Trung Quốc và ba đại tang năm 1976 – BBC News Tiếng Việt
Trung Quốc và ba đại tang năm 1976
25 tháng 9 2018
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông và Chu Đức ‘thuở hàn vi’ năm 1935
Năm 1976 là thời điểm cùng một lúc ba ‘công thần khai quốc’ của Đảng Cộng sản Trung Quốc qua đời – Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và Chu Đức.
Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Chu Ân Lai tạ thế vì ung thư ngày 8/1/1976.
Trên giường bệnh, Chu Ân Lai yêu cầu hỏa táng, và rải tro ông trên “sông núi Trung Hoa”.
Ông được hỏa táng ba ngày sau khi qua đời, và trong ba ngày sau đó, quần chúng được phép vào viếng tại Cung Văn hóa Lao động Bắc Kinh.
Đến ngày thứ bảy, một buổi lễ nhỏ diễn ra tại Đại lễ đường nhân dân, Bắc Kinh.
Lãnh tụ tối cao, Chủ tịch Mao Trạch Đông, không đến dự cả buổi lễ nhỏ lẫn buổi hỏa táng.
Điếu văn do Đặng Tiểu Bình đọc hôm 15/1 – đây là lần xuất hiện cuối cùng của Đặng trước khi bị hạ bệ để rồi phải đến năm 1977 mới được khôi phục chính trị.
Sau lễ tang, Không quân Quân Giải phóng rải tro Chu Ân Lai xuống các khu vực nhạy cảm về chính trị, như vùng dân tộc thiểu số và Eo biển Đài Loan.
Sau khi qua đời, cái tên Chu Ân Lai trở thành biểu tượng tập hợp của các nhóm xét lại ở cả trong và ngoài Đảng Cộng sản.
Vào tiết Thanh Minh 4/4/1976, hàng ngàn người kéo đến quảng trường Thiên An Môn đặt vòng hoa tưởng niệm Chu Ân Lai, để lại những bài thơ có hàm ý chính trị.
Ngày hôm sau, Quân Giải phóng Nhân dân ra tay đàn áp. Ngay lập tức, Đặng Tiểu Bình bị cách mọi chức vụ, và Hoa Quốc Phong chính thức lên làm Thủ tướng.
Nguồn hình ảnh, Getty Images
Chụp lại hình ảnh,
Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai năm 1953
Nguồn hình ảnh, VCG
Chụp lại hình ảnh,
Vài tháng sau cái chết của Chu Ân Lai, một phong trào tưởng niệm ông và chống Tứ nhân bang nổ ra ngay ở quảng trường Thiên An Môn, đầu tháng 4/1976
Nguyên soái Chu Đức qua đời
Nguyên soái Chu Đức là một trong vị tư lệnh quan trọng nhất giúp Mao Trạch Đông giành chiến thắng, kết thúc nội chiến Quốc – Cộng năm 1949.
Năm 1949, Chu Đức làm Tổng tư lệnh Quân Giải phóng Nhân dân (PLA), chỉ huy Chí nguyện quân Trung Quốc trong chiến tranh Triều Tiên 1951-1953.
Ông được phong nguyên soái năm 1955.
Chu Đức qua đời ngày 6/7/1976, hưởng thọ 89 tuổi.
Vị nguyên soái được hỏa táng, nhưng tro của ông được chôn ở Nghĩa trang Cách mạng Bát Bảo Sơn dành cho các quan chức cao cấp của Trung Quốc.
Mao qua đời, chính biến xảy ra
Người sáng lập nhà nước cộng sản Mao Trạch Đông từng khuyến khích việc hỏa thiêu các lãnh đạo từ năm 1956.
Nguồn hình ảnh, Alamy
Chụp lại hình ảnh,
Mao Trạch Đông
Tuy vậy, trước khi qua đời, ông Mao không đề nghị hỏa thiêu.
Thi hài Mao được ướp và đưa vào lăng ở Quảng trường Thiên An Môn sau khi ông qua đời ngày 9/9/1976.
Trung Quốc khi đó tuyên bố 10 ngày quốc tang cho Mao.
Trung Quốc không nhờ chuyên gia Liên Xô mà sử dụng nhóm chuyên gia của họ để ướp thi hài Mao Trạch Đông.
Vào lúc này, vợ Mao, Giang Thanh, đã bị vô hiệu hóa và chỉ được phép gửi vòng hoa đến lễ tang của chồng.
Cái chết của Mao Trạch Đông khép lại giai đoạn Cách mạng Văn hóa đầy sóng gió.
Ngày 6/10/1976, ‘tứ nhân bang’, gồm Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên và Vương Hồng Văn, bị bắt.
Hoa Quốc Phong, người được Mao lựa chọn, được tấn phong làm Chủ tịch Đảng và Thủ tướng.
Đặng Tiểu Bình được phục chức, gồm cả vị trí Phó Chủ tịch Đảng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Phó Thủ tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng.
Nhưng Hoa Quốc Phong nhanh chóng mất quyền kiểm soát, bị loại khỏi chức thủ tướng năm 1980 và mất chức chủ tịch đảng năm 1981.
Hai năm sau ngày Mao Trạch Đông từ trần, hội nghị trung ương 3 của Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 12/1978 tuyên bố cải cách và mở cửa.
Sự kiện này đánh dấu việc Trung Quốc bắt đầu phát triển kinh tế và hiện đại hóa, sát lại gần với Hoa Kỳ, chống Liên Xô và Việt Nam.
Đặng Tiểu Bình được xem là kiến trúc sư của công cuộc cải cách gọi là Khai phóng, mở cửa.
Đặng qua đời mùa Xuân năm 1997, để lại một nước Trung Quốc đã hoàn toàn khác thời Mao.
Xem thêm về Trung Quốc:
Tư liệu: