1.1. Quảng Thái – vùng đất và con người
1.1.1. Đặc điểm tự nhiên
– Vị trí địa lý: Quảng Thái là xã đồng bằng ven phá Tam Giang, nằm ở phía Tây Bắc huyện Quảng Điền, phía Bắc thành phố Huế; cách huyện lỵ 15 km và trung tâm thành phố Huế khoảng 30 km (đường chim bay).
Xã nằm trong vùng tọa độ 16,3 độ vĩ Bắc, 107,30 độ kinh Đông. Ranh giới hành chính xã Quảng Thái được xác định như sau: Phía Đông giáp xã Quảng Lợi (huyện Quảng Điền); phía Tây giáp xã Phong Chương (huyện Phong Điền); phía Bắc giáp hai xã Điền Lộc và Điền Hòa (huyện Phong Điền) qua phá Tam Giang; phía Nam giáp xã Phong Hiền (huyện Phong Điền).
Tổng diện tích đất tự nhiên của xã là 1.812,61 ha (18,1261 km2); trong đó: Đất nông nghiệp (bao gồm đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất nông nghiệp khác): 993,76 ha; đất phi nông nghiệp: 762,84 ha; đất chưa sử dụng: 56,01 ha[1].
Quảng Thái có vị trí quan trọng trong các tuyến đường giao thông. Đường thủy thì qua phá Tam Giang, đường bộ thì ngang qua Phong Lai[2]. Phá Tam Giang là một tuyến giao thông đường thủy rất quan trọng, đi từ Hải Lăng (Quảng Trị) đến cửa Tư Hiền (xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc). Về tuyến đường bộ, thời trung đại, tuyến đường đi qua Quảng Thái chạy dọc phá Tam Giang là một nhánh của đường thiên lý. Vào tháng 3 niên hiệu Thiệu Thành thứ 2 (1402), nhà Hồ cho sửa chữa đường sá từ thành Tây Đô đến châu Hóa, dọc đường đặt phố xá và trạm chạy giấy, gọi là đường thiên lý[3]. Một nhánh đường thiên lý từ Ưu Điềm (xã Phong Hòa) đến Đường Long (xã Phong Chương) ngang qua Phong Lai chạy dọc men theo phá Tam Giang về chợ Sịa, vào Đông Xuyên, Mỹ Xá đến Thành Trung (trung tâm thành Hóa Châu) rồi đến Thanh Hà, Bao Vinh lên Phú Xuân – Huế[4]. Trong chiến tranh, Pháp và Mỹ đã dùng tuyến đường này để tiếp tế, vận chuyển binh lính, vũ khí để gây chiến tranh. Ngày nay, tuyến đường đó là Tỉnh lộ 11C[5], một con đường huyết mạch của cả vùng. Trên địa bàn xã còn có Tỉnh lộ 11 chạy qua, nối từ ngã ba Quảng Thái, qua Triều Dương, Vĩnh Nẩy, Cao Ban đến chợ An Lỗ.
Quảng Thái ở vào vị trí cực Bắc huyện Quảng Điền, ba mặt tiếp giáp với huyện Phong Điền, lại nằm trên trục đường giao thông Bắc – Nam, có phá Tam Giang và sông Nịu tạo nên tuyến đường thủy đi lại rất thuận tiện. Do đó, từ rất sớm vùng đất này đã trở thành nơi tụ hợp giao thương, buôn bán nhộn nhịp. Đến chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, nó là một địa bàn chiến lược quan trọng, trở thành một điểm nóng ác liệt trong suốt gần 30 năm. Ngày nay, vị trí đó là điều kiện thuận lợi để xã Quảng Thái vươn lên thoát nghèo, xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
– Về địa hình, đất đai, sông ngòi: Quảng Thái là một vùng đất cát nội đồng tiếp giáp với hệ đầm phá (Tam Giang) nên các trằm trảng, rú cát, đồng bằng, cồn nổi, ruộng ô đầm, vùng đất ngập nước là những dạng địa hình chủ yếu.
Về tổng thể, địa hình xã Quảng Thái thấp dần từ Tây sang Đông, tương đối thấp và bằng phẳng, thuận lợi cho việc canh tác, sản xuất lúa nước và cây công nghiệp ngắn ngày. Tuy nhiên, hàng năm có một số vùng thấp thường xuyên phải chịu ngập úng vào mùa mưa. Điều này cũng gây những trở ngại không nhỏ cho sản xuất của người dân.
Địa hình chia thành hai bộ phận cơ bản: Một bộ phận là các trằm trảng, đồi cát ở phía Tây; bộ phận thứ hai là đồng bằng bằng phẳng và vùng ngập nước ven phá Tam Giang. Vùng đồi cát ở đây chiếm diện tích lớn với các đồi, rú, trãng cát trắng tinh. Trên vùng đất này, người dân Phong Lai trồng thuốc lá và khoai lang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Đây cũng là nơi mọc các loại lâm lộc tự nhiên, như: Chõi, dẻ, bứa, vối, cà ổi, ươi, chìa vôi, chện,… Đồng bằng ở Quảng Thái tương đối rộng, về mùa mưa thường bị ngập nước. Trong số đó có một bộ phận tiếp giáp với phá Tam Giang bị nhiễm chua phèn, nhiễm mặn. Đó là một khó khăn cho người dân nơi đây, địa hình thấp trũng dẫn đến lũ lụt thường xuyên gây khó khăn trong sản xuất, thu hoạch mùa màng và trong quá trình canh tác cần phải “thau chua rửa mặn” mới đạt năng suất cao.
Bên cạnh đó, Quảng Thái có một phần phá Tam Giang là địa bàn mặt nước, ruộng ô đầm và có các con lạch, cồn nổi. Vùng phá Tam Giang ngang địa phận Lai Hà có các cồn đất nổi kế tiếp nhau, giữa hai cồn nổi là lạch nước sâu mà dân sở tại đã đặt tên là lạch Mỏm Rớ, lạch Hói Làng và lạch Trộ Giữa, về sau lại xuất hiện thêm nhiều cồn cạn nữa và lại có thêm 2 ngọn lạch là Hà Tôm, Chặng Nhì. Tất cả có 5 cồn nổi và 5 ngọn lạch (ngọn hói). Chính giữa Lạch Giữa là ranh giới thuận định của Phong Lai, Lai Hà với Thế Chí[6]. Phá Tam Giang có vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống văn hóa xã hội của cư dân ven phá. Hàng chục thế hệ người dân Quảng Thái đã dựa vào nguồi lợi từ đây để phát triển đánh bắt và sản xuất kinh tế, phục vụ cho đời sống cá nhân cũng như phát triển quê hương.
Con sông chính ở vùng này là sông Nịu, dài hơn 2 km, chiều ngang có đoạn 100 mét, chỗ sâu nhất khoảng 3 mét. Sông bắt nguồn từ các trằm cát nội đồng hai huyện Phong, Quảng có dòng chảy từ Tây Nam ra hướng Bắc nhập vào phá Tam Giang ở thôn Trung Làng. Cùng với các khe Trằm Ngang, Trằm Nẩy, kênh Cộ, kênh Mới, kênh Lai Hà, kênh Đông Hồ, hồ Bình Hồ, rào Nam Giảng…, lại ở vào vị trí trung tâm xã, được nối thông với phá Tam Giang ở cửa Rào (hay còn gọi là cửa Nịu, cửa Lác), sông Nịu đã tạo nên một mạng lưới giao thông đường thủy khá thuận lợi. Nhờ vào điểm này, từ xa xưa đã có nhiều thương nhân từ các vùng đến buôn bán, trao đổi hàng hóa ở chợ Hôm (hay còn gọi là chợ Nịu) nằm bên bờ sông Nịu (gần đình làng Phong Lai). Ngoài là cầu nối giao thương, di chuyển đi lại, sông Nịu còn đóng vai trò yếu tố phong thủy – minh đường của đình làng Phong Lai. Sông Nịu uốn lượn, vươn dài như một con rồng lớn có đầu nằm ở cửa Rào, đuôi chẻ ra ở các khe Trằm Ngang, Trằm Nẩy, Đồng Bào… Trước đây, sông Nịu được điều hòa mực nước bởi Bình Hồ – một hồ nước rộng thuộc địa phận thôn Đông Hồ. Mùa mưa, nước từ các khe Trằm Ngang, Trằm Nẩy tràn vào Bình Hồ; đến mùa khô nước từ đây chảy vào sông Nịu. Ngày nay, Bình Hồ đã cạn nước trở thành đất thổ cư, vườn tược, ruộng cấy lúa và hồ sen.
Một trong những kiểu địa hình đặc trưng nổi bật nhất nơi đây là trằm. Trằm là một loại kiểu địa hình đặc trưng của vùng cát nội đồng Phong – Quảng, là vùng đất đẫm nước ở vùng tiếp giáp chân các cồn cát kế tiếp nhau, ở giữa là nguồn nước ngầm có thể chảy thành khe song chưa đủ nước dâng thành bàu hoặc hồ. Quảng Thái có nhiều trằm như Trằm Ngang, Trằm Nẩy, Trằm Sen, Trằm Vịnh, Trằm Môn,… Trong đó lớn nhất là Trằm Ngang, thuộc địa phận thôn Trung Kiều, có chiều dài khoảng 1.500m, chiều rộng khoảng 700m kéo dài theo hướng chếch từ Tây Bắc sang Đông Nam so với địa hình tổng thể toàn xã, gần như nằm bao quanh vùng phía Tây nên có tên gọi Trằm Ngang. Giữa lòng trằm có khe nước khá sâu chảy về hợp với rào Nam Giảng đổ vào Bình Hồ. Những nơi này được người dân Quảng Thái trồng các loại cây lương thực thực phẩm, như nưa, môn, khoai, sắn,…
Điểm đặc biệt nữa là Quảng Thái có một sân chim hội tụ nhiều loài chim tập trung ở cánh đồng Lai Hà và khu cồn nổi, ruộng ô đầm trên phá Tam Giang thuộc địa phận Phong Lai – Lai Hà. Vào khoảng tháng 12 đến tháng 3 âm lịch thì từng đàn chim bay rợp trời rồi sà đậu kín trên cánh đồng. Các loài chim ở Quảng Thái khá đa dạng, có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, như: cò, vạc, le le, ngỗng trời, bồ chao, bìm bịp, diệt lửa, ó lá, cắt,…
Tài nguyên nước của xã chủ yếu được cung cấp từ hai nguồn chính là nước mặt và nước ngầm. Nước mặt chủ yếu là do nước mưa chảy tràn về từ độông cát tập trung vào các sông, trằm, hồ, khe, mương. Còn nước ngầm thì khá phong phú, chỉ cần khoan hoặc đào sâu từ vài mét là đã có nguồn nước ngầm, chất lượng khá tốt.
