Bộ sưu tập 300 chiếc điện thoại cổ ‘độc nhất vô nhị’ của chàng trai Sài Gòn
Từ niềm đam mê “chơi” điện thoại cổ, anh Lưu Triệu Tuấn Khanh (38 tuổi, TP.HCM) đã sở hữu cho riêng mình bộ sưu tập gần 300 chiếc điện thoại cổ “có một không hai”.
Hiện nay, việc dùng những chiếc điện thoại “đập đá”, bấm phím đã không còn thịnh hành như trước. Sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật số, công nghệ đã sản sinh ra những chiếc điện thoại thông minh, iPad… phục vụ đa dạng nhu cầu của con người.
Anh Tuấn Khanh (38 tuổi, TP.HCM) lại đi ngược thời đại, tìm về quá khứ qua những chiếc điện thoại cổ.
Trong căn phòng của mình, bên cạnh đống linh kiện ngổn ngang, anh Khanh dành một góc trưng bày nhiều mẫu điện thoại sản xuất từ những năm 1995 của Nokia, Motorola, Siemens… cũng như những thiết bị sang trọng từ Vertu, Mobiado.
Nhớ lại quãng thời gian “bén duyên” với những chiếc điện thoại cổ, anh Khanh kể, ngày học cấp hai trong một lần đi chơi thấy bạn dùng điện thoại Nokia 8850 khiến anh mê mẩn.
Đến năm 2001, anh Khanh được mẹ tặng cho chiếc điện thoại Nokia 3310. Kể từ đó, anh đã “phải lòng” rồi theo đuổi đam mê sưu tầm những chiếc điện thoại cổ của mình.
“Cách đây gần 22 năm, mình bắt đầu gây dựng nên bộ sưu tập, vì nghĩ rằng chúng sẽ sớm lỗi thời. Nên mình mày mò và yêu thích sửa chữa điện thoại từ lúc nào cũng không hay. Với mình điện thoại cổ có một sức hút mãnh liệt, buộc mình phải khám phá”, anh Khanh nói.
Trong căn phòng rộng chừng 40m2, anh Khanh đang phục chế lại chiếc điện thoại cũ, anh nói chính vì yêu thích điện thoại, sau khi học xong phổ thông, anh quyết định mở cửa hàng kinh doanh và sửa chữa điện thoại di động.
Anh Khanh chia sẻ, để có những chiếc điện thoại cổ là ao ước của bao người, thuở ấy có nằm mơ anh cũng chưa từng nghĩ mình có thể sở hữu được. Thời gian đầu, anh nuôi đam mê bằng cách làm nhân viên bảo hành cho một cửa hàng điện thoại để tiếp xúc với nhiều dòng máy khác nhau.
Sau này, khi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm anh có thể phân biệt được gần như chính xác điện thoại cũ còn nguyên vẹn hay đã bị sửa chữa.
“Nếu đã bước vào thế giới điện thoại cổ, tức là bước vào hành trình của sự kiên trì kết hợp với một quá trình dài tìm hiểu và học hỏi. Nếu không kết hợp được các yếu tố đó sẽ rất dễ bị người khác lừa, và việc mua phải thiết bị giả, chất lượng kém là điều bình thường, thông thường người mới chơi nào cũng gặp”, anh cho biết.
Theo anh Khanh, kiên trì học hỏi chính là yếu tố quyết định khi chơi điện thoại cổ. Với anh khâu khó khăn nhất trong việc phục chế điện thoại là tìm linh kiện cho điện thoại cổ bởi nhiều mẫu đã ngừng sản xuất.
Bên cạnh đó, việc sửa chữa máy cổ cũng lắm gian nan vì thợ sửa điện thoại tính năng có rất ít. Hầu hết đều không am hiểu công nghệ cũ, nếu không cẩn thận, khi phục chế sẽ làm hỏng thiết bị bất cứ lúc nào.
