Đại tướng Lê Trọng Tấn- “Zhukov của Việt Nam”
Đại tướng Lê Trọng Tấn- “Zhukov của Việt Nam”
Trong một lần tiếp đoàn quân sự Việt Nam, Chủ tịch Cu Ba Phidel Castro bắt tay Đại tướng Lê Trọng Tấn rồi hỏi mọi người xung quanh: “Đây có phải là tướng đánh hay nhất Việt Nam?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Đúng, đây là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam…”. Trải qua bão lửa các cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc trong thế kỷ XX, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã trở thành danh tướng huyền thoại, được nhiều người yêu mến ví với vị tướng lừng danh của Hồng quân Liên Xô trong thế chiến thứ 2- Zhukov…
Đại tướng Lê Trọng Tấn sống từ nhỏ ở khu Đầm Trấu (nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ông có một tuổi thơ nghèo khó và cơ cực. 7 tuổi mồ côi cha, ông vừa đi học vừa kiếm sống bằng nhiều nghề, từ cắt chữ cho một nhà in đến vẽ truyền thần và cả đi bán bánh mỳ. Dù phải vất vả bươn trải nhưng ông rất mê đá bóng. Nhiều bữa ông ra bãi Phúc Xá gần cầu Long Biên đá bóng đến tối mịt mới về. Thấy ông đá bóng giỏi, không quân Pháp đã tuyển ông vào lính. Lúc này, mặt trận Việt Minh đang phát triển rộng khắp. Biết ông là con một nhà nho nghèo, yêu nước, bị bắt ép vào lính nên Đảng và Việt Minh đã cử người giác ngộ. Đầu năm 1944, ông tự nguyện bỏ Câu lạc bộ bóng đá Không quân của Pháp tham gia cách mạng. Lúc đầu ông được phân công làm công tác địch vận tại khu vực Hoàng Mai, Hà Nội. Sau đó, tham gia Ủy ban khởi nghĩa Hà Đông, phụ trách quân sự. Tại đây, ông đã dùng mưu kế, chỉ huy đội tự vệ chiếm đồn Đồng Quan, gây thanh thế cho cách mạng và lấy thóc để cứu đói dân. Chiếm đồn Đồng Quan chỉ với hai khẩu súng và diễn ra có vài phút mà không mất một viên đạn, một giọt máu đã hé lộ phẩm chất một tài năng quân sự lỗi lạc- tướng Lê Trọng Tấn.
Từ Đồng Quan đến Điện Biên Phủ rồi Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh, biên giới Tây Nam, phía Bắc là những chặng đường lịch sử mà Lê Trọng Tấn cùng nhiều tên tuổi lớn và tướng lĩnh tài ba khác của đất nước và quân đội ta đồng hành cùng dân tộc trong cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc. Từ một chỉ huy cấp phân đội, ông phát triển lên là đại đoàn trưởng, rồi tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Có một điều đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Lê Trọng Tấn chỉ huy Đại đoàn 312, từ cánh quân phía Đông đánh vào trung tâm sở chỉ huy địch ở Mường Thanh, bắt sống tướng Đờ-Cát-tơ-ri. Đại đoàn 312 do ông là đại đoàn trưởng là đại đoàn duy nhất không có trục trặc trong chiến đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ trận mở màn đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ.
21 năm sau, trong chiến dịch Hồ Chí Minh, cũng từ phía Đông, ông là tư lệnh hướng quan trọng này, bắt sống hai tướng ngụy, sau đó đánh, chiếm hoàn toàn dinh Độc Lập, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Với hai chiến công ấy, Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần anh hùng”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông luôn được Bộ thống soái tối cao tin cậy trao cho trọng trách lớn, là tư lệnh ở hầu hết các chiến dịch then chốt, quyết định: Bình Giã, Đồng Xoài, Bàu Bàng-Dầu Tiếng, Đường 9-Nam Lào, mặt trận Trị Thiên 1972, cánh quân duyên hải 1975…
Tháng 9-1964, trên chiếc tàu buôn tỏi của nước ngoài, ông và tướng Nguyễn Chí Thanh được đặc phái vào nam để “giải bài toán” đánh Mỹ. Ông nhận nhiệm vụ phó Tư lệnh, Ủy viên Quân ủy Quân giải phóng miền Nam. Không lâu sau, chiến dịch Bình Giã nổ ra, chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị lung lay tận gốc; phong trào “tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”, “bám thắt lưng địch mà đánh” lan rộng khắp các chiến trường.
