Gặp lại anh hùng quân đội Lê Mã Lương
(Toquoc)- 21 tuổi trở thành Anh hùng quân đội. Là một trong những Anh hùng trẻ nhất toàn quân lúc bấy giờ. Từng nổi tiếng với câu nói “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh kẻ thù”. Giờ đây, khi đã về với cuộc sống đời thường, khí chất người anh hùng của ông vẫn còn bộc lộ rõ khi ông tâm niệm “Cuộc đời đẹp nhất trên mặt trận chống đói nghèo, tụt hậu” hiện nay cũng là một trận tuyến không kém phần gian khổ.
Khi cuộc đời đẹp nhất….
Ông vốn nổi tiếng với câu nói “Cuộc đời đẹp nhất trên trận tuyến đánh quân thù”. Ấy là những năm tháng cả dân tộc buộc phải cầm súng. Ngày nay, cuộc đời đẹp nhất trên mặt trận nào? Đấy là câu hỏi sau khi chúng tôi đã cùng Anh hùng quân đội (AHQĐ) Lê Mã Lương ôn lại một thời kỳ chiến tranh khốc liệt mà ông đã vinh dự hay nói đúng hơn là có sứ mệnh tham gia. Nghe câu hỏi ấy, gương mặt ông thoáng chút thay đổi, vết thương nơi cổ như bành ra, con mắt còn lại như ánh lên, ông nói: “Tôi có thói quen ghi nhật ký trong suốt những năm tháng chiến tranh, trên đường hành quân ra mặt trận ở miền Trung. Dưới mái cọ, ngọn đèn dầu và một bàn gỗ mộc, những trang nhật ký tôi ghi dầy đặc, khoảng hai trang cuối cùng, tôi ghi lướt trên trang giấy rất đậm: “Chiến đấu là cao quý nhất, cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”.
Anh hùng quân đội Lê Mã Lương ở chiến trường
Rồi cuốn sổ ấy tôi cứ ghi hết trang nọ đến trang kia trên con đường hành quân ra mặt trận. Sau này, tôi cũng không đọc lại những trang nhật ký trước nữa vì không có thời gian. Sau một trận đánh, các phóng viên hỏi chuyện tôi, hỏi tôi có gì mang theo. Tôi nói tôi có một vài cuốn sổ và đưa ra một trong những cuốn sổ ấy, họ đọc và đưa câu nói đó lên báo và được mọi người biết đến. Giờ cuộc chiến đã lùi xa, giải phóng miền Nam đã trôi qua 36 năm, bằng sự nỗ lực của cả đất nước, dân tộc, chúng ta đã vượt ra khỏi những khó khăn, thử thách của nền kinh tế và đang từng bước ổn định, phát triển.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo của thế giới, nguy cơ tụt hậu và phân hóa giàu nghèo quá rõ rệt. Quan trọng hơn cả là đồng tiền của mình bị phá giá, nạn tham nhũng ngày càng tinh vi hơn… Vì vậy, theo tôi, ngày nay trận tuyến “Cuộc đời đẹp nhất là trên mặt trận xoá đói nghèo, tụt hậu”, cũng là một trận tuyến cũng không kém phần gian khổ, hy sinh, ác liệt, thậm chí phải đổ bằng xương, máu. Chúng ta đang đứng trước cơ hội tốt, đồng thời là những thách thức, không có lý gì chúng ta không vượt qua. Tôi rất tin tưởng vào thế hệ sau 1975 có thể vững vàng trên mặt trận này để sánh vai với các nước khu vực và quốc tế”.
Và những niềm vui bình dị…
17 tuổi, tạm gác ước mơ vào trường đại học để lên đường ra trận, Lê Mã Lương cũng như hàng vạn thanh niên cùng thế hệ hăng hái lên đường đánh giặc. Năm 18 tuổi ông bị thương nặng và bị hỏng một mắt, cùng nhiều vết thương khác nhưng vẫn cố gắng luyện tập và tìm về được đơn vị, tiếp tục chiến đấu với con mắt còn lại.
Vợ chồng Anh hùng quân đội, Thiếu tướng Lê Mã Lương với thú vui hàng ngày (ảnh Hồng Hà)
Khi nói về người phụ nữ và mối tình sắt son của mình, ông kể: “Năm 1971, khi vừa 21 tuổi, tôi là chính trị viên đại đội được ra Bắc học tại Học viện Chính trị rồi quen một cô giáo dạy cấp 2 người Hà Nội là Lê Thị Bích Đào. Hồi đó cô ấy là bí thư chi đoàn trường sang mời tôi về trường nói chuyện với học sinh, nhìn cô giáo ấy lần đầu tôi đã đánh giá ngay cô ấy có vẻ đẹp “3 cộng” (trong thang điểm 5) và có cảm giác rất tin tưởng rằng cô ấy sẽ gắn bó với tôi. Tất nhiên, điều này tôi chôn chặt trong lòng, đến khi chuẩn bị cưới tôi mới nói ra, và cũng không ngờ mình là thần tượng của cô ấy. Lúc đầu, tình cảm của người con gái hậu phương với người lính giải phóng từ chiến trường những tưởng chỉ là sự cảm mến. Vậy mà, khi trở lại Quảng Trị, đánh xong trận Cửa Việt, tôi cùng đơn vị hành quân về căn cứ Cam Lộ thì gặp lại Đào. Thì ra, trong đoàn quân vượt Vĩ tuyến 17 chi viện cho chiến trường miền Nam ngày ấy không chỉ có những người lính giải phóng quân và súng đạn, mà còn cả những thầy giáo, cô giáo cùng những ba-lô sách vở, bút mực… vào dạy học. Đào lên đường ra mặt trận ngoài lý do vì vì nhiệm vụ giải phóng đất nước còn có một lý do là vì tình yêu của chúng tôi. Năm 1974, trước khi lên đường tham gia chiến dịch Thượng Ðức, chiến dịch Hồ Chí Minh, đám cưới của chúng tôi đã được tổ chức. Hai vợ chồng trẻ vừa bén hơi nhau thì tôi lên đường, cho đến năm 1976 mới về Quảng Trị gặp vợ và con gái, sau đó lại tất tả ra Bắc đi học rồi đến năm 1980 mới đưa vợ con về sum họp ở Hà Nội.
