Phạm Thế Hiển: Người làm quan văn thì không tham tiền, làm quan võ thì không sợ chết

7,288

lượt xem

Phạm Thế Hiển (1803 – 1861) quê làng Luyến Khuyết, tổng Đông Triều, huyện Đông Quan, phủ Thái Bình (nay là thôn Đồng Hòa, xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy). Ông thi đỗ tiến sĩ khi mới 25 tuổi (1828).

Hơn 10 năm làm việc khi ở trong triều, khi ngoài trấn, Phạm Thế Hiển đã có nhiều cố gắng, trong lễ Ân ban (tháng 8/1851) được vua Tự Đức đánh giá là người “cảm kích, siêng năng, cẩn thận, cẩn kíp cho công việc”.

Năm 1854, ông được cử làm Tham tán quân thứ Gia Định, ít lâu sau thăng Tuần phủ Gia Định, rồi Thự (quyền) Tổng đốc Gia Định – Biên Hòa, kiêm Tham biện Kinh lược sứ, cùng Thống đốc quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương lo liệu mọi việc ở sáu tỉnh Nam Kỳ.

Khảo sát đất đai Nam Kỳ ông tâu về triều: “Nam Kỳ có nhiều đất bỏ hoang nếu chiêu mộ được nhiều người hết sức khai khẩn thì sau này có lợi nhiều về kinh tế cho dân và thu được thêm lợi”.

Vua Tự Đức chuẩn tấu và dặn dò ông:

“Sứ ấy là đất căn bản của nhà nước… ngươi cần hết lòng để vỗ yên dân, cốt để nơi biên thùy được tươi tốt”.

Chấp hành lệnh vua, ngay năm ấy (1855) Phạm Thế Hiển đi xem xét chỗ nào có ruộng đất bỏ hoang đều đưa binh lính đến dựng nhà ở, khai phá ruộng hoang để cày cấy. Ông lại cùng Nguyễn Tri Phương và Tổng đốc An Hà (An Giang – Hà Tiên) Doãn Uẩn xin triều đình cho xây dựng đồn lũy kiên cố ở những chỗ hiểm yếu nơi biên thùy, cửa bể, cửa sông để ngăn chặn giặc cướp và chống ngoại xâm.

Ngày 1/9/1858, thực dân Pháp tấn công Đà Nẵng, để tăng cường chỉ đạo và cũng là tìm người tài giỏi chống Pháp, triều đình phong cho Nguyễn Tri Phương Tổng thống quân thứ, cho Phạm Thế Hiển Tham tán đại thần và điều hai ông ra Đà Nẵng. Ra tới Đà Nẵng, rút kinh nghiệm của những người tiền nhiệm (đã thất bại) hai ông chủ trương “lấy thủ làm chiến” cho đắp đồn lũy thành phòng tuyến kiên cố và liên tiếp mở các trận phục kích tiêu hao sinh lực địch. Trận chiến ở Đà Nẵng từ tháng 10/1858 dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển quân ta vừa đánh vừa thủ, vừa tiến vừa giữ đến tháng 2/1859 buộc Pháp phải rút lui. Sau chiến thắng Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển được triệu về kinh ban thưởng. Vua Tự Đức hỏi kế sách đánh giặc, hai ông đều thống nhất “đánh là tiện hơn cả” và nói: “Các hạt Nam Kỳ nước ta thóc gạo, sản vật rất nhiều, tàu thuyền buôn bán có lợi… ý chúng (chỉ Pháp) muốn chiếm lấy đất ấy chứ không muốn hòa, cho nên nhiều lần hội bàn giảng hòa không thành…”.

Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia lăng mộ và đền thờ Phạm Thế Hiển (thôn Đồng Hòa, xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy).

Ngay sau khi về triều, được tin mẹ ốm, Phạm Thế Hiển xin nghỉ về thăm nhà, cả hai lần ông về thăm quê đều vì cha mất, mẹ ốm. Tại quê nhà, ông đã có dịp gặp gỡ các văn thân yêu nước ở Thái Bình, Nam Định cổ vũ, động viên họ kháng chiến.

Chiến tranh ở Gia Định và các tỉnh phía Nam diễn ra dữ dội, triều đình lại điều Nguyễn Tri Phương vào Nam, trước khi lên đường, ông đề đạt với vua Tự Đức:

“Tham tán Phạm Thế Hiển người ấy có kiến thức đảm lược, có thể giúp chỗ tôi không nghĩ đến… người ấy về thăm nhà, hết hạn xin phái đến quân thứ (Nam Kỳ) để bàn bạc lo việc”.

Lời tâu trình với vua của Nguyễn Tri Phương cho ta thấy ông đánh giá cao về Phạm Thế Hiển. Từ quê nhà trở lại kinh, Phạm Thế Hiển được cử làm Tham tán quân thứ Gia Định và phải cần kíp lên đường ngay. Vào tới Gia Định, ông cùng Nguyễn Tri Phương lo bố phòng lại lực lượng, chiến lũy Chí Hòa được củng cố mở rộng. Hai ông cho áp dụng nhiều cách đánh địch: tập kích quấy rối, phục kích đánh địch khi chúng ra khỏi đồn. Chiến trường Gia Định ở thế giằng co trong từ năm 1859 đến đầu năm 1861. Tháng 2/1861, giặc Pháp tăng cường thêm lực lượng nhằm phá vỡ thế bị bao vây. Chúng tập trung 8.000 quân với 30 tàu chiến các loại đánh phá đại đồn Chí Hòa (Gia Định). Nguyễn Tri Phương bị thương nặng, Phạm Thế Hiển thay thế ông chỉ huy chiến đấu nhưng trước sức tấn công mạnh của đội quân thiện chiến lại có vũ khí tối tân, Phạm Thế Hiển phải cho quân bỏ đồn Chí Hòa rút về Biên Hòa củng cố lực lượng, chuẩn bị cho những trận đánh tiếp sau.

Tin đại đồn Chí Hòa thất thủ, vua Tự Đức triệu Phạm Thế Hiển về kinh để hỏi rõ sự tình. Trên đường ra Huế, tới Phú Yên, Phạm Thế Hiển bị bệnh và qua đời. Các tỉnh thần Phú Yên đã đưa thi hài ông về an táng tại quê hương ông. Trên đường đưa linh cữu về quê, tỉnh thần và quân thứ các tỉnh đều ra nghênh đón, tế lễ tỏ lòng tôn kính ông.

Văn thần Phú Yên nơi ông mất, cũng là nơi ông đã từng làm Án sát, có câu đối viếng ông, tổng kết về cuộc đời làm quan và phẩm hạnh của ông:

“Đà Nẵng trạch, Hải Vân nam, vũ bất tắc tử, văn bất ái tiền, thiên hạ thái bình tương hữu nhất

Ngoại Lãng tiền, Luyến Khuyết hậu, thần năng thần trung, tử năng tử hiếu, anh hùng khí khái lẫm như sinh”. Nghĩa là trấn ở cửa Đà Nẵng, phía nam Hải Vân, làm quan võ thì không sợ chết, làm quan văn thì không tham tiền, lòng chỉ mong thiên hạ thái bình. Trước đã có Doãn Uẩn (ở Ngoại Lãng), sau có Phạm Thế Hiển (ở Luyến Khuyết) khí khái anh hùng lẫm liệt khi chết cũng như khi sống vậy.

Hiện nay, thôn Đồng Hòa, xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy có lăng mộ và đền thờ ông, là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Phạm Minh Đức

Thành phố Thái Bình

Rate this post