Đặng Lệ Quân

Đặng Lệ Quân (tiếng Trung truyền thống/tiếng Quan Thoại: 鄧麗君, nghệ danh Teresa Teng) là một ca sĩ, diễn viên và là người làm công tác thiện nguyện nổi tiếng người Đài Loan. Cô đã trở thành biểu tượng lớn của nhạc pop Quan Thoại (Mandopop) và luôn được nhắc đến trong câu nói “Ở đâu có người Hoa, ở đó có nhạc của Đặng Lệ Quân”.

Đặng Lệ Quân

Đặng Lệ Quân xuất hiện trong hình ảnh tư liệu công bố trong PBN 83

Thông tin

Tên thật, tên gọi khác (nếu có)

Teresa Teng (tên nước ngoài/nghệ danh)
Tiểu Đặng (gọi bởi người Trung Hoa Đại lục)
Nữ hoàng từ thiện (danh hiệu ở Hong Kong)
Asia’s Eternal Queen of Pop (danh hiệu sau khi qua đời)

Giới tính

Nữ

Sinh

29 tháng 1 năm 1953

Mất

8 tháng 5 năm 1995

Tuổi

Hưởng dương 42 tuổi

Sự nghiệp

Thể loại nhạc biểu diễn

Nhạc trữ tình

Trạng thái sự nghiệp

Ngừng hoạt động

Năm bắt đầu sự nghiệp

1964

Năm kết thúc sự nghiệp

1995

Cộng tác với trung tâm Thúy Nga

Chương trình Paris By Night đầu tiên xuất hiện

Paris By Night 83 – Những Khúc Hát Ân Tình

Chương trình Paris By Night cuối cùng xuất hiện

Paris By Night 83 – Những Khúc Hát Ân Tình

Số tiết mục đã tham gia

PBN
TNMB
Live
Khác

0
0
0
0

Gia đình

Trạng thái hôn nhân

Độc thân

Gia đình

– 4 người anh em chưa rõ tên

Tiểu sử

Thời niên thiếu

Đặng Lệ Quân sinh ngày 29 tháng 1 năm 1953 tại Bao Trung, huyện Văn Lâm, đảo quốc Đài Loan, trong một gia đình có 5 anh chị em mà cô là con gái duy nhất và là người con thứ tư, và cha cô là một người lính thuộc Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc. Quê nội cô là huyện Đại Danh, tỉnh Hà Bắc; quê ngoại là huyện Đông Bình, Thái An, và cha mẹ cô đều là người di cư từ Trung Hoa đại lục sau khi cộng sản Trung Quốc cướp chính quyền vào năm 1949.

Thuở nhỏ, gia đình cô sống ở những khu vực nghèo khó nhất của Đài Loan, cụ thể là trong những ngôi làng quân nhân (tiếng Anh: military dependents’ village – nghĩa là những khu nhà được xây lên để làm nơi ở cho những người lính thuộc Quốc quân Trung Hoa Dân Quốc và những thân nhân của họ kể từ thập niên 1950). Năm 1957, cha cô xuất ngũ, mở tiệm bán bánh để nuôi sống gia đình qua ngày. Đặng Lệ Quân bắt đầu theo học tiểu học tại trường Tiểu học Lô Châu, Đài Bắc.

Thuở nhỏ cô đã được mẹ đưa đi xem phim và kịch, và sau này được theo học thanh nhạc. Một người anh em của cô cho biết, bạn của cha cô là một nghệ sĩ đàn nhị (erhu) thường hay đến nhà chơi và nhận xét giọng hát của cô con gái nhà họ Đặng là “rành mạch, nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ”, và chính người này đã trở thành thầy dạy thanh nhạc đầu tiên và là người truyền cảm hứng âm nhạc cho Đặng Lệ Quân sau này.

