Một số đặc điểm mang tính dân tộc trong Khóc Dương Khuê qua đối sánh với Vãn đồng niên Vân Đình Tiến sĩ Dương Thượng thư

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM MANG TÍNH DÂN TỘC TRONG KHÓC DƯƠNG KHUÊ QUA ĐỐI SÁNH VỚI VÃN ĐỒNG NIÊN VÂN ĐÌNH TIẾN SĨ DƯƠNG THƯỢNG THƯ

BẢO NHÂN
Trường Đại học Khoa học Huế

Về mặt thời gian, văn học trung đại Việt Nam được tính từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX. Song có một số nhà thơ như Tú Xương (1870 – 1907), Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), Dương Lâm (1851 – 1920)… và một vài sáng tác của họ đã đặt chân vào thế kỉ XX, tất nhiên vẫn được xếp vào phạm trù văn học trung đại. Bởi vì khái niệm trung đại ở đây còn được hiểu là một hệ hình văn học với hệ thống thi pháp đặc thù, phân biệt với một hệ hình khác: văn học hiện đại.

Tác phẩm Vãn đồng niên Vân Đình Tiến sĩ Dương Thượng thư (VĐNVĐTSDTT) được Nguyễn Khuyến sáng tác bằng chữ Hán vào năm 1902 – năm Dương Khuê mất. Khóc Dương Khuê là tác phẩm mà tác giả tự dịch sang chữ Nôm từ nguyên tác trên. Việc so sánh hai tác phẩm này có thể phản ảnh nhiều điều về những đặc điểm mang tính dân tộc tiêu biểu trong tiến trình dân tộc hoá văn học Việt Nam thời trung đại.

1. Nguyễn Khuyến là nhà thơ kiệt xuất. Nhưng ông còn là một dịch giả tài hoa. Với tư cách thứ hai, giống như các dịch giả khác, Nguyễn Khuyến từng dịch thơ của nền văn học dân tộc khác. Đồng thời, cũng như thiểu số dịch giả khác, Nguyễn Khuyến đã dịch những tác phẩm thuộc chính nền văn học dân tộc mình. Song tự dịch lại và dịch nhiều tác phẩm của chính mình như Nguyễn Khuyến là trường hợp cá biệt trong văn học trung đại Việt Nam. Nguyễn Khuyến đã sáng tác trên 1000 bài thơ. Nhưng tổng số đơn vị tác phẩm sưu tầm được vào loại nhiều nhất cho đến nay chỉ là353. Trong đó gồm267 bài chữ Hán và 86 bài chữ Nôm. Riêng trong 86 bài chữ Nôm đã có đến 20 bài là tác phẩm tự dịch từ 20 bài trong 267 bài chữ Hán. Bài thơ Khóc Dương Khuê là một trong số ấy. Hiện tượng này hẳn phải nói lên một điều gì đó về tính cách và con người Nguyễn Khuyến với tư cách là một tác gia của văn chương trung đại?

Cũng giống nhiều bậc đại trí của văn học Việt Nam thời trung đại, Nguyễn Khuyến ngoài việc sáng tác bằng chữ Hán, còn sáng tác bằng chữ Nôm, góp phần tạo nên tính song ngữ trong văn học. Họ trân trọng chữ Hán, nhưng họ tràn đầy tình yêu chữ Nôm – thứ chữ đặc trưng nhưng gần gũi, ghi được tiếng nói của dân tộc mình. Khi đánh giá thế hệ các nhà thơ Mới, Hoài Thanh có viết: “Họ yêu vô cùng thứ tiếng mấy mươi thế kỉ đã chia sẻ vui buồn với cha ông. Họ dồn tình yêu quê hương trong tình yêu tiếng Việt. Tiếng Việt, họ nghĩ, là tấm lụa đã hứng vong hồn những thế hệ đã qua”. Cách đánh giá này cũng giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn về tâm hồn của những chân dung lớn như Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan, Nguyễn Khuyến, Dương Khuê, Tú Xương… Tiếng Việt thời trung đại được ghi bằng chữ Nôm và học Hoài Thanh, chúng ta có thể nói Khóc Dương Khuê chính là những sợi tơ trong tấm lụa đã hứng vong hồn thế hệ Nguyễn Khuyến. Nó không đơn thuần chỉ là dịch phẩm mà còn là một sáng tác đúng nghĩa, thoát thai từ tình yêu quê hương, dân tộc của Nguyễn Khuyến.

