100 năm sau vẫn bồi hồi ‘Tôi đi học’
Đường Thanh Tịnh ở Huế. Từ đây đi theo con đường làng Lại Thế sẽ đến xóm Gia Lạc của Thanh Tịnh – Ảnh: MINH TỰ
Đó là đoạn mở đầu bài văn Tôi đi học của nhà văn Thanh Tịnh thường được nhắc đến mỗi khi bắt đầu năm học mới. Nếu tính từ ngày đầu đi học của nhà văn (sinh 1911), “buổi mai hôm ấy” đến nay cũng đã hơn 100 năm. Một ngày đầu tháng 9, chúng tôi tìm lại ngôi trường làng 100 năm trước cậu học trò Trần Thanh Tịnh đã khởi đầu với bài Tôi đi học.
Tui đọc được bài đó từ nhỏ. Đến khi lấy chồng mới biết ông nhà văn đó là ba chồng mình thì vui lắm.
Bà Nguyễn Thị Quýt (con dâu nhà văn Thanh Tịnh)
Ngôi trường trong trí tưởng tượng
Nhà văn Thanh Tịnh sinh ra ở xóm Gia Lạc thuộc làng Dương Nỗ, một làng quê ngoại ô phía đông thành Huế. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, người làng Dương Nỗ, cũng là người hiếm hoi biết về thời niên thiếu của nhà văn Thanh Tịnh.
Ông Vinh cho hay ngôi trường Mỹ Lý trong truyện ngắn Tôi đi học là ngôi trường trong trí tưởng tượng bay bổng của nhà văn. Và làng Mỹ Lý mà ông viết trong rất nhiều truyện ngắn in trong tập Quê mẹ (1941) cũng là cái tên làng trong văn chương.
Vậy ngôi trường tiểu học, nơi cậu bé Trần Thanh Tịnh (lúc nhỏ có tên là Trần Văn Ninh) bắt đầu đi học là trường nào?
Đó là ngôi trường mà Thanh Tịnh miêu tả rất thực trong bài thơ Trường học làng tôi mà ông đã làm vào năm 19 tuổi: Trường học làng tôi ở cạnh đình / Một trường ba lớp vẻ xinh xinh / Trước trường có mấy cây đào lớn / Thường quyến lòng tôi những cảm tình / Trường tôi mặt trước ngó ra sông / Còn mặt đằng sau ngó cánh đồng…
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh xác định ngôi trường đó là trường tiểu học của làng Dương Nỗ xưa. Thuở đó, người ta lấy khu nhà tăng của đình làm trường làng.
Chúng tôi tìm đến đình Dương Nỗ, ngôi đình đẹp nổi tiếng ở xứ Huế, xây dựng từ đời vua Lê Thánh Tông (1471), tọa lạc bên dòng sông Phổ Lợi, đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.
Người làng không còn ai biết về ngôi trường này, nhưng nhắc đến bài Tôi đi học thì ai cũng gật đầu “có biết, có biết”.
Đường xưa đi học của Thanh Tịnh
Từ lời tự sự của Thanh Tịnh trong bài thơ Trường học làng tôi, ráp nối với các tư liệu về cuộc đời ông, có thể hiểu rằng ông học ở trường này ba năm đầu tiểu học, sau đó lên học tiếp ở Trường tiểu học Đông Ba, rồi học trung học ở Trường Pellerin ở cạnh ga Huế.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết ngôi nhà của nhà văn Thanh Tịnh ở xóm Gia Lạc, nằm ngay chỗ bây giờ đã giải tỏa để xây cầu Chợ Dinh. Mỗi buổi mai, cậu học trò Trần Thanh Tịnh đi bộ từ đó, theo con đường ven sông Phổ Lợi về trường làng Dương Nỗ.
Chúng tôi trở lại và đi trên con đường đó để hình dung con đường đi học năm xưa của Thanh Tịnh. Con đường mà ông đã viết: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: hôm nay tôi đi học”.
Di ảnh nhà văn Thanh Tịnh
Con cháu thuộc lòng Tôi đi học
Năm 1946, Thanh Tịnh lúc đó là tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc Trung Bộ, ra Bắc dự đại hội thì kháng chiến bùng nổ, ông gia nhập quân đội, rồi làm đến chủ nhiệm tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và sống một mình đến khi mất (1988).
Ít ai biết rằng trong ngôi nhà bên bờ sông Hương ở xóm Gia Lạc, ông từng có một gia đình với vợ và hai con. Người con gái tên là Mỹ Lý, cái tên làng trong truyện Tôi đi học của ông. Người con trai tên là Trần Thanh Vệ, vừa mới qua đời năm ngoái ở Huế.
Tôi tìm đến ngôi nhà của ông Vệ nằm sâu trong xóm Lịch Đợi, phía sau chùa Báo Quốc. Bà Nguyễn Thị Quýt – vợ ông Vệ, tức con dâu của nhà văn Trần Thanh Tịnh – cho biết mộ phần của nhà văn cũng đã đưa về Huế, an táng ở nghĩa trang bên núi Thiên Thai.
Trên bàn thờ, di ảnh nhà văn Thanh Tịnh thuở tráng niên ở Huế, ghi ngày sinh là 29-10-1912 (nhằm ngày 20-9 Nhâm Tý), trong khi tất cả các sách viết về Thanh Tịnh hiện nay, kể cả sách giáo khoa, đều ghi là 12-12-1911.
Nhắc đến bài Tôi đi học, bà Quýt nói ngay: “Bài đó không ai mà không biết. Tui đọc được bài đó từ nhỏ, đến khi lấy chồng mới biết ông nhà văn đó là ba chồng mình thì vui lắm”.
Đàn con của bà thì đã gặp và sống với ông nội, nhưng đàn cháu thì sinh ra khi ông cố đã mất. “Bây giờ con cháu tôi ở Nha Trang, Sài Gòn, cả nước ngoài. Đứa mô cũng thuộc bài Tôi đi học và tự hào về ông nội, ông cố lắm”, bà Quýt nói.
Mẩu hồi ức rung động bao thế hệ
Nhà thơ Mai Văn Hoan – nhà giáo dạy văn nổi tiếng ở Huế – cho rằng ngôi trường ấy dù là trong trí tưởng tượng nhưng Tôi đi học lại giống như một mẩu hồi ức hơn là truyện ngắn. Bởi vì nhà văn đã diễn tả chân thực và chi tiết diễn biến của cậu bé lần đầu tiên cắp sách đến trường.
Đó là cái buổi sáng “đầy sương thu và gió lạnh”. Đó là con đường thân quen mà “cảnh vật chung quanh đều thay đổi”.
Kể cả chiếc áo “vải dù đen dài” đang mặc, cái giật mình khi nghe thầy giáo gọi tên, cảm giác lần đầu rời xa mẹ… đều được tái hiện cặn kẽ.
“Chỉ một là mẩu hồi ức thôi mà làm rung động trái tim bao thế hệ độc giả” – thầy Hoan nói.
TP.HCM: Trường đầu tiên khai giảng năm học mới