Mối tình “sét đánh” của ông Tập Cận Bình và bà Bành Lệ Viên
Một giọng ca tuyệt đẹp
Đệ nhất phu nhân Trung Quốc, bà Bành Lệ Viên sinh năm 1962 tại tỉnh Sơn Đông, là ca sĩ nhạc dân tộc nổi tiếng trong nước. Năm 15 tuổi, cô Lệ Viên thi đỗ Học viện nghệ thuật Sơn Đông.
Năm 18 tuổi, trong một hội diễn văn nghệ ở Bắc Kinh, cô thiếu nữ Lệ Viên đã thay mặt Đoàn đại biểu tỉnh Sơn Đông biểu diễn ca khúc “Nghi mông sơn quê hương tôi” làm rung động giới âm nhạc trong nước.
Đệ nhất phu nhân Trung Quốc, bà Bành Lệ Viên. (ảnh: CRI).
Sau đó, Lệ Viên gia nhập văn công quân đội và đem giọng hát làm say mê lòng người của mình đi biểu diễn phục vụ bà con nhân dân, các binh sỹ Trung Quốc và mang âm nhạc dân gian quê nhà ra khắp thế giới.
Mô tả về bà, đài CRI (Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc) đã hết lời ca tụng: “Từ vùng sâu vùng xa cho đến biên cương hải đảo, từ nơi sa mạc hoang vu cho đến vùng cao núi tuyết… dấu chân của bà Bành Lệ Viên đã in lên khắp trời nam đất bắc trong cả nước, tiếng hát của bà đã vang vọng khắp đất trời Trung Hoa”.
Năm 1993, bà Bành Lệ Viên là nghệ sĩ đầu tiên ra khỏi cửa ngõ Trung Quốc đến Singapore tham gia Liên hoan đơn ca, và nhiều lần thay mặt nhà nước đi khắp nơi trên thế giới biểu diễn, bà đã để lại dấu chân của mình trên khắp hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Vở ca kịch “Áng thơ Mộc Lan” do bà thủ vai chính đã lưu diễn trên sân khấu Trung tâm nghệ thuật Lincoln, New York, Mỹ và Nhà hát ca kịch tại thủ đô Vienna, Áo. Bà được Ủy ban Trung tâm nghệ thuật Lincoln trao tặng giải “Nghệ sĩ xuất sắc nhất”, Ủy ban Nhà hát liên bang Áo và Nhà hát quốc gia Vienna trao tặng bà giải thưởng “Đóng góp nghệ thuật xuất sắc nhất”.
Hiện bà Bành Lệ Viên giữ chức vụ Đoàn trưởng Đoàn Ca múa nhạc Tổng cục Chính trị Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, mang quân hàm thiếu tướng, là giáo sư thỉnh giảng tại đại học Bắc Kinh.
“40 phút” ngắn ngủi được se duyên
Năm 1986, một người bạn thân của Bành Lệ Viên đã giới thiệu bà với một người đàn ông. Bà Bành cho biết, kỳ thực bà không thích hình thức mai mối như thế này nên ban đầu đã định từ chối.
Ngày hẹn mặt đã đến, bà Bành cố tình chọn bộ quân phục rộng thùng thình, có ý “thử lòng” đối phương xem có phải là kiểu người chú trọng hình thức hay không.
Ảnh chụp vợ chồng Tập Cận Bình tháng 9/1989. (Ảnh: Tân Hoa xã).
Theo CRI, trong thâm tâm, “người trong mộng” của bà phải là một anh chàng có tài, có học vấn, không cần giàu sang nhưng cần có lòng tự tin, sự rắn rỏi và cứng cáp.
Lúc giới thiệu, người bạn chỉ nói rằng nhân vật này hiện đang công tác tại thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến. Nghe thấy thế, bà Bành có chút băn khoăn, hai người sống ở hai nơi, làm sao kết hôn được. Nhưng rồi, nghe bạn nói đây là một người đàn ông tài ba xuất chúng, bà mới đồng ý gặp mặt.
Lúc bấy giờ, Bành Lệ Viên đã nổi tiếng trong giới ca nhạc Trung Quốc, còn ông Tập Cận Bình đang là Phó thị trưởng thành phố Hạ Môn. Bà Bành nhớ lại, ấn tượng đầu tiên khi gặp ông Tập là người đàn ông này ăn vận còn giản dị, “quê mùa” hơn cả mình; nhìn bề ngoài có phần già trước tuổi.