2. Dương Khuê – Nguyễn Khuyến là đôi bạn tri kỉ trong văn học trung đại Việt Nam. Họ có một thời gắn bó, đồng cảm rất chân tình suốt hơn nửa đời người. Chúng ta biết Nguyễn Khuyến có đến 6 bài thơ thù tạc, thăm hỏi, tâm sự và tiễn biệt với Dương Khuê.VĐNVĐTSDTTlà bài cuối cùng trong số 6 bài thơ ấy. Nó được Nguyễn Khuyến sáng tác vào giây phút tử biệt sinh li của đôi bạn này. Việc chọn thơ ngũ ngôn cổ thể để chuyển tải nỗi lòng xót thương và tiếc nuối về người bạn đi mãi không về như thế là hết sức phù hợp. Bởi vì loại thơ ngũ ngôn rất có duyên với giọng điệu buồn, hoài niệm và hình thức cổ thể cho phép nhà thơ bộc bạch được nhiều rung cảm từ trái tim mình. Không phải ngẫu nhiên mà thể loại này rất được sính dụng trong các bài châm, minh, tán, vãn thuở trước. Bài thơ VĐNVĐTSDTT vì thế cũng thuộc vào loại thiểu số những sáng tác dài hơi của Nguyễn Khuyến.

Thơ dịch của Nguyễn Khuyến cũng đa dạng thể loại: thất ngôn luật thể, thất ngôn cổ thể, hát nói, lục bát, song thất lục bát. Khóc Dương Khuê được dịch theo thể song thất lục bát (hay lục bát gián thất). Việc sử dụng thể loại này để dịch VĐNVĐTSDTT cũng là một sự lựa chọn khéo léo và có dụng ý. Bởi vì:

Thứ nhất, lục bát (truyện thơ), hát nói (ca trù) và song thất lục bát (ngâm khúc) là ba thể loại thuần tuý dân tộc. Nếu lục bát và song thất lục bát mang nặng chất trữ tình thì hát nói ngoài chất trữ tình, còn có tính hài hước, trào lộng. Hai đặc điểm của ba thể loại này cũng chính là hai nét tính cách đặc thù của người Việt: trữ tình và trào lộng.

Thứ hai, theo các nhà nghiên cứu thể loại, “nếu thể lục bát được áp dụng một cách thích đáng vào truyện thơ thì song thất lục bát, với sắc thái riêng biệt của nó, lại được chọn cho lối ngâm khúc. Truyện thơ thuộc về tự sự, diễn tả một sự tình nào đó, còn ngâm khúc thuộc về trữ tình, biểu hiện một nguồn cảm xúc nhất định”. Như vậy, lục bát mặc dầu là thể loại mềm mại, ngọt ngào nhưng chất trữ tình xem ra không bằng song thất lục bát. Song thất lục bát là thể ngâm và việc Nguyễn Khuyến chọn nó để sáng tác lại VĐNVĐTSDTT phải chăng là ông muốn chứng minh tính ưu việt của thể thơ dân tộc và bộc bạch cụ thể hơn đến từng khúc, nhịp réo rắt trong nỗi buồn đau mất bạn của mình?

3. Người xưa đòi hỏi khá cao tính sáng tạo trong dịch thuật. Dịch phẩm thành công phải hội đủ ba yêu cầu:tín(đúng), đạt (hay), nhã (đẹp). Đáp ứng yêu cầu thứ nhất, bản dịch đảm bảo tính chính xác về nội dung so với nguyên tác. Đáp ứng yêu cầu thứ hai, bản dịch có thêm hình thức tương xứng hoặc hơn trong đối sánh với nguyên tác. Và đáp ứng yêu cầu thứ ba, bản dịch lạ và hay cả về hình thức lẫn nội dung so với nguyên tác. Có thể ngày nay chúng ta quan niệm bản dịch thành công là bản dịch đảm bảo tính chính xác toàn diện: hay thì dịch hay, dở thì dịch dở; song với người xưa bản dịch thành công phải là bản dịch đúng và hay hơn nguyên tác.

