Tiểu sử đồng chí Nguyễn Hữu Tiến | TRƯỜNG TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NGUYỄN HỮU TIẾN

 Đ/c Nguyễn Hữu Tiến (còn gọi là giáo Hoài, là Hải Đông) sinh ngày 05/3/1901 tỉnh Hà Nam. Lúc nhỏ, Nguyễn Hữu Tiến là người thông minh ham đọc sách báo, rất thích đọc thơ văn của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục của cụ Phan Bội Châu. Những vần thơ yêu nước đó đã có tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, tình cảm của đồng chí.

         Sau khi cha qua đời, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông mở trường tư dạy học tại làng để gần gũi giúp đỡ gia đình. Với lối sống gần gũi, hoà nhã, vui vẻ, Nguyễn Hữu Tiến đã gây dựng được sự cảm mến với nhiều người trong  làng và truyền cảm lòng yêu nước đến với họ, đặc biệt là với học trò và thanh niên.

Năm 1925 – 1926, ông đã vận động một số thanh niên, học sinh có tư tưởng tiến bộ tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu và dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh.

Năm 1927, Nguyễn Hữu Tiến được đọc sách, báo chí cách mạng tiến bộ như : “Nhân đạo”, “Người cùng khổ” nên dần dần được giác ngộ và được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Từ đó, ông cùng các Hội viên của Hội hăng hái hoạt động cách mạng.

Cuối năm 1929, chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của huyện Duy Tiên được thành lập, ông là một trong những Đảng viên đầu tiên ở chi bộ này.

Tháng 9/1930, tại Hội nghị thành lập Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Hà Nam, Ban chấp hành tỉnh uỷ lâm thời gồm 03 đ/c trong đó có Nguyễn Hữu Tiến.

Ngày 20/4/1931 Nguyễn Hữu Tiến bị bắt, thực dân Pháp đã dùng mọi cực hình tra tấn dã man nhưng vẫn không khai thác được gì. Ông cùng với các đ/c khác đã tuyệt thực để phản đối sự khủng bố dã man của địch. Sau đó, chúng đưa ông về giam ở nhà tù Phủ Lý.

Ngày 29/02/1932, toà án của thực dân Pháp ở Hà Nam đã kết án tử hình Nguyễn Hữu Tiến. Ông phản đối lại bản án phi lý nên toà án thượng thẩm của địch ở Hà Nội phải mở phiên toà ngày 02/5/1932, rút án tử hình xuống còn khổ sai chung thân và chuyển đ/c về giam ở Hoả Lò (Hà Nội).

Cuối năm 1932, chúng đưa đ/c ra toà thượng thẩm xử lại một lần nữa, hạ mức án xuống còn 20 năm tù khổ sai và 20 năm quản thúc.

Đầu năm 1935, đ/c được chi bộ Đảng ở Côn Đảo bố trí cho vượt biển trở về đất liền hoạt động, nhưng do bị lạc hướng vì gió thổi mạnh nên thuyền dạt lại vào đảo. Chúng đã trừng phạt đ/c trong hầm xay lúa và phải chịu nhiều cực hình vì tội trốn tù.

Khoảng 4/1935, đ/c cùng một số đ/c khác (Tạ Uyên, Tống Văn Trân, Phạm Hồng Thái…) được chi bộ Đảng bố trí vượt biển về đất liền. Nhờ có kinh nghiệm của các lần vượt biển trước, có sự chuẩn bị chu đáo hơn nên chuyến đi lần này đã thuận buồm xuôi gió về được đất liền thuộc địa phận tỉnh Bạc Liêu.

Sau khi thực dân Pháp ráo riết khủng bố Đảng ta, nhiều đ/c trong xứ uỷ lần lượt bị sa lưới, Đảng điều động một số lên thay thế. Nguyễn Hữu Tiến được điều lên Sài Gòn và có chân trong Thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn do Nguyễn Thị Minh Khai làm bí thư.

Năm 1940, Nguyễn Hữu Tiến đã vẽ lá cờ đỏ sao vàng được in thành nhiều bản gởi cho các cơ sở trước ngày  khởi nghĩa Nam kỳ (23/11/1940) nổ ra. Lá cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, được quần chúng cách mạng giương cao và tung bay trước trụ sở cơ quan cách mạng tại một số vùng thuộc tỉnh Mỹ Tho và huyện Vũng Liêm (Vĩnh Long)

Tại Sài Gòn, địch lùng sục ráo riết, cơ quan Thành uỷ phải dời từ ngã bảy Chợ Lớn về tại một nhà gần cơ sở Chuồng ngựa, khu vực Bàn Cờ (Sài Gòn). Tại đây, lúc 7 giờ tối ngày 30/7/1940, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Hữu Tiến và một số đ/c khác bị mật thám Pháp vây bắt.

Tại bót Catina, chúng tra tấn, đánh đập hết sức dã man, nhưng ông vẫn kiên cường chịu đựng, giữ tròn khí tiết người cộng sản không khai báo gì cho địch.