Tuy nhiên, cuộc trò chuyện kéo dài 40 phút sau đó, đã khiến bà Bành Lệ Viên phải lòng ông, từ từ cảm thấy đây là một người đàn ông tốt.
Bà Bành chia sẻ, ông Tập không giống như những người đàn ông khác: “Anh ấy không hỏi tôi kiếm được bao nhiêu tiền, thậm chí còn không biết tôi là ai. Thay vào đó anh ấy hỏi han việc luyện thanh và quan tâm về kỹ năng ca hát của tôi”.
Ngay từ câu hỏi đầu tiên của ông Tập: “Thanh nhạc chia làm mấy kiểu hát?”, bà Bành đã cảm thấy người đàn ông này rất gần gũi.
Sau đó, ông Tập lại hỏi xem bà Bành đã từng hát những bài nào. Bà trả lời bà từng hát bài “Trên mảnh ruộng hy vọng”, ông Tập nói ông đã từng nghe qua, đấy là một bài hát rất hay.
40 phút trò chuyện với ông Tập trôi qua nhanh chóng, nhưng bà Bành vẫn cảm thấy có chút quyến luyến, chưa vội về ngay cả khi người bạn từ dưới nhà gọi lên. Cuối cùng, 2 người chia tay nhau và hẹn gặp lại lần nữa.
Bà Bành kể lại: “Lúc đó, tim tôi đập thình thịch và thầm nghĩ “đây phải chăng là người chồng đàn ông lý tưởng của mình?”.
Kết thúc buổi gặp mặt, ông Tập cũng thổ lộ lại với bà rằng: “Gặp em không đến 40 phút, nhưng anh chắc chắn rằng em chính là vợ của anh”. Theo truyền thông Trung Quốc, ông Tập chính là mối tình đầu của bà.
Một năm sau, cả 2 quyết định tiến tới hôn nhân mặc dù trước đó gia đình bà Bành lên tiếng phản đối. Một đám cưới hết sức giản dị được tổ chức vào ngày 1/9/1987.
Sau khi bàn bạc với chồng sắp cưới qua điện thoại, Bành Lệ Viện đến đơn vị xin giấy giới thiệu, mua vé máy bay bay thẳng đến Hạ Môn. Vừa xuống sân bay, ông Tập đón bà và đưa đến một hiệu chụp ảnh để chụp ảnh cưới, rồi tới trụ sở đăng ký kết hôn.
Hôm đó, thị trưởng và các vị lãnh đạo thành phố Hạ Môn nhận được điện thoại của ông Tập Cận Bình mời tới dùng bữa vào lúc 7h tối. Đúng hẹn, mọi người tập trung tại nhà hàng, khi ông Tập đứng ra giới thiệu, mọi người mới kinh ngạc khi biết rằng đây chính là tiệc cưới của ông.
Năm 1992, bà Bành sinh người con gái đầu lòng, cô Tập Minh Trạch- người sau này đã tốt nghiệp đại học Harvard năm 2015.
Vợ chồng đồng thuận, gia đình ấm êm
Đôi vợ chồng trẻ cưới nhau chưa được bao lâu thì phải sống xa nhau, do mỗi người đều có sự nghiệp riêng của mình, rất ít khi được bên nhau. Dẫu vậy, cả hai đều biết cảm thông và ủng hộ cho sự nghiệp của nhau. Bất cứ lúc nào rảnh , cả 2 vợ chồng đều dành thời gian quan tâm chăm sóc cho gia đình.
Ông Tập thể hiện tình cảm, chăm sóc cho bà Bành trong một chuyến thăm vườn thực vật. (ảnh: Tân Hoa xã).
Theo đài CRI, là một nghệ sỹ quân đội nổi tiếng, bà Bành Lệ Viên thường xuyên nhận nhiệm vụ xuống các cơ sở biểu diễn, thậm chí có những lúc phải đi công tác 2-3 tháng mới về. Do vậy mà ông Tập thường xuyên lo lắng cho người vợ của mình. Cứ lúc nào rảnh, dù là trời đã khuya, ông Tập ngày nào cũng phải gọi ít nhất 1 cuộc điện thoại hỏi thăm vợ rồi mới yên tâm đi nghỉ.
Bà Bành và ông Tập có 1 cô con gái đặt tên là Tập Minh Trạch. Bà Bành cho biết đây là tên do ông nội của Minh Trạch đặt cho với mong ước sau này con gái mình lớn lên sẽ là một người tốt, có ích cho xã hội.
