NASA công bố bức ảnh vũ trụ: “Tuyệt tác của Đấng Tạo hoá”

NASA công bố bức ảnh vũ trụ: “Tuyệt tác của Đấng Tạo hoá”

Oneway.vn – Chúa ở xa hơn và đứng sau để bao phủ một vũ trụ khổng lồ

(Ảnh: NASA)

Tôi yêu thích thiên văn học và những bí ẩn của màn đêm vì vậy bố mẹ đã đăng ký cho tôi học ở một trường tiểu học chuyên khoa học.

Ngôi trường được trang bị với một đài thiên văn cơ bản, mà khi còn học mẫu giáo tôi nhớ mình đã tự hỏi: “Liệu tất cả những thứ đó thực sự có ở trên bầu trời không?”

Sự tò mò trong lòng tôi càng được khơi dậy qua tác phẩm Chiến tranh giữa các vì sao, bức ảnh Đốm xanh mờ của Carl Sagan, và đặc biệt là qua giáo viên dạy thiên văn học thời trung học của tôi, James Rousseau, người có tình yêu với các vì sao — và với Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo nên chúng — ông đã giúp tôi kết nối niềm đam mê không gian với Đấng đã phán lời Ngài tạo nên không gian. Vậy, khi NASA phóng Kính thiên văn vũ trụ James Webb vào Giáng sinh năm rồi, tôi không thể không háo hức trước những điều sẽ trở lại cùng nó sau vài tháng nữa.

Tôi không phải là nhà thiên văn học. Cũng không phải là chuyên gia về bầu trời đêm. Thật xấu hổ khi tôi thậm chí còn không sở hữu một chiếc kính viễn vọng. Nhưng bạn không cần phải là một nhà thiên văn hay sở hữu một chiếc kính viễn vọng mới xem được những bức ảnh mới nhất do Kính thiên văn vũ trụ James Webb cung cấp, và bạn sẽ há hốc miệng kinh ngạc trước cường độ tuyệt đối của mọi điều được tạo dựng bởi Đức Chúa Trời, Đấng chúng ta thờ phượng. 

Hãy xem hình ảnh SMACS 0723, được NASA cho biết là “hình ảnh hồng ngoại sắc nét nhất ở nơi sâu nhất của vũ trụ xa xôi cho đến nay”.

(Ảnh: NASA)

Cách đây vài ngày khi tôi mới đầu nhìn thấy những hình ảnh James Webb này, có hai luồng suy nghĩ hiện ra trong đầu tôi, gần như cùng lúc: Chẳng có gì quan trọng. Mọi thứ đều quan trọng.

Khi tôi nhìn vào những hình ảnh này và cố gắng hiểu vũ trụ của chúng ta rộng lớn dường bao, tôi cảm giác một ngày làm việc mệt nhọc, kỳ nghỉ sắp tới, và gia đình hạnh phúc của tôi chẳng là gì cả. Nhưng rồi, khi tôi nghĩ đến việc bởi ân điển của Đức Chúa Trời mà chúng ta hiện hữu, có khả năng nếm và xem sự tốt lành của Đức Chúa Trời — và làm chứng ​về ​vinh quang của Ngài — ngay trên hành tinh nhỏ như hạt bụi của chúng ta trong vũ trụ bao la này, thì tôi không thể không nghĩ rằng mọi thứ đều quan trọng. 

Có thật là Chúa ở xa hơn những điều này không?

Thấu suốt hết sự khổng lồ của vũ trụ là chuyện không tưởng. NASA giải thích rằng hình ảnh SMACS 0723 “có kích thước gần bằng một hạt cát được cầm ở khoảng cách bằng chiều dài của cánh tay”. Vì vậy, hãy tìm một hạt cát, giơ nó lên bầu trời đêm và tưởng tượng rằng trong đó có hàng ngàn thiên hà mà chúng ta có thể thấy bằng kính viễn vọng mạnh nhất mà chúng ta từng chế tạo ra — và chắc chắn là còn vô số thiên hà nữa mà chúng ta vẫn chưa được thấy.

(Ảnh: NASA)

Khi tôi nhìn vào không gian sâu thẳm nhất trong quá khứ xa xưa này, tôi tự hỏi, “Có thật là Chúa ở xa hơn cả những điều này không?” Đức Chúa Trời, không bị ràng buộc bởi không gian và thời gian, Ngài không chỉ ngao du trên một hành tinh xa xôi nào đó trong một thiên hà ở bên kia của vũ trụ, chờ ngày mang vương quốc của Ngài đến trên trái đất. Đức Chúa Trời ở xa hơn cả những vùng không gian sâu thẳm nhất và quá khứ xa xưa mà chúng ta có thể nhìn lại được qua không gian-thời gian. 

Nhưng lần đầu nhìn thấy hình ảnh SMACS 0723 này, tôi phải thú nhận rằng mình đã thắc mắc lẫn nghi ngờ: Có thật là Ngài có thể ở xa hơn cả những điều này không?

Đúng. Đức Chúa Trời của chúng ta, nhờ lời phán Ngài mà hàng nghìn tỷ ngôi sao liền có, bằng một cách nào đó, Ngài không chỉ ở xa hơn cả những thiên hà xa xôi nhất mà còn vận hành xung quanh và xuyên qua chúng. Hiểu thấu sự khổng lồ của vũ trụ đã khó, hiểu được Đức Chúa Trời vĩ đại hơn và ở xa hơn cả vũ trụ lại càng khó hơn. Khó hiểu, thật vậy. Nhưng có lẽ không khó để tin.