Ông là vị tướng có sự nhạy cảm đặc biệt. Đầu năm 1971, địch mở cuộc hành quân Lam Sơn 719, tiến ra Đường số 9 và Nam Lào, nhằm tiến đánh Sê Pôn và chặn phá đường mòn Hồ Chí Minh. Chúng huy động tới 3 vạn quân chủ lực, 450 xe tăng, 250 khẩu pháo, 700 máy bay, ngạo mạn tuyên bố: “Sẽ đón các nhà báo quốc tế tại Sê Pôn”. Quân ủy trung ương đã chủ động mở chiến dịch Đường 9- Nam Lào do Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh và Lê Quang Đạo làm Chính ủy để đối phó, khiến đối phương từ thế chủ động sang thế bị động phải rút lui. Trong cuốn “Người lữ hành lặng lẽ”, nhà văn Hữu Mai viết: “Đạo đang ngồi trao đổi với Tấn thì Cục phó Tuyên huấn Hồng Cư rảo bước đi vào:
– Báo cáo các anh, Việt Nam Thông tấn xã vừa báo cho Cục Tuyên huấn là chính quyền Sài Gòn hủy bỏ kế hoạch đưa phóng viên báo chí phương Tây đến Sê Pôn.
Lê Trọng Tấn suy nghĩ rồi nói:
– Địch sắp rút!
Đạo tin ở nhạy cảm của anh, người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm đã gắn liền với chiến trường trong cả hai cuộc kháng chiến.
Tấn nói tiếp một cách quyết đoán:
– Phải chuẩn bị đánh địch rút lui!”
Mười ngày tiếp đó, từ các mũi, hướng, ta dồn dập tiến công. 18-3-1971, đối phương phải bỏ Bản Đông tháo chạy. Cuộc hành quân Lam Sơn 719 của địch bị đập tan.Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Lê Trọng Tấn là Tư lệnh chiến dịch Huế- Đà Nẵng. Ông đã chỉ huy quân tiến đánh và làm chủ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng, đánh tan Quân đoàn 1, Quân khu 1 Việt Nam cộng hòa với 10 vạn quân và trang bị vũ khí hiện đại chỉ trong 3 ngày.
Sau khi giải phóng Đà Nẵng, với sự nhạy cảm tình hình, ông đã đề nghị Bộ Tổng Tư lệnh thành lập cánh quân duyên hải. Thực tế đã chứng minh, đề xuất này là cực kỳ chính xác và đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Lê Trọng Tấn đã chỉ huy cuộc hành quân thần tốc đưa một đạo quân gồm 4 vạn người với hàng nghìn xe các loại, vượt qua chặng đường hàng nghìn km, xuyên qua 3 quân khu địch, vượt 50 con sông, 600 cầu, áp sát Sài Gòn, chuẩn bị tổng công kích. Tại đây, bằng óc phán đoán và phân tích chiến lược, Lê Trọng Tấn đã đề nghị Quân ủy cho cánh quân của mình nổ súng trước giờ G làm cho đối phương không kịp co cụm hay phá hủy cầu. Chính Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 thuộc cánh quân của ông đã tiến vào dinh Độc Lập đầu tiên, bắt sống Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và nội các.
Cuối năm 1978, đầu năm 1979, ông chỉ huy các lực lượng vũ trang trong chiến tranh biên giới Tây Nam và đánh quân Khmer Đỏ ở Cam-pu-chia. Năm 1983, khi đã gần 70 tuổi, Lê Trọng Tấn vẫn chỉ huy trận đánh bảo vệ biên giới phía Bắc…
Khi cầm quân, Đại tướng Lê Trọng Tấn luôn được cán bộ chiến sĩ dưới quyền tin tưởng, sẵn sàng cùng ông chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi. Thắng lợi trong từng trận đánh, tất yếu có hy sinh, đổ máu. Người mà ông nhớ nhất là những chiến sĩ đã bỏ mình nơi chiến trận, mãi mãi không trở về. Ông không bao giờ chấp nhận câu nói: “Trận này ta thiệt hại không đáng kể”. Với ông xương máu của chiến sĩ là vô giá và luôn thận trọng tìm ra cách đánh ít tổn thất nhất. Sau này mỗi khi có thời gian và điều kiện, ông trở lại chiến trường, đến các nghĩa trang thắp hương cho các liệt sĩ. Không ít lần, mắt ông đã đỏ hoe vì xúc động, thương tiếc đồng đội.
Có một câu chuyện ít người biết. Trong một trận đánh bảo vệ biên giới, ta không thành công. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có nhiều ý kiến và phê phán khá gay gắt về trận đánh này. Thủ tướng chất vấn: “Trách nhiệm này thuộc về ai?”. Dù không chỉ huy trực tiếp nhưng trước thất bại của trận đánh và sự hy sinh của chiến sĩ, Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn đứng lên trả lời: “Thưa anh, trách nhiệm thuộc về tôi- Tổng tham mưu trưởng”. Một hành động, một tấm gương của một vị tướng dày dạn trận mạc, lừng lẫy chiến công nhưng sẵn sàng dám chịu trách nhiệm, nhận lỗi cho cấp dưới khiến mọi người càng tin yêu, khâm phục.