– Về khí hậu: Khí hậu ở Quảng Thái không khác lắm so với toàn bộ huyện Quảng Điền và cả Thừa Thiên Huế, đều nằm gọn trong vùng nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt (mùa khô và mùa mưa). Mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, thời tiết ở đây nắng nóng, oi bức và chịu tác động mạnh của gió Tây Nam khô nóng. Mùa mưa lệch pha so với hai miền Nam – Bắc, từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Khác với mùa khô, mùa mưa chịu ảnh hưởng của các đợt gió mùa Đông Bắc, trời nhiều mưa và lạnh. Trong các tháng 8, 9, 10 thường hay có bão, gây ra nhiều thiệt hại và khó khăn trong đời sống cũng như sản xuất đối với người dân Quảng Thái.
Nhiệt độ trung bình năm là 250C; nhiệt độ trung bình tháng nóng nhất là 29,40C, còn tháng lạnh nhất là 19,70C. Nhiệt độ lúc cao nhất là 39,90C và lúc thấp nhất là 8,80C. Mật độ nắng bình quân trên địa bàn xã Quảng Thái khoảng 1.952 giờ/năm. Tuy nhiên có sự chênh lệch giữa hai mùa khoảng 100 – 120 giờ chiếu sáng. Số giờ chiếu sáng bình quân mùa nắng cao hơn mùa mưa từ 3 – 4 giờ. Lượng mưa trung bình trên địa bàn xã hàng năm khoảng 2.955 mm, năm cao nhất lên tới 4.927 mm, năm thấp nhất khoảng 1.850 mm. Số ngày mưa bình quân/năm khoảng 160 ngày, chiếm 43% số ngày trong năm. Mưa tập trung nhiều vào đầu tháng 9 đến tháng 12 hàng năm[7].
Tóm lại, với đặc điểm tự nhiên trên, Quảng Thái không phải là vùng đất giàu có tài nguyên nhưng cũng được thiên nhiên ưu đãi với hệ động thực vật phong phú, đa dạng, có nhiều thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, do đất cát chiếm diện tích lớn, khí hậu khắc nghiệt, đất dễ nhiễm chua phèn, mặn nên công tác thủy lợi và ứng dụng khoa học vào sản xuất rất cần được chú trọng để phát triển một cách bền vững.
1.1.2. Dân cư và nguồn lao động
Về nguồn gốc dân cư, từ thuở cha ông mở cõi về phía Nam, cư dân Quảng Thái cũng dần dần định cư. Trải qua quá trình di cư, khai khẩn và phát triển làng xã, các lớp cư dân Quảng Thái đã sinh cơ lập nghiệp trên mảnh đất này. Đa phần trong số họ có quê gốc từ vùng Thanh – Nghệ. Một số khác là cư dân thủy diện ở phá Tam Giang lên định cư ở Lai Hà và Trung Làng.
Từ khi đặt chân đến vùng đất này, cư dân Quảng Thái đã cùng nhau đoàn kết khai khẩn đất đai, biến vùng đất này trở nên trù phú. Họ đã bám đất dọc phá Tam Giang để trồng lúa; vùng cát để trồng hoa màu, thuốc lá; đánh cá ở phá Tam Giang, sông Nịu, các trằm, hồ…; từ đó quần tụ sinh sống, lập nên nhiều thôn xóm.
Người dân Quảng Thái có truyền thống cần cù, chịu khó, hiếu học, không ngừng vươn lên trở thành nhân tài cống hiến cho quê hương đất nước. Thời trung đại có những người làm quan thời chúa Nguyễn như ông họ Lê làm chức Câu kê, tước Đức Quang hầu, ông họ Văn tước Ba Thắng hầu làm Cai tri, Văn Công Thắng tước Thanh Nghị Bá làm Câu kê…; làm quan triều Nguyễn như Trần Danh Phương (Đô sát Ngự sử), Trần Hữu Dư (Lãnh binh Thủy sư Kinh kỳ), Hoàng Thượng (Lãnh binh)…; có nhiều người đỗ đạt làm quan như Phạm Công Đê đỗ Ân khoa Nhâm Dần (1842), làm Thị lang Bộ Hình, Trần Khắc Tuấn đỗ Cử nhân khoa Qúy Mão (1843), làm Tri huyện, sau thăng Nội các Thừa chỉ, Phạm Bá Bích đỗ khoa Đinh Mùi (1847) làm đến Thượng thư Bộ Công. Thời cận đại có 10 người đỗ Tú tài dưới triều vua Thành Thái và Duy Tân; 9 người đỗ bằng Thành chung, tiểu học. Thời hiện đại, xã nhà nổi bật với truyền thống đấu tranh cách mạng, có 69 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 433 liệt sĩ (75 liệt sĩ chống Pháp, 352 liệt sĩ chống Mỹ, 6 liệt sĩ thời kỳ bảo vệ Tổ quốc)[8]; nhiều người có học vị tiến sĩ, thạc sĩ… Những nhân tài, những gia đình có công với quê hương trên đây là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho bao thế hệ trẻ học tập và noi theo.
Dưới thời phong kiến, trước nạn cường hào áp bức, nhân dân nơi đây đã kiên cường đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình. Truyền thống ấy tiếp tục được phát huy cao độ trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nhân dân Quảng Thái đã tiếp nhận ánh sáng của Đảng, kiên cường, anh dũng chiến đấu giải phóng và bảo vệ quê hương. Con người nơi đây từ xưa đến nay, dù trải qua bao thăng trầm vẫn thể hiện phẩm chất yêu quê hương, đất nước, hăng say lao động, đoàn kết khai phá ruộng đồng, làm thủy lợi bảo vệ mùa màng, xây dựng làng xã, đẩy nhanh xây dựng nông thôn mới làm thay da đổi thịt trên quê hương Quảng Thái.
Về dân số, năm 1910, Phong Lai có 238 dân đinh, Lai Hà có 77 dân đinh[9]. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, toàn xã có 3.200 nhân khẩu (theo số liệu quân cấp ruộng đất nam nữ đồng quyền ở Phong Lai, Lai Hà). Đến đợt điều tra dân số ngày 01-4-1989 toàn xã có 1.009 hộ, 4.472 nhân khẩu. Vào năm 1995, con số đó là 1.012 hộ, 4.478 nhân khẩu (có 2.405 nữ). Đến năm 2011, xã Quảng Thái có 1.285 hộ với 5.308 khẩu. Như thế, trong giai đoạn 1995 – 2011 tốc độ gia tăng dân số tự nhiên của xã Quảng Thái là 0,52%, tốc độ chậm hơn rất nhiều so với cả nước. Đến năm 2019, theo kết quả tổng điều tra dân số, xã có 5.841 người.
Trong số 5.308 người ở thời điểm năm 2011, số lao động trong độ tuổi là 2.535 người, chiếm 47,7%. Trình độ lao động của người dân nơi đây không cao, đó cũng là một thực trạng chung của nhiều vùng nông thôn nước ta. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên môn thấp, trình độ sơ cấp: 14%; trình độ trung cấp: 2%; trình độ đại học: 0,6%. Về lao động phân theo kiến thức phổ thông, lao động tiểu học chiếm 58%; lao động trung học cơ sở chiếm 35%; lao động trung học phổ thông là 7%[10]. Cơ cấu lao động theo lĩnh vực kinh tế ở xã có lao động nông nghiệp chiếm 70,4%; dịch vụ chiếm 18%; tiểu thủ công nghiệp là 11,6%. Vì đa phần làm nông nên tình tình trạng lao động nhàn rỗi rất lớn. Bên cạnh đó có một bộ phận lao động chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định.
Mặc dù vậy, người dân xã Quảng Thái luôn có tinh thần yêu lao động, cần cù, chịu khó; giỏi học hành, buôn bán; luôn khát khao xây dựng cuộc sống phồn vinh hạnh phúc. Đó là những đức tính hết sức quý báu, góp phần quan trọng trong thành công của lao động.
Nhờ đẩy mạnh giáo dục, phát triển khoa học – kỹ thuật, những năm gần đây chất lượng nguồn lao động của xã Quảng Thái có sự chuyển biến tích cực, xuất hiện nhiều lao động có trình độ cao. Cùng với đó, xã cũng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp – nông thôn, phát triển nhiều ngành nghề khác nhau đã góp phần khắc phục tình trạng nhàn rỗi, thiếu việc làm.
1.1.3. Quá trình hình thành và phát triển làng xã
Từ thế kỷ III đến năm 1306, vùng đất Quảng Điền thuộc vương quốc Champa. Người Chăm đã sinh sống và để lại nhiều dấu tích như thành Hóa Châu, tháp Đức Nhuận, Cổ Tháp, bia Niêm Phò, bia Lai Trung, bia Phú Lương, bệ thờ Thành Trung, phù điêu Vishnu chùa Kim Thành, phù điêu nam thần Quảng Lợi, tượng bò Nandin Đức Nhuận… Năm 1306, vùng đất này thuộc về Đại Việt sau sự kiện đám cưới Huyền Trân công chúa và vua Champa Chế Mân. Từ đó, các triều đại phong kiến Việt Nam chú trọng việc di dân lập ấp, khai phá đất đai, lập nên các làng xã. Đặc biệt, sau cuộc bình định Đồ Bàn của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471, nhiều làng xã được hình thành, trong đó có vùng đất Quảng Thái.
Quảng Thái hiện nay có 2 làng là Phong Lai và Lai Hà, đều xuất phát từ một làng gốc Hoài Lai (Vu Lai).
– Làng Phong Lai
Làng Phong Lai nằm về phía Tây và Nam xã Quảng Thái, địa hình chủ yếu là các trằm trảng, rú cát và một phần giáp phá Tam Giang. Tên trước đây khi mới thành lập là Hoài Lai, dưới thời chúa Nguyễn đổi thành Vu Lai.
Theo tác giả Trần Đại Vinh, Hoài Lai là một trong khoảng 31 làng của Quảng Điền mới được thành lập trong khoảng thời gian từ giữa năm 1471 đến năm 1473[11]. Đến giữ thế kỷ XVI, trong Ô châu cận lục có đề cập đến làng Hoài Lai, “nước tự Hoài Lai, thuyền rời núi trở lui về chợ”[12]. Trung tâm của Hoài Lai lúc này là xứ Cồn Dương ở Lai Trung. Từ lưu vực sông Bồ, đến thời các chúa Nguyễn, các cộng đồng cư dân Việt nhanh chóng mở rộng địa bàn canh tác về phía Tây khai thác vùng lâm lộc và vùng cồn cát, đồng bằng chua mặn ở phía Đông. Làng Vu Lai được mở rộng và hình thành ba giáp là Lai Trung, Lai Thượng, Lai Hạ và phường Trúc Đăng Hà Bạc (về sau trở thành phường, rồi ấp Lai Hà). Về sau, giáp Lai Thượng biệt thành Vu Lai Thượng xã, lại đổi ra xã Lai Thành đời Thiệu Trị thứ nhất (1841), nay thuộc Hương Vân, thị xã Hương Trà. Đến thời Minh Mạng (1820-1840), giáp Lai Hạ biệt đinh thành xã Phong Lai[13].
Công lao khai phá Phong Lai được người dân thừa nhận là 7 họ Văn, Phạm, Trần, Hoàng, Hồ, Lê, Nguyễn. Dưới triều Nguyễn đã có ban sắc phong để tưởng nhớ công lao của 7 họ này.
