Ông Hồ Cẩm Đào bị “giáng” vị thế
Ở Trung Quốc, thứ tự xuất hiện của các quan chức là vấn đề cực kỳ nhạy cảm và được theo dõi sát sao vì nó thường cho thấy sự thay đổi về quyền lực.
Kể từ cuộc chuyển giao quyền lực hồi tháng 10-2012, khi ông Tập Cận Bình lên làm lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Hồ Cẩm Đào được nêu tên sau các thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị trong các bản tin của truyền thông nhà nước Trung Quốc.
Chủ tịch đương nhiệm Tập Cận Bình (phải) và cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào
tại một phiên họp của Đại hội Nhân dân Trung Quốc (NPC) tháng 3-2013 ở Bắc Kinh Ảnh: REUTERS
Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, trong thông báo tang lễ của một quan chức cấp tỉnh đã về hưu ở Giang Tô ngày 5-9, tên ông Hồ Cẩm Đào xếp sau tên của 25 thành viên Bộ Chính trị trong danh sách các quan chức gửi lời chia buồn. Trong khi đó, tên ông Tập Cận Bình được nhắc đến trong một dòng riêng ở đầu thông báo.
Doãn Vận Công, chuyên gia thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định: “Việc giáng vị trí cho thấy các quan chức cấp cao đã về hưu sẽ không can thiệp vào ban lãnh đạo hiện tại”.
Theo học giả Vương Chiêm Dương của Viện Xã hội học Trung ương, vị trí mới của ông Hồ Cẩm Đào cho thấy sự ủng hộ vai trò nòng cốt của ông Tập trong ban lãnh đạo trung ương mới.
Việc thay đổi thứ tự này diễn ra trong bối cảnh xuất hiện nhiều đồn đoán rằng cuộc chiến chống tham nhũng hiện nay của ông Tập Cận Bình đang nhắm vào các đồng minh của cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân. Hàng chục quan chức cấp cao, trong đó có cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc, cựu Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang, đã bị điều tra.
Tên của ông Giang Trạch Dân thường xuất hiện ngay sau tên của ông Hồ Cẩm Đào trong các thông báo trên báo chí nhà nước trong 10 năm ông Hồ Cẩm Đào nắm quyền, theo giới phân tích điều đó chứng tỏ tầm ảnh hưởng của người tiền nhiệm.