BBCVietnamese.com

Ông Hồ Cẩm Đào đứng bên trái hình được lãnh tụ Đặng Tiểu Bình bắt tay, người đứng giữa là ông Giang Trạch Dân

Nhân dịp tin quốc tế nói Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sang thăm Việt Nam từ cuối tháng 10 đến ngày 2.11.2005, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị tiểu sử của ông.

Ông Hồ Cẩm Đào lên làm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ngày 15 tháng Ba 2003.

Nay ông còn nắm chức vụ Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương của đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.

Được đào luyện ở cơ sở

Sự nghiệp chính trị của ông Hồ Cẩm Đào khởi phát ngay sau khi ông Đặng Tiểu Bình trở lại trung tâm quyền lực hồi cuối thập niên 1970.

Sinh tháng 12.1942, ông Hồ Cẩm Đào là một trong số ít các cán bộ trẻ được chọn để thăng tiến nhanh chóng.

Ông đã phục vụ tại những vùng sâu và xa nhất của Trung Quốc, nhưng cũng là những nơi quan trọng nhất như Cam Túc, Quý Châu và Tây Tạng.

Ông từng công tác tại cơ sở ở tỉnh Cam Túc năm 1968 và ở đó đến tận năm 1982 khi ông trở thành thành viên của Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Cộng sản và sau làm Chủ tịch Liên đoàn Thanh niên Trung Quốc.

 Thành công phụ thuộc vào sự điềm đạm, chú ý chi tiết và lòng dũng cảm

Thành công phụ thuộc vào sự điềm đạm, chú ý chi tiết và lòng dũng cảm

 

Ông Hồ Cẩm Đào

Sau đó, năm 1985 ông được phong làm Bí thư đảng tỉnh Quý Châu và sau là Bí thư Tây Tạng.

Tại Tây Tạng, ông đáp trả các cuộc biểu tình của người Tây Tạng theo xu hướng ly khai bằng lệnh thiết quân luật.

Lệnh là mở đường cho các biện pháp hà khắc được áp dụng sau này khi chính quyền trấn áp vụ biểu tình của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Theo bài của BBC News Online, nhiều người Tây Tạng tin rằng ông Hồ Cẩm Đào có can dự vào việc Panchen Lama, vị lãnh đạo tinh thần thứ nhì của Tây Tạng bị chết đột ngột.

Những người Tây Tạng đó cũng phê phán ông Hồ Cẩm Đào tuy lãnh đạo vùng này nhưng lại không sống ở đó nhiều vì có vẻ như ông bị bệnh khi lên vùng đất cao.

Về Trung ương nắm tổ chức và lý luận

Điều quan trọng nữa là sau khi rời Tây Tạng trở lại Bắc Kinh, ông Hồ Cẩm Đào nắm các chức vụ lo về mặt tổ chức và nhân sự và lý luận đào tạo cho các quan chức cao cấp.

Năm 1992, ở vào tuổi 49, ông Hồ Cẩm Đào được bầu vào làm thành viên Thường trực của Bộ Chính trị ĐCSTQ.

Tại hội nghị này, cũng là hội nghị đầu của Ban Chấp hàngh TƯ ĐCS TQ khóa 14, người ta quyết định tạo ra bước thay đổi thế hệ về nhân sự cho cấp lãnh đạo cao nhất của TQ.


Từ năm 1993 đến cuối 2002, ông Hồ làm Hiệu trưởng Trường Đảng của Ban Chấp hành TƯ, nơi được coi là trường đào tạo các cán bộ cao cấp và cơ sở chuẩn bị lý luận cho họ.

Ông đưa vào Trường Đảng khóa học về kinh tế thị trường và các tiêu chuẩn mới về quản trị tốt. Điều này khiến một số người tin rằng thực tâm ông là một nhà cải tổ.

Nhưng dù bản năng chính trị của ông thế nào đi nữa, ông vẫn luôn theo đường lối Đảng vạch ra. Trong một bài nói rất hiếm được ghi lại, ông cho rằng ‘Thành công phụ thuộc vào sự điềm đạm, chú ý đến các vấn đề cụ thể và sự dũng cảm khi ra quyết định’.

Ông trở thành Phó Chủ tịch nước Trung Quốc tháng Ba 1998 và Phó Chủ tịch Quân ủy TƯ tháng Chín 1999. Tại đại hội 16 của Đảng, ông được bầu làm Tổng bí thư ĐCSTQ.

Nhưng phải tới ngày 19.09.2004, ông chính thức lên thay ông Giang Trạch Dân ở vị trí Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Quân đội Nhân dân Trung Hoa.

Ông quen bà Lưu Vĩnh Thanh khi hai người cùng là sinh viên đại học Thanh Hoa. Hai người lấy nhau và có một con trai, một con gái. Cả hai con họ đều tốt nghiệp đại học này.

 

Rate this post