Quá trình khai phá vùng đất Phong Lai hình thành nên 3 giáp/phe và 1 phường: Giáp Đông, nằm ở phía Đông, gồm các xóm Đông Hồ, Đông Cao và Nam Giảng; giáp Tây, nằm ở phía Tây, gồm các xóm Tây Hoàng, Đức Trọng và Gia Quảng; giáp Trung (hay còn gọi là phe Ba), là vùng đất ở giữa, cạnh sông Nịu, gồm các xóm Thủy Nịu, Trằm Ngang và Trung Kiều; phường Vu Lai Hà Bạc (được xem như một giáp, sau trở thành làng riêng), nằm ở phía Đông Bắc, cạnh phá Tam Giang. Điều này thật đúng với câu đối ở cổng đình Phong Lai: “Ven phá Tam Giang bốn giáp cội nguồn chung một xứ; Giữa dòng thời đại đôi phen thử thách trọn niềm tin”.
Dưới thời Gia Long (khoảng từ năm 1810 đến năm 1818), Vu Lai Hà Bạc xin lập phường riêng, dần tách ra khỏi Phong Lai và đến thời Thiệu Trị (1841-1847) lập ấp Lai Hà.
Đến năm Khải Định thứ 2 (1917), Lai Trung và Phong Lai chính thức biệt xuất dân đinh; làng Lai Trung bao gồm phe Nhất (xứ Cồn Dương), phe Nhì (xứ Bàu Luân) và phe Ba (xứ Ông Xương) thuộc tổng Thanh Cần, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên[14]. Riêng Lai Trung, đến sau Cách mạng tháng Tám 1945, tách phe Nhì (Bàu Luân) nhập với Tân Thành và Xuân Tùy để lập làng Tân Xuân Lai, nay thuộc xã Quảng Thọ; phần còn lại của Lai Trung nay thuộc xã Quảng Vinh.
Cùng với việc biệt xuất dân đinh, việc phân chia đình miếu, chuyển dời từ đường (nhà thờ họ) và mộ tổ cũng được diễn ra. Phong Lai được nhận chuyển đình làng và dựng ở Trung Kiều. Tiếp đó, các họ chuyển mộ tổ ra vùng ngoài để cải táng, chỉ có họ Phạm còn để lại. Sau khi chuyển mộ tổ về là dựng từ đường để thờ phụng. Về phía Lai Trung được giữ và tiếp tục phụng tự miếu Thành hoàng, bảo quản ngôi chùa làng.
Trong quá trình khai phá, người dân Phong Lai đã dựa vào đất đai phù sa trồng lúa, đất cát trồng thuốc lá, vươn ra đánh bắt cá trên phá Tam Giang, buôn bán ở chợ Nịu để sinh cơ lập nghiệp.
Trải qua hơn năm thế kỷ hình thành và phát triển, để có một làng Phong Lai như hiện nay là cả một quá trình lâu dài. Đó là kết quả của quá trình lao động không biết mệt mỏi của hàng chục thế hệ người dân nơi đây. Trong suốt quá trình hình thành và xây dựng làng, các bậc tiền nhân đã để lại cho con cháu của làng một “di sản văn hóa” vô cùng quý báu. Đó là truyền thống lao động cần cù, chịu khó, đấu tranh bất khuất, tương thân, tương ái, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau; đặc biệt là tinh thần yêu nước nồng nàng, gắn bó thắm thiết với quê hương nơi chôn nhau cắt rốn.
– Làng Lai Hà
Lai Hà là một trong hai làng của xã Quảng Thái, nằm về phía Đông Bắc của xã. Lai Hà hình thành trên vùng đất bồi cạnh phá Tam Giang.
Giống như Phong Lai, Lai Hà cũng bắt nguồn từ làng Hoài Lai (Vu Lai), cùng chung nguồn gốc dân cư và nguyên trước đây là một phường của làng này với tên gọi là Vu Lai Hà Bạc. Thời Gia Long (vào khoảng 1810 – 1818), phường thuộc tổng Phù Lê (huyện Quảng Điền), có ranh giới: Đông giáp xã Bác Vọng (tổng Phú Ốc); Tây giáp thôn Tăng Sai (tổng An Thơ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), xã Hoa Viên (tổng An Nhơn, huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị); Nam giáp xã Đường Long (tổng Vĩnh Xương, huyện Hương Trà), xã Bái Đáp (tổng Hạ Lang), có cọc gỗ làm giới; Bắc giáp xã Hương Mặc, xã Vĩnh Xương (huyện Hương Trà), xã Thế Chí[15].
So với Phong Lai, làng Lai Hà được khai phá muộn hơn đôi chút. Làng được hình thành do các bậc tiền bối của 4 họ là Nguyễn, Hoàng, Văn, Phạm đồng khai canh xây dựng nên. Trong đó, người có công đầu tiên là ông Nguyễn Phúc Làng đã khai khẩn trúc đăng phường Hà Bạc[16], đây chính là nghề nò sáo khai thác đánh bắt thủy sản ven phá Tam Giang. Bên cạnh đó, theo các bản sắc phong, ông họ Lê làm quan cai trại thuộc ty Hộ Bạc, chức Câu Kê, tước Đức Quang hầu có công khai khẩn canh điền xứ Tam Giang, tức là khẩn trưng ruộng ô đầm.
Đến thời Gia Long (khoảng 1810 – 1818), cư dân ở đây khẩn trưng Cồn Nổi xin lập phường Vu Lai Hà Bạc. Khoảng niên hiệu Thiệu Trị (1841-1847), phường biệt xuất dân đinh ra khỏi Phong Lai và chuyển thành ấp Lai Hà.
Ngoài 4 dòng họ chính, về sau có con dân của các họ Đỗ, Phan, Nguyễn, Hồ, Trần (chủ yếu là dân thủy diện) đánh bắt thủy hải sản ở đò đã lên nhập ấp, cùng chung tham gia xây dựng làng.
Năm 1910, số dân đinh của Lai Hà là 77 người. Con số đó cũng nói lên một phần quy mô dân số không nhiều ở đây lúc bấy giờ; so với Phong Lai là 238 người, có thể thấy tương quan quy mô dân số của Lai Hà với Phong Lai.
Đến khoảng năm 1932, xóm Trung Làng (Tròong Làng) thuộc Lai Hà được hình thành. Lúc đầu chỉ có 7 gia đình thuộc con cháu hai họ Hoàng và họ Văn đến sinh sống. Tiếp đó, cư dân thủy diện ở nhiều nơi khi làm nghề trên sông nước neo đậu lại nơi đây, dần già về sau họ ở lại cư trú và nhập vào. Đặc biệt, sau ngày quê hương giải phóng, Đảng bộ xã đã chủ trương đưa cư dân thủy diện lên đất liền sinh sống đến định cư ở Trung Làng. Đến nay, vùng này có con cháu của tất cả 11 họ cùng sinh sống.
Với lợi thế nằm sát phá Tam Giang, người dân Lai Hà đã phát triển nghề nò sáo, đánh bắt thủy sản làm kế sinh nhai.
Cũng như Phong Lai, trong quá trình chiêu dân lập ấp ở Lai Hà, các ngài đã để lại cho con cháu của làng những truyền thống văn hóa vô cùng quý giá, là tình yêu quê hương, đất nước, đức tính cần cù chịu khó, thông minh sáng tạo, hiếu học và đoàn kết giúp đỡ nhau, với tình làng nghĩa xóm, khi tối lửa tắt đèn có nhau, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở địa phương.
1.1.4. Hành chính Quảng Thái qua các thời kỳ lịch sử
Xã Quảng Thái gồm hai làng là Phong Lai và Lai Hà, đều xuất phát từ làng Hoài Lai được thành lập khoảng cuối thế kỷ XV. Giữa thế kỷ XVI, theo sách Ô châu cận lục, Hoài Lai là một trong 52 làng thuộc huyện Đan Điền (đến thời chúa Nguyễn đổi thành Quảng Điền), phủ Triệu Phong.
Đến đầu thời chúa Nguyễn, làng Hoài Lai đổi tên thành Vu Lai. Khoảng cuối thế kỷ XVIII, trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn cho biết Vu Lai là một trong 14 xã thuộc tổng Phù Lê, huyện Quảng Điền, phủ Triệu Phong, gồm: Phù Lê, Tráng Lực, Thủ Lễ, Thạch Bình, An Gia, Mạc Da, Vu Lai, Phổ Lại, Sơn Tùng, Linh Căn, Thanh Đương, Hà Cảng, Mông Nguyên, Sơn Tùng Thượng[17].
Cùng với quá trình mở rộng khai phá đất đai từ một làng gốc Hoài Lai/ Vu Lai là quá trình biệt xuất dân đinh hình thành nên các phường/ ấp/ xã. Dưới thời Minh Mạng (1820-1840), Phong Lai biệt xuất dân đinh hình thành xã riêng. Dưới thời Thiệu Trị (1841 – 1847), ấp Lai Hà tách khỏi Phong Lai.
Dưới thời Gia Long (vào khoảng 1810-1818), Vu Lai là một trong 14 xã/ phường thuộc tổng Phù Lê, huyện Quảng Điền. Lúc này, có ranh giới: Đông giáp xã Cao Xá Hạ (tổng Hoa Lang), xã Thiên Tùy (tổng Hạ Lang), xã Sơn Tòng, thôn Đức Trọng Hạ (tổng Hạ Lang) có cột đá làm giới; Tây giáp xã Đồng Bào (tổng Hạ Lang), xã Đức Trọng; Nam giáp xã Đức Trọng Hạ (tổng Hạ Lang), cột đá làm giới; Bắc giáp xã Sơn Tòng, xã Đức Trọng (tổng Hạ Lang) cột đá làm giới[18]. Còn phường Vu Lai Hà Bạc cũng thuộc tổng Phù Lê, huyện Quảng Điền; ranh giới được xác định như sau: Đông giáp xã Bác Vọng (tổng Phú Ốc); Tây giáp thôn Tăng Sai (tổng An Thơ, huyện Hải Lăng, Quảng Trị), xã Hoa Viên (tổng An Nhơn, huyện Đăng Xương, Quảng Trị); Nam giáp xã Đường Long (tổng Vĩnh Xương, huyện Hương Trà), xã Bái Đáp (tổng Hạ Lang), có cọc gỗ làm giới; Bắc giáp xã Hương Mặc, xã Vĩnh Xương (huyện Hương Trà), xã Thế Chí[19].
Khoảng năm 1886-1887 (dưới thời Đồng Khánh), Phong Lai và Lai Hà thuộc tổng Thanh Cần (huyện Quảng Điền), là hai trong số 12 xã/ ấp/ giáp của tổng này; gồm: xã Phúc Yên, xã Phổ Lại, xã Vân Căn, xã Ô Sa, xã Đức Trọng, xã Bao La, xã Thủy Lập, xã Phong Lai, ấp Lai Hà, giáp Lai Trung, xã Nam Dương, xã Cao Xá Hạ[20].
