Biểu tượng “lau sậy” – Cấu trúc của luận văn – 123docz.net
6. Cấu trúc của luận văn
3.2.2 Biểu tượng “lau sậy”
Cây là hình tượng thiên nhiên xuất hiện từ rất lâu trong các sáng tác nghệ
thuật, bởi cây đã gần gũi với con người từ thuở hoang sơ. Từ hình ảnh cây tùng
trong thơ Nôm Nguyễn Trãi biểu tượng cho khí phách nam nhi trong văn học
trung đại, đến văn học hiện đại có biểu tượng “hoa cỏ may” – một loài cây
không phải hoa cũng chẳng phải cỏ trong thơ Phạm Công Trứ. Còn trong các tản
văn của mình, Nguyễn Ngọc Tư dường như lại có duyện nợ với “lau sậy”.
Trong sự sống, cây có một cuộc đời riêng, một ý nghĩa riêng nhất định. Lau
sậy hiện lên bình dị và kiên cường trong văn của Nguyễn Ngọc Tư, vừa mang nét
nghĩa biểu trưng vừa thể hiện những sáng tạo riêng của người nghệ sĩ.
Trước hết, “lau sậy” biểu trưng cho sự sống thiên nhiên và vẻ đẹp bình dị.
Trong tản văn Chập chờn lau sậy, sự sống được chị viết: “Dấu chân vừa kịp cũ,
thì lau sậy mọc lên, lấp mất. Chúng sống mãnh liệt quá nhiều khi thấy…ghét”
[39, tr.16] và “Cứ sống mãnh liệt vậy” hay “Tha thiết sống, bất chấp yêu ghét,
lau sậy cũng trổ bông” và tạo nên “Những hàng đăng lơ phơ chồi sậy” [40,
tr.76]. Dù có khó khăn nhưng chồi sậy ấy sẽ lớn lên từng ngày, cùng với một sức
sống mãnh liệt làm nên một vẻ đẹp riêng: “Mảnh mai mình hạc, bông lau vươn
cao óng mượt, trắng muốt giữa ngút ngàn bông sậy bạc đầu” [39, tr.16] và “Một
con đường khấp khểnh băng qua xóm, bên lối đi lau sậy chập chờn” [39, tr.29].
Lau sậy đẹp, không còn mang một màu sắc cụ thể mà lúc này nó được khắc họa
trong trí nhớ của tác giả, bằng các giác quan: “Bông lau, sậy đẹp nhất là lúc
đang tàn, lúc đang phai” hay “Chẳng hiểu đẹp để mất hay vì biết sẽ mất nên
đẹp. Gió chướng thông ngọn thì bông sậy lìa cây, vào khi ngọt ngào và mĩ miều
nhất” [39, tr.29]. Đó là vẻ đẹp tự nhiên gợi cảm giác man mác, bâng khuâng như
sự im lặng không tên của hoa dại, cái “hắt hưu bông lau” bạc phơ phất của bông
lau. Dù tồn tại dưới hình thức nào, là thân hình mảnh mai, chồi sậy đang đợi
ngày vươn dậy hay những bông lau trắng cũng làm hình tượng thiên nhiên sống
động, dịu lại những tâm hồn và khơi gợi mĩ cảm phong phú. Với ý nghĩa biểu
trưng như vậy, “lau sậy” đi vào văn Nguyễn Ngọc Tư một cách tự nhiên, càng
cho thấy những xúc cảm tinh tế trong tâm hồn người nghệ sĩ miệt vườn.
Lau sậy, trong mắt nhà văn là đại diện cho cái đẹp, một vẻ đẹp giản dị
đến nao lòng nhưng phía sau đó ẩn hiện dáng dấp con người. Lau sậy là
biểu tượng cho quê hương.
