Trung tướng Vương Thừa Vũ: Một danh tướng quân sự tài ba
Trung tướng Vương Thừa Vũ là một trong những danh tướng quân sự tài ba, chiến công đã gắn liền với lịch sử Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Ông không chỉ có nhiều công lao trong hai cuộc kháng chiến cứu nước, mà ông còn cống hiến hết mình cho nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại, luôn chăm lo tổng kết kinh nghiệm chiến đấu, nâng lên thành lý luận và khái quát một cách cô đúc, giản dị, dễ nhớ để huấn luyện cán bộ và chiến sĩ.
Trung tướng Vương Thừa Vũ tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh năm 1910, tại làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Thuở nhỏ, ông theo cha sang Vân Nam, Trung Quốc sinh sống; lớn lên, làm công nhân xe lửa và năm 1937 học Trường Quân sự Hoàng Phố. Năm 1940, ông về nước, tổ chức hoạt động cách mạng. Từ năm 1941, tham gia phong trào cứu nước, ông đã bị thực dân Pháp bắt giam và năm 1942 bị đày tại trại giam Bá Vân, Thái Nguyên.
Dù ở trong tù, ông vẫn nêu cao chí khí chiến đấu, không chịu khuất phục trước đòn roi tra tấn của quân thù. Ngày 3-7-1945, ông tham gia bạo động giành chính quyền ở Nghĩa Lộ (Yên Bái) nhưng không thành, ông về Bắc Ninh gây dựng cơ sở cách mạng huấn luyện quân sự.
Với tài năng của mình, ông được cấp trên giao giữ nhiều trọng trách trong quân đội: Năm 1946 – Chỉ huy trưởng bộ đội Hà Nội; Khu trưởng Khu 11 (Hà Nội); chỉ huy quân sự Khu 2 bảo vệ Hà Nội; 1947 – 1948 – Khu phó Khu 4 rồi Phân khu trưởng Phân khu Bình – Trị – Thiên.
Tháng 4-1949, ông được giao nhiệm vụ tổ chức Đại đoàn 308 ở Việt Bắc; năm 1949 – 1954, ông là Đại đoàn trưởng đầu tiên Đại đoàn 308 kiêm Chính ủy Đại đoàn (1949 – 1951).
Từ năm 1949 đến 1954, ông đã chỉ huy chiến đấu tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954).
Ngày 28-9-1954, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng và được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội cùng Đại đoàn 308 về tiếp quản Thủ đô; từ năm 1955 – 1963, ông là Tư lệnh Quân khu Hữu Ngạn, rồi làm Tư lệnh Quân khu 3.
Từ năm 1964-1980, ông được giao giữ chức Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam kiêm Giám đốc Học viện Quân chính, kiêm Tư lệnh Quân khu 4 (1964 -1971). Ông được phong quân hàm Trung tướng năm 1974.
Ảnh 1: Đoàn xe chở các chiến sĩ Đại đoàn 308 tiến qua phố Hàng Đào, sáng 10-10-1954 trong niềm hân hoan chào đón của hàng vạn người dân.
Ảnh 2: Các nữ chiến sĩ quân y vẫy chào nhân dân trong ngày về giải phóng Thủ đô.
Ảnh 3: Thiếu tướng Vương Thừa Vũ (bên phải), Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố và bác sĩ Trần Duy Hưng (bên trái), Phó chủ tịch Ủy ban Quân chính cùng các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 tiếp quản Hà Nội tiến hành nghi lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Thủ đô, diễn ra tại sân Cột cờ vào lúc 15 giờ ngày 10-10-1954.
Ảnh 4: Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Đại đoàn 308, Chủ tịch Ủy ban Quân chính thành phố đọc Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đồng bào Thủ đô, tại Lễ chào cờ đầu tiên trong Ngày giải phóng Hà Nội, diễn ra tại sân Cột cờ vào lúc 15 giờ ngày 10-10-1954. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trong quá trình tổ chức chỉ huy chiến đấu, ông rất tích cực rút kinh nghiệm và tổng kết thực tiễn thành lý luận với những khái quát lý luận ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ.
Đặc biệt, những kinh nghiệm, lý luận được ông khái quát ngắn gọn chỉ có mấy câu, mấy dòng, hay thành những câu thơ súc tích… vừa có tính chất dân gian, vừa dễ đi vào lòng người.
Khi ông viết về dân quân miền biển và dân quân miền núi, ông đề cập đến tư tưởng “bám dân, bám đất”, trên trên cơ sở thói quen sinh hoạt đánh bắt cá, săn thú rừng của người dân trở thành cách đánh của dân, của du kích địa phương.
