110 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân – vang bóng mãi mãi ​

110 năm Ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân – vang bóng mãi mãi ​

Nguyễn Tuân là nhà văn tài hoa và độc đáo, ông “là một định nghĩa về người nghệ sĩ tài hoa” (Nguyễn Minh Châu). Với tầm văn hóa sâu rộng có sự kết tinh văn hóa đông tây, kim cổ, với tâm niệm lấy văn chương làm lẽ sống, Nguyễn Tuân “chơi một lối độc tấu” trên văn đàn Việt Nam hiện đại.

(Thethaovanhoa.vn) –

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân

Sáng 5/7, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Tuân (1910 – 1987). Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tới dự.

Người suốt đời đi tìm và sáng tạo cái đẹp

Nguyễn Tuân sinh ngày 10-7-1910, tại làng Mọc (Nhân Mục) nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Nguyễn Tuân cầm bút từ khoảng đầu những năm 1935, nhưng phải sau ba năm ông mới nổi tiếng với bút pháp độc đáo, tài hoa trong “Vang bóng một thời” và “Một chuyến đi”… Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông tham gia cách mạng và trở thành một cây bút tiêu biểu của nền văn học mới với nhiều tập tùy bút, bút ký như “Sông Đà” (1960), một số tập ký chống Mỹ từ 1965-1975 và nhiều bài tùy bút về cảnh sắc và hương vị đất nước.

Nhà văn Nguyễn Tuân
Nhà văn Nguyễn Tuân

Ðời viết văn hơn nửa thế kỷ của Nguyễn Tuân là một quá trình lao động nghệ thuật thật sự nghiêm túc. Về sau, khi đã ở đỉnh cao nghề nghiệp, ông vẫn không bao giờ tỏ ra lơi lỏng, hời hợt; mà ngược lại, luôn nghiêm khắc với chính mình. Ðây là một nhà văn “suốt đời đi tìm cái Ðẹp, cái Thật” (Nguyễn Ðình Thi), tự nhận mình là người “sinh ra để thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa”.

Nguyễn Tuân luôn đau đáu tìm đến cái đẹp trong nền văn hóa để đưa cái đẹp đó vào văn chương. Trong tác phẩm “Tờ hoa”, nhà văn đã khẳng định: muốn viết được những trang văn như hoa thì phải lao động miệt mài như ong làm mật, phải xót lòng, đèo bòng như trai làm ngọc. Điều đó đã được minh chứng, Nguyễn Tuân suốt cuộc đời lao tâm, khổ tứ tích lũy tri thức mới có được tầm văn hóa sâu rộng, mới có những tác phẩm độc đáo đến vậy. Cảm hứng văn hóa có ở mọi lĩnh vực trong sáng tác của ông: văn hóa truyền thống, văn hóa nhân cách, văn hóa sinh hoạt đời thường, văn hóa thưởng thức, biểu diễn và sáng tác nghệ thuật…

Tấm lòng thiết tha với giá trị văn hóa cổ truyền dân tộc của Nguyễn Tuân được thể hiện đậm nét trong “Vang bóng một thời”. Tác phẩm phục dựng lại những vẻ đẹp truyền thống đã qua và đang mất dần nhằm bảo tồn những tinh hoa của dân tộc. Tác phẩm như là viên ngọc quý, như một thứ đồ cổ càng nhìn càng thấy đẹp, càng để lâu càng quý. Và càng quý giá hơn khi Nguyễn Tuân khẳng định sức sống của vẻ đẹp hoài cựu trong giai đoạn lịch sử đầy áp bức, bất công lúc bấy giờ bằng một nghệ thuật tuyệt bích. Nguyễn Tuân mô tả một cách tinh tế và tài hoa những phong tục đẹp, những thú chơi nhàn tản và thanh tao, như thú uống trà, thưởng hoa, chơi cờ, chơi đèn kéo quân, thả thơ, thư pháp…

Những trang viết của Nguyễn Tuân có vẻ thâm trầm cổ kính không chỉ ở nội dung, cách phục dựng không gian và thời gian và cả sự trau chuốt từng câu chữ. Như nhà văn Vũ Ngọc Phan thừa nhận, “Vang bóng một thời” đạt “gần tới sự toàn thiện toàn mỹ”, hay như nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung cũng khẳng định “đạt tới bút pháp già dặn bậc thày, nhiều truyện có thể coi như toàn bích”.

Ngoài ra, Nguyễn Tuân còn có rất nhiều tác phẩm viết về cảnh sắc Việt Nam, hương vị đất nước, linh hồn dân tộc, như: Phở, Cây Hà Nội, Cốm, Giò lụa, Tờ hoa, Tình rừng… Những áng văn đẹp đẽ, độc đáo và tài hoa mà ngoài Nguyễn Tuân, sẽ khó có ngòi bút thứ hai nào viết được.