Năm 1964, cô giành giải thưởng lớn với ca khúc Thăm Anh Đài từ bộ phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài ra mắt năm trước, tại một sự kiện tổ chức bởi Thông tấn xã Đài Loan (Broadcasting Corporation of China). Cô tiếp tục học trường nữ sinh Ginling tại quận Tam Trọng, Đài Bắc nhưng chỉ học được hai năm do không thể cân bằng được giữa việc học và đi hát, và lý do chính là việc cô trở thành người dẫn chương trình One Star A Day, chiếu trong 20 phút từ thứ ba đến chủ nhật, sau đó còn xuất hiện trong nhiều phim truyền hình, dẫn đến việc cô phải nghỉ học. Cô còn đi hát ở nhiều phòng trà lớn nhỏ khác nhau trong phạm vi toàn đảo quốc, và một trong số những phòng trà được nữ ca sĩ trẻ viếng thăm là Paris Night, vốn là phòng trà đang trên đà nổi tiếng nhất nhì Đài Loan ngày ấy, với 70 đêm diễn liên tiếp tại đó và mỗi đêm cô xuất hiện trong vòng 90 phút. Song song với việc đi hát phòng trà, cô còn tham gia thu nhạc trong các phòng thu và phát hành album. Ngày 17 tháng 4 năm 1968, nữ ca sĩ trẻ họ Đặng biểu diễn một hội chợ từ thiện tại Trung Sơn Đường nhằm cổ vũ và xoa dịu nỗi đau cho người dân Philippines sau một trận động đất xảy ra ở quốc gia này, và đó là hoạt động từ thiện đầu tiên được biết đến của nữ ca sĩ trong sự nghiệp của mình.

Sự thành công của Đặng Lệ Quân tiếp tục leo thang một cách chóng mặt, tên tuổi cô vươn ra phạm vi châu Á sau khi cô ra mắt nhiều album gồm những ca khúc trình bày bằng nhiều thứ tiếng khác nhau mà nổi tiếng nhất là những ca khúc bằng tiếng Nhật, một trong những ví dụ điển hình là vào đầu thập niên 1970, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 sáng tác bài Không và bài hát đó đã được phổ lời tiếng Nhật (你 – Nii), Đặng Lệ Quân cũng trở nên nổi tiếng với ca khúc này, và trong một bài báo nói về ca khúc này xuất bản tại Đài Loan, cô có yêu cầu tòa soạn viết rõ tên nguyên tác tiếng Việt của bài hát này.

Tại chính quê nhà của mình, cô thường xuyên đi hát cho người lính Quốc quân, và những buổi biểu diễn cho quân đội của Đặng Lệ Quân là các bài nhạc trẻ và dân ca Đài Loan gần gũi với nông dân hay dân ca Trung Quốc kêu gọi tị nạn.

Hiện tượng tại Trung Hoa đại lục

Năm 1974, nhạc của cô bắt đầu len lỏi vào Trung Hoa Đại lục, khi ấy vẫn còn là quốc gia đóng cửa về kinh tế và văn hóa đối với bên ngoài một phần do ảnh hưởng của Chiến Tranh Lạnh, và bài hát Ánh Trăng Nói Hộ Lòng Tôi năm 1977 đã được rất nhiều người Hoa sống trong đại lục nghe và yêu thích. Thậm chí từ thập niên 1980, khi nhận ra sự nổi tiếng vượt bậc của Đặng Lệ Quân tại đại lục, chính quyền Đài Loan do Quốc Dân Đảng lãnh đạo đã sử dụng những ca khúc của nữ ca sĩ trẻ để thực hiện tâm lý chiến chống lại đảng cộng sản Trung Quốc, khi những ca khúc của cô được phát từ đảo Kim Môn cách ven biển phía Nam đại lục chỉ tối thiểu 6 km với âm lượng lớn. Trước đó nhạc của cô bị chính quyền cộng sản Trung Quốc cấm lưu truyền và gắn mác “mang hơi hướng tư sản” vì căng thẳng giữa Đài Loan – Trung Quốc leo thang trong thập niên 1980, nhưng vì người dân quá yêu thích những bài hát đó nên họ dần dần gỡ lệnh cấm đối với chúng. Cũng ở đại lục, Đặng Lệ Quân được đặt biệt danh là “Tiểu Đặng” vì họ của cô trùng với họ của tổng bí thư kiêm lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc lúc bấy giờ là Đặng Tiểu Bình.

“Ban ngày nghe Lão Đặng, ban đêm nghe Tiểu Đặng” – một trong những câu châm ngôn của người Hoa nói về sự nổi tiếng của Đặng Lệ Quân trong lãnh thổ đại lục.