Nguyễn Khuyến là chuyên gia sáng tác thơ Đường luật. Thơ thất ngôn bát cú Đường luật chiếm đến 82% (290/tổng số 353 bài) trong sáng tác của ông. Nguyễn Khuyến cũng đã thành công, có nhiều sáng tạo khi ông để lại cho đời chùm thơ thu (Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm) đạt tầm kinh điển trong thể loại này. Nhưng khi dịch VĐNVĐTSDTT, Nguyễn Khuyến lại chọn song thất lục bát để dịch. Bởi vì, ngoài hai đặc điểm: mang tính dân tộc và đậm chất trữ tình, thể loại này còn cho ông đủ các thuận duyên để sáng tạo lại một tác phẩm hay hơn nguyên tác. Thật ra ở đây chúng ta có thể nói theo cách khác, rằng Nguyễn Khuyến là nhà thơ tài hoa, có thể sáng tác về một nội dung bằng cả hai thứ tiếng và sự ưu việt ở sáng tác sau có được là nhờ vào những đặc điểm của thể loại và ngôn ngữ của thứ tiếng ấy mang lại.

Nếu thơ ngũ ngôn, một câu 5 chữ, bốn câu chỉ 20 chữ thì trong một khổ song thất lục bát (bốn câu) có đến 28 chữ. Cũng đều là 38 câu, nhưng nếu VĐNVĐTSDTT chỉ có 190 chữ thì Khóc Dương Khuê có đến 266 chữ, nhiều hơn 76 chữ. Có những bài thơ Đường chỉ với 20 chữ nhưng lại nói được nhiều điều gấp bội lần số chữ ấy. Đăng U Châu đài ca của Trần Tử Ngang, Điểu minh giản của Vương Duy, Tĩnh dạ tư của Lý Bạch đều là những tác phẩm lớn. Thậm chí trong thể thơ Haiku, chỉ với 17 âm tiết, nhưng Basho đã để lại cho đời rất nhiều bài thơ lớn, giàu ý tưởng. Với sự thặng dư về số chữ như thế, tất nhiên, Nguyễn Khuyến tự biết bài thơ dịch sẽ đòi hỏi những gì ở mình. Bởi chỉ với 56 chữ (thất ngôn bát cú), Nguyễn Khuyến đã sáng tác thành công hàng trăm bài thơ trong đó có những bài thơ bất hủ như: Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh, Bác đến chơi nhà, Tiến sĩ giấy.

Ngoài ra, sự thành công của một bài thơ độc vận cũng cho thấy sự giàu có ngôn từ của nhà nghệ sĩ. Bởi vì thể loại này chỉ gieo vần ở cuối câu (cước vận). Như thế, nếu sáng tác một bài thơ dài 100 câu thì đòi hỏi trong bụng nhà nghệ sĩ phải có ít nhất 50 từ cùng một bộ vận. Bài VĐNVĐTSDTT là bài thơ ngũ ngôn cổ thể độc vận và Nguyễn Khuyến đã sáng tạo thành công, chứng minh sự uyên bác về chữ nghĩa của mình. Nhưng không có nghĩa là, thể thơ này đã cho tác giả nói thật, nói hết xúc cảm của mình! Đối với thể song thất lục bát, một khổ thơ cho phép sử dụng đến 3 vần, ngoài vần chân còn có vần lưng. Như thế, nhà nghệ sĩ sẽ được tự do hơn trong việc thể hiện cảm xúc của mình.

Tất cả những đặc điểm trên là lí do để Nguyễn Khuyến chọn dịch VĐNVĐTSDTT sang song thất lục bát – thể thơ mang tính dân tộc, mà nếu nói đúng hơn là sáng tác lại bằng tất cả những gì được xem là giàu có của người Việt, tiếng Việt, văn hoá Việt.

