NSƯT Phượng Hằng – nghệ sĩ Châu Thanh kể về cái duyên với kỹ thuật vọng cổ hơi dài
Trên sân khấu “Dấu ấn huyền thoại” được ví như thước phim tài liệu dài, chiếu ngược về quá khứ để khán giả cùng cảm nhận những thăng trầm trong sự nghiệp của cặp đào kép “huyền thoại” NSƯT Phượng Hằng, nghệ sĩ Châu Thanh.
Cái duyên với kỹ thuật vọng cổ hơi dài
Để nói về NSƯT Phượng Hằng, nghệ sĩ Châu Thanh, khán giả yêu nhạc sẽ có những cảm nhận rất riêng về cặp “sóng thần” một thời này. Ở họ có những mảng đối lập đầy thú vị trong giọng hát như tình cảm mà oán trách, mềm mại mà mạnh mẽ nhưng lại lắng đọng đến chết mê cái cảm xúc ở con tim khán giả. Và đặc biệt hơn tất cả để khắc họa trọn vẹn về NSƯT Phượng Hằng, nghệ sĩ Châu Thanh phải nói đến kỹ thuật vọng cổ hơi dài – thứ vũ khí khiến người nghe từ “ngại” nghe cải lương sang thích, từ thích sang yêu và cuối cùng là chìm đắm trong giai điệu của dòng nhạc cổ này.
NSƯT Phượng Hằng, nghệ sĩ Châu Thanh tham gia chương trình
“Năm 1979, thời gian Châu Thanh ở Tây Ninh thường hay nghe những người anh hát hơi dài như anh Giang Châu. Mình rất là ái mộ cái kiểu ca của anh, nghe sao nó đã quá. Sau khi mình xuống Hồ Chí Minh theo đoàn hát, lúc đó Châu Thanh được thầy Diệp Lang nhận vào đoàn Sài Gòn 2 và được một người cậu là nhạc sĩ Đoàn Huy giới thiệu cho gặp NSND Diệp Lang. Vô trong đoàn, mình gặp ngay anh Giang Châu.
Tiếp theo thời gian nữa, mình nghe một người anh ca hơi dài dữ nữa, đó là anh Linh Vương. Tất cả đều nổi tiếng trong thập niên năm 70. Châu Thanh quá mê thì từ đó mới luyện. Mình chép ra rồi mình học, mình ca. Sau đó, mình ca rồi thấy được rồi, mình thấy đủ duyên để ca những câu ca này rồi, thuộc rồi. Và sau mình trừ hao, nghĩa là có thể 1 câu đó mình ca lại 2, 3 lần để trừ hao khi mình lên sân khấu là vừa. Rồi có duyên gặp anh nhạc sĩ Văn Giỏi” – Nghệ sĩ Châu Thanh kể về cái duyên đến với kỹ thuật vọng cổ hơi dài.
Đến năm 1985, khi về với đoàn cải lương Trung Hiếu – nơi chữ “duyên” một lần nữa xuất hiện để Châu Thanh gặp được cô đào Phượng Hằng tạo nên cặp “sóng thần” vào thời hoàng kim của cải lương lúc bấy giờ. NSƯT Phượng Hằng cũng chia sẻ hành trình chinh phục kỹ thuật vọng cổ hơi dài: “Hồi xưa rất mến giọng ca của anh Minh Cảnh. Mình nghe thì mình cũng thích, thích cách luyến láy của anh và thích luôn giọng ca của chị Thanh Kim Huệ”.
Sự nghiệp thăng trầm của một người nghệ sĩ đâu chỉ dừng lại ở chữ “duyên” là sẽ được khán giả đón nhận bằng mỗi giọng hát, đặc biệt trong dòng nhạc cổ này. Nghệ sĩ Châu Thanh thẳng thắn tâm sự: “Cuộc đời không phải chỉ có ca không là đủ, phải học diễn nữa”. Để tạo ra một Châu Thanh, Phượng Hằng của ngày hôm nay không chỉ đơn giản là lên sân khấu và ca. Họ cũng giống như bao người trong bất kì ngành nghề khác, đều phải rèn luyện và học hỏi, nâng cấp bản thân theo từng ngày, từng sản phẩm. Để bây giờ, dù thời gian có trôi qua bao nhiêu năm, NSƯT Phượng Hằng và nghệ sĩ Châu Thanh vẫn giữ nguyên vẹn cái “duyên” với cải lương.