Chỉ có Chúa mới có thể đứng sau tất cả những điều này!

Hình ảnh SMACS 0723, chứa hàng nghìn thiên hà ở vùng không gian sâu nhất, là hình ảnh đầu tiên mà nhiều người nhìn thấy từ Kính thiên văn vũ trụ James Webb. Khi nhìn thấy nó, tôi tự hỏi liệu Chúa có thực sự ở xa hơn cả chỗ trong hình này không. Nhưng khi tôi xem thấy hình của Tinh vân Carina, tôi bắt đầu nhận ra câu trả lời: Chỉ có Chúa mới có thể đứng sau tất cả những điều này.

Đức Chúa Trời không chỉ ở xa hơn, ở xung quanh, và hiện hữu trong tất cả những điều này (Thi. 121; Ê-sai 40:28), mà còn là Đấng Tạo dựng nên nó (Giê. 32:17).

Chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể tạo ra được vẻ đẹp như vậy! Chỉ có một Đức Chúa Trời quyền năng vô hạn mới có thể tạo ra một thế giới rộng lớn và đẹp đẽ không sao thấu suốt được đến vậy.

Một số Cơ Đốc nhân có lẽ hơi lo lắng khi có một hình ảnh được cho là đang nhìn lại “13 tỷ năm” trước trong quá khứ xa xưa của vũ trụ. Các cuộc tranh luận về thuyết sáng tạo và tiến hóa – cũng như tuổi của vũ trụ – sẽ còn tiếp diễn trong hội thánh. Nhưng mong rằng tất cả chúng ta đều đồng kinh ngạc và tán thưởng vì sự tồn tại của Tinh vân Carina, được dựng nên bởi Chúa. Quá tuyệt mỹ! Quá lộng lẫy!

Thức ăn đâu nhất thiết phải ngon. Hoa đâu nhất thiết phải thơm. Và Tinh vân Carina — cùng Vách đá vũ trụ cao hàng năm ánh sáng — vốn đâu nhất thiết phải đẹp và huyền bí đến thế. Nhưng nó đã đẹp và huyền bí đến thế đấy. Bạn gần như có thể thấy hơi thở của miệng Chúa (Thi. 33:6) nơi Tinh vân Carina. Đức Chúa Trời đã dệt một khoảng siêu khổng lồ nên một vì sao tuyệt đẹp — và chưa hề có ai được nhìn thấy nó đến tận ngày nay.

Còn những kỳ quan vô song nào khác mà Chúa đã cất giấu trong các góc của vũ trụ mà chúng ta chưa khám phá ra, hoặc có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ khám phá được? Còn những vinh quang nào khác mà Ngài đã tạo tác vì niềm vui của Ngài, mà các giác quan của chúng ta vẫn chưa cảm biết được hay không? Chỉ có Ngài mới biết. Và sức sáng tạo bùng nổ của Ngài vô biên đến nỗi chúng ta sẽ không bao giờ thấy điểm dừng — ít nhất là chừng nào chúng ta còn ở trên hạt thiên thạch được gọi là Trái đất này, ở phía bên đây của cõi đời đời.

“Đức Chúa Trời đã dệt một khoảng siêu khổng lồ nên một vì sao tuyệt đẹp — và chưa hề có ai được nhìn thấy nó đến tận ngày nay”.

Chúa ở gần

Chúa biết tên của bạn và tôi. Và Ngài biết tên của những vì sao được sinh ra trong Tinh vân Carina ngay bây giờ (Thi. 139:13–14; Thi. 147:4). 

Đức Chúa Trời ở xa hơn bất cứ điều gì Kính thiên văn vũ trụ James Webb công bố này cũng chính là Đức Chúa Trời đang ở trong bạn và tôi, Đấng đã trở nên con người mỏng manh, nhỏ bé, sống và chết như chúng ta để nhờ Ngài mà chúng ta được ở với Ngài trong cõi đời đời.

“Chúa biết tên của bạn và tôi. Và Ngài biết tên của những vì sao được sinh ra trong Tinh vân Carina ngay bây giờ”.

Có thể bạn, cũng giống tôi, sửng sốt khi nhìn thấy những hình ảnh này và tự hỏi: Chúa của tôi thực sự lớn lao đến vậy sao? Đây là câu trả lời của Đức Chúa Trời mà bạn cần biết: “Chỉ có Ta mới lớn lao đến vậy, con vẫn chưa thấy gì đâu”.

Sau cùng, Ngài là Đức Chúa Trời, là Đấng “có thể làm trổi hơn bội phần mọi điều chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê. 3:20); Đấng mà “mọi vật trên trời, dưới đất, vật thấy được hoặc vật không thấy được đều được tạo dựng” trong Ngài (Cô-lô. 1:16).

Ngợi khen Chúa vì Ngài quan tâm đến bạn và tôi, và cả những thiên hà mà chúng ta sẽ không bao giờ nhìn thấy. Mọi tạo vật đều trỗi tiếng reo vang danh Đức Chúa Trời, là Đấng đầy sáng tạo, đầy vinh quang của chúng ta (Rô-ma 1:20).

Hãy cùng cất tiếng ca vang (Thi 95: 6; Khải 5:13). 

 

Bài: Chris Martin; Dịch: Tiểu Nguyên

(Nguồn: thegospelcoalition.org)

 

Rate this post