4. Về mặt sắc thái ý nghĩa, giữa từ Hán Việt và từ thuần Việt cùng nghĩa có sự khác nhau. Sự khác biệt về sắc thái ý nghĩa giữa từ thuần Việt và từ Hán Việt cũng chính là sự khác nhau về sắc thái nghĩa giữaKhóc Dương Khuêvà VĐNVĐTSDTT.

Nếu từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng, phong nhã thì từ thuần Việt mang sắc thái bình thường, dân dã.

Ví dụ: Tao phùngGặp gỡ

Quân, côngBác

Thần tịchSớm hôm

VấnHỏi

Nếu từ Hán Việt mang sắc thái cổ kính, xa xưa thì từ thuần Việt mang sắc thái gần gụi, hiện đại.

Ví dụ: VânMây

TửuRượu

LãoGià

Nếu từ Hán Việt mang sắc thái tĩnh tại bất động thì từ thuần Việt mang sắc thái sinh động, sống động.

Ví dụ: Huyền huyềnNgậm ngùi, man mác

Chấp thủCầm tay

Hốt vănChợt nghe

Nếu từ Hán Việt mang sắc thái trừu tượng thì từ thuần Việt mang sắc thái cụ thể có đường có nét.

ÁiYêu

LệNước mắt

Yếm thếChán đời

Ngay tiêu đề bài thơ cũng hàm chứa nhiều ý nghĩa. Vãn đồng niên Vân Đình Tiến sĩ Dương Thượng thư (Viếng bạn đồng khoa là Vân Đình Tiến sĩ Dương Thượng thư) là một tiêu đề lễ nghi, trang trọng, cổ kính, tĩnh tại cho thấy tác giả rất kính yêu, tôn trọng bạn mình. Nó quá đầy đủ, có cả quan hệ xã hội, tuổi tác (đồng niên), quê quán (Vân Đình), học vị (tiến sĩ), dòng họ (Dương), và quan phẩm (thượng thư). Song so với tiêu đề bằng chữ Nôm, nó vẫn còn thiếu một cái gì đó, còn có một khoảng cách nào đó. Khóc Dương Khuê, tiêu đề này quá ngắn nhưng lại quá cụ thể, gần gũi và sinh động. “Vãn” là viếng, trang trọng quá nhưng không đầy cảm xúc và chân tình như “khóc” được. Còn “Dương Khuê” tuy không đầy đủ quê quán, học vị, phẩm bậc nhưng đây lại là tên thật, đủ họ đủ huý của bạn. Với tiêu đề chữ Nôm ngắn gọn và sinh động như thế này, Nguyễn Khuyến dường như đã được trở về trọn vẹn với những cảm xúc thân quen, chân thật của mình.

5. Dấu hiệu dễ dàng nhận ra việc tận dụng lợi thế số lượng từ (76 chữ) của Nguyễn Khuyến qua bàiKhóc Dương Khuêlà nhà thơ đã tăng, thêm từ láy, hư từ và một số thủ pháp nghệ thuật mà vốn trong nguyên tác rất hiếm hoặc không có.

Sự giàu có về từ láy là một nét đặc trưng của tiếng Việt, văn chương tiếng Việt. Không những trong giao tiếp hàng ngày người Việt thích nói luyến láy cho văn vẻ, “zui zẻ”, hài hước mà trong văn chương người ta cũng rất sính dùng từ láy. Dĩ nhiên, hiện tượng này hàm tàng đặc điểm nào đó thuộc về tính cách người Việt. Chúng ta chưa biết, trong lời ăn tiếng nói, từ láy có mặt từ khi nào, nhưng ngay khi những tác phẩm bằng chữ Nôm đầu tiên ra đời, đã thấy sự xuất hiện của từ láy.

Vượn rừng hủ hỷ

Làm bạn cùng ta

Vắng vẻ ngàn kia

Thân lòng hỷ xả

(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca)

Nếu lượng từ láy trong VĐNVĐTSDTT chỉ có 2 thì trong Khóc Dương Khuê là 12, gấp 6 lần. Ngậm ngùi được dịch từ huyền huyền, rụng rời được dịch từ hoàng hoàng, gặp gỡ được dịch từ tao phùng, 9 từ còn lại: man mác, róc rách, cheo leo, ăm ắp, vội vàng, đắn đo, hững hờ, ngẩn ngơ, chứa chan là hoàn toàn sáng tạo.