Nổi tiếng tại Hong Kong và Nhật Bản

Đặng Lệ Quân hoạt động âm nhạc ở cả Nhật Bản lẫn Hong Kong từ cuối năm 1973.

Từ năm 1975 đến năm 1985, cô cộng tác với hãng băng đĩa Polygram tại Hong Kong và suốt mười năm đó, hãng đã bán được tới hơn 5 triệu ấn bản album nhạc của cô.

Những sản phẩm âm nhạc của Đặng Lệ Quân tại Nhật Bản và Hong Kong (tên các ca khúc viết bằng tiếng Anh hoặc chữ Quốc ngữ nếu là tiếng Nhật hoặc tiếng Trung)

Năm

Nhật Bản

Hong Kong

1974

No Matter Tonight Or Tomorrow (ra mắt ngày 1 tháng 3)

Airport (ra mắt ngày 1 tháng 7)

1975

Island Love Songs: Goodbye My Love

1978

Teresa Teng’s Greatest Hits and Love Songs of the Island 3

1979

The Night Ferry

Goodbye, My Love

1980

Antagonist

1982

Teresa Teng’s Concert Live

1983

The Long Journey of Life

1984

Atonement (ra mắt ngày 21 tháng 1)

1985

Lover (ra mắt ngày 21 tháng 2)

1986

Toki no Nagare ni Mi o Makase (ra mắt ngày 21 tháng 2)

Riêng ca khúc Lover (愛人 Aijin) phát hành năm 1985 đứng đầu bảng xếp hạng tại Nhật trong suốt 14 tuần liên tiếp và bán được hơn 1.5 triệu ấn bản trên khắp cả nước. Sau này nhạc sĩ Lữ Liên đã phổ lời Việt cho ca khúc này, đặt tên là Tan Tác.

Lưu diễn trên thế giới

Từ tháng 2 năm 1971 đến tháng 8 năm 1972, Đặng Lệ Quân thực hiện chuyến đi biểu diễn vòng quanh các quốc gia và khu vực như Hong Kong, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam Cộng hòa. Ngày 24 tháng 7 năm 1971, cô tới Sàigòn và biểu diễn ở rạp Lệ Thanh. Cô ở tại khách sạn Bát Đạt trong một tháng từ ngày 24 tháng 7 đến 24 tháng 8. Tại đây, cô tham gia các hoạt động như họp báo, biểu diễn, du lịch và chụp ảnh kỷ niệm trên sông Cửu Long.

Tháng 4 năm 1979, Đặng Lệ Quân tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên tại Vancouver, Canada và đi lưu diễn tại nhiều thành phố lớn ở Hoa Kỳ, trở thành ca sĩ gốc Hoa đầu tiên được lên trang nhất của các tờ báo lớn tại Mỹ. Trong những năm tiếp theo cô tiếp tục thực hiện những buổi hòa nhạc lớn tại Malaysia và Hong Kong.
Ngày 4 tháng 6 năm 1989, biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn xảy ra và chính quyền Trung Hoa đại lục đã đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình bằng quân đội. Thời điểm này Đặng Lệ Quân đang biểu diễn tại Paris và thể hiện sự ủng hộ của cô đối với các học sinh – sinh viên tham gia biểu tình. Trước đó vào ngày 27 tháng 5, buổi biểu diễn kêu gọi ủng hộ dân chủ cho Trung Quốc có Đặng Lệ Quân tham gia được tổ chức tại Hong Kong thu hút tới 300,000 người tham dự.

Trong suốt sự nghiệp lưu diễn của bản thân, nữ danh ca đã lưu diễn ở nhiều nơi trên khắp thế giới nhưng chưa lần nào cô biểu diễn ở đại lục. Cô từng khẳng định rằng ngày cô được trình diễn ở đại lục là ngày mà học thuyết Tam Dân của Tôn Dật Tiên (Dân tộc độc lập, Dân quyền tự do, Dân sinh hạnh phúc) chính thức được áp dụng tại Trung Quốc.

Hoạt động từ thiện

Đặng Lệ Quân tham gia khá nhiều hoạt động từ thiện lớn tại châu Á. Lần đầu tiên cô ra nước ngoài làm từ thiện là vào năm 1969, khi cô được mời bởi phu nhân của tổng thống đầu tiên của Singapore, ông Yusof Ishak, biểu diễn tại nhà hát quốc gia Singapore. Sang năm 1971, cô trở thành người trẻ tuổi nhất được vinh danh “Nữ hoàng từ thiện” bởi người Hong Kong.

