VN: Bị khởi tố vì Điều 331, bà Nguyễn Phương Hằng khai nhận những gì? – BBC News Tiếng Việt

VN: Bị khởi tố vì Điều 331, bà Nguyễn Phương Hằng khai nhận những gì? – BBC News Tiếng Việt

VN: Bị khởi tố vì Điều 331, bà Nguyễn Phương Hằng khai nhận những gì?

11 tháng 9 2022

CEO Công ty Cổ phần Đại Nam Nguyễn Phương Hằng

Nguồn hình ảnh, UGC

Chụp lại hình ảnh,

CEO Công ty Cổ phần Đại Nam Nguyễn Phương Hằng

Bị truy tố vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự, CEO Công ty Cổ phần Đại Nam Nguyễn Phương Hằng đã khai lý do xúc phạm nhà báo, nghệ sĩ.

Theo Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh Bình Dương, bà Nguyễn Phương Hằng đã công khai xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của nghệ sĩ, nhà báo trong các buổi livestream.

Sáu bị hại là nghệ sĩ, nhà báo

Những người bị bà Hằng nêu tên trong các livestream đã gửi đơn tố cáo bà Hằng bao gồm: bà Đinh Thị Lan, ông Huỳnh Minh Hưng (ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng), bà Đặng Thị Hàn Ni (nhà báo), ông Nguyễn Đức Hiển (nhà báo), bà Trần Thị Thủy Tiên (ca sĩ Thủy Tiên) cùng chồng là ông Lê Công Vinh, VnExpress trích dẫn.

Tại cơ quan điều tra, bà chủ Đại Nam thừa nhận đã phát ngôn xúc phạm về ông Hiển, bà Lan, bà Hàn Ni, ca sĩ Thuỷ Tiên, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Công Vinh qua các buổi livestream. Theo bà Hằng, những người này có những từ ngữ, phát ngôn xúc phạm bà và chồng (ông Dũng Lò Vôi) nên bà đã dùng những từ ngữ, phát ngôn xúc phạm lại những người nêu trên.

Hai vợ chồng bà Phương Hằng

Nguồn hình ảnh, Facebook Nguyễn Phương Hằng

Chụp lại hình ảnh,

Bà Nguyễn Phương Hằng và chồng – ông Huỳnh Uy Dũng hay còn gọi là Dũng “lò vôi”, là một doanh nhân nổi tiếng, sinh năm 1961

Kết luận điều tra còn cho thấy, bà Nguyễn Phương Hằng có sử dụng bảy tài khoản mạng xã hội YouTube, Facebook bao gồm hai tài khoản facebook “Ha Lee”, “Nguyễn Phương Hằng”; 5 tài khoản youtube “Trường Đua Đại Nam”, “Chistiana Nguyen” và “LONG VLOG”, “Tin Nóng Nhất 24h”, “Luật sư Vlog”.

Cơ quan điều tra đã xác minh tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương để xác định các video, kênh của bà Hằng đăng trên mạng có rất nhiều người vào xem. Trong đó có video 926.000 lượt xem, 41.000 lượt thích, 32.000 lượt bình luận.

Tiếp đó, ngày 31/5, 5/8, 11/8, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương có kết luận giám định, cho rằng trong 18 tập tin video phát ngôn của bà Hằng có chứa nội dung xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự 6 cá nhân trên. Hành vi này của bà Hằng vi phạm điểm a khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018; điểm d khoản 1 Điều 5, Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin mạng.

Từ những căn cứ trên, Công an Bình Dương đề nghị VKS cùng cấp truy tố bà Hằng về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự.

Như vậy, bà Nguyễn Phương Hằng bị đồng thời Cơ quan CSĐT Công an TP HCM và Bình Dương đề nghị truy tố với cùng tội danh và điều luật trên. Riêng VKSND TP HCM hồi 6/9 đã ra quyết định trả hồ sơ vụ án bà Nguyễn Phương Hằng, đề nghị làm rõ vai trò đồng phạm, đồng thời xem xét việc nhập vụ án liên quan đến bị can Nguyễn Phương Hằng do Công an Bình Dương khởi tố, nhằm giải quyết triệt để vụ án.

‘Hành vi nguy hiểm cho xã hội’

Bên cạnh việc đưa ra kết luận điều tra, cơ quan điều tra tỉnh Bình Dương còn khẳng định hành vi của bị can Nguyễn Phương Hằng là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Theo cơ quan này, bà Hằng là người có đủ năng lực, trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi phạm tội với lỗi cố ý, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, xâm phạm trật tự quản lý hành chính, cần phải xử lý nghiêm minh.

Bà Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị bắt

Nguồn hình ảnh, Công an TP HCM

Chụp lại hình ảnh,

Bà Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị bắt

Trước đó, ngày 24/3/2022, bà Hằng bị Cơ quan CSĐT Công an TP HCM phát lệnh khởi tố và bắt tạm giam trong thời hạn 3 tháng.

Đến ngày 21/6/2022, bà Hằng bị gia hạn tạm giam thêm hai tháng. Ngày 18/8, sau khi nhận kết luận điều tra cùng đề nghị truy tố bị can từ Cơ quan CSĐT Công an TP HCM, Viện KSND TP HCM ra lệnh tạm giam bà Hằng thêm 19 ngày.

Bà Nguyễn Phương Hằng, 51 tuổi, không chỉ được biết đến là một doanh nhân, bà còn nổi tiếng trên mạng xã hội với việc tạo nên kỉ lục livestream. Có thời điểm như ngày 25/5/2021, buổi livestream của bà hút tới gần nửa triệu người xem trực tiếp đồng thời trên các nền tảng YouTube và Facebook.

Loạt livestream của bà Hằng thu hút người xem bởi việc cáo buộc một số diễn viên, ca sĩ, người dẫn chương trình có tiếng như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thủy Tiên là ăn chặn tiền ủng hộ đồng bào bão lụt miền Trung trong các đợt quyên góp thiện nguyện hồi 2020, bà cũng ra các cáo buộc nặng nề về đời tư đối với một số người khác, như với ca sỹ Vy Oanh.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP HCM nói với báo chí rằng trước khi bắt giam bà Nguyễn Phương Hằng, họ đã mời bà lên làm việc bốn lần vào các ngày 18/02, 07/3, 09/3 và 16/3/2022 để cảnh báo, răn đe.

Trong các buổi làm việc, phía công an yêu cầu bà Hằng “chấm dứt hành vi lợi dụng các quyền tự do để sử dụng mạng xã hội thực hiện hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, nhưng bà Hằng cố ý né tránh, không chấp hành”, theo tờ Công an TP HCM ngày 25/3.

Trước đó, bà cũng đã bị lệnh tạm cấm xuất cảnh trong thời gian từ 16/2 đến 29/4/2022, được cho là liên quan tới việc bà liên tục thực hiện các buổi livestream mạt sát nhiều người, trong đó có các nghệ sĩ, người nổi tiếng.

Điều 331 là gì?

Theo điều 331 Bộ luật hình sự 2015

1. Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận; tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội; và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Mới đây, bảy tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam và 79 trí thức đồng soạn thảo một kiến nghị yêu cầu bãi bỏ ba điều luật trong Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bản Kiến nghị 117 có nội dung yêu cầu nhà nước bãi bỏ hoặc sửa ba điều luật trong BLHS 2015, gồm điều 109 “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, điều 117 “Tội phán tán tài liệu nhằm chống nhà nước”; và điều 331 “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước”.

Rate this post