“Món ăn bất hủ” 65 năm đẫm vị Trung thu của nhạc sĩ Phạm Tuyên và cô con gái út gián tiếp nối nghiệp cha khởi đầu từ chương trình “Những bông hoa nhỏ”
Nhạc sĩ Phạm Tuyên là “cha đẻ” của ca khúc hát trăng rằm bất hủ “Chiếc đèn ông sao”. Ông cũng là nhạc sĩ của thiếu nhi với số bài hát Việt cho trẻ con nhiều nhất, hơn 200 bài.
Hàng loạt những ca khúc thiếu nhi nổi tiếng và sống mãi với thời gian của ông như: “Chiếc đèn ông sao”, “Tiến lên đoàn viên”, “Hành khúc Đội thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh”, “Hát dưới cờ Hà Nội”, “Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội”, “Đêm pháo hoa”, “Cô và mẹ”, “Trường của cháu đây là trường mầm non”, “Cánh én tuổi thơ”, “Chú voi con ở bản Đôn”…
Con gái út của nhạc sĩ Phạm Tuyên là nhà báo Phạm Hồng Tuyến (làm việc tại Đài truyền hình Việt Nam), hiện gia đình chị đang sống cùng cha mình. Chị cũng có thâm niên gần 30 nắm gắn với việc sản xuất các chương trình cho thiếu nhi, bắt đầu từ Những Bông Hoa Nhỏ…
“Ca khúc quốc dân” đêm trăng rằm: Chiếc đèn ông sao
Trung thu ngày nay giờ đã rất khác, bao nhiêu loại đèn lồng thời thượng ra đời, nhưng đèn ông sao vẫn luôn là biểu tượng của đêm trăng rằm và ca khúc “Chiếc đèn ông sao” của cha chị thì trở thành món ăn tinh thần sống mãi. Tết trung thu đáng nhớ nhất của chị có hình ảnh như thế nào?
Bài hát này của cha tôi thu âm lần đầu tiên là do cô Tuấn Kỳ hát vào năm 1956. Sau này thì trung thu nào trẻ con cũng hát hoặc bật bài hát này lên để thấy không khí rộn ràng của đêm hội trăng rằm.
Tôi vẫn nhớ thời kỳ gia đình tôi còn sống ở Khương Thượng (Hà Nội), lũ trẻ cứ trung thu là tập hợp nhau rồi đi rước đèn. Lúc đó thời bao cấp, mọi thứ đâu có gì nhiều, cầm xâu hạt bưởi, cầm đèn đi quanh khu tập thể để rước đèn, nhạc mở bài hát của cha hoặc lũ trẻ cùng nhau hát nhưng tôi cảm thấy lâng lâng vui sướng và phấn khích tột độ. Lũ trẻ hát bài hát quen thuộc và cha trở thành niềm tự hào của khu tập thể, vì thế tôi cũng được thơm lây.
Nhưng rồi thời gian qua đi nhiều người lớn tự thấy “vị trung thu” nhạt đi, chị có nghĩ vậy?
Bố tôi vẫn hay nhắc chuyện có 2 mẹ con cô nhà báo đến phỏng vấn ông về bài “Chiếc đèn ông sao” và cô ấy kể 4 đời nhà cô hát bài hát này (con cô hát, cô hát, mẹ cô hát, bà cô ấy hát) mỗi dịp trung thu. Như vậy thì nó như một ăn tinh thần không thể thiếu trong đêm phá cỗ trông trăng.
Tôi biết bài hát này của ông là một nét làm nên trung thu truyền thống tồn tại đến giờ cũng như bánh nướng, bánh dẻo vậy. Nên giờ dù trung thu có nhạt đi thật, nhưng vị truyền thống thì bao năm vẫn được giữ nhờ những món ăn vật chất và phi vật chất như thế.
Và rồi “Chiếc đèn ông sao” của nhạc sĩ Phạm Tuyên đi qua 6,5 thập kỷ nhưng đến giờ vẫn vang lên rộn ràng mọi góc phố, mọi căn nhà, liệu chị vẫn còn giữ nguyên được sự rạo rực ấy?