Ngày 8 tháng 6 năm 1973, Đặng Lệ Quân tham gia một đêm gala từ thiện mà sau đó, cô đã gây quỹ được tới $400,000 và số tiền đó đã được quyên góp để hỗ trợ các học sinh, sinh viên nghèo. Năm 1980, cô tiếp tục gây quỹ lên tới một triệu Mỹ kim để hỗ trợ cho bệnh viện Yan Chai ở Hong Kong; hai năm sau, Đặng Lệ Quân tiếp tục quyên góp số tiền lên tới NT$160,000 để xây dựng hệ thống nước sạch ở miền bắc Thái Lan. Ngoài ra, cô vẫn tiếp tục tổ chức hoặc tham gia nhiều buổi ca nhạc từ thiện khác nhau tại Nhật Bản, Đài Loan và Hong Kong cho đến tận năm 1994.

Qua đời

Sau sự kiện Thiên An Môn, Đặng Lệ Quân rời Hồng Kông sang Pháp sinh sống, tại đây cô gặp nhiếp ảnh gia người Pháp tên Quilery Paul Puel Stephane, kém cô đến 14 tuổi, sau này trở thành bạn trai của cô. Trong giai đoạn này bệnh hen suyễn của Đặng Lệ Quân đang có chiều hướng trở nặng.

Năm 1995, cô cùng bạn trai đến thành phố Chiang Mai tại Thái Lan du lịch để tận hưởng không khí trong lành và có dự định tiếp tục sáng tác nhạc, tuy nhiên, vào ngày 8 tháng 5 năm 1995 cô đã đột ngột qua đời tại Khách sạn Chiang Mai sau một cơn hen suyễn gây ra bởi việc sử dụng quá liều thuốc amphetamine. Sự ra đi của Đặng Lệ Quân gây ra những cơn sốc lớn tại Hồng Kông, Đài Loan và Nhật Bản. Lễ tang của Đặng Lệ Quân tại núi Kim Bảo ở thành phố Đài Bắc được tổ chức theo nghi thức quốc tang với quốc kỳ Đài Loan được phủ trên linh cữu, với sự tham dự của tổng thống đương nhiệm Lý Đăng Huy cùng hàng ngàn người tại quê nhà. Sự kiện này đã trở thành tang lễ lớn thứ hai trong lịch sử của Đài Loan, chỉ sau tang lễ của lãnh tụ Tưởng Giới Thạch.

Post-mortem

Nữ danh ca được chôn cất tại ngôi mộ ở sườn núi Kim Bảo Sơn, một nghĩa trang ở Kim Sơn, huyện Đài Bắc (nay là Thành phố Tân Bắc) ở phía nam Đài Bắc. Ngôi mộ có tượng của Đặng Lệ Quân và một cây đàn piano điện tử đặt dưới đất để khách viếng khi đặt chân lên phím đàn sẽ phát ra tiếng. Nơi tưởng niệm này luôn được người hâm mộ ghé lại.

Năm 2006, trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 83 – Những Khúc Hát Ân Tình và có sự xuất hiện của hình ảnh và giọng ca của Đặng Lệ Quân với ca khúc Không bằng tiếng Nhật trong phần giới thiệu nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9.

Di sản để lại

Trong suốt sự nghiệp ca hát kéo dài gần 30 năm của mình, Đặng Lệ Quân đã để lại cho hậu thế hơn 1500 ca khúc thu âm trong phòng thu, và những bài hát của cô vẫn còn được người châu Á và người Hoa trên khắp thế giới yêu thích cho đến ngày hôm nay. Cô đã được biết đến là người có tầm ảnh hưởng lớn nhất và thành công nhất trong lịch sử âm nhạc Á Đông và văn hóa đại chúng và là người đã góp phần thay đổi tư duy về văn hóa âm nhạc của người Hoa ở đại lục, trở thành một biểu tượng lớn của cả châu Á.

