Giải mã ghi chép của Trịnh Hoài Đức về buổi đầu đất phương Nam
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân – Ảnh: L.ĐIỀN
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân vừa ra mắt bản dịch tập sách ‘Gia Định thành thông chí’ – tác phẩm người đọc không thể bỏ qua nếu nói về việc viết lịch sử Nam bộ hay nghiên cứu lịch sử – địa lý – văn hóa Nam bộ.
Bản dịch lần này được xem là bản có nhiều chú thích, khảo chứng và hoàn chỉnh hơn cả kể từ bản dịch tiếng Việt năm 1972 (Nguyễn Tạo dịch).
Không chỉ chỉnh sửa những chỗ sai của người đi trước, công việc của ông Phạm Hoàng Quân gần như là giải mã các ghi chép của Trịnh Hoài Đức, để làm rõ những nội dung được đề cập trong nguyên tác chữ Hán, qua đó có nhiều thông tin thú vị về vùng đất phương Nam buổi ban đầu mà bạn đọc ngày nay vẫn còn tìm hiểu được.
Một ưu điểm nổi bật hiện rõ trong những ghi chép là về tình hình du nhập và định cư hay lai vãng mua bán của cộng đồng người Hoa tản mác trong các quyển, phần này không chỉ là mảng tư liệu quý đối với việc soạn sử và việc nghiên cứu về lịch sử Hoa kiều trong nước, mà còn được học giới Trung Quốc ngày nay đặc biệt coi trọng. Trên bình diện khu vực, các ghi chép của người Trung Hoa cho đến giữa thế kỷ thứ XIX, phần phía nam bán đảo Đông Dương vẫn có rất nhiều khoảng trống, cả về địa lý lịch sử và cả về tình hình hoạt động của Hoa kiều, vì vậy, Gia Định thành thông chí vốn được học giới Trung Hoa khai thác rất sớm.
Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân
Tuổi Trẻ Online có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân:
* Gia Định thành thông chí, với người đọc thông thường sẽ khó hình dung được sự hấp dẫn của nó, ông có thể trình bày những nét nổi bật nhất (về sự hấp dẫn), chẳng hạn từ các ghi chép của Trịnh Hoài Đức, có thể thấy những điểm “tiềm năng” của Gia Định và cả Nam kỳ để sau này nơi đây trở thành đô thị và vùng đất quan trọng của Tổ quốc hay không?…
– Gia Định thành thông chí có nghĩa là Ghi chép về thành Gia Định hay Địa chí thành Gia Định, nhưng thành Gia Định vào thời điểm biên chép không phải chỉ riêng vùng Sài Gòn – Gia Định, mà là vùng đất sau đó được gọi là Nam kỳ Lục tỉnh, tức ứng với Đông Nam bộ và Tây Nam bộ ngày nay. Do tên sách dễ gây hiểu lầm về không gian địa lý nên bản dịch đã thêm phụ đề “Địa chí vùng Nam Bộ đầu thế kỷ XIX”.
Qua sách này, ở quyển 6 Thành trì chí, độc giả có thể hình dung được dạng hình sơ khai hồi cách đây 200 năm của các đô thị lớn như Sài Gòn (nơi đặt lỵ sở thành Gia Định và trấn Phiên An), Biên Hòa (nơi đặt lỵ sở trấn Biên Hòa), Mỹ Tho (nơi đặt lỵ sở trấn Định Tường), Vĩnh Long (nơi đặt lỵ sở trấn Vĩnh Thanh), Hà Tiên (nơi đặt lỵ sở trấn Hà Tiên) cùng một số thị tứ cấp huyện mà nay đã thành những tỉnh lỵ hoặc thành phố lớn, với những công sở, đồn lũy, bến cảng, kho tàng, chùa miếu, đường sá.
Quyển này cũng cho độc giả biết được tình hình thương nghiệp của các thị tứ thuở ấy.
Quyển 2 – Sơn xuyên chí ghi chép khá rõ về núi rừng, gò giồng, sông rạch, cồn bãi, bưng biền, biển đảo, tuy là ghi chép địa lý nhưng phần này lại có đôi phần mềm mại tựa như một bức tranh tổng thể phác họa non sông gấm vóc một miền.
