10 điều thú vị về ‘vua tàu thuỷ’ Bạch Thái Bưởi | Heritage Cruises | Cat Ba Archipelago – Vietnam
Câu nói nổi tiếng thấm đẫm tinh thần dân tộc “người Việt đi tàu Việt” của doanh nhân Bạch Thái Bưởi (1874 – 1932) là nguồn cảm hứng cho bao thế hệ doanh nhân về sau.
Theo điếu văn của Hội Khai Trí Tiến Đức, Bạch Thái Bưởi là một bậc vĩ nhân đất Bắc, một bậc trượng phu trong giới thương trường làm rạng danh con người Việt Nam một thời. Lịch sử của ông đáng được phô bày cho quốc dân biết, sự nghiệp của ông đáng làm gương cho các nhà buôn noi theo.
Tay trắng làm nên nghiệp lớn
Theo chị Bạch Quế Hương, chắt nội của cụ Bạch Thái Bưởi, tên hiệu cụ tự đặt cho mình có ý nghĩa là người làm nên nghiệp lớn từ bàn tay trắng. Tên cúng cơm của cụ là Đỗ Thái Bửu. Cả cuộc đời cụ gắn liền với số 7 kỳ diệu. Cụ là doanh nhân Việt Nam thời 1.0, thế hệ đầu tiên kinh doanh trong nghịch cảnh, cạnh tranh với người Hoa có tiền và người Pháp có quyền.
M&A đình đám đầu tiên tại Việt Nam
Cụ thực hiện thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) đầu tiên tại Việt Nam với việc mua nhà máy, mua tàu và nhà máy đóng tàu hãng Marty và Deschwanden của chủ tàu người Pháp và người Đức. Năm 1916, cụ chuyển trụ sở từ Nam Định ra Hải Phòng, từ sông ra biển lớn với cờ hiệu ba ngôi sao, cờ vàng, mỏ neo của Giang Hải Luân Thuyền Bạch Thái Công ty.
Người Việt đầu tiên có nhà máy đóng tàu
Cụ Bạch Thái Bưởi có nhà máy đóng tàu đầu tiên và là cha đẻ của ngành đóng tàu thuỷ Việt Nam. Chiến lược mua nhà máy để chủ động các khâu khép kín từ thiết kế, đóng mới, vận hành và bảo dưỡng tàu bè. Nhà máy đóng tàu này là tiền thân của nhà máy đóng tàu Sông Cấm ngày nay.
Tổ nghề ngủ đêm trên du thuyền
Có thể nói, cụ Bạch Thái Bưởi là tổ nghề du thuyền và ngủ đêm trên tàu thuỷ của người Việt Nam. Từ đi thuê ba tàu Phi Long, Phi Phượng, Fai Tsi Long để bắt đầu kinh doanh sông nước từ năm 1909, cụ đã trở thành chúa sông Bắc kỳ và sở hữu đội tàu tới 30 chiếc xuôi ngược các con sông Bắc kỳ, chạy ven biển Đông Dương và cập bến nhiều cảng biển Châu Á.
Một trong bốn tứ đại phú
Cụ Bạch Thái Bưởi khởi nghiệp thành công và đóng góp xây cầu sắt Paul Doumer nay là cầu Long Biên bằng việc cung cấp gỗ và thanh tà vẹt xây đường sắt. Một trong tứ đại phú Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xường tứ Bưởi, cụ Bạch Thái Bưởi được ca tụng đến nay mặc dù đứng thứ tư. Cụ kinh doanh là phụng sự đồng bào, thành công bằng sự tử tế và tinh thần ái quốc, khởi nghiệp kiến quốc.
Tàu người An Nam đầu tiên cập cảng Sài gòn
Nhà công nghiệp Bạch Thái Bưởi tự thiết kế và đóng mới tàu Bình Chuẩn theo kỹ thuật phương tây loại lớn nhất và hiện đại nhất Việt Nam những năm 20 của thế kỷ trước và gây tiếng vang lớn là tàu người An Nam đầu tiên cập cảng Sài gòn vào ngày 17/9/1920. Thương giới và đồng bào ca tụng cụ là vua tàu thuỷ có lẽ từ lúc này.
Nhà quý tộc thành tín, đạo nghĩa, trách nhiệm
Cụ Bạch Thái Bưởi đã được bầu làm Hội phó Hội Khai Trí Tiến Đức, di sản trụ sở hội nay là 79 Hàng Trống, cạnh Hồ Gươm. Cụ là người sáng lập ra Hội Hợp Thiện mục đích để hộ sinh, hộ tử, tế bần, di tích còn lại là nhà tang lễ Phùng Hưng, thành phố Hà Nội.
Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh
Cụ cổ suý phong cờ thực nghiệp trống canh tân theo ý chí cụ Phan, trấn hưng thương trường, cổ động thực nghiệp; đấu tranh bất bạo động với phương châm dân quốc phú cường giành lại độc lập.
Cả hai đời vua khen thưởng
Nhà quý tộc Việt thành tín, đạo nghĩa và trách nhiệm được hoàng đế Khải Định trao “Hàn Lâm Viện Thị Độc”. Hoàng đế Bảo Đại có chiếu khen ngợi vì đã cứu đói Huế sau lũ lụt. Hiện vật này gia đình chị Bạch Quế Hương còn lưu giữ. Nhân hiệu và thương hiệu tàu Bưởi còn được yêu mến đến ngày nay. “Than ôi mây mờ Cửa Cấm, gió lạnh ngàn Yên, cụ theo mây theo gió về với mỏ cũ bến xưa” ở tuổi 58 khi giấc mơ ra biển lớn còn dang dở.
Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu
Cụ Bạch Thái Bưởi là một doanh danh Việt được sống qua hai thế kỷ 19 và 20, nước Việt Nam nửa thực dân nửa phong kiến. Cụ được vua Việt “ban thưởng”, được nước Pháp trao tặng huân chương cao quý bắc đẩu bội tinh và sau này nhà nước Việt Nam truy tặng “doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” nhân ngày doanh nhân 13/10.