Sau khi Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, hai làng Phong Lai và Lai Hà ghép với Phú Ân, Phú Lễ thành lập xã mới lấy tên Quảng Giang; gồm các thôn: Phú Ân, Phú Lễ, Lai Hà, Gia Quảng, Tây Hoàng, Thủy Nịu, Trằm Ngang, Nam Giảng, Đông Hồ và Đông Cao. Cạnh Quảng Giang là xã Quảng Tín, gồm các thôn Hà Lạc, Sơn Công, Đức Thuận, Cổ Tháp, Thủy Lập, Mỹ Thạnh, An Cư và An Lạc.
Đến tháng 4-1949, trong bối cảnh toàn quốc kháng chiến, thực hiện chủ trương của Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh về việc tổ chức lại đơn vị hành chính xã, hợp nhất một số xã để hình thành xã có quy mô lớn hơn. Huyện Quảng Điền với 12 xã được tổ chức lại thành 7 xã, gồm: Quảng Đại, Quảng Ninh, Quảng Hòa, Quảng Thuận, Quảng Hưng, Quảng Thái, Quảng Ngạn[21]. Trong đó, xã Quảng Thái được thành lập gồm phần lớn xã Quảng Giang và một phần xã Quảng Tín. Cụ thể: 2 thôn Phú Ân và Phú Lễ chuyển qua Phong Chương (Phong Điền); 8 thôn còn lại của Quảng Giang và bốn thôn của Quảng Tín là Hà Lạc, Sơn Công, Đức Nhuận, Cổ Tháp lập thành xã Quảng Thái; 4 thôn còn lại của Quảng Tín là Thủy Lập, Mỹ Thanh, Hà Đồ, Hà Lạc sáp nhập với Quảng Sĩ thành lập xã Quảng Hưng. Như vậy, lúc này xã Quảng Thái bao gồm một địa bàn rộng với 12 thôn: Lai Hà, Gia Quảng, Tây Hoàng, Thủy Nịu, Trằm Ngang, Nam Giảng, Đông Hồ, Đông Cao, Hà Lạc, Sơn Công, Đức Nhuận và Cổ Tháp.
Năm 1958, chính quyền Sài Gòn thành lập xã mới là Quảng Lợi trên cơ sở các thôn của xã Quảng Thái và các thôn phía Tây của xã Quảng Hưng, lấy thêm thôn Phú Ân. Lúc này, xã Quảng Lợi gồm các thôn Phú Ân, Lai Hà, Phong Lai, Hà Lạc, Tháp Nhuận, Thủy Lập, Mỹ Thạnh, Cư Lạc, là một trong 7 xã thuộc quận Quảng Điền[22]. Tuy vậy, chính quyền cách mạng vẫn giữ xã Quảng Thái, Chi bộ Quảng Thái tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân nơi đây đấu tranh trong giai đoạn mới.
Sau khi quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất, thời gian đầu tên gọi cũ là xã Quảng Lợi vẫn được giữ nguyên. Lúc này thôn Phú Ân thuộc về Quảng Lợi; giữa năm 1975, cắt Phú Ân về xã Phong Chương (huyện Phong Điền)[23]. Xã Quảng Lợi là một trong 8 xã của huyện Quảng Điền, gồm: Quảng Lợi, Quảng Vinh, Quảng Phước, Quảng Thọ, Quảng Phú, Quảng Lộc, Quảng Ngạn, Phong Hiền[24]. Ngày 20-9-1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245-NQ/TƯ, quyết định hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên. Đến ngày 15-04-1976, Tỉnh ủy Bình Trị Thiên ra chỉ thị số 293-CT/TU về việc hoàn thành hợp nhất tỉnh. Lúc này, Quảng Lợi là 1 trong 7 xã của huyện Quảng Điền, tỉnh Bình Trị Thiên. Ngày 11-3-1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 62-CP, hợp nhất ba huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà thành một huyện mới lấy tên là huyện Hương Điền; hai huyện Phú Lộc và Nam Đông thành huyện Phú Lộc; huyện Phú Vang và Hương Thủy thành huyện Hương Phú. Xã Quảng Lợi lúc này thuộc huyện Hương Điền.
Đến ngày 01-3-1983, thực hiện chủ trương của cấp trên lập lại đơn vị hành chính xã Quảng Thái gồm 8 thôn là Đông Cao, Đông Hồ, Nam Giảng, Trằm Ngang, Trung Kiều, Tây Hoàng, Lai Hà và Trung Làng. Như vậy, đến đây Quảng Thái được tái lập, lấy tên như thời điểm năm 1949. Tuy nhiên, diện tích hẹp hơn trước; cắt Hà Lạc, Sơn Công, Đức Nhuận, Cổ Tháp về Quảng Lợi.
Ngày 29-9-1990, Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 345-HĐBT điều chỉnh lại địa giới các đơn vị hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế. Huyện Hương Điền được chia thành 3 huyện Hương Trà, Phong Điền và Quảng Điền. Xã Quảng Thái trở lại thuộc huyện Quảng Điền.
Hiện nay, thôn Đông Cao gộp vào Đông Hồ. Như vậy, toàn xã có 7 thôn thuộc 2 làng, làng Phong Lai gồm: Đông Hồ, Nam Giảng, Trung Kiều, Trằm Ngang, Tây Hoàng; làng Lai Hà gồm: Lai Hà và Trung Làng.
Tóm lại, tên gọi Hoài Lai xuất hiện sớm nhất, sau đó đổi thành Vu Lai, là một xã lớn thời phong kiến. Từ đó tách thành nhiều làng xã khác nhau. Đến đầu thế kỷ XIX, tên gọi Phong Lai và Lai Hà xuất hiện và tồn tại cho đến ngày nay, trở thành hai cái tên thân thuộc đối với biết bao thế hệ người dân nơi đây. Về hành chính sau năm 1945 ở vùng đất này diễn ra nhiều lần tách nhập, tên gọi Quảng Thái xuất hiện năm 1949; năm 1958 chính quyền Sài Gòn gộp chung thành Quảng Lợi; đến năm 1983 thì tách riêng nhưng địa giới hẹp hơn thời điểm năm 1949.
1.2. Truyền thống kinh tế, văn hóa – xã hội
1.2.1. Truyền thống kinh tế
Phần lớn cư dân Quảng Thái sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Tuy vậy, các ngành nghề khác cũng khá phát triển, như ngư nghiệp, thủ công nghiệp, buôn bán, đã tạo ra sự đa dạng trong đời sống kinh tế của người dân nơi đây.
– Tình hình ruộng đất: Ruộng đất là nguồn tư liệu sản xuất căn bản của nông nghiệp. Trước năm 1945, trong mỗi làng bao giờ cũng tồn tại nhiều loại ruộng đất khác nhau nhưng chủ yếu có hai loại chính là ruộng công làng xã (công điền, công thổ) và ruộng đất tư nhân (tư điền, tư thổ).
Toàn bộ Vu Lai[25] dưới thời vua Gia Long có diện tích là 1.827 mẫu 6 sào 14 thước 7 tấc. Trong đó, công điền: 360 mẫu 3 sào 8 thước 2 tấc; quan điền Tam bảo: 7 sào; tư điền: 239 mẫu 8 sào 12 thước 4 tấc; công thổ: 102 mẫu 9 sào 6 thước 4 tấc; quan thổ Tam bảo: 4 mẫu 9 thước 4 tấc; tư thổ: 83 mẫu 1 sào 2 thước 2 tấc; mộ địa (3 khoảnh): 46 mẫu 2 sào 5 thước 2 tấc; hoang nhàn, cát, rừng: 990 mẫu 4 sào 1 thước 1 tấc. Từ số lượng ruộng đất đó có thể thấy, sở hữu công nhiều hơn sở hữu tư với một con số đáng kể là 144 mẫu 10 sào 9 thước 6 tấc.
Khi so sánh với các làng khác ở Thừa Thiên Huế lúc bấy giờ, số diện tích đất đai của Vu Lai khá lớn, xếp thứ 5 trong tổng số 210 làng còn địa bạ. Tuy vậy, diện tích thực dụng là khá thấp, chỉ sử dụng 837 mẫu 2 sào 13 thước 6 tấc (chiếm khoảng 46% tổng diện tích) và xếp thứ 7. Qua đó cũng cho thấy số đất hoang nhàn là khá lớn, thời gian này người dân ở đây vẫn chưa khai phá nhiều.
Đối với Lai Hà, theo địa bạ Gia Long, số ruộng đất của phường là 7 sở, phường không đo diện tích mà chỉ ghi trống 7 sở (nộp thuế tiền là 1 quan, 7 mạch, 30 văn). Đây là một con số khá khiêm tốn, xếp sau cùng trong tổng số 210 làng còn địa bạ ở Thừa Thiên Huế.
Ruộng đất công trở thành nguồn tài sản chung của làng, được chia cho mọi thành viên cày cấy theo thứ tự phẩm tước, thứ bậc. Theo chế độ quân điền thời Gia Long, chia ruộng khẩu phần ba năm một lần và đối tượng chia trước hết nhằm ưu đãi quan viên chức sắc, binh lính, hương chức, các đình, chùa, miếu…, còn lại bao nhiêu chia cho dân đinh nội tịch. Tất cả những đinh nam từ 18 đến 60 tuổi đều được nhận ruộng, những gia đình quả phụ cũng được nhận ruộng nhưng ít hơn, thậm chí bô lão cũng được nhận “ruộng dưỡng lão”. Mỗi làng tùy phong tục tập quán và số lượng ruộng công nhiều hay ít mà có những quy chế cụ thể.
Ngoài ra, cùng tùy từng làng mà có việc trích ra một số mẫu ruộng công để lo các việc tế lễ, đình đám hàng năm trong làng, đó là việc cúng tế thần Thành hoàng và các vị khai canh, miếu Văn Chỉ, miếu Quan Công, miếu Thần Nông… Chẳng hạn họ Lê được giao 3 mẫu ruộng hương hỏa, lo hương khói cho ông họ Lê, chức Câu kê.
– Sản xuất nông nghiệp: Cư dân làng Phong Lai lấy nghề nông làm nguồn sống chính. Vì là vùng ven phá, lại đang trong quá trình bồi tụ đồng bằng nên ngày trước người dân Phong Lai phải thau chua rửa mặn mới có thể sản xuất. Nghề nông ở Phong Lai xưa chủ yếu là trồng lúa. Mỗi năm, người dân trồng 2 vụ lúa (vụ mùa và vụ trái, hay còn gọi là vụ Đông Xuân và vụ Hè Thu).