Gần trọn đời chinh chiến, tên tuổi ông gắn với các chiến trường ở nhiều miền quê trong cả nước. Danh tiếng ông vang xa trong nước và quốc tế. Nhưng, trước hết tướng Lê Trọng Tấn vẫn là một người con sinh ra và lớn lên ở thủ đô. Từ trong sâu thẳm trái tim mình, ông vẫn giành cho Hà Nội một tình cảm đặc biệt. Khi đã là cán bộ cấp cao ông vẫn sống khiêm nhường trong một căn nhà nhỏ ở phố Hoàng Diệu, sau chuyển sang phố Lý Nam Đế. Mỗi khi xe đi trên đường đê sông Hồng, đôi mắt vị Đại tướng lại trở lên xa xăm, dõi về khu Đầm Trấu nhớ thủa bé theo cha đi dạy học hoặc bãi Phúc Xá kia, lúc thiếu thời say sưa cùng trái bóng…
Đại tá, GS, TS Lê Đông Hải, nguyên Viện trưởng Phân viện kỹ thuật quân sự phía nam, con trai duy nhất của Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn không nguôi nhớ những kỷ niệm về người cha của mình. Anh nói với tôi: “Tiếng là cha con nhưng tổng thời gian tôi được gần ông không quá 2 năm”. Người gần gũi ông nhất chính là vợ ông- bà Nguyễn Thị Minh Sơn. Bà là người phụ nữ đảm đang, chăm chồng hết mực. Ngược lại ông cũng tôn trọng và thủy chung trước sau như một với bà. Ông đi chiến trường liên miên, bà ở nhà tảo tần thay ông phụng dưỡng mẹ già, chăm sóc con nhỏ. Đến khi ông đã là Đại tướng, Ủy viên trung ương Đảng rồi, ở nhà bà vẫn còn nuôi lợn, trồng rau.
Trong câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Lê Đông Hải kể lại kỷ niệm trong thời gian cuối đời của Đại tướng Lê Trọng Tấn: “Hôm ấy, tôi từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội để chuẩn bị sang Liên Xô công tác. Về đến nhà tôi thấy ông nằm trên võng, mặt buồn và khóe mắt long lanh ướt. Tôi lo lắng và dù chưa thật hiểu cặn kẽ nhưng tôi đoán trong ông lúc đó hình như đang có nỗi buồn và sự trăn trở lớn…Hôm sau, khi đang ở phòng chờ của sân bay Nội Bài, tôi bất ngờ khi thấy ông đột ngột xuất hiện. Với đôi mắt nặng trĩu, ông nắm chặt tay tôi. Linh cảm có gì đó không ổn, tôi xin được ở lại. Ông nhẹ nhàng bảo: “Con cứ yên tâm đi đi”. Tôi không thể ngờ được rằng đó là lần cuối cùng tôi được gặp ông. Chỉ hơn một tháng sau, từ nước Nga xa xôi, tôi bàng hoàng khi nhận được tin ông qua đời…”.
Đại tướng Lê Trọng Tấn đột ngột từ trần ngày 5-12-1986 ngay trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI- Đại hội Đổi mới đúng nửa tháng. Đồng chí, đồng đội và bạn bè quốc tế khóc thương một vị tướng tài ba, đức độ. Báo Grama của Đảng cộng sản Cu Ba đăng trên trang nhất tin buồn và khẳng định: “Việt Nam mất một người anh hùng”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Đại tướng Lê Trọng Tấn- người chỉ huy kiên cường, lỗi lạc, người bạn chiến đấu chí thiết”. Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt khóc ông: “Anh Tấn ơi! Ngơ ngác khắp quân doanh/ Sáng họp…tối đi…sao vội thế anh?/ Đại hội chưa xong anh lên đường/ Như xưa kia Bác Hồ điện gấp/ Vẫn như ngày nào suốt đời cập rập/ “Chơ vơ dưới cửa ba nghìn khách/ Lạnh lẽo trong lòng chục vạn binh”/ Sáng như trời sang xuân/ Tối như mùa đổi tiết…”.
- Nội dung: TRẦN HOÀNG TIẾN
- Ảnh: Báo QĐND-QPVN-TTXVN-Tư liệu
- Kỹ thuật, đồ họa: ĐÔNG TRƯỜNG – CƯỜNG CÚC