“Khóc Dương Khuê

Vân thụ tâm huyền huyền

Tao phùng như túc duyên

Không sơn văn lạc tuyền

Hữu thời thướng cao các

Đại bạch phù bát diên

Kinh khởi hoàng hoàng nhiên

Nhi công tranh thướng thiên

Hữu thi vị thuỳ tả

Trần Phồn tháp bất há

Bá Nha cầm diệc nhiên

Hà tất cưỡng nhi liên”.

(Nước mây man mác, ngậm ngùi lòng ta

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời

Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo

Có khi từng gác cheo leo

Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân

Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời

Vội vàng chi đã mải lên tiên

Câu thơ nghĩ đắn đo không viết

Giường kia treo những hững hờ

Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan).

So với từ thuần Việt, Hán Việt thì từ láy nhoè về nghĩa và vang về thanh. Những ưu thắng của từ láy tiếng Việt qua cách vận dụng khéo léo của tác giả đã làm cho những câu thơ trong Khóc Dương Khuê giàu tính nhạc, giàu hình tượng, nhịp nhàng, uyển chuyển, sống động và gợi cảm hơn so với nguyên tác chữ Hán.

Dẫu VĐNVĐTSDTT hay Khóc Dương Khuê thì bao trùm hai bài thơ đều là nỗi lòng đau xót khôn nguôi của tác giả trước người bạn tri kỉ qua đời. Nhưng VĐNVĐTSDTT không cho chúng ta biết một cách rõ ràng về cảm xúc của tác giả bằng Khóc Dương Khuê. Bởi vì ngoài khả năng truyền thần của từ láy, Khóc Dương Khuê còn được sự yểm trợ đắc lực của các hư từ cảm thán: Bác Dương thôi đã thôi rồi, Bác già tôi cũng già rồi, Biết thôi thôi thế thì thôi mới là, Làm sao bác vội về ngay, Vội vàng chi đã mải lên tiên, Viết đưa ai ai biết mà đưa…; các thủ pháp như nói giảm: thôi đã thôi rồi, sao… vội về ngay, điệp từ (6 từ không): Rượu ngon không có bạn hiền. Không mua không phải không tiền không mua. Câu thơ nghĩ đắn đo không viết. Viết đưa ai ai biết mà đưa. (Hữu tửu vị thuỳ mãi? Bất mãi phi vô tiền. Hữu thi vị thuỳ tả? Bất tả phi vô tiên) và so sánh: Tuổi già hạt lệ như sương. Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan! (Lão nhân khốc vô lệ. Hà tất cưỡng nhi liên!).

6. Thơ chữ Hán truyền thống vốn sính điển cố – một thứ thành ngữ bác học, ước lệ. Làm thơ bằng chữ Hán, lại là người được đào tạo bài bản về Hán học, tất nhiên Nguyễn Khuyến cũng tuân thủ những thủ pháp truyền thống đó. Mở đầuVĐNVĐTSDTT, ta thấy xuất hiện ngay đặc điểm này:

Dĩ hĩ Dương đại niên!

Vân thụ tâm huyền huyền

Thôi thế là bác Dương đã qua đời rồi. Nhìn mây chiều cây xuân mà lòng ngùi ngùi khôn xiết. Thật ra, “vân, thụ” là thành ngữ điển cố để chỉ tình cảm bạn bè xa cách, nhớ nhung. Nó là chữ sẵn trong bài Xuân nhật ức Lý Bạch của Đỗ Phủ:

“Vị bắc xuân thiên thụ

Giang đông nhật mộ vân”

Nhưng Nguyễn Khuyến đã dịch hai câu đầu bài thơ VĐNVĐTSDTT của mình thành hai câu chữ Nôm như sau trong bài Khóc Dương Khuê:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi

Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”