Ngôn ngữ cũng là một đặc điểm nổi bật để khẳng định sự am tường và nặng lòng với văn hóa dân tộc của nhà văn Nguyễn Tuân. Nguyễn Tuân có vốn từ giàu có, phong phú, đặc biệt là vốn từ Hán-Việt. So với các nhà văn cùng thời thì Nguyễn Tuân rất chú ý dùng từ Hán-Việt nhằm đạt hiệu quả cao, tạo ấn tượng mạnh, trở thành một dấu hiệu nổi bật của phong cách. PGS.TS Hà Văn Đức cho rằng, Nguyễn Tuân kết hợp nhuần nhuyễn ngôn ngữ cổ xưa với ngôn ngữ hiện đại, sử dụng mặt mạnh của ngôn ngữ nhiều ngành nghệ thuật “để làm giàu có thêm cho ngôn ngữ văn học”. Còn nhà nghiên cứu Phan Ngọc khẳng định câu văn Nguyễn Tuân vừa rất quy tắc, vừa phá quy tắc… “từng chữ một thì rạch ròi, sắc sảo như khắc vào đá, nhưng lại quần tụ trong một kiến trúc bập bềnh, chơi vơi”.

“Ông vua tùy bút”

Cá tính và mạnh mẽ, lối tự do phóng túng và sự ý thức sâu sắc về “cái tôi” cá nhân đã khiến Nguyễn Tuân tìm đến nghệ thuật tùy bút như một điều tất yếu. Tùy bút là sở trường của Nguyễn Tuân, tài năng của ông được phát huy cao độ ở thể văn này và chính ông đã có công lớn trong việc đưa thể loại tùy bút đạt tới một trình độ nghệ thuật cao. Tùy bút của ông thấm đượm văn hóa Đông Tây, không chỉ thấu hiểu triết lý mà còn thấm cả đạo lý, dù hấp thụ sâu sắc chủ nghĩa tự do cá nhân vẫn thấy mình nặng tình với đất nước, với làng xóm, thấy mình có gốc rễ từ lịch sử.

Nếu như dòng tùy bút trước Cách mạng Tháng Tám của Nguyễn Tuân thấm đẫm sự kiêu bạc của “cái tôi” tác giả – một con người tài hoa, khinh bạc, muốn “nổi loạn” chống lại xã hội phàm tục, thì sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã hòa mình vào cuộc sống nhân dân, rũ bỏ cái “tôi”, vươn lên thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ.

Các sáng tác giai đoạn sau cách mạng, Nguyễn Tuân chú ý nhiều đến khách quan, cái tôi đã hòa nhập với cái ta, với nhân dân và chiến sĩ. Tác phẩm của ông đã phục vụ kịp thời công cuộc chiến đấu và xây dựng tổ quốc. Điều đó được thể hiện trong nhiều tác phẩm, như “Đường vui”, “Tình chiến dịch”, “Tùy bút kháng chiến và hòa bình” , “Sông Đà”, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”…

Nguyễn Tuân tiếp tục chú ý và có những phát hiện tinh tế, độc đáo, sâu sắc về vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước, của văn hóa dân tộc, của con người Việt Nam. Nhân vật của ông vẫn có phong thái của những người tài hoa, tài tử, đó là hình ảnh anh bộ đội chống Pháp dùng hoa đào ngụy trang và đuổi giặc giữa rừng đào Tây Bắc, là tay lái ra hoa của ông lái đò vượt thác sông Đà, là những tù nhân chính trị đấu tranh đòi ngắm trăng đêm trung thu, là người tù Tô Hiệu trước khi khuất đi còn lẩy cái câu Kiều đào đông cười gió, là những pháo thủ thủ đô hào hoa và thanh lịch…

Khi viết về kẻ thù, ông cũng chú ý đến khía cạnh văn hóa để mà châm biếm và phê phán. Với lượng kiến thức uyên bác, Nguyễn Tuân vẫn chuyển tải vào văn chương một cách tài hoa bằng những câu văn giàu sức sống và có dấu ấn riêng. Phong cách tài hoa, độc đáo của Nguyễn Tuân vẫn tiếp tục được khẳng định.

Ðặc điểm nổi bật của giọng điệu tùy bút Nguyễn Tuân chính là sự phong phú, đa thanh, thỏa mãn đến hoàn hảo những sắc thái tình cảm tinh tế nhất. Trong mọi tình huống nhà văn luôn có cách nói phù hợp, không chung chung, tạo được không khí cần thiết cho ý đồ nghệ thuật của mình.

Rate this post