Lời Chia Tay Đẹp Nhất Thế Gian: Đừng để cha mẹ là “nỗi buồn tiếc” của con cái
Bạn từng đọc qua tác phẩm nào và cảm thấy bản thân được soi chiếu từ quá khứ đến hiện tại không nhỉ? Đối với tôi, Lời Chia Tay Đẹp Nhất Thế Gian của tác giả Noh Hee Kyung là một tiểu thuyết như thế. Cùng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với các nhân vật, tôi bỗng chiêm nghiệm ra, mình đã trưởng thành như thế nào trong hiện tại. Đặc biệt hơn, tôi dần dần học cách yêu thương đúng đắn trong mối quan hệ với cha mẹ. Đây thật sự là điều tôi trăn trở bấy lâu nay, vì tôi không muốn đến cuối cùng, họ sẽ là “nỗi buồn tiếc” của tôi.
Nếu đọc tiểu thuyết Lời Chia Tay Đẹp Nhất Thế Gian cách đây 5 năm, chắc hẳn tôi sẽ cảm thán: “Vì sao nhân vật bà nội trợ Kim In Hee lại chấp nhận hy sinh cả cuộc đời chăm lo cho gia đình chồng, vợ chồng em trai, để rồi ra đi trong sự luyến tiếc vì căn bệnh ung thư giai đoạn cuối?”, “Nếu thời gian quay trở lại, bà sẽ lựa chọn như vậy chứ?”… Ngoài ra, “tấm chiếu mới chưa trải sự đời” như tôi còn “ngây thơ”, thường xuyên đặt câu hỏi với ba mẹ, mọi người xung quanh rằng: “Nói thương yêu nhau mà sao vợ chồng lại thường xuyên khắc khẩu, cãi cọ nhau?”, “Chịu đựng tật xấu của nhau trong mấy chục năm, không biết mệt mỏi hay sao?”, “Lúc nào người phụ nữ cũng chịu đau khổ, phải lo lắng đủ thứ cho chồng con thế?”… Sau nhiều thăng trầm và va chạm trong cuộc sống, tôi dường như đã tìm được đáp án cho những thắc mắc của mình. Đó là sức mạnh của tình yêu thương, xuất phát từ những trái tim nhân hậu.
Được sống chung với bà ngoại từ nhỏ, quan sát mẹ săn sóc từng li từng tí cho ngoại, nên tôi thấu hiểu những năm tháng ròng rã mà bà In Hee chăm lo cho người mẹ chồng. Phụng dưỡng người cao tuổi không tránh khỏi những tế nhị cùng nỗi niềm khó nói. Và càng nhọc nhằn hơn gấp bội khi ta phải tìm cách đối diện, chăm nom bệnh nhân Alzheimer. Họ lúc nhớ, lúc quên như đứa trẻ và thậm chí hành xử rất bạo lực như cụ bà trong tiểu thuyết. Trong vô thức, bà đánh đập, mạt sát, đổ cơm lên người con dâu, rưới nước tiểu và ném trái hồng văng tung tóe khắp nhà… Tuy nhiên, bà In Hee vẫn nhẹ nhàng, từ tốn với mẹ chồng, không hề nổi nóng hay quát mắng. Tôi nghĩ đây là điều rất khó. Nếu không sở hữu trái tim nhân hậu như bà In Hee, chắc chắn sẽ không thể nào ứng xử như thế được.
Ở nửa đầu cuốn sách Lời Chia Tay Đẹp Nhất Thế Gian, hình ảnh ông Jeong Cheol – chồng bà In Hee – được khắc họa là một người cộc cằn, ít nói, chỉ biết đến công việc và lơ là gia đình. Đến nửa sau, ông Jeong Cheol đích thực là người chồng hết mực yêu thương vợ. Ngặt nỗi, trong hoàn cảnh éo le, ông phát hiện vợ mình bị ung thư giai đoạn cuối. Ở cương vị bác sĩ mà lực bất tòng tâm nhìn vợ chờ chết, nỗi đau đớn của ông dâng lên tột cùng. Thế là, ông giận cá chém thớt, trút những ẩn ức trong lòng lên người mẹ bị Alzheimer, mắng chửi thậm tệ hai đứa con của mình là Yeon Soo và Jeong Soo dù trong lòng rất yêu thương họ.
