Trung tướng Vương Thừa Vũ-Người con ưu tú của Thủ đô
QPTĐ-Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã dành cho Trung tướng Vương Thừa Vũ lời nhận xét: “Bao trùm lên trên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng; một vị tướng dũng, nhân, tín, liêm, trung như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng dạy”. Ông không chỉ là một vị tướng tài ba mà còn là người con ưu tú luôn sống mãi trong tâm tưởng của thủ đô Hà Nội.
Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh năm 1910 tại thôn Vĩnh Ninh (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì). Lúc nhỏ, ông theo cha sang Vân Nam, Trung Quốc sinh sống, rồi vào làm thợ cơ khí trong ngành hỏa xa tại Vân Nam. Năm 1940, ông về nước, tổ chức hoạt động cách mạng; năm 1941 bị thực dân Pháp bắt giam và năm 1942 bị đày tại Trại giam Bá Vân, Thái Nguyên. Trong cuốn hồi ký “Những chặng đường chiến đấu” của ông, nỗi căm hờn của người chiến sĩ cách mạng sục sôi qua từng câu chữ: “Nỗi căm giận của tôi vẫn không tan. Nó càng bốc mạnh lên khi tôi nghĩ tới bọn đế quốc Pháp thống trị. Những ước vọng phải thoát khỏi ngục tù mỗi lúc một thêm thôi thúc trong tôi”. Được những người cộng sản vận động, ông tham gia công tác binh vận, phụ trách huấn luyện quân sự trong tù, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản năm 1943.
Chỉ huy trưởng của 60 ngày đêm khói lửa
Với Thủ đô Hà Nội, tên tuổi của Trung tướng Vương Thừa Vũ gắn liền với chiến công lịch sử vẻ vang trong cuộc chiến đấu 60 ngày đêm “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Hà Nội khởi đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.
Những ngày năm 1946, Hà Nội ráo riết chuẩn bị kháng chiến. Dự báo quân Pháp sẽ nổ súng, Thường vụ Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy đã chỉ định Vương Thừa Vũ làm Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội, còn gọi là Chiến khu XI. Trong Liên khu I, công tác chuẩn bị tập trung vào những khu vực trận địa chiến đấu. Những ban công, cửa sổ, những mái nhà băng đều trở thành những vị trí bắn. Tường trong nhà, ngoài sân, trên gác đều đục thành lỗ giao thông, mở đường đi từ buồng nhà này sang buồng nhà khác, đi suốt dãy phố dọc, luồn sang dãy phố ngang, tạo thành một trận địa chiến đấu liên hoàn. Khẩu hiệu “Sống chết với Thủ đô”, “Thà chết không chịu trở lại làm nô lệ”… mọc lên chi chít trên khắp các đường phố, trên tường, trên cửa, trên mặt đường nhựa. Tại đình làng Mọc, Quan Nhân, các chiến sĩ quyết tử làm Lễ tuyên thệ Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh.
“Tôi và đồng chí Trần Độ có mặt trong buổi lễ tổ chức đơn giản mà nghiêm trang này. Tiếng hát Quốc ca và lời thề hôm ấy của tuổi trẻ Thủ đô vang mãi trong trí óc chúng tôi, củng cố quyết tâm và tăng niềm tin cho chúng tôi: Nhất định Thủ đô ta sẽ chiến thắng”.
Sau khi thông qua phương án tác chiến với Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp, thế trận “trùng độc chiến” (trong đánh, ngoài vây) của Chỉ huy trưởng Vương Thừa Vũ được triển khai. Đây là cách đánh từ trong đánh ra, ngoài đánh vào và kìm giữ tiêu diệt địch, buộc địch phải đối phó với ta cả trong lòng Thành phố lẫn ở cả các cửa ô. Kế hoạch tác chiến và thế trận vô cùng độc đáo, sáng tạo của Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội đã lập nên kỳ tích. Bằng một lực lượng vũ trang non trẻ, quân dân ta đã chiến đấu thắng lợi, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân đội quân chính quy đông khoảng 6.500 binh sĩ của Pháp trong Thành phố suốt 60 ngày đêm (gấp đôi thời gian quy định), với cuộc rút lui thần kỳ của Trung đoàn Thủ đô, đã tạo điều kiện cho cả nước triển khai chiến lược trường kỳ kháng chiến cho đến ngày toàn thắng.