Trong vụ mùa, người dân thường trồng các giống lúa như: hẻo rằn, hẻo chùm, hẻo trắng, hẻo tía, de vàng, de nhọn, nước mặn râu, nước mặn lủng,… Còn vụ trái thì trồng các giống: bát, lốt, chiên, ba trăng, chiên sâu, de vàng, de nhọn. Đó là phân theo mùa vụ, còn nếu phân theo vùng thì ruộng ở phá Tam Giang cấy các loại giống tốt, cây cao, cứng đòng, chịu được mặn vì điều kiện ở đây thường xuyên ngập nước, lại chịu ảnh hưởng của nước mặn từ phá Tam Giang. Đối với những ruộng cạn, người dân nơi đây gieo xạ giống lúa bát, hẻo rằn, lúa de. Bên cạnh đó còn trồng các loại giống nếp như: nếp đinh, nếp thơm, nếp cái, nếp sáp,…
Là vùng thấp trũng, lại có lượng mưa lớn nên vấn đề thủy lợi từ bao đời nay ở Quảng Thái rất quan trọng, quyết định đến mùa màng. Quảng Thái có một hệ thống sông, trằm, hồ, khe tương đối dày đặc. Sông Nịu là con sống chính. Ngoài ra còn có các khe Trằm Ngang, khe Trằm Nẩy, khe Trằm Dét, khe Đồng Bào, kênh Cộ, kênh Mới, rào Nam Giảng, Bình Hồ, các ao, mương, hói,… Người dân ở đây đã sớm dựa vào đó để tưới tiêu nước phục vụ nông nghiệp, sản xuất. Họ cũng chăm lo nạo vớt, kè chắn ao hồ, sông suối hàng năm. Ở một đoạn sông Nịu đi ngang qua đồng ruộng, dân làng đã tổ chức trồng hóp thật dày để bảo vệ bờ sông, chống sạt lỡ, bảo về mùa màng.
Đối với ruộng ô đầm, vấn đề thủy lợi lại càng quan trọng, vì đây là vùng đất thường xuyên ngập nước. Người dân muốn canh tác thì phải đắp đập, đan cừ khại tre ví thành từng ô, mỗi ô từ 3 đến 7 mẫu, lúc cấy phải dùng loại xe đạp nước bằng gỗ đưa nước ra khỏi ô. Những năm mưa sớm (tháng 6 âm lịch) theo lệ làng mỗi ô phải có một đến vài xe tùy điều kiện cụ thể, việc đạp nước ra được tiến hành đồng loạt theo lệnh của làng. Mỗi xe gồm hai người lực lưỡng, hương lý đốc thúc từng giá xe; tiên chỉ ngồi trên một chiếc đò có đặt một chiếc trống đại; bố trí phu chèo làm nhiệm vụ cầm lệnh, bắt đầu đạp đưa nước ra đồng loạt; tiên chỉ đánh ba hồi trống đồng thời thắp một cây hương (nhang) tiếp theo đánh trống dục cho đến khi hương tàn dứt trống ra lệnh nghỉ giải lao[26]. Có thể nói, việc chăm chỉ làm thủy lợi của người dân nơi đây đã góp phần mang lại những vụ mùa bội thu giành cho họ.
Ngoài lúa, cây khoai cũng được trồng nhiều ở đây. Trên vùng đất cát, khoai được trồng hai vụ sau khi thu hoạch xong cây thuốc lá. Đất trưa mạ sau khi nhổ mạ để cấy xong cũng được người dân sử dụng trồng khoai. Nhờ được bón phân rong lấy từ đầm vào nên khoai rất tốt, cho năng suất khá cao, không thua gì khoai Thế Chí (một làng nổi tiếng trồng khoai ở Phong Điền). Ở các khe, trằm, môn, khoai, sắn, chuối, các loại hoa màu,… cũng được trồng rất nhiều.
Người dân Quảng Thái luôn quý trọng, chắt chiu những gì mình làm ra, có “được mùa” cũng “không phụ ngô khoai”. Chính vì vậy mà trong nạn đói Ất Dậu cuối năm 1944 – đầu năm 1945, dân ở đây chỉ thiếu cơm chứ không một người chết đói mà còn cứu hàng ngàn người sống trên mặt nước phá Tam Giang[27].
Nói đến nghề nông ở Quảng Thái không thể không nhắc đến nghề trồng thuốc lá. Thuốc lá Phong Lai được coi là một đặc sản của Thừa Thiên Huế, người dân ca tụng với câu “thuốc lá Phong Lai, khoai lang Thế Chí” và tiêu thụ ở nhiều địa phương của các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.
Cây thuốc lá được trồng từ tháng 10 năm trước và đến khoảng qua tháng 5, tháng 6 năm sau thì kết thúc thu hoạch. Tuy nhiên, ngay từ tháng 7, khi mưa xuống, người dân đã phải gieo hạt ươm cây trong bầu bùn trước lúc mang đi trồng. Tuy không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao nhưng nghề trồng thuốc lá cũng lắm công phu. Buổi tối, buổi sáng thường bắt sâu (sáng bắt sâu xanh, tối bắt sâu đất). Phải tưới nước thường ngày một lần, khoảng 20 ngày bón phân chuồng và rong một lần, thường phải chắn đọt trảy cơi, khi thu hoạch phải xâu lá thuốc vào que, treo trong nhà phải bảo đảm đủ nhiệt độ để khỏi bị thối. Bên cạnh đó, trồng thuốc lá còn đòi hỏi phải có thói quen thức khuya dậy sớm để đi tưới. Đặc điểm của cây này thích hợp với phân chuồng, xác đậu lạc và rong nhưng rong không được dính nước mặn. Các loại rong thường được sử dụng để bón là rong mái chèo, rong song đốt, rong lục đại…
Sản phẩm thuốc lá Phong Lai có hình dáng sắc thái đậm đà, nhạy cháy trắng tàn, thơm, hít vào cổ có vị ngọt. Theo người dân Phong Lai, sở dĩ chất lượng tốt như vậy là Phong Lai có đất cát trắng tinh, rộng, có điều kiện luân chuyển trồng trên đất mới, lại được bón phân rong lấy từ phá Tam Giang. Cho đến nay, nghề trồng thuốc lá ở Phong Lai vẫn còn tồn tại.
Song song với trồng trọt là chăn nuôi, nhìn chung chăn nuôi ở Quảng Thái cũng có phát triển nhưng không lớn, chăn nuôi chủ là gia súc, gia cầm bó hẹp trong phạm vi gia đình. Quảng Thái có vùng trằm trảng, rú cát, lâm lộc tương đối rộng, đó là nơi lý tưởng để chăn thả gia súc và vùng ruộng ngập nước ven phá Tam Giang là điều kiện tốt để chăn nuôi vịt. Ở đây, xưa kia người dân chủ yếu chăn thả trâu, bò chủ yếu để làm sức kéo. Bên cạnh đó, nuôi lợn, gà, vịt để kiếm thêm thu nhập và làm thực phẩm. Việc nuôi gia súc, gia cầm cũng mang lại một nguồn phân chuồng tương đối lớn để người dân nơi đây sử dụng vào canh tác nông nghiệp. Vấn đề chăn thả ở Quảng Thái được quy định rất chặt chẽ, “cấm trâu ăn kẹ…”, nếu vi phạm sẽ bị làng phạt vạ.
– Ngư nghiệp: Hoạt động khái thác đánh bắt thủy hải sản ở Quảng Thái cũng rất phát triển, mang lại nguồn thực phẩm và thu nhập cho nhiều người nơi đây. Nhờ nằm cạnh phá Tam Giang nên Quảng Thái có được sự ưu đãi từ tự nhiên, trữ lượng thủy hải sản rất lớn, lại đa dạng, phong phú. Người dân ở đây đã sớm dựa vào sự ưu đãi này để khai thác. Từ khi khai phá lập làng đã hình thành nên những khu vực tập trung cư dân giỏi nghề nò sáo, đó là ấp Lai Hà và xóm Trung Làng, tạo nên một nghề đánh bắt cá có quy mô lớn. Tuy nhiên, việc khai thác cũng không hề dễ, nhà giàu mới có đủ khả năng đấu thầu từng trộ nò sáo ở giữa phá Tam Giang, khi đấu trúng phải có đủ số tiền mua sắm nò sáo, đóng tròng nôốc, mua sắm dụng cụ thuê trai bạn đóng sáo say[28]. Đó là hoạt động đánh bắt quy mô lớn còn những người dân không đủ điều kiện vẫn đánh bắt ở quy mô nhỏ, sử dụng cách bủa lưới, cắm chuôm, bủa câu,… Các cách này được cả người dân Quảng Thái sử dụng nhiều và hiệu quả của nó cũng không hề thấp.
Người dân thường đánh bắt ở phá Tam Giang, đầm Nịu, sông Nịu, các rào và khe; sau đó mang đi tiêu thụ ở chợ Hôm Nịu, chợ Sáo Lai Hà và một số chợ ở các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, nghề lặn rong ở Quảng Thái cũng phát triển do yêu cầu của sản xuất nông nghiệp, mà chủ yếu là trồng cây thuốc lá. Từ tháng 9 đến tháng 2 âm lịch, mỗi ngày có trên dưới 100 nôốc[29] rong được đưa vào ở các bến Phong Lai. Rong được lấy nhiều ở phá Tam Giang. Tuy nhiên, về mùa Thu Đông, phá Tam Giang đầy nước phải chèo đò nôốc đi tìm lấy rong ở các khe suối, các hồ của các lăng ở trên núi, hoặc ra các sông ngòi tỉnh Quảng Trị, một chuyến đi và về từ 4 đến 7 ngày đêm, nếu gặp lụt bão phải dài ngày hơn[30]. Chính sự phát triển của nghề lặn rong nên ở Quảng Thái có nhiều người lặn rất giỏi.
– Thủ công nghiệp: Bên cạnh hoạt động kinh tế nông nghiệp và ngư nghiệp, ở Quảng Thái đã sớm hình thành nghề thủ công truyền thống, tiêu biểu nhất là nghề nấu rượu.
Nghề nấu rượu ở Quảng Thái có từ xa xưa với rượu ngon nổi tiếng xa gần. Nói về nghề này, sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn có đoạn chép: “Xã Vu Lai huyện Quảng Điền làm nghề nấu rượu, mua men ở phường Việt Dương, 36 đồng được 10 bánh, nấu rượu mùi êm mà ngọt, gạo nếp gạo tẻ đều tốt cả”[31]. Điều (trích dẫn…) làm nên điểm đặc biệt của rượu ở đây chính là nguồn nước trong mát của một vùng cồn cát trắng tinh ven phá Tam Giang. Nghề nấu rượu được người dân nơi đây truyền từ đời này qua đời khác mà vẫn giữ được chất lượng ngon thơm như xưa.
Bên cạnh nghề nấu rượu, ở Quảng Thái còn có một số nghề tiểu thủ công nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu tại chỗ của người dân như: nghề đóng thuyền, nghề rèn, nghề mộc, nghề đóng cối xay, nghề nề, nghề chuyên làm nhà rội tre,… Nhìn chung, những nghề này không phát triển lắm, do đó không hình thành nên làng nghề thủ công truyền thống như một số làng khác trên đất Thừa Thiên Huế, như làng rèn Hiền Lương, làng hoa giấy Thanh Tiên, làng tranh Sình, làng gốm Phước Tích…
– Thương nghiệp: Ngoài các hoạt động kinh tế nông nghiệp, nghề truyền thống ra, ở đây còn có hoạt động thương nghiệp. Tuy vậy, nó cũng không phát triển nhiều, chỉ ở góc độ buôn bán nhỏ lẽ rải rác của một số hộ chứ không hình làng buôn. Buôn bán diễn ra chủ yếu ở hai chợ là chợ Hôm (Phong Lai) và chợ Sáo (Lai Hà), các mặt hàng chủ yếu là thủy hải sản, nông sản,… Nhờ nằm gần hệ thống giao thông thủy bộ thuận lợi nên hoạt động buôn bán ở đây khá nhộn nhịp, thu hút được nhiều nơi đến giao lưu, trao đổi. Do đó, sản phẩm người dân làm ra được tiêu thụ và cũng mang lại nguồn thu nhập cho các tiểu thương.