Bận rộn với công tác chuyên môn và công tác xã hội như vậy, nhưng bà Bành Lệ Viên lại rất coi trọng sinh hoạt gia đình. Theo bà, nếu mà vì sự nghiệp mà buông bỏ gia đình, không sinh con, thì không bao giờ bà đồng ý.
Bà Bành quan niệm, gia đình chính là ngọn núi, là bến bờ của người phụ nữ để họ dựa vào trong cuộc đời. Đệ nhất phu nhân Trung Quốc cũng cho biết, bà thích ở nhà nấu ăn, xem ti vi, chăm sóc gia đình như bao người phụ nữ bình thường khác.
Theo Telegraph, năm 2007, dư luận Trung Quốc từng dấy lên tin đồn cặp đôi sắp chia tay vì cả 2 đều quá bận bịu. Tuy nhiên, sau đó, tin đồn này nhanh chóng bị dẹp bỏ. Trả lời báo chí, bà Bành khen ngợi chồng là một người đàn ông chân thành, khiêm nhường và tốt bụng. Còn với ông Tập, ông từng chia sẻ trên tờ Youth Express rằng: “Chỉ cần mọi điều tốt lành đến với cô ấy là tôi đã hạnh phúc”.
Biểu tượng quyền lực mềm của Trung Quốc
Bà Bành Lệ Viên thường xuyên tháp tùng chồng trong các chuyến công du, tạo được nhiều ấn tượng với cánh truyền thông và báo chí. Thậm chí, có người còn cho rằng, mức độ nổi tiếng của Đệ nhất phu nhân Trung Quốc có khi còn vượt cả chồng bà.
Váy áo hợp mốt, phong thái duyên dáng, nụ cười thân thiện, hình ảnh bà phủ sóng trên các tờ báo nước ngoài mỗi lần bà cùng ông Tập công du. Báo chí phương Tây không tiếc lời ca ngợi bà, với những thán từ như “duyên dáng”, “tuyệt đẹp”, “sang trọng” hay “quyến rũ”. Riêng trang Telegraph gọi bà là “bậc thầy của nghệ thuật ngoại giao qua trang phục”.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên trong một chuyến công du. (Ảnh: Telegraph).
Theo SCMP, bà là Đệ nhất phu nhân Trung Quốc đầu tiên được liệt kê trong danh sách những người có gu thời trang đáng ngưỡng mộ vào năm 2013 do tạp chí Vanity Fair bầu chọn. Tạp chí Forbes cũng xếp bà là phụ nữ quyền lực thứ 57 trên thế giới năm 2014.
Ngoài việc là ca sĩ dòng nhạc dân gian, bà còn là đặc phái viên của UNESCO về quyền học tập cho phụ nữ, cũng như là đại sứ thiện chí của Tổ chức Y tế Thế giới về lao và HIV/AIDS. Tháng 9/2015, bà gây ấn tượng mạnh trước các đại biểu Liên Hợp Quốc khi có bài phát biểu bằng tiếng Anh.
Ở bà, luôn toát lên vẻ tự tin. Trong chuyến thăm trường âm nhạc Juilliard ở New York, bà cất cao giọng hát một bài ca Trung Quốc khiến những người chứng kiến không khỏi ngưỡng mộ giọng hát của bà.
Lúc đi cùng chồng dự triển lãm công nghiệp sáng tạo ở London, bà Bành dùng tiếng Anh trực tiếp nói chuyện với Nữ công tước xứ Cambridge Kate Middleton mà không cần phiên dịch.
Các chuyên gia nhận định, việc gia nhập vào giới nghệ thuật sớm đã hỗ trợ bà trong việc tạo dựng nên hình ảnh một Đệ nhất phu nhân thanh lịch, nổi bật, đầy sức cuốn hút như vậy.
SCMP dẫn lời ông Kerry Brown, giáo sư môn Trung Quốc học, đại học King, London cho biết, bà Bành đã sử dụng rất tốt hình ảnh của mình để nâng cao quyền lực mềm của Trung Quốc một cách “chiến thuật”.
“Khả năng nói tiếng Anh, cũng như gu thời trang tinh tế là tài sản của bà để quảng bá một Trung Quốc hiện đại và thú vị”, ông Brown nhận xét.
Với giới báo chí, bà Bành không chỉ là một ca sĩ dòng nhạc dân gian, một Đệ nhất phu nhân, mà còn là một biểu tượng quyền lực mềm, giúp quảng bá hình ảnh đất nước Trung Quốc ra thế giới./.