Hình ảnh của nhân vật Jeong Cheol khá tương đồng với ba tôi. Ba hiền lành và luôn lo lắng, dành những gì tốt nhất cho tôi. Tuy nhiên, giữa chúng tôi thường bất đồng quan điểm bởi khoảng cách thế hệ và sự khác biệt trong tính cách. Đôi lúc, ba nóng tính và nặng lời với tôi. Những lúc như vậy, tôi hay khóc bù lu bù loa lên và trách móc ba đủ điều. Người đứng ra hoà giải và xoa dịu đôi bên là mẹ. Vốn bản tính ngang bướng, nên tôi “ứ chịu mình sai” và cứ thế ghim trong lòng. Song, đến tận giờ, tôi mới gỡ bỏ hoàn toàn những khúc mắc ấy vì tôi hiểu, nhiều nguyên nhân dẫn đến cách hành xử của ba như vậy, như việc ba có tâm sự không thể bày tỏ cùng ai và thường mượn rượu bia để giải sầu. Tôi cảm thấy may mắn vì bản thân đã kịp nhận ra, nếu không, có lẽ tôi đã trách lầm ba và để nó trở thành “nỗi buồn tiếc” của tôi đến cuối đời.
Nguồn: thichdocsach
Bộ phim truyền hình Hàn Quốc Because This Is My First Life (2017) có một câu thoại khiến tôi cảm thấy rất thú vị: “Nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy mọi người đều có trái tim nhân hậu. Nhưng dù có nhân hậu đến đâu, khi xen vào nhau và rắc rối hơn, thì sẽ không thấy được hình ảnh đẹp đẽ ban đầu.” Những trái tim nhân hậu đều chan chứa tình yêu thương với nhau. Nhưng nếu chỉ yêu thương mà thiếu đi sự đồng cảm và chia sẻ thì ắt hẳn, tình yêu thương đó chưa được trọn vẹn, thậm chí dẫn đến bi kịch.
Khi đọc đến các đoạn mô tả mối quan hệ giữa bà In Hee và mẹ chồng, tôi thấu cảm được sự chịu đựng quá mức giới hạn cho phép của một con người trong ba mươi năm dài dằng dặc. Theo những kiến thức sức khỏe mà tôi tích lũy ít ỏi bấy lâu nay thì sức khoẻ tâm thần là yếu tố quan trọng nhất quyết định một cơ thể khỏe mạnh. Từ đó, tôi ngầm suy đoán nguyên nhân căn bệnh ung thư tử cung của bà In Hee là do vô vàn áp lực, lo toan quá đỗi nặng nề trong vai trò làm con dâu, làm vợ, làm mẹ và làm chị cả. Để rồi, ở gần cuối tiểu thuyết, biết được mình mắc bệnh nan y trong khi còn quá nhiều tâm nguyện chưa hoàn thành, bà In Hee bị “sốc toàn tập” và trở nên bùng nổ như một con người khác. Có ai ngờ, người con dâu luôn hành xử đúng mực, cung kính với mẹ chồng lại gào thét, trùm chăn kín mít lên mặt bà cho ngạt thở: “Mẹ, mẹ! Mẹ cùng con chết đi! Con chết đi rồi mẹ sẽ sống sao đây? Hãy cùng chết với con đi! Mẹ đừng làm khó con cháu nữa, chết cùng con đi! Mẹ…”
Tôi bỗng suy nghĩ thoáng qua rằng, ước gì bà In Hee san sẻ nhiều hơn với chồng con và tìm người trợ giúp coi sóc mẹ chồng. Bà sẽ có thêm thời gian dành cho chính mình để không bị kìm nén cảm xúc quá lâu, dẫn tới hành động không thể ngờ như thế. Còn ông Jeong Cheol hãy gạt đi gánh nặng trụ cột gia đình, mở lòng gần gũi hơn với con cái. Biết đâu, ông tránh được xung đột không đáng có thì sao? Song, ở hiện tại, tôi tự nhắc nhở bản thân không nên đánh giá sự lựa chọn của người khác. Tôi thấy mình chỉ là một kẻ đứng bên lề cuộc đời của người khác. Vì vậy, tôi không có quyền phán xét hay trịch thượng, chứng minh rằng mình thông minh, lý trí hơn họ. Thay vào đó, tôi cố gắng dành cho họ tình cảm chân thành nhất bằng cách lắng nghe, thấu hiểu hoặc giúp đỡ khi cần thiết. Và rồi, đến cuối, ai cũng phải chịu trách nhiệm và tiếp tục sống cuộc đời mình đã chọn.