Nhìn chung, Quảng Thái có đầy đủ các hoạt động kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp, nghề thủ công truyền thống, thương nghiệp. Tuy nhiên, hai nghề quan trọng nhất là nông nghiệp gắn với làng Phong Lai và ngư nghiệp gắn với làng Lai Hà (gồm cả xóm Trung Làng); còn các ngành kinh tế khác chỉ mang tính chất hỗ trợ.
1.2.2. Truyền thống văn hóa – xã hội
– Tổ chức quản lý: Làng xã luôn tồn tại hai tổ chức quản lý đó là tổ chức hành chính của nhà nước và tổ chức tự quản do nhân dân lập nên.
Về tổ chức hành chính:
Từ thời Lê sơ, chế độ phong kiến đã có những quy định rõ ràng về việc tổ chức hệ thống xã quan. Trong đó, người đứng đầu xã là Xã trưởng. Đến thời chúa Nguyễn, quan viên đứng đầu cấp xã là Tướng thần xã trưởng. Thời Tây Sơn có Xã sử, thời Gia Long là Xã trưởng. Từ thời Minh Mạng đến năm 1945, người đứng đầu là Lý trưởng, tiếp đến là Phó lý, Hội đồng Ngũ hương (5 người). Những người này là người đại diện cho làng xã chịu trách nhiệm chính đối với nhà nước; đồng thời cũng là người đại diện cho chính quyền trung ương tại làng xã về các mặt chủ yếu sau: thuế đinh, thuế điền, sưu dịch, binh dịch và các việc liên quan khác về mặt hành chính, xử những việc kiện cáo.
Trên nguyên tắc, lý trưởng được làng bầu ra dựa trên các tiêu chí như: học vấn, địa vị kinh tế, địa vị chính trị,…, nói chung là “gia tư sảo hữu, bút toán lão thông” (của cải trong nhà cho sẵn có, bút toán cho rành mạch). Tuy nhiên, trên thực tế, việc sắp đặt sẵn và mua bán chức tước không phải là không có. Vào cuối thời phong kiến, Phong Lai có các ông Lý trưởng sau: Lý Thước, Lý Đạm, Lý Đốc, Lý Lăng, Lý Tiệp (cuối cùng). Những ông này từ đương chức cho đến mãn nhiệm đều hết lòng với việc công, chất phác và liêm khiết.
Sau Lý trưởng là Phó lý, có nhiệm vụ giúp việc cho Lý trưởng. Ngoài ra còn có một hệ thống các chức vụ khác, như: Hương kiểm, là người lo việc giữ gìn an ninh trực tự trong làng, tổ chức đội tuần tra, canh gác, đề phòng giặc cướp, hỏa hoạn, thiên tai. Hương bộ (hay còn gọi là thủ bộ), là người coi việc giá thú, sinh tử, chuyên giữ sổ đinh, sổ điền và là nhân viên quan trọng trong việc ban cấp ruộng đất ở mỗi làng. Hương bộ không được lấy vợ ở làng khác vì sợ đem sổ sách ruộng đất sang làng vợ sửa lại làm mất ruộng của làng. Hương bản (hương chánh), chịu trách nhiệm giữ tài sản chung của làng để lo chi phí vào các việc công. Hương mục, phụ trách việc tu bổ, bảo vệ các công trình công cộng của làng như đường xá, cầu cống, chợ búa,… Hương dịch, là người đưa thông tin xã, vệ sinh làng và mời làng đi họp. Theo như những cụ cao niên kể lại, các hương hào ở đây đa phần đều là những người cương trực, liêm khiết, luôn chăm lo xây dựng cho hương thôn.
Bên cạnh đó còn có hội đồng kỳ mục, gồm những hưu quan, chức sắc, cựu lý trưởng,… đóng vai trò quan trọng trong việc bàn bạc, quyết định nhiều công việc của làng.
Về tổ chức tự quản: Ngoài tổ chức hành chính, trước năm 1945, làng có các tổ chức tự quản đại diện cho lệ làng trước “phép nước”, có vai trò khá lớn đến việc bàn bạc, quyết định các công việc của làng xã. Điều hành việc làng, kiến thiết hương thôn do Tiên chỉ (hay còn gọi là Thủ chỉ) chủ trì. Xét về địa vị tinh thần thì Tiên chỉ là người có địa vị cao nhất. Bên dưới Tiên chỉ là Á chỉ, quan viên chức sắc, 3 trưởng công thôn và hội đồng tộc trưởng.
Về tổ chức theo địa vực cư trú ở cấp độ thấp hơn là phe, xóm và phường. Xóm không có tư cách pháp nhân, xóm phụ thuộc vào làng và chịu những luật lệ của làng. Còn phường là một thành phần của những làng có nhiều người cùng làm một nghề sông chung với nhau tại một khu, mang tính chất là đơn vị kinh tế của cư dân làm thủ công nghiệp. Nhưng phường ở địa phương này lại là phường của những cư dân làm ngư nghiệp, đánh bắt cá ở phá Tam Giang. Phong Lai xưa có ba giáp/phe với 9 xóm là Đông Cao, Đông Hồ, Nam Giảng, Tây Hoàng, Gia Quảng, Đức Trọng, Trung Kiều, Thủy Nịu, Trằm Ngang và một phường Lai Hà, sau này có thêm xóm Trung Làng.
Đứng đầu phe/ giáp (hay còn gọi là công thôn) là trưởng công thôn; đứng đầu xóm là trùm xóm. Ngoài ra còn có những người giúp việc như Ông biện, Ông xâu. Ông biện chuyên phụ trách giấy tờ, thu chi quỹ. Ông xâu lo việc bảo vệ lâm lộc, cúng tế thần và cô hồn, tang ma, chăm sóc mồ mả làng, phu sai tạp dịch và bảo vệ trị an trong thôn xóm. Còn đứng đầu phường là Trưởng phường, chịu trách nhiệm lo mọi việc trong phường như việc đôn đốc việc thu thuế hàng năm, lo cúng tế ở các am miếu của phường mình, kiểm tra việc tuần tra canh gác trong phường,… Các chức trên đều do dân tự bầu lên. Quyền lợi của họ cũng có nhưng không nhiều lắm, có những chức vụ họ đảm nhận như là nghĩa vụ của một cư dân sinh sống trong thôn xóm.
Tổ chức theo dòng họ, quan hệ huyết thống thì đứng đầu có ông trưởng họ. Ông được người trong họ bầu lên dựa trên một số tiêu chí như: tuổi tác, vai vế (ngôi thứ), uy tín, phẩm chất đạo đức và cả năng lực. Trưởng họ được mọi người đặc biệt kính trọng, có tiếng nói lớn và là người quyết định các việc trọng đại của dòng tộc. Giúp việc cho trưởng họ có ông biện, đóng vai trò như thư ký, ghi chép sổ sách, chi tiêu quỹ và ông từ lo hương khói, mồ mả. Dưới trưởng họ là các trưởng phái, trưởng chi, cũng là những người có uy tín trong họ, đứng đầu một phái, một chi của dòng họ.
Bên cạnh tổ chức về mặt con người, làng Phong Lai, Lai Hà cũng như các dòng họ đã có những quy định về nề nếp gia phong trong đời sống xã hội ở phạm vi địa phương. Những quy định phổ biến như cấm việc kết hôn trong họ tộc, loạn luân, hôn nhân không giá thú, chặt phá cây cối,…, luôn giáo dục tình yêu quê hương đất nước, yêu thương gia đình, kính trọng ông bà, cha mẹ, anh em thuận hòa, nêu cao tinh thần tương thân tương ái…
– Quan hệ xã hội: Làng là tổng hòa của nhiều mối quan hệ trong xã hội, đó là quan hệ nhà nước với làng xã, giai cấp thống trị với bị trị, các họ trong làng, giữa làng này với làng khác… Cư dân làng xã được phân chia thành các tầng lớp có quyền lợi kinh tế, chính trị và địa vị xã hội khác nhau. Các thứ bậc đó là: quan viên, dân chính cư, dân ngụ cư. Tầng lớp quan viên có đặc quyền trong làng xã bao gồm những chức sắc (quan lại văn võ), chức dịch, những người có chút học vấn, có thế lực về kinh tế như địa chủ, cường hào. Tầng lớp này nắm quyền lực về kinh tế, chính trị.
Tầng lớp thứ hai là dân đinh mà chủ yếu là nông dân. Trong đó, chỉ có hạng dân đinh (nam từ 18 đến 59 tuổi) mới được vào sổ làng, gọi là dân nội tịch (chính cư), đóng thuế đinh. Họ được tham gia vào đời sống chính trị, xã hội của làng với tư cách là thành viên chính thức, trở thành lực lượng nòng cốt, trực tiếp làm ra của cải và cũng tự coi mình là đẳng cấp trên đối với dân ngụ cư.
Dân ngụ cư là dân làng khác đến ở tạm trong làng. Ở Quảng Thái, bộ phận này tương đối lớn, nhất là bộ phận cư dân thủy diện. Tuy vậy, người dân ở đây có tinh thần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, chung sống hòa đồng cùng với mọi người nên sự phân biệt đó không quá nặng nề.
Tuy nhiên, giữa các tầng lớp cũng có sự chuyển hóa. Từ dân đinh thường có thể leo lên hàng ngũ quan viên chức sắc, cũng như dân ngụ cư có thể trở thành dân chính cư. Sự phân biệt đẳng cấp thể hiện rõ ràng trong các sinh hoạt ăn uống, tế lễ ở đình làng. Ngoài ra, trong làng còn có quan hệ dòng họ; giữa các làng, các họ có quan hệ láng giềng. Mối quan hệ huyết thống trong làng rất chặt chẽ, người dân gắn chặt với làng, trước hết là với dòng họ qua các ngày giỗ chạp.
Chế độ quan tước, sự phân hóa giai cấp và tổ chức quản lý xã thôn đã tạo ra sự phân chia đẳng cấp, thứ bậc phức tạp trong nội bộ các làng. Tuy nhiên, trong làng còn có những mối quan hệ hết sức thân thiện, đó là mối quan hệ láng giềng, họ hàng, quan hệ giữa những người lao động cùng chung một hoàn cảnh. Mối quan hệ này là chỗ dựa tinh thần, tăng thêm tình đoàn kết để có thể tồn tại, tạo nên sức mạnh vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh chống thiên tai, chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc và làm phong phú đời sống tinh thần của người dân.
