95 năm sinh GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn: Nhớ một nhà toán học tài năng | meddom.org
95 năm sinh GS.VS Nguyễn Cảnh Toàn: Nhớ một nhà toán học tài năng
15:00 – Thứ Ba, 28/09/2021
Giáo sư Nguyễn Cảnh Toàn (1926-2017) thường được biết đến là một nhà toán học, một nhà giáo dục tự học thành tài. Hơn 90 năm hiện diện giữa cuộc đời, ông đã để lại một khối di sản lớn về khoa học, giáo dục và luôn là tấm gương, người truyền cảm hứng cho các thế hệ vươn lên bằng con đường tự học.
Phải chăng, những ký ức trở về khiến cho một nhà khoa học, khi ấy đã qua tuổi 80 cũng trẻ lại và hào hứng? Quả thực như thế. Những câu chuyện của ông dần mở ra trước mắt chúng ta bức chân dung về một nhà khoa học, một nhà giáo dục tài năng. Ngoài những đóng góp quan trọng về toán học, giáo dục mà nhiều người đã nhắc đến, tôi đặc biệt ấn tượng về ông ở mấy điểm.
GS Nguyễn Cảnh Toàn (thứ 3 từ phải, hàng đầu) cùng các nhà toán học đầu ngành của Việt Nam: GS Lê Văn Thiêm, GS Nguyễn Thúc Hào, GS Hoàng Tụy… trong một lần gặp mặt. Ảnh: Internet
Đối với tôi, một người không am hiểu toán học thì khó có thể liều lĩnh, tùy tiện đưa ra những nhận xét về những công trình khoa học của ông. Nếu có viết ra thì cũng chỉ là nói theo mà chẳng biết tính đúng sai. Cho đến nay, một số công trình toán học của GS Nguyễn Cảnh Toàn cũng chưa được đánh giá, phân tích một cách cặn kẽ.
Từ thời học phổ thông, tôi đã được nghe kể về GS Nguyễn Cảnh Toàn trong một vài câu chuyện về những tấm gương tự học. Thật khó tưởng tượng một ngày nào đó sẽ có cơ hội được gặp nhà khoa học bằng xương thịt. Như một cơ may, năm 2010, tôi được cùng đồng nghiệp đến làm việc với GS Nguyễn Cảnh Toàn, với mục đích thuyết phục ông kể chuyện và trao tặng những tài liệu, hiện vật gắn bó với cuộc đời mình cho Trung tâm Di sản. Trước đó, tôi đã cố gắng tìm hiểu về ông qua những bài viết, những bức ảnh tư liệu được công bố ở nhiều nơi. Tôi hầu như không khi nào thấy ông cười.
Nơi ông ở, nằm trong một con ngõ trên đường Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội. Chúng tôi hay đến nhà ông vào buổi sáng. Căn nhà vốn rất yên tĩnh và vắng lặng. Lần nào cũng vậy, khi chúng tôi đến, đều thấy ông thả lỏng trên chiếc ghế bành, hướng mắt ra cửa sổ ở tầng 2. Trò chuyện với chúng tôi – những thanh niên mới tốt nghiệp đại học còn non choẹt, ông khá cởi mở. Dưới sự chỉ dẫn của ông, chúng tôi được phép mở những tập tài liệu, ảnh ra xem và scan tại chỗ. Làm đến đâu, ông giải thích đến đó. Khoảng cách của vài thế hệ giữa ông và chúng tôi dần thu hẹp lại, dễ chịu và gần gũi. Những tài liệu, bức ảnh cũ kỹ có dịp được đánh thức sau một thời gian dài ngủ quên trong những chiếc cặp, hộp đã bị phủ bụi. Trong những lần như thế, nhiều lúc tôi nhận ra ông cười rất thoải mái, hiền từ đến lạ! Khi ấy chúng tôi đặt vấn đề sưu tầm tài liệu, hiện vật, khai thác ký ức của ông phục vụ mục đích nghiên cứu, lưu trữ và trưng bày. Hơn ai hết, ông là người hiểu rất rõ điều ấy vì từng là người khai mở xây dựng trung tâm nghiên cứu các tiểu sử danh nhân ở trường Đại học Sư phạm phục vụ công tác giảng dạy. Bởi vậy, ông rất ủng hộ và dần trao tặng toàn bộ di cảo cuộc đời mình cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Như ông từng nói trong buổi lễ bàn giao di sản cho Trung tâm vào năm 2014: “Việc lưu trữ các tài liệu cá nhân là một việc rất quan trọng. Tôi đã nghĩ đến việc này từ sớm nên thành lập ra Trung tâm Tiểu sử của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Rất tiếc là Trung tâm này đã không phát huy được hiệu quả. Chúng ta chưa có ý thức cao về lưu trữ tài liệu cá nhân, cần tìm ra giải pháp nào đó để nhiều người hiểu rõ ý nghĩa của các bộ sưu tập cá nhân. Việc làm của các bạn (tức Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam) hiện nay là một việc làm hết sức có ý nghĩa, cần nhanh chóng nhân rộng hơn nữa”.
