85. Huỳnh Văn Nghệ là một trong những vị chỉ huy võ trang đầu tiên của Chiến khu Đ, đồng thời ông là một nhà thơ; xin cho biết sơ lược về thân thế sự nghiệp và bài thơ “Nhớ Bắc” nổi tiếng của ông? – Đ

Theo nhiều tài liệu thì Huỳnh Văn Nghệ là Khu bộ phó Khu 7 dưới trướng Trung tướng Nguyễn Bình và có lúc là Khu bộ trưởng lại có thiên bẩm thơ phú, nên ông trở nên nổi tiếng không những ở miền Đông Nam Bộ mà cả nước.

Huỳnh Văn Nghệ sinh năm 1914 ở Tân Tịch, Tân Uyên, Biên Hoà (Tân Uyên nay thuộc tỉnh Bình Dương). Khi còn nhỏ ông học ở Sài Gòn rồi ra làm công chức hoả xa. Thời kỳ Mặt trận Dân chủ (1936-1939), ông sáng tác nhiều bài thơi yêu nước. Sau khởi nghĩa Nam Kỳ (1940), thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, ông chạy sang Thái Lan, liên lạc với phong trào yêu nước ở hải ngoại. Sau đó ông trở về tham gia cách mạng tháng Tám ở quê nhà. Và khi quân Pháp trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai, ông ra chiến khu cùng với các đồng chí thành lập lực lượng vũ trang, chỉ huy Chi đội 10 Vệ quốc đoàn Biên Hoà… làm Khu bộ phó rồi Khu bộ trưởng Khu 7, tỉnh đôi trưởng Thủ Biên (Thủ Dầu Một-Biên Hoà), trực tiếp chỉ huy nhiều trận vận động chiến giành thắng lợi.

Năm 1955, ông tập kết ra miền Bắc và được phong quân hàm thượng tá giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quân huấn Bộ Tổng tham mưu. Năm 1965, ông được điều động về Nam làm Trưởng ban căn cứ Trung ương Cục kiêm Phó ban kinh tài. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông chuyển ngành làm Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp miền Nam.

Do bệnh đau, ông đã qua đời ngày 5-3-1977, thọ 63 tuổi.

Theo Thiếu tướng Bộ Chính trị, hồi ở Chiến khu Đ, ông Huỳnh Văn Nghệ có một vài đặc điểm là chữ ký như bộ chân con dế đá và đôi môi thâm sì vì hút thuốc lá quá nhiều.

Sức hút của Huỳnh Văn Nghệ toả rộng còn ở phẩm chất và phong cách mang đậm nét truyền thống anh hùng dân tộc trong lịch sử: hiếu thảo và khảng khái. Ông có nhiều bài thơ tặng mẹ rất xúc động. Trong cuộc họp cục bộ 2 bên ở miễu Bà Cô để bàn việc thực hiện ngừng bắn theo tạm ước 6-3-1946 Đà Lạt, phía Pháp khư khư đòi yêu sách “Nam Kỳ quốc”. Biết ông là người Nam Bộ, nhưng chúng vẫn hỏi ông là người Nam Kỳ hay Bắc Kỳ. Ông đáp ngay “người Bắc”. Tên cáo già Phòng nhì hẳn chưa biết ông ra Bắc vào Nam nên mới có hai câu thơ:

Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Bảy Viễn là một lãnh tụ Bình Xuyên, khi được đề bạt Khu bộ phó (một lượt với Huỳnh Văn Nghệ) đã không chịu về nhận chức. Huỳnh Văn Nghệ đích thân xuống tận sào huyệt thuyết phục mới gỡ được Bảy Viễn ra khỏi gọng kềm sắt của Phòng nhì Pháp.

“Võ tướng-Thi nhân”, người đương thời gọi Huỳnh Văn Nghệ như thế. Ông làm thơ rất ít. Đối với ông nói và làm chưa đủ mà đôi lúc phải cầu viện đến thơ mới bày tỏ hết nỗi niềm yêu thương và thù hận tận đáy lòng. Như giáo sư Hoàng Như Mai viết: “Huỳnh Văn Nghệ làm thơ không phải vì danh giá, lợi lộc, ghi tên tuổi cho hậu thế gì hết… Đọc thơ ông ta càng thấm thía câu thơ của Bác Hồ “Nay ở trong thơ nên có thép”.

Có lẽ trong “sự nghiệp” thơ văn của Huỳnh Văn Nghệ, bài thơ “Nhớ Bắc” được đánh giá cao nhất. Sau đây là toàn văn bài thơ:

Nhớ Bắc

Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

Ai nhớ người chăng? Ơi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu sầu xa xứ
Non nước rông tiên nặng nhớ thương.

Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần man mác hương sầu riêng

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại… Ôi đất Bắc!
Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.

Chiến khu Đ 1946-1958
Huỳnh Văn Nghệ

Rate this post