– Tôn giáo, tín ngưỡng
Về Nho giáo và giáo dục: Quảng Thái gần phủ chúa, rồi gần kinh đô nên ảnh hưởng của Nho giáo khá đậm nét, có tác động nhiều đến mọi sinh hoạt ở thôn xã. Có lẽ người đem Nho giáo đến ảnh hưởng vùng Quảng Thái là dật sĩ Ngô Thế Lân[32]. Ông là người có chí thú, học rộng, giỏi văn, sống ẩn dật tại Vu Lai (Phong Lai) trong khoảng thế kỷ XVIII, sau chuyển sang Thanh Hà (Hương Vinh, thị xã Hương Trà). Trong thời gian ông sống ở Vu Lai đã sáng tác nhiều bài thơ nói về cảnh đẹp nơi đây, tiêu biểu như Vu Lai ổ, Vu Lai thu dạ, Dã tọa, Tự vịnh, Bình Hồ lộng nguyệt…
Lề lối Nho giáo ảnh hưởng sâu rộng trong làng xã. Những hoạt động tế tự, lễ nghi, sinh hoạt ở làng đều phản ánh quan hệ đẳng cấp của một xã hội thu nhỏ theo sự chi phối của trật tự Nho giáo. Còn đối với nhiều tầng lớp trong xã hội thì Nho học và khoa cử trở thành còn đường tiến thân và cống hiến cho đất nước, quê hương.
Đối với người dân Quảng Thái, giáo dục đã sớm được quan tâm và có thể nói đây là một địa phương có truyền thống hiếu học. Nhiều lớp học chữ Hán dưới thời phong kiến đã được mở tại địa phương để dạy con em trong làng. Cha mẹ tìm rước thầy các nơi về dạy học cho con em mình. Nhiều người thầy nổi tiếng đến vùng này dạy học dưới triều Nguyễn như thầy Khóa Nguyễn Bình, Tú tài Hà Thúc Linh, Hoàng giáp Đinh Văn Chấp[33]… Từ đó mà có nhiều người đỗ đạt gồm Tú tài, Cử nhân và đã có không ít người làm quan như Phạm Công Đê đỗ Ân khoa Nhâm Dần (1842), làm Thị lang bộ Hình; Trần Khắc Tuấn đỗ Cử nhân khoa Qúy Mão (1843), làm Tri huyện, sau thăng Nội các Thừa chỉ; Phạm Bá Bích đỗ khoa Đinh Mùi (1847) làm đến Thượng thư bộ Công. Ngoài ra còn có 10 người đỗ Tú tài thời Thành Thái, Duy Tân. Những người này đã tạo nên tầng lớp Nho sinh – Nho học ngày càng nhiều ở Quảng Thái xưa.
Khi có chính sách của triều Nguyễn, làng Phong Lai đã sớm lập Văn Chỉ để tôn vinh Khổng học, thờ Khổng Tử và thất thập nhị hiền, nêu cao tinh thần hiếu học của người dân ở đây. Làng Phong Lai rất chú trọng việc học hành, thi cử của con em trong làng; làng có lệ khuyến học là tổ chức đón rước tuyên dương, động viên những người thi đỗ ở Huế về làng.
Đến năm 1918, việc học hành thi cử chữ Hán bị bãi bỏ, thay vào đó là chữ Quốc ngữ. Trong nền giáo dục mới, truyền thống hiếu học ở nơi đây vẫn được gìn giữ và phát huy. Bằng chứng là có nhiều người đỗ Thành chung, Tiểu học như Lê Tư Tâm, Nguyễn Ngâu, Phạm Bá Hối, Phạm Bá Khác, Phạm Bá Để, Trần Đình Quyền, Lê Tư Chí… Trong số những người đỗ đạt đó, có một số người được về mở lớp ở đình làng và văn chỉ. Năm 1925, làng xin huyện dựng trường ngói, năm 1926 làm xong trên nền cũ trường tranh… Trường có 2 phòng học, mở 3 lớp (5, 4, 3). Có nhiều thầy dạy đã đến đây dạy cho con em trong làng, như Văn Yên, Hoàng Oanh, Nguyễn Đức Thọ, Mai Văn Hoán, Trần Quyền, Hồ Lạp, Văn Hạn…
Thời hiện đại, truyền thống hiếu học vẫn được gìn giữ, nhiều người học giỏi thành tài trở thành tiến sĩ, bác sĩ, kỹ sư, đỗ cử nhân, tú tài…
Về Phật giáo sớm được người dân Quảng Thái đón nhận. Từ khi mới vào khai phá lập làng, người dân đã dựng nên một ngôi chùa tọa lạc tại Lai Trung dưới thời cùng chung xã Vu Lai. Về sau, khi tách làng xã, chùa nằm ở làng Lai Trung. Cùng với phong trào chấn hung Phật giáo, Niệm Phật đường được xây dựng ở Quảng Thái vào khoảng năm 1958 mang tên Phong Hà. Sau đó, đến đầu những năm 60, chùa Đông Hồ cũng được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu tôn giáo tín ngưỡng của người dân.
Có thể nói, Phật giáo là tôn giáo có đông tín đồ và ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm linh của người dân Quảng Thái. Hoạt động của Khuôn hội, gia đình Phật tử đã ít nhiều tác động vào sự bảo tồn, xây dựng nếp sống thuần hậu.
Thiên chúa giáo ở Quảng Thái được du nhập khá muộn và ảnh hưởng không rõ nét. Đến đầu thế kỷ XX, khoảng thời Duy Tân (1907 – 1915) mới có người theo Công giáo, là các ông Phạm Duyệt, Văn Bảo và ông tên Đức (từ nơi khác đến). Họ lập nhà thờ bằng nhà tranh vách đất ở thôn Gia Quảng để đọc kinh, hành lễ. Sau khi các vị này qua đời, Thiên chúa giáo không có người duy trì, nhà thờ cũng để mục nát, hiện nay chỉ còn dấu tích một khoảnh đất đã được dựng làm chợ Đường Tây Hoàng. Khoảng năm 1920 có hai nữ tu tên Cử và Bẻo đến truyền giáo nhưng không có giáo hữu nên lại đi nơi khác.
Tín ngưỡng: Đối với cư dân Quảng Thái, thờ cúng tổ tiên và tôn thờ thần linh là những tín ngưỡng phổ biến.
Việc thờ cúng tổ tiên được người Việt Nam nói chung và người dân Quảng Thái nói chung xem là điều quan trọng bậc nhất, họ nghĩ rằng: Ông bà, cha mẹ có công sinh thành, nuôi dạy con cháu nên người; do vậy con cháu phải có bổn phận vâng lời những người đi trước và phải có trách nhiệm phụng dưỡng, đặc biệt là lo chạp giỗ hằng năm. Thờ cúng tổ tiên bao gồm việc chăm lo ngày đơm tháng kỵ, nhà nào cũng có bàn thờ tôn trí bài vị, di ảnh và bát hương để tưởng niệm, tôn kính người thân đã quá cố; chi phái và họ tộc thì có từ đường, hàng năm vào dịp ngày rằm hoặc mồng một, trong năm có các dịp lễ tết đều có hương đăng chong đèn rạng. Đến ngày húy nhật thì hoặc hương đăng hoa quả hoặc bày mâm cơm cúng giỗ nhớ ngày.
Việc thờ cúng thần Thành hoàng cũng diễn ra ở Phong Lai, Lai Hà. Đây là thần được nhân dân coi trọng nhất, vì thần Thành hoàng là vị thần hộ mệnh có nhiều công lao đóng góp cho làng. Các thiên thần khác như thần Đại Càn, thần Cao Các, Ngũ Hành,… cũng được làng Phong Lai, Lai Hà thờ phụng trong làng.
Về nhân thần gồm các vị khai canh, khai khẩn, canh điền… của Vu Lai nói chung và các xứ đất, trúc đăng, ruộng ô đầm ở Quảng Thái tất cả gồm 10 vị đã được ban cấp sắc phong thần dưới thời Duy Tân và gia tặng thời Khải Định 9. Ngoài ra còn có Phi Vận Tướng Quân được ban cấp sắc văn phong thần thời Tự Đức, gia tặng thời Khải Định.
Ở Phong Lai, Lai Hà có các miếu thờ Quan Công, Văn chỉ, đàn Thần Nông, Cô Đàn, các đền miếu thờ Thành Hoàng, Cao Các đại vương, thần Phi Vận Tướng quân,… Ngoài ra, khắp các thôn xóm trong làng đều dựng am miếu, thờ cúng các vị thần đất đai, thờ cô hồn. Người dân làm nghề ngư còn tổ chức các lễ thờ cúng hà bá thủy quan, Bà Thủy, thờ cô hồn…
Về các lễ tết trong năm thì người dân Quảng Thái cũng rất xem trọng Tết Nguyên Đán, Tết Đoan Ngọ… Tết Nguyên Đán là ngày Tết bắt đầu cho một năm mới, được xem như một lễ chính thức, đón chờ một vận hội mới với bao ước vọng cho một tương lai đầy may mắn và tốt đẹp. Dù giàu hay nghèo, khi đến Tết, bà con nơi đây đều có không khí Tết và thường tập trung cao điểm trong 7 ngày. Nhìn chung, cái Tết của người dân Quảng Thái cũng giống với bao nơi khác của cư dân Việt, đều rất đầm ấm, mọi người cùng nhau sum vầy, đoàn tụ bên nhau.
– Phong tục tập quán
Về hôn nhân và gia đình: Hôn nhân là chuyện đại sự cả đời của người dân Việt. Do vậy, nó thường gắn với nhiều tập tục mang đặc trưng riêng. Ở Quảng Thái xưa, phong tục cưới xin định vợ gả chồng cũng trải qua nhiều giai đoạn, có nhiều lễ nghi, mang đậm nét phong kiến: vấn danh, ăn hỏi, gửi rể, thách cưới, lễ cưới, đưa dâu, nhập đường, lật mặt…
Lễ cưới thu hút sự quan tâm của gia đình và gia tộc. Người dân Phong Lai, Lai Hà quan niệm “đám nhà giàu trâu heo, đám nhà nghèo củi lửa” nên thông thường lễ cưới diễn ra linh đình.
Sinh đẻ là việc hệ trọng và có nhiều tập tục. Người con gái có thai thường được cha mẹ dặn dò kiêng cữ đủ thứ, khi sinh con đầu lòng thì phải về nhà mẹ đẻ ở một thời gian theo phong tục “con so nhà mạ, con rạ nhà chồng”. Khi trong nhà có người đẻ thì treo trước cửa lá môn, cây nè chất xung quanh nhà để trừ yểm ma quỷ. Khi đứa bé đầy tháng tuổi (con trai 28 ngày, con gái 29 ngày), gia đình tổ chức lễ cúng bà mụ, đặt tên. Đúng ba tháng mười ngày thì nhà trai có lễ đơn giản (trầu cau và rượu) đến nhà gái xin cho cháu về nhà mình.