Thời bây giờ, trung thu phần truyền thống bị loãng đi. Nhưng nghe bài hát của cha tôi thì nó vẫn gợi nhớ về tuổi thơ, về Tết trung thu, tất nhiên tôi rất tự hào. Trong 1 đêm nhạc về cha, “Chiếc đèn ông sao” do “các em nhỏ” ngày xưa, giờ đã 80- 90 tuổi, hát mở đầu chương trình mà thực sự xúc động.
Thực sự, bánh nướng, bánh dẻo nước bạn cũng có, nhưng ca khúc “Chiếc đèn ông sao” thì đúng là chất của Tết trung thu Việt.
Hình ảnh thời trẻ và gia đình của nhạc sĩ Phạm Tuyên cùng cô con gái út Phạm Hồng Tuyến ngày nhỏ.
Trong mấy năm gần đây nhiều nhãn hàng đề xin phép dùng bài hát tươi vui này cho TVC quảng cáo, một đội game cũng đặt vấn đề được sử dụng bài hát. Tôi rất mừng vì cha tôi tuy đã lớn tuổi nhưng không bị quên lãng,
Nhạc sĩ Phạm Tuyên đã ngoài 90, công chúng rất quan tâm sức khỏe và cuộc sống của ông hiện giờ như thế nào?
Hiện nay cha tôi đã 92 tuổi, ông đang sống cùng gia đình tôi, sức khỏe cũng giảm sút, nhưng về trí tuệ ông vẫn rất minh mẫn. Ông vẫn giữ thói quen theo dõi tin tức thời sự mỗi ngày và ghi chép mỗi ngày làm gì vào 1 cuốn sổ, có lẽ nhờ thế mà ông không bị lẫn.
Tuy nhiên, ông có vấn đề về phổi nên không thể nói lâu như người bình thường, sức khỏe cũng đã giảm nên ông chỉ túc tắc đi lại trong nhà được thôi.
Cha tôi không bao giờ to tiếng với con cái, ông cũng không dạy bảo giáo điều
Cô con gái út nhỏ bé ngày ấy đã là nguồn cảm hứng cho ông sáng tác khá nhiều bài hát thiếu nhi, vậy ngược lại cha chị đã ảnh hưởng đến tính cách và cuộc sống của chị sau này như thế nào? Có thói quen bất di bất dịch nào mà gia đình chị từ xưa đến nay vẫn giữ như 1 nếp nhà?
Bố mẹ tôi luôn tôn trọng ý kiến sở thích của con cái. Từ bé dù cho tôi đi học đàn, học âm nhạc để cảm thụ âm nhạc, nhưng chị em tôi tự nhận thấy mình không có thiên hướng biểu diễn mà học văn hóa tốt hơn. Cha mẹ cũng không bao giờ ép, để chúng tôi tự chọn con đường của mình.
Cả 2 chị em tôi đều đi học ở Nga về, tôi biết ơn bố vì âm nhạc của bố mang đến đã là một hành trang cho tôi sống tốt hơn. Tôi cũng ảnh hưởng ông nhiều thứ về tính cách, lối sống, tôi về Đài THVN bắt đầu làm chương trình “Những bông hoa nhỏ”, sau đó theo đuổi công việc liên quan đến thiếu nhi cũng nhờ sự ảnh hưởng của bố.
Mẹ tôi là trưởng khoa giáo dục mầm mon, ĐHSP, nên tôi rất làm các chương trình âm nhạc cho trẻ con như 1 lợi thế. Cha tôi trước làm Đài THVN là người có sáng kiến tổ chức liên hoan truyền hình Toàn quốc, sau này tôi cũng nối tiếp ông làm ban giám khảo cho các chương trình thiếu nhi.
Ảnh minh họa
Cha tôi hiền, tôi thì có phần mạnh mẽ hơn, nhưng cách nói chuyện hài hước có lẽ tôi được thừa hưởng từ ông.
Nếp nhà bao lâu nay nhà tôi vẫn giữ là bữa cơm tối quây quần, đó là thời gian gia đình sum vầy. Bữa cơm tối là lúc mọi người kể chuyện những gì xảy ra trong ngày, chuyện trò và tạo không khí vui vẻ, gắn kết.
Gần đây ca sĩ Nguyệt Ca cùng nhóm dự án của mình vừa chuyển ngữ bài hát sang Tiếng Anh và công bố bản thu song ngữ, chị đã nghe bài hát này chưa và cảm nhận như thế nào?