Ảnh hưởng văn hóa

Những ca khúc của Đặng Lệ Quân mang âm hưởng của nhạc pop và jazz phương Tây, trở thành những kim chỉ nam sớm nhất được biết đến là đã hướng dẫn cho nhiều nghệ sĩ trong đại lục sáng tác những ca khúc mới. Nhạc của cô chủ yếu tập trung vào tình yêu và quan hệ con người, vốn là thứ rất thiếu vắng trong xã hội đại lục dưới thời cộng sản Trung Quốc cai trị lúc bấy giờ. Ca khúc Ánh Trăng Nói Hộ Lòng Tôi là ca khúc đầu tiên được du nhập vào đại lục và chính nó cùng với rất nhiều ca khúc của nữ danh ca là một trong những tác nhân làm nên một cuộc cách mạng lớn về văn hóa đại chúng tại Trung Quốc. Nhà hoạt động dân chủ Ngô Nhĩ Khai Hy từng khẳng định:

“Đối với người Trung Quốc, Đặng Lệ Quân là một người vĩ đại. Nếu Đặng Tiểu Bình là người đã mang tự do kinh tế vào Trung Quốc, thì Đặng Lệ Quân mang đến sự giải phóng con người và tư duy tự do đến với người Trung Hoa.”

Nữ danh ca cũng đồng thời là một trong những nghệ sĩ đã tiên phong trong việc phá vỡ các rào cản ngôn ngữ và nhận được sự chấp thuận và mến mộ từ những nền văn hóa khác nhau, và nhạc của cô đã được trình bày bởi rất nhiều ca – nghệ sĩ trẻ trên khắp thế giới như Vương Phi, Trương Quốc Vinh (Hong Kong); Jon Bon Jovi (Mỹ); Siti Nurhaliza, Shila Amzah (Malaysia); Katherine Jenkins (Wales), Im Yoon-ah (Đại Hàn), David Archuleta (Mỹ);…

Thông tin bên lề

  • Tên thật của Đặng Lệ Quân là được gia đình lấy từ tên của nhân vật chính của một quyển tiểu thuyết sáng tác từ thời nhà Thanh, Tái Sinh Duyên – nhân vật đó tên là Mạnh Lệ Quân.
  • Cuộc đời của nữ ca sĩ Ngọc Lan có nhiều nét tương đồng với Đặng Lệ Quân như sau:
    • Cả hai đều có cha từng là thành viên của một lực lượng vũ trang từng đối đầu với lực lượng vũ trang khác điều hành bởi một đảng phái xã hội chủ nghĩa: cha của Ngọc Lan từng là lính Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cha của Đặng Lệ Quân từng tham chiến chống lại lực lượng vũ trang của đảng cộng sản Trung Quốc từ trước năm 1949.
    • Cả hai đều sinh vào thập niên 1950: Ngọc Lan sinh năm 1956, Đặng Lệ Quân sinh năm 1953.
    • Cả hai đều nổi tiếng với những ca khúc mà nguyên tác của chúng không được viết bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của họ: Ngọc Lan nổi tiếng với những ca khúc nhạc Pháp sau này được phổ lời Việt như Mưa Trên Biển Vắng, Đặng Lệ Quân cũng nổi tiếng khắp châu Á với nhiều ca khúc viết bằng tiếng Nhật.
    • Cả hai đều có tình yêu cho riêng mình trước khi qua đời: Ngọc Lan đã kết hôn với Kevin Khoa trước khi mất, Đặng Lệ Quân có bạn trai là người Pháp vài năm trước khi qua đời. Trùng hợp là cả hai đều được dư luận kết luận là những người không gặp may mắn trong tình yêu dù đang ở trên đỉnh cao của danh vọng.
    • Cả hai đều trở thành biểu tượng âm nhạc của cộng đồng người châu Á nhất định của họ: Ngọc Lan vốn là một trong những diva tiêu biểu của nền âm nhạc Việt Nam tại hải ngoại, Đặng Lệ Quân vốn được phong là Ngũ đại Diva của châu Á.
    • Cả hai đều qua đời ở tuổi ngoài 40 vì bệnh nặng: Ngọc Lan qua đời ở tuổi 44 do bệnh đa xơ cứng, Đặng Lệ Quân qua đời vì bệnh hen suyễn ở tuổi 42.
    • Cả hai đều được an táng một cách truyền thống và luôn có người hâm mộ thăm viếng nơi an nghỉ cuối cùng của mình hàng năm.

Rate this post