Về tang ma: Việc tang ma cũng hết sức quan trọng, nó bày tỏ lòng thành kính với người chết. Người dân Quảng Thái xưa quan niệm “sống có dầu có đèn, chết có kèn có trống” nên lễ tang được tổ chức lớn, nhiều nghi thức, nghi lễ. Đối với người dân nơi đây, mỗi khi có người trong địa phương qua đời thì mọi người giúp đỡ, tiến hành tang lễ thể hiện truyền thống tương thân tương ái của người dân Quảng Thái. Ngày nay, các nghi thức, nghi lễ rườm rà trong tổ chức tang ma được lược bỏ đi, thời gian tổ chức đám tang cũng không kéo dài như trước.
Về tảo mộ (chạp mả): Hằng năm, nhằm hướng về tổ tiên, người dân Quảng Thái dù có đi làm ăn xa cũng tề tựu về quê để tham dự lễ chạp mả. Theo tục lệ xưa, tất cả các họ, chi, phái ở Quảng Thái đều tiến hành chạp mả tổ tiên mình từ ngày mồng 1 đến mồng 4 tháng 10 âm lịch. Sang ngày mồng 5, tất cả các họ tập trung chạp mả làng. Hiện nay, do sự bất tiện về thời tiết, tháng 10 âm lịch thường có mưa lũ nên làng đã quyết định để mỗi họ tộc chọn ngày phù hợp với đặc điểm riêng của dòng họ mình. Đây là dịp con em trong làng tụ họp, sinh hoạt và cùng hướng về tổ tiên, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn. Qua đó, tình cảm anh em trong họ tộc cũng như hàng xóm láng giềng trở nên thắm thiết hơn.
Ngoài ra, trong phong tục tập quán của người dân Quảng Thái xưa còn có các tập tục như mừng thọ, khẳm tháng,…
– Văn hóa dân gian là một trong các hình thức sinh hoạt văn hóa của người dân, giúp những người nông dân “quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” thư giãn đôi chút để tiếp tục làm việc.
Ở Quảng Thái, hình thức văn nghệ dân gian phổ biến là hò vè, ca dao. Đây là thể loại phát triển mạnh mẽ nhất ở Quảng Thái. Các câu ca, hò vè đều rất chất phác, hoàn toàn gần gũi với đời sống con người nơi đây. Tuy không có những tác giả và sáng tác điển hình nhưng lực lượng tham gia sáng tác rất đông đảo, nhân dân lao động chính là những người sáng tạo nên nó.
Các làn điệu hò của người dân ở đây cũng gần giống với nhiều làng khác ở xứ Huế, phổ biến là hò giã gạo (hò lúc giã gạo hoặc lúc nghỉ ngơi), hò mái nhì (hò chèo đò trên sông, trên phá Tam Giang), hò ru em (hò để đưa trẻ vào giấc ngủ), hò ô (hò lúc cày ruộng ô, nước sâu ở phá Tam Giang), hò nện (một tập thể hò lúc nện đất hoặc nghỉ ngơi), hò bài chòi (người chơi bài ngồi trên chòi nghe hò để đánh bài), hò đưa linh (hò tiễn đưa linh hồn người đã khuất),…
Nội dung các câu hò phản ánh khá phong phú, sinh động và chân thực nhiều mặt trong cuộc sống sinh hoạt của dân làng. Trong lao động, vì trồng thuốc lá phải bón phân rong rất nhiều, người phụ nữ phải gánh rong rất xa, nên người đàn ông mới hò để an ủi:
Xót thương con gái Phong Lai,
Đầu cột chạc chuối, hai vai sương rều.
Ở đình Phong Lai có một cây “mõ mít thần”, các đôi trai gái đã lấy đó để làm “tiêu chuẩn yêu đương”:
Bao giờ mõ mít xa đình,
Hạc, quy xa hương áng, đôi đứa mình mới xa nhau.
Cũng như bao người phụ nữ khác sống dưới chế độ phong kiến, người phụ nữ ở đây bị phân biệt đối xử. Không có cách nào phản kháng, họ đành gửi nỗi niềm của mình qua câu hò:
Thân em như cá thia thia,
Ra rào sợ sóng, vô đìa sợ chuôm.
Người dân Quảng Thái trọng đạo thờ cúng tổ tiên, sống hiếu thuận với ông bà, cha mẹ. Để duy trì truyền thống đó, các bậc làm cha mẹ nơi đây luôn dạy con cái:
Lên non mới biết non cao,
Nuôi con mới biết công lao mẹ già.
Bên cạnh đó còn có thể loại văn tế. Trong văn tế Cô Đàn có đoạn:
Phá Tam Giang thú cũ còn in
Mà người cũ hãy còn đâu đó
Bâng khuâng kẻ khuất người còn
Cám cảnh đường kia cùng nỗi nọ.
Nhìn chung, các câu ca hò vè đều rất chan chứa, gần gũi với cuộc sống con người nơi đây.
Tựu trung lại, kinh tế, văn hóa – xã hội ở Quảng Thái về cơ bản mang đặc điểm chung của làng xã Việt Nam nhưng có những đặc điểm riêng biệt thể hiện truyền thống của làng xã nơi đây. Được sự ưu đãi của tự nhiên, với bàn tay cần cù, khéo léo, sức lao động dẻo dai và không biết mệt mỏi, người dân Quảng Thái đã tạo ra trên vùng quê mình một nền kinh tế khá phát triển với đầy đủ các hoạt động kinh tế nông nghiệp, ngư nghiệp, nghề thủ công truyền thống, thương nghiệp. Tuy vậy, nông nghiệp gắn với Phong Lai và ngư nghiệp gắn với Lai Hà là điểm nổi bật nhất. Trong lòng xã hội Quảng Thái xưa cũng có sự phân chia giai cấp, nhưng sự phân chia đó không quá sâu sắc. Những người ở tầng lớp trên đa phần luôn có ý thức xây dựng và bảo vệ quê hương, còn người dân bình thường thì chí thú làm ăn, cần cù chịu khó, một nắng hai sương. Sinh sống trên một vùng cát nội đồng ven phá Tam Giang, người dân Quảng Thái đã tạo nên một bề dày lịch sử – văn hóa với những giá trị văn hóa, phong tục tập quán rất lành mạnh, mang tính chất đạo đức nhân nghĩa, bình đẳng, vị tha, cương trực, thuần hậu. Mà bằng chứng cho điều đó là họ đã được vua Bảo Đại ban tặng mỹ tự “Phong thuần tục mỹ”. Điểm nổi trội là người dân Quảng Thái rất chăm chỉ học hành, nhiều người đỗ đạt làm quan từ thời trung đại cho đến hiện đại. Với một bề dày lịch sử và những giá trị to lớn đó, người dân Quảng Thái ngày nay đã và đang chung sức xây dựng, kiến thiết cho sự phồn vinh của vùng đất này. Mặc dù còn rất nhiều khó khăn phía trước, nhưng truyền thống của cha ông đã gầy dựng nên trong suốt quá trình từ lúc hình thành cho đến nay rõ ràng là một động lực hết sức lớn lao cho Đảng bộ và nhân dân xã nhà tiếp bước trên con đường xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp.
[1] Số liệu tính đến ngày 31-12-2015 do Địa chính xã cung cấp.
[2] Huỳnh Đình Kết (chủ biên), Văn Đình Triền, Trần Đình Tối (2000), Địa chí Văn hóa xã Quảng Thái, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 34.
[3] Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr.732.
[4] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 35.
[5] Trước gọi là Quốc lộ 4B, hiện nay đổi thành Tỉnh lộ 11C.
[6] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 33.
[7] Số liệu do Địa chính xã cung cấp.
[8] Số liệu thống kê đến tháng 12-2019.
[9] Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Thừa Thiên, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 69.
[10] UBND xã Quảng Thái (2011), Đề án xây dựng xã nông thôn mới Quảng Thái, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến 2020, tr. 10.
[11] Trần Đại Vinh (2012), “Tổng quan về việc khai canh lập ấp ở Quảng Điền”, Lịch sử và văn hóa vùng đất Quảng Điền, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 9.
[12] Dương Văn An (2015), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh hiệu đính, dịch chú, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 84.
[13] Trần Đình Hằng (2012), “Phá Tam Giang ngày rày đã cạn”: Người Việt tiếp cận miền sông nước Tam Giang và sự hình thành vùng đất Quảng Điền”, Lịch sử và văn hóa vùng đất Quảng Điền, Sđd, tr. 30-31.
[14] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 17.
[15] Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Thừa Thiên, Sđd, tr. 299.
[16] Đây cũng là dòng họ gốc của nhà thơ Tố Hữu (Nguyễn Kim Thành), dòng họ này có một nhánh hiện sinh sống hiện ở thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền.
[17] Lê Quý Đôn (1977), Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Phủ biên tạp lục, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr. 80.
[18] Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Thừa Thiên, Sđd, tr. 298.
[19] Nguyễn Đình Đầu (1997), Nghiên cứu địa bạ triều Nguyễn: Thừa Thiên, Sđd, tr. 299.
[20] Quốc sử quán triều Nguyễn (2003), Đồng Khánh địa dư chí (bản dịch), Nxb Thế giới, Hà Nội, tr. 1427.
[21] Có một xã là xã Phong Phú giao lại cho huyện Phong Điền.
[22] Đỗ Bang (chủ biên) (2013), Địa chí Thừa Thiên Huế, Phần dân cư và hành chính, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr. 406.
[23] Theo lời kể của đồng chí Hoàng Truyền, nguyên Bí thư Chi bộ xã.
[24] Cuối năm 1975, xã Phong Hiền chuyển giao về huyện Phong Điền.
[25] Thời điểm này vẫn còn Lai Trung, nhưng không tính Lai Hà (Vu Lai Hà Bạc).
[26] Địa chí văn hóa xã Quảng Thái, Sđd, tr. 135.
[27] Văn Đình Triền, Trần Đình Tối (sưu tầm và biên soạn) (1995), Quảng Thái chí lược (sơ thảo) (tập 1, 2), bản đánh máy, tr. 31.
[28] Văn Đình Triền, Trần Đình Tối (sưu tầm và biên soạn) (1995), Quảng Thái chí lược, Tlđd, tr. 35.
[29] Nôốc là một loại thuyền có mui, đóng bằng gỗ, thường được cư dân thủy diện sử dụng để sinh sống, đánh bắt và đi lại.
[30] Văn Đình Triền, Trần Đình Tối (sưu tầm và biên soạn) (1995), Quảng Thái chí lược, Tlđd, tr. 36.
[31] Lê Quý Đôn (1977), Lê Quý Đôn toàn tập, tập 1, Phủ biên tạp lục, Sđd, tr. 339.
[32] Không rõ Ngô Thế Lân quê ở đâu, chỉ thấy Lê Quý Đôn chép trong Phủ biên tạp lục là dật sĩ.
[33] Nguyễn Bình người làng Thượng An, nay thuộc xã Phong An, huyện Phong Điền. Hà Thúc Linh quê ở làng La Chữ, thuộc Hương Chữ, thị xã Hương Trà. Đinh Văn Chấp quê ở làng Kim Khê (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Họ vì nhiều lý do khác nhau mà đến sinh sống ở Phong Lai, trở thành những thầy giáo dạy học nổi tiếng ở vùng đất có truyền thống hiếu học này.