Nhớ lời căn dặn của Bác
Hơn tám năm sau, trên cương vị Đại đoàn trưởng Đại đoàn 308, đồng chí Vương Thừa Vũ được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng với Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng đưa đoàn quân chiến thắng vào tiếp quản Thủ đô.
Sinh thời, Trung tướng Vương Thừa Vũ đã kể lại không khí của ngày trở về ấy như sau: Riêng đối với Đại đoàn 308, Hồ Chủ tịch triệu tập cán bộ từ đại đội trở lên đến “đất Tổ”, Người dành cho một giờ học tập mà sử sách còn ghi mãi mãi: “Bác cháu ta gặp nhau ở đây tuy tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng dựng nước, nay Bác cháu ta là những người giành lại đất nước”. Bác nói về âm mưu và cuộc đấu tranh hiện nay của nhân dân Hà Nội cũng như ở các vùng địch đang chuẩn bị rút; về sự quan tâm của Đảng và Chính phủ đối với nhiệm vụ lần này của Đại đoàn 308. Bác ân cần căn dặn: “Khi vào tiếp quản Thủ đô, các chú phải hết sức đề phòng những âm mưu mà kẻ thù của hòa bình sẽ dùng để phá hoại hàng ngũ chúng ta. Các chú phải luôn luôn giữ gìn phẩm chất cách mạng, cán bộ sống gương mẫu, giản dị, bộ đội phải kỷ luật nghiêm minh. Nếu ai cũng giữ vững lập trường cách mạng và làm đúng chính sách thì không sợ một kẻ thù nào cả”.
Đảng ủy và Bộ chỉ huy Đại đoàn xác định đây là một cuộc chiến đấu hết sức phức tạp giữa cách mạng và phản cách mạng trên lĩnh vực tư tưởng và văn hóa, ta quyết thắng và phải thắng trọn vẹn. Khi ấy Chỉ huy Vương Thừa Vũ đã đích thân giáo dục, nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ đề cao cảnh giác, tích cực rèn luyện giữ vững phẩm chất: “Trong chiến tranh anh đã anh dũng xông pha lửa đạn, không ngã trước viên đạn bằng đồng, nhưng hãy cẩn thận trong hòa bình, nếu không giữ được phẩm chất cách mạng, anh có thể “chết” vì những viên đạn bọc đường. Trước kẻ thù hung dữ, trang bị đến tận răng, anh có thể là một anh hùng, nhưng đi vào một xã hội xa hoa, phù phiếm, nếu không giữ vững phẩm chất cách mạng chưa chắc anh đã có dũng khí vượt qua…”.
Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội Vương Thừa Vũ và Phó Chủ tịch Trần Duy Hưng trong Lễ chào cờ ngày 10/10/1954.
Ngày về trong chiến thắng
Đúng 16 giờ 30 phút, khi toán lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên sang Gia Lâm thì cả Hà Nội bừng lên, tràn ngập cờ hoa, sắc áo, như một vườn hoa gặp tiết xuân nở rộ. Băng vải các màu căng ngang đường với những khẩu hiệu cắt theo các kiểu chữ cầu kỳ: “Hồ Chí Minh muôn năm!”, “Hoan hô đoàn quân chiến thắng trở về!”, “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm!”…
Ngày 10 tháng 10 năm 1954 -Một ngày lịch sử.
Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ Hà Nội. Trong buổi lễ chào cờ lịch sử này, Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố Vương Thừa Vũ được vinh dự đọc thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô. Lời Bác thân mật, thiết tha. Nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng. Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm…
“Lúc đó, tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút, vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô. Người dặn dò nhân dân Thủ đô hãy đồng tâm, nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.
Từ 1955-1963, ông nhận nhiệm vụ là Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn; từ năm 1964-1980, là Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện Quân chính, kiêm Tư lệnh Quân khu 4 (1964-1971). Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1974; là tác giả một số tác phẩm quân sự. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất và nhiều huân, huy chương cao quý khác…
Ý Nhi