Ở đây, ta không còn nhận ra dấu vết điển cố, điển tích, thành ngữ sáo mòn quen dùng trong thơ chữ Hán mà chỉ còn thấy những hình ảnh bình dị, gần gũi. Với người Việt, nước mây, đặc biệt nước là hình ảnh thiêng liêng trong vô thức cộng đồng. Man mác là sự trải dài, trống rỗng của nước, của mây, nhưng man mác cũng là cảm giác lâng lâng buồn tẻ của tâm hồn. Nước chảy, mây trôi xa nhau vời vời. Song, nước dù chảy về đâu cũng ôm ấp bóng mây trong lòng. Cặp hình ảnh này gợi lên một cảm giác chia lìa, nuối tiếc của tình bạn, của nước non! Câu thơ đã Việt hóa, lại đằm thắm, vợi vợi nhớ thương nhờ tác dụng của những từ láy man mác, ngậm ngùi và âm a (nguyên âm mở, nửa bổng nửa trầm) cuối câu mang lại.

Tương tự như thế, nếu hai câu chữ Hán Trần Phồn tháp bất há. Bá Nha cầm diệc nhiên (Giường Trần Phồn không hạ xuống. Đàn Bá Nha cũng đốt cháy luôn), dẫn chúng ta đi một đoạn khá xa về hai câu chuyện treo giường giữa đôi bạn Trần Phồn – Từ Trỉ và đập đàn của cặp tri âm Bá Nha – Tử Kỳ thì câu thơ dịch trong Khóc Dương Khuê gần như đã kéo ngắn lại khoảng cách ấy:

Giường kia treo những hững hờ

Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn

Câu thơ vẫn gợi cho chúng ta biết Nguyễn Khuyến – Dương Khuê là đôi bạn tri kỉ. Nếu trong nguyên tác, điển tích điển cố chỉ có tác dụng miêu tả sự kiện thì trong dịch phẩm những từ láy hững hờ, ngẩn ngơ đã chạm đến tầng sâu của xúc cảm. Đối tượng hững hờ và ngẩn ngơ là giường, tiếng đàn hay là tâm hồn con người. Chắc chắn cả hai, bởi vì ở đây tác giả đã sử dụng biện pháp nhân hóa và đọc qua ai cũng cảm nhận được sự trống trải, mất hồn đang xâm chiếm lòng tác giả!

Đây còn là mẫu số chung trong các sáng tác chữ Nôm. Văn học chữ Nôm, khác với văn học chữ Hán ở chỗ nó có xu hướng tinh giản điển cố, điển tích, rút ngắn khoảng cách giữa bác học – bình dân để gần gụi hơn với tâm lí dân tộc vốn chuộng những gì rõ ràng, dễ hiểu, trữ tình, dễ cảm. Có thể nói rằng tiến trình dân tộc hoá trong văn học Việt Nam trung đại một phần chính là tiến trình tinh giản ấy.

7. Trong tác phẩmTâm trạng Dương Khuê Dương Lâm, nhà nghiên cứu Dương Thiệu Tống có đề xuất rằng: “Muốn hiểu tâm trạng Dương Khuê, cần phải đọc Nguyễn Khuyến, và nếu muốn hiểu rõ tâm trạng của Nguyễn Khuyến cũng cần phải đọc thơ Dương Khuê”. Đề xuất này là có cơ sở bởi vì không chỉ Nguyễn Khuyến và Dương Khuê là đôi bạn mà giữa hai người còn có những tương đồng quan trọng về cuộc đời, lí tưởng cũng như tâm trạng.VĐNVĐTSDTT và Khóc Dương Khuê, vì thế, ngoài việc cho chúng ta biết những kỉ niệm khó quên giữa đôi bạn Nguyễn Khuyến – Dương Khuê, còn cho phép chúng ta hiểu thêm về tâm trạng và lòng yêu nước của họ, tiếp tục góp tiếng nói xác nhận mối quan hệ khăng khít giữa văn học và lịch sử dân tộc.