Nâng tầm giá trị cải lương bằng kỹ thuật vọng cổ hơi dài
Kỹ thuật vọng cổ hơi dài trở thành biểu tượng trong sự nghiệp đầy thăng trầm của cặp đôi “sóng thần” NSƯT Phượng Hằng, nghệ sĩ Châu Thanh từ thời hoàng kim đến tận bây giờ. Gói gọn từ sự ái mộ và yêu thích những giọng ca cải lương hơi dài đi trước, cặp đào kép “huyền thoại” đã thực sự mang kỹ thuật ấy đi thêm một đoạn đường rất dài cùng các vở kịch trở thành bất hủ như “Khi rừng thu thay lá”, “Vụ án mã ngưu”, “Chiến công thầm lặng”,…
Không chỉ đơn thuần tập luyện theo lời viết ban đầu, họ còn làm mới để mang đến cho người nghe được thưởng thức và chiêm ngưỡng nghệ thuật cải lương với nhiều màu sắc tuyệt đẹp khác nhau. Bởi lý do đó mà nghệ sĩ Châu Thanh bộc bạch ngay khi thể hiện xong trích đoạn “Khi rừng thu thay lá” rằng, “Đặc biệt trong vở tuồng này có kiểu ca do chính Châu Thanh và Phượng Hằng tạo nên cái E. Thí dụ như nãy Hằng có ca trong lòng câu là 16 nhịp, còn Thanh ca đoạn cuối đó thì Châu Thanh cũng tạo những cái riêng tư”.
NSƯT Phượng Hằng cũng cho biết thêm: “Các bản gốc chỉ có hơi ngắn thôi, một câu vọng cổ chỉ ngắn thôi. Chỉ có hơi dài thì mình tự viết hoặc nếu có tác giả trong lúc diễn đó, dàn dựng thì người ta mới viết cho mình được” và “Ca hơi dài phải rõ chữ và luyến láy chứ không phải mình ca là mình tống lên, như vậy sẽ không có cảm xúc. Hơi dài mà mình hát tình huống nguy cấp sẽ phù hợp hơn. Mình hát những lúc buồn quá mà mình ca hơi dài là không đúng thời điểm sẽ không thích hợp với khán giả”.
Không phải bỗng nhiên khán giả có thể nhớ từng giai điệu ấy, lời thoại đó hay thậm chí là mạch cảm xúc đang chảy trong từng phân cảnh từ những vở tuồng kinh điển của cặp đôi “sóng thần” làm mưa làm gió một thời. Bởi lẽ, ẩn sau đó là tình yêu sâu đậm của NSƯT Phượng Hằng, nghệ sĩ Châu Thanh muốn gửi đến những người trót mê cải lương các sản phẩm nghệ thuật đẹp đẽ nhất, tinh hoa nhất để bất kì ai cũng có thể hóa thân và chạm vào mọi tầng cảm xúc sâu thẳm đang giấu đâu đó trong mỗi người.
35 năm và lời cảm ơn cho sự hội tụ trong vở “Vụ án mã ngưu” tại “Dấu ấn huyền thoại”
Khi trích đoạn “Vụ án mã ngưu” vừa kết trên sân khấu “Dấu ấn huyền thoại”, khán giả liền cảm nhận được hơi ấm từ những giọt nước mắt hạnh phúc của NSƯT Phượng Hằng, nghệ sĩ Châu Thanh. Người nghệ sĩ không có gì quý hơn khi nhìn thấy người nghe cùng khóc cùng đi theo mạch cảm xúc của nhân vật trên sân khấu. Họ khóc vì biết ơn tất cả khán giả yêu nhạc nói chung và với những ai đến giờ phút này vẫn đắm chìm trong từng câu ca cổ ấy.
Nghệ sĩ Châu Thanh xúc động, ghìm chặt đôi tay chia sẻ: “Lâu lắm rồi, từ khi vở tuồng này khai diễn từ năm 1986 thì hôm nay được tái diễn lại trên sân khấu ‘Dấu ấn huyền thoại’ này, Châu Thanh mới được gặp lại Quách Dương và Thục Oanh trong một không khí ấm áp, đầy chất lượng, đầy sự yêu thương của người tổ chức và chắc hôm nay khán giả cũng rất vui cũng như Châu Thanh, Phượng Hằng cùng các bạn diễn rất vui khi được gặp lại tất cả quý khán giả. Hạnh phúc lắm quý vị ơi!”.
Những lời tâm tình của nghệ sĩ Châu Thanh làm cho NSƯT Phượng Hằng không khỏi nghẹn ngào: “Nói đến vở này, Phượng Hằng cũng nhớ đến thầy Đoàn Bá bởi vì thầy đã dàn dựng cho vở này. Thầy đã nói Phượng Hằng một câu là ‘Phượng Hằng à, con trúng số đỏ. Bởi vì cả đời nghệ sĩ có khi đi hết cả đời cũng không có vở nào tâm đắc như thế mà con được vở này vừa vui vừa bi ai’. Vở ‘Vụ án mã ngưu’ này đi đâu mọi người cũng nhắc đến và cũng tạo dấu ấn tên tuổi của Châu Thanh, Phượng Hằng nên rất gợi lại kỷ niệm. Phượng Hằng cảm ơn chương trình này”.
Chặng đường của một người nghệ sĩ dù dài hay ngắn, họ đều mong muốn tạo nên dấu ấn của riêng mình để khi ngoảnh lại, họ vẫn cảm nhận được bằng cảm xúc về tình yêu khán giả dành cho sự cống hiến suốt một đời người vì nghệ thuật. NSƯT Phượng Hằng, Nghệ sĩ Châu Thanh được hội ngộ với Quách Dương, Thục Oanh sau 35 năm và đồng thời, khán giả cũng được gặp lại 2 người nghệ sĩ với kỹ thuật vọng cổ hơi dài năm nào./.