Từ tháng 3 đến tháng 5/1941, địch liên tiếp mở các phiên toà để xử các đ/c lãnh đạo Đảng ta. Nguyễn Hữu Tiến và một số đ/c lãnh đạo Đảng khác bị toà án địch xử tử hình với tội danh mà chúng bịa ra là “chịu trách nhiệm tinh thần về cuộc khởi nghĩa Nam kỳ, xúi giục dân chúng làm rối loạn quốc gia”. Biết mình sắp bị kẻ thù giết hại, Nguyễn Hữu Tiến đã làm thơ nhắn lại:

“… Anh em đi trọn con đường nhé

Cờ đỏ sao vàng sáng tương lai.”

         Sáng ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa các đ/c Hà Huy Tập (nguyên tổng bí thư), Võ Văn Tần (nguyên bí thư xứ uỷ Nam kỳ), Nguyễn Thị Minh Khai (nguyên bí thư Thành uỷ Sài Gòn – Chợ Lớn) và Nguyễn Hữu Tiến (Thành uỷ viên) ra xử bắn tại trường bắn cạnh giếng nước sau bệnh viện Hóc Môn ngày nay.

Đ/c Nguyễn Hữu Tiến đã hy sinh anh dũng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Tấm gương sáng ngời của đ/c mãi mãi xứng đáng cho các thế hệ thanh thiếu niên hôm nay và mai sau học tập và noi theo.

Trích Tóm tắt tiểu sử đồng chí Nguyễn Hữu Tiến  (Lê Trung Ngôn – Chuyên viên Ban nghiên cứu  lịch sử Đảng Thành ủy TP.HCM)

Tượng đài Đ/c Nguyễn Hữu Tiến trong khuôn viên nhà trường.

NGUYỄN HỮU TIẾN

NGƯỜI VẼ QUỐC KỲ CHO TỔ QUỐC VIỆT NAM

 

chắn qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước, mỗi triều đại của cha ông ta đều có quốc kỳ nhưng không thấy sử sách ghi cụ thể ra sao.

Khi hoàn toàn đặt ách đô hộ trên toàn cõi nước ta, thực dân Pháp chỉ cho treo cờ của chúng – cờ tam sắc. Đó là một nỗi nhục của người dân mất nước. Do đó, những người yêu nước khi dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng đều nghĩ đến lá quốc kỳ biểu tượng cho hồn thiêng đất nước, linh hồn của Tổ quốc. Họ đặt niềm tin mãnh liệt khi đất nước sạch bóng quân thù thì lá cờ ấy sẽ tung bay trên bầu trời tự do của Tổ quốc. Đó cũng là ước mơ của một dân tộc nô lệ. Sứ mệnh của lịch sử đã trao cho Đảng Cộng sản Việt nam thực hiện nguyện vọng thiêng liêng này của toàn dân tộc. Người chiến sĩ cách mạng đã sáng tác nên lá quốc kỳ Việt nam chính là Nguyễn Hữu Tiến.

Để chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (1940), từ mùa đông năm 1939, tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ và bí thư xứ ủy Nam kỳ Võ Văn Tần đã giao cho Nguyễn Hữu Tiến nhiệm vụ vẽ lá cờ Tổ quốc. Đó chính là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh như ngày nay chúng ta từng được thấy. Nguyễn Hữu Tiến đã giải thích ý nghĩa lá cờ này bằng các câu thơ:

Nền cờ thắm máu đào vì nước

Sao vàng tươi da của giống nòi

Đứng lên mau hồn nước gọi ta rồi

Hỡi sĩ – nông – công – thương – binh

Đoàn kết lại như sao vàng năm cánh.

           Khi cuộc khởi nghĩa Nam kỳ nổ ra, lá cờ đỏ sao vàng đã được quần chúng giương cao và ngạo nghễ tung bay trước trụ sở cơ quan cách mạng tại một số vùng thuộc miền Tây Nam bộ.

Tháng 2/1941, lá cờ đỏ đỏ sao vàng năm cánh được trao cho trung đội Cứu quốc quân đầu tiên của nước ta mới thành lập tại Bắc sơn.

Tháng 4/1941 Mặt trận Việt Minh được thành lập, trong chương trình hành động có ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi đế quốc Pháp – Nhật, sẽ lập nên chính phủ nhân dân của nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm quốc kỳ”. Đây là văn bản đầu tiên nói về lá cờ của chính quyền cách mạng.

Trung tuần tháng 8/1945, Đại hội quốc dân họp tại Tân Trào (Tuyên quang) quyết định lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ khởi nghĩa trong cả nước.

Cách mạng tháng Tám thành công, Quốc hội khoá đầu tiên của nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà đã ghi vào Hiến pháp: “Quốc kỳ Việt nam Dân chủ Cộng hoà hình chữ nhật, chiều rộng bằng hai phần ba chiều dài, nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh”.

Năm 1976, sau khi thống nhất đất nước, Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt nam tiếp tục lấy lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm quốc kỳ.

Có một điều thú vị là trong nhà lưu niệm Nguyễn Hữu Tiến tại Nam Hà, có treo bức tranh của nhạc sĩ Văn Cao – tác giả bài Tiến quân ca, quốc ca của Việt nam – vẽ cảnh Nguyễn Hữu Tiến đang ngồi sáng tác lá cờ đỏ sao vàng, quốc kỳ Việt nam.

Rate this post