Nguyễn Khuyến sinh năm 1835, người làng Yên Đổ, Nam Định. Dương Khuê sinh năm 1839, người làng Vân Đình, Hà Đông. Năm 1864, Nguyễn Khuyến và Dương Khuê đều đỗ Cử nhân khoa Giáp Tý, trường Hà Nội. Từ lần đầu quen nhau này, không hiểu sao họ đã cảm mến, yêu kính nhau. Nói như Nguyễn Khuyến, tình bạn này thuộc về túc duyên (duyên trong tiền kiếp), như do trời tác hợp:

“Hồi ức đăng khoa hậu,

Dữ quân thần tịch liên.

Tương kính thả tương ái,

Tao phùng như túc duyên”.

(Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,

Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.

Kính yêu từ trước đến sau,

Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời).

Năm 1868, Dương Khuê đỗ Tiến sĩ. Ba năm sau, 1871, khoa Tân Mùi, Nguyễn Khuyến mới đỗ và đỗ đầu Tiến sĩ khoa thi ấy. Như ta biết, trước đó, khi Nguyễn Khuyến và Dương Khuê đang còn dùi mài kinh sử thì ngày 01 tháng 9 năm 1858 quân Pháp đã nổ phát súng xâm lược vào bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), sau đó quay vào đánh chiếm ba tỉnh miền đông Nam Kỳ (1862), rồi chiếm nốt ba tỉnh miền Tây. Triều đình Huế cũng đã ra tay nhưng kết cục đa phần là thất bại. Ngay trong bài thi hội năm 1867, vua Tự Đức đã ra đầu đề: chiến hay hoà? Điều nay cho thấy nỗi đau về nguy cơ mất nước đã bắt đầu lên cơn trong lòng những người yêu nước thế hệ này. Trong hoàn cảnh lịch sử ấy, Dương Khuê, Nguyễn Khuyến bước vào hoạn lộ – con đường duy nhất đối với các trí thức phong kiến muốn đem sở học ra phò vua, giúp nước. Dĩ nhiên trang sử bi thảm của đất nước đang mở ra trước mắt họ những thách thức quá lớn. Hoà ước này đến hàng ước khác xuất hiện, miền Nam, miền Bắc, rồi cả nước đều rơi vào tay thực dân Pháp, các cuộc khởi nghĩa nông dân cứ nổi lên khắp nơi trong khi nội bộ triều đình thì rối ren, khủng hoảng, bè phái như Nguyễn Khuyến đã mô tả trong bài Hoài cảm:

“Chủng loại tương khan trúc phọc trúc

Lợi danh vô yếm ngư thôn ngư”.

(Vốn đồng loại với nhau mà lạt tre lại buộc tre,

Lợi danh chẳng chán cho nên cá vẫn nuốt cá).

Lí tưởng học tập, đỗ đạt để làm quan đối với Nguyễn Khuyến – Dương Khuê nhiều khi là rất phù phiếm:

Sất bạch, ngã tri quân vị thân,

Đẩu mễ, quân tri ngã chi bần.

(Tôi biết bác vì cha mẹ phải làm quan để lấy tấm lụa,

Bác biết tôi nghèo phải làm quan để kiếm đấu gạo lương.)

(Gửi thăm quan Thượng thư họ Dương)

Năm 1884, Nguyễn Khuyến cáo quan về trí sĩ, viện lí do bị đau mắt nặng, lúc mới 50 tuổi. Dương Khuê, lúc ấy mới 46 tuổi, tiếp tục làm quan cho triều đình thêm một thời gian, đến năm 1897, cũng cáo quan về trí sĩ. Họ đều phẫn chí và nhận ra sự bất lực của thế hệ mình. Dẫu cứ làm quan cho triều đình, hợp tác, bất hợp tác với Pháp hay quay về ở ẩn thì cách nào họ vẫn không tài nào xoay chuyển được vận nước. Họ bước vào cuộc sống giả điếc, giả câm (Anh giả điếc), đóng kịch (Lý phụ hành), thơ thẩn với bầu thơ túi rượu (Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm), tự bôi lấm xoá nhoà danh tiết, phẩm giá của mình (Tiến sĩ giấy) hoặc gượng vui trong những mối tình giả tạo để phần nào có thể quên niềm day dứt, tủi nhục của người mất nước. Đoạn thơ từ câu 7 đến câu 14 (Cũng có lúc chơi nơi dặm khách…Biết bao đông bích điển phần trước sau) phần nào nói lên tâm cảnh ấy.

