuôi, để chồng kết hôn cùng Quỳnh Dao.
* Ca khúc “Trong mơ” do Quỳnh Dao viết lời
Ca khúc “Trong mơ” do Quỳnh Dao viết lời
Quỳnh Dao sinh năm 1938, là nhà văn, nhà biên kịch nổi tiếng Trung Quốc. Ngoài bút danh Quỳnh Dao, bà từng sử dụng tên Phượng Hoàng, Tâm Như.
Quỳnh Dao được mệnh danh là “bà hoàng” của dòng tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc, với một loạt cuốn sách ăn khách như Song ngoại, Kỷ độ tịch dương hồng, Bên dòng nước, Mùa thu lá bay, Mỏi mắt ngóng trông, Hoàn Châu cách cách, Yên vũ mông mông (Dòng sông ly biệt), Xóm vắng… Nhiều tác phẩm của bà được chuyển thể thành phim, làm nên tên tuổi của Lâm Thanh Hà, Triệu Vy, Lâm Tâm Như, Tưởng Cần Cần… Bà cũng là người viết lời nhiều ca khúc được yêu thích như Trong mơ, Bến xe ly biệt, Chàng là gió thiếp là cát…
Tháng 3/2017, Quỳnh Dao công khai bức thư dặn dò con cháu sau khi bà mất. Trong thư, Quỳnh Dao ghi rõ nếu bệnh nặng, bà muốn thực hiện “quyền được chết”. Bà không muốn mai táng theo bất kỳ nghi thức tôn giáo nào. Nữ sĩ dặn con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường, không đốt vàng mã, không làm giỗ, không cúng bái tiết Thanh Minh…