Vợ chồng ông sinh được ba người con, cô con gái đầu sinh năm 1975, hiện đang sinh sống tại CHLB Đức cùng chồng và hai con gái. Cô con gái thứ hai hiện là họa sĩ trong quân đội. Còn cậu con trai út sinh năm 1986, hiện đang học cao học ngành tài chính kế toán bên Anh. “Các con đều khôn lớn, thành đạt, đây cũng là điều khiến tôi tự hào và hạnh phúc nhất!”- AHQĐ Lê Mã Lương chia sẻ với ánh mắt đầy tự hào.
Tôi hỏi “Là anh hùng trên mặt trận, trở về làm sếp, giờ lại là người bình thường, ông có gặp khó khăn khi hòa nhập cuộc sống không?”, vị tướng già cười ha hả: “Khi tôi nghỉ hưu nhiều người bạn gọi điện cho tôi hỏi: “Cậu bị kỷ luật à, sao lại nghỉ, mà nghỉ thì ai đến bảo tàng nữa?”, tôi cũng trêu lại “Vâng, em bị kỷ luật rồi!”. Họ bảo tôi là linh hồn, là hiện vật sống của bảo tàng nhưng tôi nghĩ dù có tâm huyết đến đâu, cống hiến đến đâu, khi hết tuổi lao động thì phải nghỉ, để nhường chỗ cho anh em trẻ cống hiến”.
Trở về là người bình thường, nhiều người nói khi về hưu họ bị sốc đến 1, 2 năm và rất khó hòa nhập cuộc sống, nhưng vị tướng già thì không có cảm giác ấy. Một phần đã chuẩn bị sẵn tinh thần nên rất nhẹ nhàng, một phần cũng vì ông có hậu phương vững chắc, con cái học hành thành đạt, vợ hiền đảm đang luôn sẵn sàng cơm dẻo canh ngọt và chia sẻ với ông mọi điều, để ông thỏa sức làm nốt những công việc dang dở như các dự án, viết sách và gặp gỡ bạn bè. “Vẫn bận rộn như lúc đi làm nhưng không có sức ép, quả thực khi còn công tác thì sức ép khủng khiếp lắm. Đi nhiều, viết nhiều, vợ tôi đôi lúc cũng phàn nàn tôi tham việc quá, nhưng còn sức còn làm, hiện tôi đang cùng với Trần Đăng Khoa viết một cuốn sách khoảng 500 trang, đối thoại giữa một nhà văn và một người lính trải qua cuộc chiến, về những vấn đề trong chiến tranh, cuộc sống thời bình với tư cách là một nhân chứng”- anh hùng Lê Mã Lương tâm sự.
Giờ đây, thú vui của vị tướng già là hàng ngày chăm vườn cây nho nhỏ với những giỏ hoa đủ sắc, uống trà, đọc sách và rảnh rỗi thì chơi gofl, giao lưu với bạn bè xưa. Nhưng dù làm gì thì làm, điều mà vợ chồng ông mong ngóng nhất là đến cuối tuần, vợ chồng cô con gái thứ 2 mang con đến “giao” cho ông bà trông. Cô cháu gái 3 tuổi với những trò nghịch ngợm đáng yêu trở thành niềm vui lớn nhất của vợ chồng ông trong những ngày nghỉ cuối tuần. Ông chia sẻ: “Đến giờ này, tôi vẫn không bao giờ nghĩ mình là anh hùng, mọi việc tự nó đến, chỉ có điều chúng ta cố gắng như thế nào trong mỗi công việc thôi…”./.
Anh hùng quân đội, Thiếu tướng Lê Mã Lương được phong Anh hùng năm 21 tuổi, với quân hàm Trung úy, ông trở thành một trong số các anh hùng quân đội trẻ nhất lúc đó với hàng loạt chiến công. Ông đã chỉ huy và trực tiếp chiến đấu hàng trăm trận, diệt 79 địch, trong đó có 53 Mỹ, bắn cháy 1 máy bay, 1 xe tăng. Kết thúc chiến tranh, ông tiếp tục chỉ huy chiến đấu ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Sau đó đi học ngành sử và năm 1998, ông nhận quyết định bổ nhiệm làm Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Ở đây, ông lại tiếp tục cuộc đời người lính, và mỗi hiện vật, mỗi di tích chiến tranh cách mạng thật sự là một phần máu thịt trong ông. Lê Mã Lương bảo ông thường xuyên trở lại chiến trường xưa, nơi công việc của một cán bộ nghiên cứu lịch sử quân sự đang rất bộn bề với những dự án tôn tạo các di tích chiến tranh. Lại có mặt từ Tà Cơn, Khe Sanh, Làng Vây, động Toàn, động Tri, động Ông Do, Ba Hồ, Ðá Bàu, Tân Lâm, Cửa Việt, rồi lặng lẽ đến các nghĩa trang Khe Sanh, Ðường 9, Trường Sơn… “Những năm tháng ấy, tôi là người lính cũ về tìm đồng đội và tìm cả chính mình trên chiến trường xưa…”- Anh hùng Lê Mã Lương chia sẻ.
Hồng Hà