“Buổi Dương cửu cùng nhau hoạn nạn,

Phận đẩu thăng chẳng dám than trời.

Bác già tôi cũng già rồi,

Biết thôi thôi thế thì thôi mới là!”

(Ách vận phùng Dương cửu,

Đẩu thăng phi tham thiên.

Dư lão ngã diệc lão,

Giải tổ quy điền viên).

Thì ra cái quan tâm nhất của người học trò cửa Khổng sân Trình là làm một ông quan tốt, chỉ cần đưa hết sở học, tài kinh bang thi thố và cố giữ đức thanh liêm… là chưa đủ. Sau này khi đã về Yên Đổ sống ẩn dật để bảo toàn phẩm tiết, Nguyễn Khuyến ngậm ngùi nhận ra điều ấy. Ông xót xa cho chí bình sinh, những hoài bão một thời trai trẻ của mình hóa ra đã lỗi thời, vô nghĩa:

“Sách vở ích gì cho buổi ấy,

Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già”.

(Ngày xuân dạy các con)

Sự thất bại này thuộc về ý thức hệ, hình thái kinh tế – chính trị. Nguyễn Khuyến không nói thế nhưng tự ty, mặc cảm nhược tiểu dân tộc là tâm lí có thật ở các nhà Nho thời Nguyễn Khuyến: Biết thôi thôi thế thì thôi mới là! Câu thơ quá xót xa so với nguyên tác: Giải tổ quy điền viên (Cởi dây ấn về với ruộng vườn). Đây là bi kịch lớn nhất, đau thương nhất của cả thế hệ. Cho nên có người hữu lí khi cho rằng Nguyễn Khuyến và Dương Khuê thân thiết nhau không phải là vì tình đồng hương, đồng tuổi hay đồng khoa mà vì hai người “đồng bệnh tương liên”, đều mang trong lòng “nỗi vong quốc hận”. Tâm trạng Dương Khuê cũng chính là tâm trạng Nguyễn Khuyến. Họ hiểu, thông cảm, yêu kính nhau. Người xưa thường không muốn nói rõ cơ tâm của mình nhưng chúng ta có thể nghĩ thêm, phải chăng bài thơ khóc bạn này còn là lời kí thác cho tâm trạng xót xa của cả thế hệ trí thức yêu nước Việt Nam cuối thế kỉ XIX trong hoàn cảnh đất nước éo le như thế?

“Vua chèo còn chẳng ra gì,

Quan chèo vai nhọ khác chi thằng hề”.

(Lời vợ anh phường chèo)

Lịch sử văn học Việt Nam đã trải qua hai tiến trình lớn: dân tộc hóa và hiện đại hóa. Nếu hiện đại hóa là tiến trình đã diễn ra trong thế kỉ qua thì dân tộc hoá là tiến trình chảy xuyên suốt trong từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX. Dân tộc hóa là sự trở về trọn vẹn với những gì thuộc về dân tộc. Như vậy, với những đặc điểm mang tính dân tộc tiêu biểu như trên và đặc biệt qua toàn bộ sáng tác của Nguyễn Khuyến, chúng ta thấy, trong cuộc sống cũng như trong thơ văn, tác gia tiêu biểu đại diện cuối cùng của nền văn học trung đại này thật sự đã trở về với dân tộc.

Tài liệu tham khảo

  1. Hoài Thanh, Hoài Chân:Thi nhân Việt Nam, Nxb. Văn học, H. 1988.

  2. Bùi Văn Nguyên – Hà Minh Đức:Thơ ca Việt Nam – hình thức và thể loại, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2006.

  3. Nguyễn Văn Huyền:Nguyễn Khuyến tác phẩm, Nxb. KHXH, H. 1984.

  4. Dương Thiệu Tống:Tâm trạng Dương Khuê Dương Lâm, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000./.

Rate this post