Quyển 3 – Cương vực chí khái quát tiến trình mở mang bờ cõi đất phương Nam từ hơn 300 trước, việc giao thiệp với Cao Miên và Xiêm La, tình hình làm ăn sinh sống của các dân tộc Việt, Cao Miên, Hoa, cũng như những địa bàn có người dân định cư sớm, những thôn xã ban đầu.
Quyển 4 – Phong tục chí cho biết sơ lược về phong tục tập quán của người Việt, người Hoa, tức có thể định dạng một số nét văn hóa truyền thống.
Quyển 5 – Vật sản chí tái hiện nền kinh tế ban đầu với nét chính là sản xuất nông lâm ngư nghiệp.
Đây có thể xem là những thông tin cho thấy “tiềm năng” của một vùng đất từ thuở sơ khai đã mang dáng dấp sẽ phát triển thành những đô thị và giữ vị trí trọng yếu trong chỉnh thế cấu thành Tổ quốc.
Bản Gia Định thành thông chí do ông Phạm Hoàng Quân dịch, chú và khảo chứng vừa ra mắt – Ảnh: L.ĐIỀN
* Được biết các nhà nghiên cứu nước ngoài từng quan tâm rất sớm đến Gia Định thành thông chí (như trường hợp GS Trần Kinh Hòa dịch và công bố một phần nội dung Gia Định thành thông chí từ năm 1956), ông có thể cho biết vị trí và tầm quan trọng của bộ sách này trong lĩnh vực nghiên cứu các vấn đề khoa học xã hội của nước nhà?
– Sách Gia Định thành thông chí được dịch sang tiếng Pháp xuất bản từ năm 1863, nhưng bản dịch này bỏ hẳn quyển 6 – Thành trì chí. Sở dĩ nó được người Pháp lưu ý sớm là do sách này chứa đựng nhiều thông tin cần thiết cho việc cai trị Nam kỳ.
Còn ông Trần Kinh Hòa là một học giả Hoa kiều, rất hứng thú với việc tìm hiểu lịch sử và văn hóa người Hoa ở hải ngoại, mà trong Thành trì chí thì có rất nhiều tư liệu không chỉ chép về sự tích những nhân vật nổi tiếng như Mạc Cửu, Trần Thượng Xuyên, mà còn đề cập cả cộng đồng người Hoa thương nhân cũng như bình dân ở xứ Nam Kỳ.
Gia Định thành thông chí được ứng dụng trong việc soạn sử và trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu bởi nó là cơ sở dữ liệu lịch sử địa phương được xây dựng đầu tiên.
Nhiều thông tin từ sách này đã được Quốc sử quán triều Nguyễn tham khảo khi biên soạn bộ sử biên niên Đại Nam thực lục (trong phần Tiền biên và Chính biên Đệ nhất kỷ), và các sách Đại Nam nhất thống chí (phần Lục tỉnh Nam Việt), Đại Nam liệt truyện…
Nếu nói về việc viết lịch sử Nam bộ hay nghiên cứu lịch sử – địa lý – văn hóa Nam bộ ắt không thể bỏ qua sách Gia Định thành thông chí.
Nhưng trong khoảng 50 năm qua, hầu như chỉ thấy ứng dụng tư liệu từ các bản dịch sách này, chưa thấy công trình nghiên cứu về Gia Định thành thông chí, một pho sách độc đáo như vậy đáng được lấy làm đối tượng nghiên cứu, khi có nhiều công trình nghiên cứu sâu sát về nó, tôi nghĩ sẽ có thêm nhiều điều mới mẻ.
Theo nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, có đến hàng trăm địa danh được Hán hóa trong Gia Định thành thông chí, tuy một số địa danh được ghi kèm tên gốc (vừa chép tên chữ Hán, vừa chép tên chữ Nôm), nhưng có rất nhiều tên chỉ chép bằng tên chữ Hán, điều này đã gây khó khăn không nhỏ cho các dịch giả của 3 bản dịch trước đây trong việc đưa lại đúng tên gọi mà dân gian vẫn dùng từ xưa đến nay.
Vì vậy, những địa danh đã được Hán hóa ấy phải phục hồi đúng tên thông dụng để người đọc hiện nay khi đọc sách có thể nhận biết là cụ Trịnh Hoài Đức đang nói đến chỗ nào, đề cập tới đâu, nhắc đến những ai… là tiêu chí hàng đầu của bản dịch mới này.
Tìm những chuyện hay ho của Sài Gòn – Gia Định