Ông viết: “Ví như bắt cá quây vùng/ Lưới giăng, đón lõng rồi dùng đó đơm…; ví như các tổ săn rừng/ Lùng săn thú dữ bắt cùng mới thôi”, hoặc ông khái quát “Bám dân, bám đất giữ nhà/ Tay cày, tay súng đó là dân quân… Giằng co, luồn lủi khắp nơi/ Trong ngoài cùng đánh, người người tiến công”…
Cũng từ thực tiễn kinh nghiệm chỉ huy bộ đội trong chống Pháp và trên chiến trường chống Mỹ, cùng với khả năng nhạy bén, linh hoạt của mình, ông đã tổng kết và viết nhiều tài liệu có giá trị về nghệ thuật huấn luyện, quản lý bộ đội và tác chiến trên chiến trường, như: Hà Nội 60 ngày khói lửa; Những ngày ở chiến khu 2; Mấy vấn đề về quản lý bộ đội; Mấy kinh nghiệm huấn luyện quân sự; Kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu; Dân quân tự vệ vùng ven biển; Dân quân tự vệ miền núi; Trưởng thành trong chiến đấu; Kế thừa quá khứ hướng về tương lai; Mấy vấn đề về huấn luyện và chiến đấu; Cắt dạ dày Điện Biên Phủ; Tác chiến bảo vệ khu vực.…
Ông còn để lại hàng trăm trang bản thảo viết tay về quân, binh chủng cùng nhiều bài viết đăng trên các báo, tạp chí. Những tài liệu, công trình khoa học do ông viết đã giúp cho cán bộ các cấp trong toàn quân nghiên cứu vận dụng vào thực tiễn huấn luyện, chiến đấu.
Đặc biệt ông đã vận dụng rất sáng tạo tư tưởng quân sự của Đảng vào chiến thuật, nên hầu hết các tác phẩm, tài liệu quân sự văn xuôi, văn vần, cũng như hoạt động thực tiễn chiến đấu, huấn luyện bộ đội và giáo dục, đào tạo cán bộ trong nhà trường, ông đều đề cập tới quan điểm có tính cốt lõi xuyên suốt, đó là mưu mẹo và nghi binh, lừa địch.
Trong bài viết “Để đánh thắng quân địch mạnh”, ông viết: “Ta không chỉ đánh nhau bằng sắt thép mà còn phải biết đánh bằng mưu mẹo. Đấy là cách vật ngã trâu sẽ khó, mà có khi còn bị trâu húc lòi ruột. Nhưng nếu tìm cách bắt chéo hai chân trâu buộc lại thì chỉ dùng sức nhẹ cũng đủ quật ngã trâu”.
Ông còn luôn nhắc cán bộ chỉ huy cấp dưới: “Ta phải biết dùng sức kết hợp với mưu mẹo”. Bên cạnh kịch liệt phê phán người chỉ huy “hữu dũng vô mưu”, “làm bừa, làm ẩu”, ông cho rằng: “Biết dùng mưu và nghi binh sẽ làm cho đối phương bị bất ngờ, mà một đội quân dù mạnh đến đâu, khi bị bất ngờ, nếu không tan rã thì cũng hoảng loạn lúng túng”.
Trong các tài liệu viết về kinh nghiệm chiến đấu, chỉ huy, quản lý bộ đội, thì cuốn tài liệu: “Một số kinh nghiệm chỉ huy chiến đấu” được ông viết khái quát từng công việc cụ thể giúp người chỉ huy nghiên cứu, học tập nâng cao năng lực chỉ huy và khả năng chiến đấu của đơn vị, như: Cách nhìn và đánh giá địa hình của người chỉ huy; Lợi dụng địa hình và cải tạo địa hình; Biết địch, biết ta, đánh là chắc thắng; Tai nghe không bằng mắt thấy; Quyết tâm dứt khoát, rõ ràng; Lúc khó khăn có tiếng nói của cán bộ; khi gay go có mặt người chỉ huy; Lãnh đạo tư tưởng, bảo đảm tổ chức…
Trong đó, ông cho rằng công việc của người chỉ huy bao gồm nhiều mặt, nhưng khái quát có thể gọn trong 3 việc lớn: “Nuôi quân, luyện quân và dùng quân”. Riêng việc nuôi quân không phải chỉ đơn giản làm cho chiến sĩ hằng tháng béo tốt, mà còn rất nhiều vấn đề đòi hỏi người chỉ huy phải vắt óc suy nghĩ.
Ví dụ có trường hợp rất thiếu thốn lương thực, nhưng đơn vị phải hành quân vượt qua núi rừng hiểm trở, đường sá xa xôi và chiến đấu liên tục ngày đêm, người chỉ huy vẫn phải làm thế nào bảo đảm cho bộ đội có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ.
Đối với việc luyện quân cũng vậy, luyện thế nào để bộ đội mình chiến đấu giỏi, chiến đấu được trên mọi địa hình, mọi thời tiết, đánh thắng địch trong mọi tình huống khó khăn, phức tạp nhất.