“Hiện tại có rất nhiều dòng máy cổ không bán tại Việt Nam, nên rất khó phân biệt thật giả. Ngay cả với những máy từng bán chính hãng trong nước, cũng có nhiều người nhầm lẫn dù có kinh nghiệm”, anh Khanh nói.
Do đặc thù nghề nghiệp, anh Khanh cũng cất giữ rất nhiều mẫu điện thoại có giá trị sưu tầm cao, một vài trong số đó còn đầy đủ hộp và phụ kiện. Chẳng hạn, chiếc Nokia N91 ra mắt năm 2005 mới 100% hay chiếc Nokia 7110 còn hiếm hơn, bởi nó vẫn nguyên hộp dù sản xuất từ 1999.
Bên cạnh các mẫu từ Nokia, anh còn sở hữu rất nhiều điện thoại cổ khác, như mẫu: Motorola dòng V, dòng Razr… và đặc biệt là chiếc StarTAC chưa qua sửa chữa, còn khá mới dù thiết bị này ra mắt cách đây đã tròn 20 năm.
Là một người sưu tầm điện thoại cổ lâu năm, anh Khanh luôn cố gắng học hỏi, tìm tòi thêm về cách vận hành, cũng như cấu tạo của từng chiếc điện thoại để có thể “hồi sinh” chúng.
“Máy cũ thì có rất nhiều “bệnh vặt” cần sửa chữa thế là tôi bắt đầu tìm hiểu nguyên lý hoạt động để vừa có thể “hồi sinh” những chiếc điện thoại cổ vừa để thỏa đam mê”, anh Khanh cho biết.
Do đặc thù nghề nghiệp, anh Khanh cũng cất giữ rất nhiều mẫu điện thoại có giá trị sưu tầm cao, một vài trong số đó còn đầy đủ hộp và phụ kiện.
Theo anh Khanh, một chiếc điện thoại đạt tiêu chuẩn về đồ cổ phải là những chiếc còn “zin”, nghĩa là cả con ốc của điện thoại cũng chưa đụng vào, nước sơn vẫn còn mới. “Có như vậy, giá trị sưu tầm của điện thoại mới cao, dù hình thức có thể không mới”, anh Khanh nhấn mạnh.
Anh thường sưu tầm các máy xách tay từ nước ngoài về thay vì sưu tầm các hãng máy của Việt Nam. Bởi, đối với dòng máy nhập khẩu chưa unlock (mở khóa) sẽ có vỏ đi kèm với logo nhà mạng, khi bật lên logo này sẽ xuất hiện. Nhờ đó, những chiếc điện thoại nằm trong bộ sưu tập của anh đều hoạt động và đầy đủ chức năng.
Bên cạnh các mẫu từ Nokia cổ trắng đen như: 1610, 2110, 3110, 8110… cho đến trắng đen đời sau này như: 3210, 3310, 8210, 8250, 8310… anh Khanh còn sở hữu rất nhiều dòng điện thoại cổ khác phải kể đến các mẫu: Samsung Siemens, Ericsson Motorola, dòng 9 series… và đặc biệt là dòng N series như: N70, N72, N73 N75, N71, N91, N90, N93, N92…
Sau hơn hai thập kỷ nỗ lực, kiên trì theo đuổi đam mê với đồ cổ, anh Khanh đã làm đầy bộ sưu tập điện thoại cổ của mình với khoảng 300 chiếc, những chiếc điện thoại không chỉ có giá trị về mặt vật chất mà còn mang những kỷ niệm khó quên trong cuộc đời của anh.
“Nếu đã xác định chơi điện thoại cổ, bạn phải có đam mê lớn, dù khó khăn đến đâu cũng không được từ bỏ. Đối với những người mới chơi thì nên tìm hiểu thật kỹ về nguồn gốc máy trước khi mua tránh tình trạng mua phải hàng dựng. Còn nếu đã đam mê thì cứ thỏa sức chơi hết mình”, anh Khanh thổ lộ.
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/bo-suu-tap-300-chiec-dien-thoai-co-doc-nhat-vo-nhi-cua-chang-trai-sai-gon-20211208212400665.htm?
Theo Dân Trí