Bạch Thùy Linh ̣̣(Nguyệt Ca) có làm dự án chuyển ngữ những bài hát thiếu nhi Việt nổi tiếng sang Tiếng Anh. Bài hát “Cánh én tuổi thơ” của cha tôi đã thực hiện trước đó, tôi cũng đưa cho ông nghe. Gia đình tôi cho rằng bài hát này đã được chuyển ngữ khá thành công khi nó vẫn mang hồn bài hát tiếng Việt, nhưng ở bản Tiếng Anh nó lại có thêm một sức sống khác.
Với bài “Chiếc đèn ông sao” ông cũng tự vào mạng và đọc được thông tin trên báo chí. Với ca từ đi theo dòng lịch sử ở thời điểm sáng tác đất nước đang chia cắt nên dịch sang tiếng Anh cũng không dễ dàng như bài Cánh én tuổi thơ. Tết trung thu thì là trung thu kiểu đặc trưng của Việt Nam nên chuyển sang tiếng Anh để có nội dung phù hợp phải đầu tư suy nghĩ. Nhưng các bạn đã lựa 1 cách dịch thông minh và tôi cho rằng bài hát chấp nhận được, bản dịch khá xinh xắn.
Ca khúc “Chiếc đèn ông sao” (bản song ngữ), thể hiện tiếng hát của Nguyệt Ca.
Với hàng trăm ca khúc thiếu nhi, nhạc sĩ Phạm Tuyên được nhiều người gọi là “nhạc sĩ của tuổi thơ tôi”. Là cô con gái út từng là nguồn cảm hứng để cha sáng tác nhiều bài hát thiếu nhi, trong mắt chị nhạc sĩ Phạm Tuyên là 1 người cha như thế nào?
Ông là một người cha yêu con, ông rất hiền, không to tiếng với con cái bao giờ. Cha tôi cũng chưa bao giờ dạy bảo giáo điều, không bao giờ dạy con nên làm thế này thế kia kiểu cầm tay chỉ việc, hay cấm đoán bất cứ thứ gì. Bố mẹ tôi sống thế nào con cái thành nếp nhìn bố mẹ mà sống. Thường ông hay có bài học ẩn trong những bài hát.
Đến cả việc đàn hát, cha tôi là nhạc sĩ nhưng ông cũng không dạy bảo trực tiếp tôi đàn hát bao giờ. Nhưng nghe ông đánh đàn, tôi quan sát và thuộc từ lúc nào. Lúc đó gia đình tôi sống ở khu tập thể Đài tiếng nói VN, các cô chú gọi lên vào phòng thu và hát thôi vì nó ngấm vào người rồi. Nói chung cha mẹ tôi cho tôi một môi trường sống tự do phát triển, chứ cha tôi không dạy dỗ con cái và sau này tôi làm mẹ cũng vậy.
Cha tôi nhìn chung luôn yêu thương con cái, đến bây giờ dù ông lớn tuổi và chúng tôi cũng đã quá trưởng thành nhưng khi nào thấy con cháu về muộn là ông vẫn ngóng trông lo lắng sợ đi đường bị làm sao.
Cô con gái út nhà Đài từ thời “Những bông hoa nhỏ” nối truyền cha làm âm nhạc thiếu nhi
Cha chị có gia tài đồ sộ hàng trăm ca khúc thiếu nhi, còn chị cũng là một nhà báo có gần 30 năm gắn liền với các chương trình thiếu nhi, đặc biệt là người nhà đài “còn sót lại” từ thời “Những bông hoa nhỏ” và cho đến giờ vẫn làm chương trình thiếu nhi.
Chị có thể kỷ niệm những ngày đầu tiên làm chương trình “Những bông hoa nhỏ” và tình yêu với thiếu nhi được “di truyền” từ cha mình?
Chương trình “Những bông hoa nhỏ” đã không còn xuất hiện từ năm 1995. Tôi là người làm chương trình này ở giai đoạn cuối, lúc đó khó khăn đủ đường, nhưng hồi đó lũ trẻ con ai cũng xem “Những bông hoa nhỏ” xong rồi đi học bài, chương trình được phát vào giờ vàng, trước chương trình Thời sự nên ai cũng nhớ.
Còn hiện tại xã hội phát triển, trẻ em có quá nhiều nguồn thông tin, thậm chí không chỉ truyền hình, các kênh youtube, MXH phát triển có quá nhiều thứ mới mẻ, hay ho hơn, nhưng cha mẹ cũng vì thế mà quản lý khó hơn.