Lau sậy chỉ là loài cây nhỏ bé, mong manh, mọc ngay sát mớn nước,
tràn dưới lòng kinh, lau sậy cứ rung rinh, rì rào hứng gió đồng mát rượi gắn
với kí ức tuổi thơ và tình cảm con người: “Những gì của tuổi lên mười, ngạc
nhiên vì có mang theo cả cỏ dại và lau sậy” [39, tr.14] hay “Cả tuổi thơ cứ
thênh thang cỏ hoang, lau sậy. Những mùa khô, tụi nhỏ đi đốt sậy hai bên
đường, lúc cháy chúng nổ giòn tan như pháo” [39, tr.15] và “Tôi hoài niệm
nhớ quay quắt cái xóm cũ, nhà cũ, lau sậy cũ, nhớ ông ngoại lúc giận quá
hay chặt cây sậy đánh cháu” [39, tr.17]. Tác giả nhạy cảm lắm, nhìn lau sậy
nhớ lại cái thủa hàn vi. Cái thời mãi chỉ còn lại ở đám lâu sậy mà không phải
ai cũng nhớ, vì họ quá bận rộn, chỉ có chị là ngồi ôn lại kỉ niệm riêng mình
và gọi lại kí ức của mọi người cho những điều đã qua. Rồi những bông lau,
bông sậy “bán” cho chị chút mộng mơ nuôi dưỡng cái hồn thi sĩ, và cũng
chính bông sậy kết lại thành từng chùm, xoay quay tròn trên nền gạch khiến
chị bâng quơ buồn. Cây cỏ nhỏ bé thật nhưng cũng tìm kiếm nhau, thương
nhau. Chị run rẩy nhận ra cây cỏ còn thế huống chi con người: “mấy bạn
mình cũng long đong xứ khác lại không thèm ngó mặt, mà chính mình cũng
đang muốn xa người” [39, tr.18]. Tình cảm con người giờ đây nghe nói mà
buồn, xa xôi …
Viết về lau sậy, Nguyễn Ngọc Tư thấy được nét tâm giao giữa loài cỏ
mang tên lau sậy với những giá trị của cuộc sống, từ đó giúp nhà văn bộc
bạch tâm hồn mình. Nhà văn nói đến cây nhưng thông qua nó để giãi bày nỗi
lòng, tìm niềm tin, tình yêu trong cuộc sống.
Lau sậy cứ thênh thang cả một vùng trời quê hương, nên cứ nhìn thấy là
lại bồi hồi sao xuyến nỗi lòng nhớ quê. Khi đứng trước ranh giới biên giới của
quê hương mình và quê người, hình ảnh ám ảnh người con xa quê vẫn là một
thời đạn bom giờ đây khuất bóng chỉ còn lại niềm nhớ trong tâm những người
con xa xứ: “Chỉ còn một cây cầu biên giới đứt gẫy trụi lủi, hoang hoải giữa
lau sậy” [40, tr.146]. Để rồi trong mỗi người khi nhìn về bóng sậy lại nhớ quê
đến queo quắt cõi lòng, chỉ còn lại tiếng thở dài não nề khi nhớ quê: “Gió thổi
qua những bờ sậy vàng cháy xao xác như những tiếng thở dài, than ôi con
người ứ hự con người” [40, tr.146]. Hay nỗi nhớ về điều đã qua của những
ngày Tháng tư hừng hực máu và hoa, tháng tư của ngày nắng rát, nỗi đau cho
hi sinh được ghi dấu trong những bộ phim tài liệu, để có được ngày tháng tư
của bình yên hạnh phúc và cùng nhau xem lại những ngày nguy nan, khổ cực
quyết tâm dựng xây tương lai, lau sậy cứ mãi đứng yên chứng kiến những
ngày thương tàn cho đến ngày rực rỡ cờ hoa và ngày quê hương còn thiếu
thốn: “Trẻ con chân trần đi mượn gạo nhà hàng xóm ngang qua những đám
sậy cháy xém, tưởng như da thịt cũng bốc hơi” [40, tr.170].
Biểu tượng lau sậy đã xuất hiện 43 lần trong sáng tác của Nguyễn Ngọc
Tư, lau sậy là kết tinh của trí tuệ, cảm xúc và chiêm nghiệm. Lau sậy chính là
biểu tượng cho sự sống, khát vọng của nữ tác giả này dù mảnh mai nhưng
kiên cường, khát khao sống và vươn lên với những giá trị bền bỉ đến tận cùng.
Vẫn cứ âm thầm và nhẹ nhàng như những gì nó vốn có để hiến dâng cho đời
điều giản dị làm nên chân lý cuộc sống.
Những biểu tượng trong văn Nguyễn Ngọc Tư không có gì xa lạ với
văn hóa dân tộc và cuộc sống con người, bởi nó được xây dựng từ những
hình ảnh thực của cuộc sống với tất cả sự chiêm nghiệm và đối sánh qua
thời gian lâu dài. Đóng góp của nhà văn góp phần xây dựng nét nghĩa của
biểu tượng thông qua tư duy đa chiều cùng những trăn trở, suy tư về các
vấn đề đời sống.