Ngôi nhà gỗ lớn nhất Việt Nam
Ngôi nhà ở đồ sộ được xây dựng toàn bằng gỗ theo lối cổ được đồn đại đắt tiền và to nhất Việt Nam đang được làm ở xã Nghi Phú, TP Vinh-Nghệ An, thu hút không chỉ người dân Nghệ An mà nhiều người tỉnh khác đến xem
Ai cũng sửng sốt, lạ lùng trước một ngôi nhà ở có một không hai này. Bộ trưởng Bộ VHTT Lê Doãn Hợp cũng đã đến tận nơi để xem kiến trúc của căn nhà này. Chủ nhân của nó chính là ông Trần Cường – biệt hiệu là “Cường Thọ”.
Công trình có một không hai
Ngôi nhà tọa lạc trên khuôn viên gần 4.000 m2, bao quanh là dãy tường rào kiên cố cao hơn 3 m, xây dựng rất công phu, ốp tới 5 loại đá. Đỉnh tường rào lợp bằng ngói vảy tráng men lượn sóng như con rồng khổng lồ vây lấy khuôn viên. Một tay thợ nề nói với chúng tôi: Mỗi viên ngói vảy lợp trên tường rào có giá 2.500 đồng, tổng số tiền để xây tường rào ngót nghét 2 tỉ đồng.
Hẳn đây là một kỷ lục trong việc xây tường rào. Kỷ lục tiếp theo là những cây xanh cổ thụ đang được ươm bên trong tường rào. Tôi nhẩm đếm có cả thảy vài chục cây cổ thụ to hai người ôm không xuể, giá mỗi cây 50 – 100 triệu đồng, nghe nói chủ nhân mua ở nhiều nơi, vận chuyển về ươm sẵn, khi làm xong nhà sẽ cẩu trồng trong khuôn viên, nhằm tạo sự hài hòa không gian với ngôi nhà.
Càng sững sờ hơn khi bước chân vào trong khuôn viên trước không khí lao động của hàng trăm người đang rầm rập thi công như trên một công trường lớn. Đập vào mắt tôi là ngôi nhà gỗ khổng lồ 8 mái ngự trên diện tích 400m2 với 46 cột bằng gỗ đinh hương cao 6 – 8 m có vanh tròn 1,2 – 1,4 m.
Tám góc mái cong vút như mái đình làng được đắp những nụ mây hóa rồng màu thiên thanh rất bắt mắt. Mái nhà lợp ngói ống âm dương lối cổ tráng men màu son nhẵn bóng đến hạt bụi cũng không bám được! Trừ 46 cột gỗ để tròn, còn lại tất cả những gì thuộc về gỗ như các vì kèo, xà nhà… đều chạm trổ hình các loài hoa rất tinh xảo. Ngoài kỷ lục về diện tích một ngôi nhà ở tới 400m2, ngôi nhà còn có kỷ lục lớn nhất là phần gỗ. Cứ như cánh thợ mộc tiết lộ thì số gỗ mà chủ nhân dùng để làm ngôi nhà ước khoảng 500m3 gỗ đinh hương thành khí.
Anh bạn làm nghề kiểm lâm đi cùng chúng tôi nhẩm tính: Để có số gỗ thành phẩm ấy làm nhà, phải khai thác tới 5 ha rừng gỗ đinh hương nguyên sinh 500 năm tuổi. Phía sau ngôi nhà chính là ngôi nhà xây, cột gỗ cũng làm theo lối cổ, diện tích khoảng vài trăm mét vuông. Nghe nói đây sẽ là nơi ở của… gia nhân. Nối liền với hai ngôi nhà là một chiếc cầu có mái che được làm bằng gỗ cũng theo lối cổ nốt.
Đây là ngôi nhà ở bằng gỗ lớn nhất, đắt tiền nhất Việt Nam, nên những lời bàn tán râm ran nào là một “phủ Hòa Thân”, một “Tử cấm thành”, một “Cung Từ Hy Thái hậu”… có quá lời nhưng nó cũng phản ánh mức độ đồ sộ của công trình..
“Siêu nhân” Trần Cường
Phóng toTốp thợ mộc Nam Định đang chạm khắc hoa vănSinh năm 1964, là con trai thứ của ông Trần Thọ, một thầy thuốc nam nổi tiếng chữa bệnh và giàu có ở Nghệ An. Người dân Nghi Phú cho biết: Các con ông Thọ đều rất “máu” kinh doanh và hết thảy đều giàu có, trong đó Trần Cường là “siêu nhân”. Trần Cường từng là bộ đội. Khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, ông chuyển về làm việc ở công ty vật tư nông nghiệp thành phố Vinh.