Thứ nhất, GS Nguyễn Cảnh Toàn là người có nghị lực vô cùng lớn và sẵn mang trong mình một trí thông minh thiên bẩm. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tài năng và nghị lực đã khiến Nguyễn Cảnh Toàn sớm trở thành một gương mặt nổi bật ở Việt Nam từ những năm kháng chiến chống Pháp.
Năm 1935, Nguyễn Cảnh Toàn vào học năm thứ 3 của bậc tiểu học mà không trải qua hai năm đầu tiên tại trường tiểu học ở huyện Đô Lương. Ba năm sau đó, ông tốt nghiệp tiểu học và thi đậu vào trường Quốc học Vinh (Collège de Vinh). Năm 1942, ông dễ dàng tốt nghiệp bậc thành chung tại trường Collège de Vinh và thi đậu vào trường Quốc học Huế. Chỉ hai năm sau đó, Nguyễn Cảnh Toàn tốt nghiệp tú tài toán học tại đây. Sau 1 năm học toán học đại cương, năm 1947, Nguyễn Cảnh Toàn về Khu 4 và giảng dạy ở trường Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng. Tại đây, ông đã soạn sách giáo khoa toán dành cho lớp 5 và lớp 9. Mặc dù còn thô sơ nhưng là đáp ứng được nhu cầu cấp thiết về tài liệu giảng dạy lúc đó. Năm 1951, ông được cử sang Khu học xá ở Nam Ninh, Trung Quốc và tham gia vào công tác giảng dạy, đào tạo ở đó. Có thể nói, Nguyễn Cảnh Toàn bằng những việc làm đã tự ghi tên mình vào lịch sử giáo dục Việt Nam từ sau năm 1945.
Lần lượt năm 1958 và năm 1963, Nguyễn Cảnh Toàn bảo vệ luận án phó tiến sĩ, rồi tiến sĩ toán học ở Liên Xô – học vị cao nhất đối với những người làm khoa học. Nhưng điều đặc biệt ở chỗ những công trình ấy không có người hướng dẫn mà hoàn toàn do tác giả tự nghiên cứu, mầy mò mà ra. Nói về đều này, GS Lê Quang Long (một người đồng nghiệp thân thiết) từng nói: “Anh là tú tài Pháp thuộc, rồi vươn lên dần, tự làm, không ai hướng dẫn cả, rồi sang làm phó tiến sĩ, tiến sĩ ở Nga, sau trở thành nhà bác học lỗi lạc về giáo dục, một Thứ trưởng Bộ Giáo dục, rồi Viện sĩ Viện hàn lâm toán học nước ngoài. Chính tấm gương của anh Toàn và sự động viên của anh Toàn đã tạo điều kiện cho chúng tôi đi theo con đường mà anh đã đi: tự học, tự làm”.
Cái tên “Nguyễn Cảnh Toàn” đã tự tạo ra động lực cho những người cùng thế hệ, như GS Lê Quang Long. Về sau này, quan điểm giáo dục tự học của ông được đề cập với mật độ dầy đặc trên các bài báo, bài viết, bài nghiên cứu. Ông từng nhấn mạnh: “tự học, tự nghiên cứu”, “tự học suốt đời”, “phải học mọi người, học mọi nơi, học mọi lúc, học mọi nội dung và học mọi cách”.
Thứ hai, GS Nguyễn Cảnh Toàn là người tiên phong, mở đường cho việc đào tạo phó tiến sĩ ở Việt Nam từ cuối thập niên 60 của thế kỷ trước. Tháng 4-1970, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội – TS Nguyễn Cảnh Toàn xin phép các bộ liên quan cho phép tổ chức bảo vệ phó tiến sĩ trong nước. Những nghiên cứu sinh đầu tiên là Phan Cự Nhân, Phan Nguyên Hồng và Lê Quang Long. Sau này, GS Lê Quang Long chia sẻ: “Lúc bảo vệ luận án phó tiến sĩ trong nước thì anh Toàn là người động viên tôi làm, trong lúc đó những người bảo vệ trong nước đầu tiên đều không có người hướng dẫn, không có trang bị, không có sách vở, hoàn toàn do anh Toàn chủ trương và khuyến khích. Chúng tôi khi nghĩ đến anh Toàn là nghĩ tới người đã tạo điều kiện cho mình vươn lên”.
Tôi vẫn luôn nhớ tới những buổi làm việc tại nhà riêng, nhớ những nụ cười hiếm hoi và nhớ những lời “ruột gan” của GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn với giáo dục. Có những cái tên, khi nhắc tới đã tự gây ra những cảm xúc, cảm hứng với người khác. GS.TSKH Nguyễn Cảnh Toàn là một trong những cái tên như thế – một nhà toán học tài năng, một người luôn nặng lòng, trăn trở với nền giáo dục nước nhà.
Thanh Hóa