Các chương trình truyền hình cần xã hội hóa, đa phần các chương trình gameshow trẻ con có tính thương mại, để có 1 chương trình trong trẻo cho thiếu nhi cũng không dễ. Hiếm có các mạnh thường quân nào không quan tâm đến lợi ích kinh tế. Bản thân tôi là người cuối cùng từ thời chương trình “Những bông hoa nhỏ” còn làm nội dung cho trẻ con nên cũng nhiều trăn trở.
– Vậy còn việc làm mới các ca khúc của ông…
Cha tôi có hơn 200 bài hát cho thiếu nhi, có 1 số bài còn ở bản thảo chưa công bố. Tôi cũng muốn làm dự án, kêu gọi những người cùng mong muốn có đời sống tinh thần cho con trẻ mà tập hợp lại, nhưng Covid làm các kế hoạch bị hoãn lại. Khi nào dịch đỡ hơn, cuộc sống trở lại bình thường tôi sẽ tiếp tục. Việc này cần nhiều thời gian, sức lực và kinh phí.
Tôi cũng đã thực hiện mang trở lại được một số tác phẩm dường như đã ngủ quên của cha tôi, như bài “Khúc hát đôi bàn tay” khuyến khích thói quen rửa tay cho trẻ, phù hợp với thời dịch bệnh. Nói chung có thể làm được gì tôi sẽ làm với mong muốn có nhiều hơn những sáng tác cho trẻ em.
– Quả đúng là nhạc thiếu nhi hiện nay dường như đang là 1 phân khúc trong thị trường âm nhạc bị bỏ quên…
Đúng là không mấy ai quan tâm đến nhạc thiếu nhi, hiếm hoi lắm mới tìm ra một tác giả nổi lên 1 vài bài. Tác giả viết cho trẻ con hiện nay không chỉ thiếu mà còn thiếu sản phẩm hay. Trẻ con thì không bắt chúng hát được nếu không thích và hiện tại thì hiếm có người viết cho trẻ con tốt, hoặc nó quá ít ỏi so với thời cha tôi.
Giáo dục cho trẻ con giờ thì quá khó khi nhiều kênh youtube nhảm, phân khúc thị trường nhạc thiếu nhi gần như bỏ trống vì không có người sáng tác, không thực có người lưu tâm. Lũ trẻ cuối cùng nghe nhạc người lớn, nghe bài hát nước ngoài. Và vì thế cha tôi vẫn thường xuyên trăn trở hỏi câu hỏi quen: “Hiện trạng bài hát thiếu nhi như thế nào?”.
Năm nay hẳn là 1 cái Tết trung thu rất khác, thậm chí nhiều gia đình không thể đoàn viên vì dịch bệnh, gia đình chị thì sao?
Trước đây, khi chưa có dịch thì các cháu chắt sẽ sang thăm ông, cả nhà ngồi cùng nhau quây quần phá cỗ trông trăng. Còn hiện giờ nhà toàn người lớn nên cũng không có gì đặc biệt, có lẽ là ngồi xuống cùng nhau ăn miếng bánh, uống trà. Một phần do công việc tôi đang làm ở Đài nên cũng đang bận bịu nữa.
“Tùng rinh rinh, tùng tùng tùng rinh rinh”, giai điệu này sẽ luôn vang lên trong các bữa tiệc trông trăng của nhiều thế hệ thanh thiếu niên Việt. Thật đáng ngưỡng mộ khi ca khúc đã có “tuổi thọ” 65 năm nhưng vẫn sống rực rỡ ở hiện tại. Chị có nghĩ rằng nhờ gắn với thiếu nhi nên cha chị đã là 1 nhạc sĩ hạnh phúc?
Tôi tin rằng cha tôi là 1 nhạc sĩ hạnh phúc và giàu có khi đã để lại 1 gia sản vô giá những bài hát thiếu nhi, cũng giống như tôi nối nghiệp cha 1 cách gián tiếp làm 1 công việc gắn bó với thiếu nhi, tôi cũng tin mình giàu có. Dường như suy nghĩ bằng cái đầu thơ trẻ và nói bằng giọng điệu của lũ trẻ dễ làm cho những người lớn trưởng thành có được hạnh phúc hơn.