Sinh năm 1964, là con trai thứ của ông Trần Thọ, một thầy thuốc nam nổi tiếng chữa bệnh và giàu có ở Nghệ An. Người dân Nghi Phú cho biết: Các con ông Thọ đều rất “máu” kinh doanh và hết thảy đều giàu có, trong đó Trần Cường là “siêu nhân”. Trần Cường từng là bộ đội. Khoảng giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, ông chuyển về làm việc ở công ty vật tư nông nghiệp thành phố Vinh.
Thực hiện chủ trương khoán vốn trong sản xuất kinh doanh, ông cùng vợ là Lan Anh thuê mặt bằng kinh doanh vật liệu xây dựng. Những người cùng công ty với ông kể rằng, dạo đó, ông Cường cũng vất vả lắm, việc kinh doanh chỉ mình bà Lan Anh bươn chải, còn ông Cường luôn vắng nhà vượt sang Lào, nơi ông rất quen thuộc để buôn bán, đánh hàng về Việt Nam.
Ông Cường nổi tiếng với hai mặt hàng là cánh kiến và nến đất. Tầm những năm 1990 người ta đồn ông Cường bị “sập cầu” mất hơn 2 tỉ đồng, gần bằng một năm thu ngân sách của TP xứ Nghệ này lúc đó, vậy mà ông Cường vẫn bình thản như không. Riêng việc này, hồi ấy người ta đã gọi ông là “siêu nhân”.
Khoảng năm 1995, 1996 người ta thấy bà Lan Anh thôi kinh doanh vật liệu xây dựng, vì ông Cường lúc đó đã là giám đốc Công ty TNHH Sông Hồng. Mặt hàng kinh doanh chủ yếu của công ty này là xuất, nhập khẩu gỗ. Cứ như mọi người kể thì ông Cường mua đứt cả cánh rừng gỗ đinh hương nguyên sinh ở nước bạn Lào. Ông làm chủ hoàn toàn thị trường gỗ đinh hương Việt Nam, rồi xuất khẩu sang Đài Loan, Trung Quốc. Năm 2000, ông làm ngôi nhà 4 tầng tại khối 7, phường Lê Lợi hoành tráng nhất thời đó khiến bao “đại gia” khác ở TP Vinh phải lác mắt thán phục. Thêm lần này nữa họ tôn ông là “siêu nhân”.
Đời ông Cường chỉ một lần rủi ro. Đó là năm 2002, ông bị Công an Hà Nội bắt, khởi tố và phải lãnh án tù treo, vì tội buôn lậu. Sau đận ấy, người ta không thấy Công ty TNHH Sông Hồng của ông hoạt động nữa. Ông bỏ tiền mua trang trại ở huyện Thanh Chương để trồng rừng, trồng cây ăn quả, mua vài lô đất ở bãi biển Cửa Lò, TP Vinh.
Ngoài ra, thông tin từ chính những người thân của ông hé lộ: Ông quay sang góp vốn vào Công ty Phú Nguyên Hải, một công ty tư nhân có tiềm lực lớn ở Nghệ An kinh doanh rất nhiều lĩnh vực, trong đó có vận tải cơ giới và quặng mỏ. Ở công ty này ông chỉ nhận chức vụ phó giám đốc.
Những người hé lộ thông tin về ông Trần Cường đều thán phục ông là con người của công việc, luôn lăn lộn kiếm tiền và tằn tiện thì không ai bằng. Và đặc biệt có sức khỏe rất tốt. Từng hai lần được tôn là “siêu nhân xứ Nghệ”, thêm lần làm ngôi nhà gỗ to lớn này, người ta lại tiếp tục gọi ông là “siêu nhân”. Đây là ngôi nhà ông dự kiến thi công ngàn ngày, vật liệu phải độc đáo, đắt tiền và ngôi nhà ở của ông phải không giống bất kỳ ngôi nhà nào.
Ngôi nhà thay của hồi môn?
Ông Chu Hữu Định, nhạc phụ của Trần Cường đồng thời là người thiết kế, chỉ đạo thi công ngôi nhà này cho biết: Đích thân ông và con rể thuê hẳn một phiên dịch, bỏ ra 100 triệu đồng sang Trung Quốc lấy mẫu làm nhà. Mặc dù đã đến các công trình cổ của Trung Quốc như dinh Hòa đại nhân, tể tướng Lưu gù, Từ Hy Thái hậu, Tử cấm thành nhưng không mẫu nhà nào lọt mắt cha con ông.