Thành ngữ Việt Nam có câu “nước mắt chảy xuôi” với hàm nghĩa tình cảm giữa người thân bao giờ cũng bắt đầu từ trên xuống. Cha mẹ luôn dồn hết tình yêu thương cho con cái. Bởi đứa con chính là “trái tim ngoài lồng ngực”, là một mảnh linh hồn không thể tách rời với cha mẹ. Nhân vật In Hee trong Lời Chia Tay Đẹp Nhất Thế Gian cũng thế. Trong “lời chia tay” trước khi ra đi, bà không thể quên khoảnh khắc thiêng liêng được làm mẹ và dặn dò: “Jeong Soo à… dù con quên hết tất cả, quên đi cả khuôn mặt hay nụ cười của mẹ… thì con cũng không được phép quên con được sinh ra từ bụng mẹ.”
Kết thúc bài viết này, tôi rất mong bạn hãy trân trọng và yêu thương cha mẹ nhiều nhất có thể. Thông thường, tiếp xúc mỗi ngày với họ, chúng ta sẽ ngại ngùng thể hiện tình cảm ra bên ngoài. Để tôi “bật mí” cho bạn hai cách này nhé. Đó là đếm ngược thời gian được ở bên cạnh cha mẹ hoặc tưởng tượng mình đang trở về quá khứ để sửa chữa lỗi lầm. Tôi nghĩ bạn sẽ giảm trường hợp phải thốt ra câu “Giá như…”, “Phải chi…” trong “nỗi buồn tiếc” vì những lời nói chưa kịp thổ lộ, việc làm chưa được thực hiện cho họ đấy!
Khi phải nói “lời chia tay” với những người thân yêu, tôi có niềm tin mãnh liệt là sẽ được gặp lại họ ở những kiếp sống sau này. Dẫu thời gian trôi qua nhanh hay chậm, bằng hình thức này hay hình thức khác, chỉ cần tình yêu thương của ta đối với họ vẫn còn tồn tại, không bị đứt gãy hay suy suyển…
“Linh hồn của chúng ta tồn tại trong dòng năng lực của tình yêu. Chúng ta không bao giờ thật sự bị chia cách với những người thân yêu, mặc cho chúng ta có cảm giác bị cách trở hoặc không được yêu thương. Cuộc hội ngộ có khi bất ngờ và đầy kịch tính.” Trích Lời Ngỏ Từ Cõi Tâm Linh của tác giả Brian L. Weiss.
Đôi nét về tác giả
Noh Hee Kyung sinh ngày 21/3/1966, là một biên kịch tài năng trong lĩnh vực phim truyền hình Hàn Quốc. Bà tốt nghiệp trường Đại học Nghệ thuật Seoul khoa Sáng tác văn học. Năm 1995, Noh Hee Kyung Ra mắt tác phẩm đầu tay Se Ri và Soo Ji. Sau đó, những bộ phim được bà viết kịch bản như Lời Nói Dối, Đẹp Hơn Loài Hoa, Thế Giới Họ Sống, Gió Mùa Đông Năm Ấy, Chỉ Có Thể Là Yêu, Tình Bạn Tuổi Xế Chiều… liên tiếp nhận được đánh giá cao từ người xem và các nhà phê bình. Những kịch bản được nhiều người đón nhận của Noh Hee Kyung đã mở ra thể loại “phim đọc được” ở Hàn Quốc.
Lời Chia Tay Đẹp Nhất Thế Gian phát sóng lần đầu tiên năm 1996 đã gây xúc động mạnh cho người xem. Cho đến nay, phim vẫn được tán dương là một tác phẩm xuất sắc và đưa tên tuổi Noh Hee Kyung trở thành nhà biên kịch nổi tiếng được nhiều người ưa thích. Tác phẩm cũng được chuyển thể sang nhiều thể loại như: tiểu thuyết, kịch bản phim, kịch nói và phim điện ảnh. Năm 2017, bản remake do chính tác giả viết kịch bản mới được phát sóng trên kênh tvN.
Đánh giá cá nhân: 8/10