Vu Lan báo hiếu: Nét đẹp văn hóa truyền thống

Vu Lan là ngày lễ tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tỏ lòng hiếu thuận với các bậc sinh thành. Ngày lễ đặc biệt này còn phát huy truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Bày tỏ suy nghĩ của thế hệ trẻ về ngày lễ Vu Lan, chị Trần Thị Phương Anh, sống tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Lễ Vu Lan là dịp để tỏ lòng biết ơn đến cha mẹ đã sinh thành, giáo dưỡng mình trong suốt thời gian qua.

Vu Lan báo hiếu: Nét đẹp văn hóa truyền thống Ảnh minh họa

Đây cũng là dịp để trở về đoàn tụ cùng người thân trong gia đình sau thời gian xa nhà mải mê học tập, làm việc, cũng là cơ hội để thế hệ trẻ được thể hiện tình cảm với gia đình”. Còn anh Bạch Hà Anh, sống tại Thành Công, quận Ba Đình (Hà Nội), năm nào cũng cùng mẹ đi tới chùa Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm để dự lễ Vu Lan chia sẻ: “Theo tôi, lễ Vu Lan có rất nhiều ý nghĩa, là ngày báo ơn cha mẹ, thầy cô và cả bạn bè, những người đã giúp đỡ mình. Đặc biệt, nếu những bạn trẻ như chúng tôi chưa có cơ hội quan tâm chăm sóc cha mẹ vì những bộn bề lo toan riêng, thì đây là dịp để thể hiện tình cảm đó”.

Theo tác giả Bùi Xuân Đính trong sách Bách khoa thư làng Việt cổ truyền, thuộc Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2021, cho rằng, Rằm tháng Bảy có sự giao thoa giữa các yếu tố của tín ngưỡng dân gian, Đạo giáo và Phật giáo. Trong đó Phật giáo thể hiện thông qua Vu Lan báo hiếu, nghi lễ này được thực hành ở chùa và tại nhà. Tại chùa người ta tổ chức cầu siêu cho người đã khuất, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phước cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng… Hiện nay, ngoài những nghi lễ truyền thống, vào dịp lễ Vu Lan khi đến chùa người ta sẽ được cài lên áo một bông hoa hồng. Màu đỏ tượng trưng cho người còn cha, mẹ và màu trắng cho ai đã mất cha, mẹ (nghi thức này do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào năm 1962). Tại nhà, mâm cúng cỗ gia tiên ngoài đồ mặn, đồ chay, còn có đồ mã như tiền, vàng, bạc, ngựa, trang sức… Nhiều địa phương cúng gia tiên có thể tiến hành từ ngày mùng 7 trở đến hết hôm rằm.

Về ý nghĩa của lễ Vu Lan, Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội Đồng Trị sự, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, nét đẹp văn hóa này đã có từ rất lâu đời, dù trải qua sự thay đổi lịch sử dân tộc, nhưng nó vẫn còn giữ được nguyên giá trị cho đến tận ngày nay.

Xuất phát từ sự tích về Đại đức Mục Kiền Liên (một trong hai đại đệ tử của Phật Thích Ca) cứu mẹ thoát khỏi kiếp ngạ quỷ. Kinh Vu Lan chép rằng, vị tôn giả này đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông đến mức có thể dùng mắt thần nhìn khắp trời đất. Ngài thấy mẹ mình đã mất đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày và đói khát khổ sở. Mục Kiền Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ. Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên Bồ tát nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Từ đó, theo quan niệm của Phật giáo, cứ Rằm tháng Bảy sẽ gắn với lễ Vu Lan. Đây là dịp để tưởng nhớ công ơn cha mẹ, tổ tiên và được Phật giáo coi là ngày lễ quan trọng trong tháng Bảy âm lịch hằng năm; cũng là dịp để nghĩ đến “tứ đại ân” nghĩa là ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn thầy bạn và ơn xã hội.

Mỗi người cần thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Đối với ơn quốc gia, chúng ta hãy tri ân các anh hùng dân tộc đã hy sinh, cần trở thành những người công dân tốt. Ơn thầy bạn là sự trân trọng những người dạy dỗ, truyền thụ kiến thức, đạo đức cho chúng ta trong cuộc sống. Ơn xã hội là biết ơn mọi người, mọi tầng lớp trong xã hội, như biết bao bác sĩ, chiến sĩ tuyến đầu vất vả ngày đêm đã hy sinh vì Covid-19.

“Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu Lan đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng Bảy âm lịch (xá tội vong nhân) ngày càng được quan tâm và tổ chức trang trọng. Tinh thần đạo hiếu ấy cần được đề cao, biểu dương mạnh mẽ hơn. Để truyền thống đó luôn được bồi đắp, ngày càng trở thành sức mạnh văn hóa của dân tộc hôm nay và mãi mãi về sau”, Hòa thượng Thích Gia Quang nói.

Có thể thấy rằng, lễ Vu Lan báo hiếu là một tục lệ gắn với Phật giáo, hình thành dựa trên truyền thống hiếu nghĩa của người Việt. Mùa Vu Lan thường được coi là mùa của yêu thương, mùa của báo ân, báo hiếu. Trong đó, chữ hiếu là nền tảng của đạo đức, gia đình là nền tảng của xã hội. Mà trong gia đình, chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự an vui, an lạc. Hiểu được chữ hiếu để đền ơn đáp nghĩa với đấng sinh thành dưỡng dục ta nên người. Đa phần vì ý nghĩ ấy, lễ Vu Lan hàng năm được hầu hết các gia đình tổ chức tôn kính nhưng vẫn giữ được nét giản dị vốn có theo truyền thống. Bởi vậy, “Vu Lan báo hiếu” là một trong những ngày lễ có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc, từ một nghi lễ mang đậm Phật giáo, dần trở thành nét đẹp trong văn hóa và tâm thức của con người Việt Nam./.

Rate this post