Ông Định nói, nhà họ cổ thật, gỗ to thật nhưng không hề có hoa văn, họa tiết chạm trổ trực tiếp mà vẽ lên từ một nguyên liệu khác dán vào gỗ nên chẳng học tập được gì. Trở về nước, cha con ông “liệu cơm gắp mắm”, “có sao làm vậy”, như ông Định nói. Theo ông Định, gỗ để dùng làm ngôi nhà này lên đến cả ngàn mét khối, được tích góp cả chục năm làm nghề. Vậy thì tiếc gì không làm nhà ở cho hoành tráng.
Ông Định còn cho biết thêm, ông Định khuyên con rể dồn tiền của, trí tuệ làm nên một công trình 100% văn hóa Việt để chứng minh rằng không chỉ Trung Quốc hay đời xưa mới làm nên công trình sống mãi với thời gian mà ngay tại xứ Nghệ thời nay cũng làm được công trình như cổ và hoàn toàn thuần văn hóa Việt. Vậy là con rể ông đồng ý nhờ bố vợ đứng ra làm.
Với ý tưởng mới mà như cũ, hàng chục năm sau vẫn thấy như mới làm, thế là ông Định tự thiết kế trong đầu và tiến hành xây dựng. Quá trình xây dựng, ông Định nói sao, 50 tay thợ mộc Nam Định, hàng chục thợ xây làm vậy. Sai ông bắt làm lại, không sợ tốn kém miễn là đúng ý. Ai cãi lại, ông cho nghỉ việc ngay. Và ông đã làm thật: Bốn kiến trúc sư đến thiết kế làm tường bao khuôn viên, ông cho nghỉ việc vì theo ông là không đủ trình độ! Chủ thầu với một kíp thợ mộc chạm trổ 50 người cãi lời ông, ông cho thôi việc.
Ông mạnh tay đến mức con rể lo sốt vó, vì cứ khó tính như ông bố vợ thì lấy đâu ra người làm ngay. Ông Định vẫn rất tự tin, kiên định: Con đã nhờ cha thì cứ an tâm. Và ông đã và đang chỉ đạo làm nên ngôi nhà rất vừa lòng con rể. Ông Định nói: “Chúng tôi làm nhà ở, mà đã là nhà ở thì đâu có long – lân – quy – phượng như thiên hạ đồn đại. Ông giải thích: “Long- lân – quy – phượng là kiến trúc của chùa chiền, miếu mạo. Chúng tôi làm nhà ở nên chỉ chạm trổ hoa lá, chim muông 4 mùa xuân – hạ – thu – đông.
Đó là những cảnh vật đẹp và gần gũi với con người. Anh cứ đi xem rồi sẽ thấy”. Tôi xác nhận lời ông. Ông chỉ tay nói: “Duy chỉ có họa tiết ở 8 góc cong của mái nhà là biểu tượng của những nấm mây hóa rồng”. Ông nhấn mạnh: “Mây hóa rồng chứ không phải rồng nhé!”. Cuối cùng ông kết luận: “Chúng tôi muốn để lại cho đời một công trình văn hóa vĩnh cửu, độc nhất vô nhị và là công trình của Việt Nam chứ không mô phỏng gì kiến trúc cổ Trung Quốc…”. Hỏi về số tiền xây nhà, ông Định nhẹ tênh: “Vài ba chục tỉ, đáng bao nhiêu đâu. Đắt nhất là gỗ thì gỗ chúng tôi đã có sẵn rồi. Những vật liệu khác thì đất nước mình chẳng thiếu”.
Ngôi nhà vĩ đại này có là công trình 100% văn hóa Việt hay không còn cần được các nhà chuyên môn thẩm định. Nhưng tận mắt chúng tôi chứng kiến ngôi nhà này đang được những người thợ Việt Nam thi công là sự thật.
Nhưng ông Cường làm ngôi nhà ở to, đắt tiền như vậy làm sao ở cho hết, khi nhà ông Cường chỉ 3 người (vợ chồng ông và một cô con gái). Nghe đâu, đây là căn nhà vợ chồng ông bỏ tiền cất lên làm của hồi môn cho cô con gái độc nhất sau này?