Nuôi quân cho khỏe, cho dẻo dai, bền bỉ để có sức chịu đựng trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn, gian khổ nào. Luyện quân cho giỏi, cho tinh để có khả năng đánh thắng bất cứ kẻ thù nào. Hai việc đó làm tốt, đến việc thứ ba vô cùng quan trọng nữa là “dùng quân”, tức là chỉ huy chiến đấu. Nuôi quân tốt, luyện quân giỏi nhưng dùng quân tồi thì thật là uổng công và có tội với Đảng, với nhân dân, với chiến sĩ…
Ông cho rằng: “Khi luyện tập, nếu tiến quân sai có thể ra lệnh lại, làm lại và chỉ đổ vài giọt mồ hôi. Nhưng trong chiến đấu, tiến quân sai, có khi không có điều kiện làm lại nữa, hoặc “tiến quân lại” được thì xương máu cũng đã đổ rồi”. Do vậy, đã là người chỉ huy – dù chỉ huy mấy người – cũng nhất thiết phải rèn luyện lập trường, tư tưởng, rèn luyện kỹ thuật, chiến thuật và học tập công tác tổ chức, chỉ huy”.
Ngoài kinh nghiệm bản thân, ông còn rất chú ý tập hợp kinh nghiệm ở các chiến trường, những tổng kết từ chiến trường, rồi nâng lên, khái quát thành lý luận mới, như khi ở chiến trường Tây Nguyên, thường sử dụng chiến thuật “chốt kết hợp vận động” được ông sửa lại thành “vận động tiến công kết hợp chốt” và chiến thuật “bao vây công kích” được sửa là “vận động bao vây tiến công liên tục”.
Nhất là trong nhiều bài văn đã thể hiện các hình thức chiến thuật đều được ông thể hiện thông qua tư tưởng dùng sức kết hợp với mưu mẹo, nghi binh, lừa địch, như câu văn vần: “Giặc kia rồi. Ta đợi đây. Chúng nhô đầu dậy, cho ngay phát đoàng. Bắn xong di chuyển chỗ nằm. Ở lâu một chỗ nó nhằm thấy ta. Bắn gần kết hợp bắn xa. Bắn thằng phía trước cùng là xuyên hông. Chớ tùy tiện đánh lung tung. Phải có chiến thuật với cùng mưu cao”.
Hoặc “Ngụy trang, bí mật, nghi binh. Khéo léo, hiểm hóc, địa hình tạo ra”, hoặc “Nghi binh, mưu kế song song. Khiến thù lúng túng sao vòng thua đau”…
Cả cuộc đời ông luôn suy nghĩ vận dụng, sáng tạo tư tưởng quân sự của Đảng, nghệ thuật quân sự truyền thống vào cách đánh cụ thể, đào tạo cán bộ và huấn luyện bộ đội.
Những tư tưởng, như “giữ bí mật, tạo bất ngờ, giành chủ động, đánh tiêu diệt”, hay tư tưởng “một diệt, bốn cắt”…, cần được các thế hệ cán bộ quân đội hiện nay tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng vào huấn luyện, quản lý bộ đội, xây dựng đơn vị.
Với những công lao to lớn của ông đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Trung tướng Vương Thừa Vũ đã được Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công cùng nhiều phần thưởng cao quý.
Dù ở cương vị công tác nào, Trung tướng Vương Thừa Vũ luôn giữ vững phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, đúng như nhận định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “…Vương Thừa Vũ là con người trung thực, tính tình nghiêm nghị với tấm lòng nhân hậu, cương trực thẳng thắn nhưng coi trọng đoàn kết… Anh có lối sống cần kiệm giản dị, liêm khiết, mẫu mực, không chạy theo danh lợi, luôn luôn nghĩ đến việc làm có ích cho xã hội, cho quân đội… Và bao trùm lên hết, Vương Thừa Vũ là một người cộng sản có đạo đức cách mạng, một vị tướng Trí – Dũng – Nhân – Tín – Liêm – Trung như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy…”.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét: “Đồng chí Vương Thừa Vũ là một người chỉ huy cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam, một đảng viên cộng sản, một chiến sĩ cách mạng nhất mực trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, một người chỉ huy mẫu mực, dũng cảm, kiên quyết của quân đội ta.
Đồng chí đã cống hiến cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đã đem hết tài năng, trí tuệ, nghị lực phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, nhiệm vụ chính trị, quân sự của Đảng…
Đồng chí đã có nhiều đóng góp vào việc xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và phát triển nghệ thuật quân sự, động viên mạnh mẽ tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ, góp phần xứng đáng vào chiến thắng vẻ vang của quân và dân ta trước kẻ thù mạnh hơn ta gấp nhiều lần về vũ khí, trang bị”.
Đồng chí Lê Quang Đạo – nguyên Chủ tịch Quốc hội phát biểu trong lễ tưởng niệm đồng chí Vương Thừa Vũ, ngày 2-10-1998 đã nhấn mạnh: “Anh Vương Thừa Vũ thể hiện rõ bản chất một người công nhân, một người cộng sản chân chính, trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc, noi gương đạo đức của Bác Hồ “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, một quân nhân cách mạng rất kỷ luật, rất dân chủ và đầy nghị lực, một con người rất tình nghĩa”.
- Nội dung:
ĐỖ QUANG LƯU
- Ảnh:
Tư liệu – TTXVN
- Kỹ thuật, đồ họa:
TÔ NGỌC – PHÚC THẮNG