Vĩnh biệt Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh

Với công việc, ông lúc nào cũng là người cực kỳ nghiêm túc, đầy nhiệt huyết. Đóng phim dù đó là cảnh dài hay ngắn thì ông cũng luôn hỏi, bàn với đạo diễn và tác giả về nhân vật mình đang thể hiện. Ngoài đời thì nhiều người ngưỡng mộ vì ông đẹp trai, khá hài hước và trầm tĩnh. Ông có nét duyên riêng không lẫn với ai và được nhiều người qúy mến…

Sáng 29-9-2019, nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thế Anh đã qua đời ở Bệnh viện Thống Nhất sau một cơn nhồi máu cơ tim, hưởng thọ 81 tuổi.

Theo thông báo từ phía gia đình và Hội Điện ảnh TP Hồ Chí Minh, tang lễ của NSND Thế Anh được tổ chức tại Nhà tang lễ Thành phố (Số 25 Lê Quý Đôn, quận 3) từ ngày 1-10, lễ truy điệu sẽ diễn ra vào lúc 5 giờ 30 sáng 3-10. Rất nhiều nghệ sĩ trên cả nước đã đến viếng một cây đại thụ của thế hệ vàng điện ảnh Việt Nam ra đi…

Một người tài năng, hóm hỉnh trong lòng các thế hệ

NSND Lan Hương bay từ Hà Nội vào Sài Gòn để dự lễ tang của NSND Thế Anh, một người chú thương kính, một người đồng nghiệp lớn mà chị vị nể. Năm 1974 NSND Lan Hương vào vai em bé Hà Nội còn NSND Thế Anh vào vai anh sĩ quan tên lửa trong phim “Em bé Hà Nội”. 

Chị chia sẻ, đó là một vai diễn để đời gắn bó với tên tuổi của chị, nhưng sự thành công ấy không thể không kể đến các tên tuổi  như NSND Thế Anh. Chị nhớ lại, hồi ấy, ông thấy chị còn bé mà diễn toàn tâm toàn ý nên có cảnh, em bé Hà Nội chạy theo xe ôtô nhưng Lan Hương chạy sát bánh xe ôtô quá nên NSND Thế Anh vội lao đến bế lên dù lúc đó đạo diễn chưa hô đến cảnh ông bắt đầu chạy vào. 

Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh hóm hỉnh đời thường.

Với công việc, ông lúc nào cũng là người cực kỳ nghiêm túc, đầy nhiệt huyết. Đóng phim dù đó là cảnh dài hay ngắn thì ông cũng luôn hỏi, bàn với đạo diễn và tác giả về nhân vật mình đang thể hiện. Ngoài đời thì nhiều người ngưỡng mộ vì ông đẹp trai, khá hài hước và trầm tĩnh. Ông có nét duyên riêng không lẫn với ai và được nhiều người qúy mến.

Nhà biên kịch Hồng Ngát, người có những kỷ niệm không thể nào quên cùng NSND Thế Anh chia sẻ, bà gặp ông lần đầu tiên tại Moscow năm 1985, khi ông trong đoàn nghệ sĩ sang dự Tuần lễ Văn hoá Việt Nam tại Moscow. Nhà biên kịch Hồng Ngát hồi ấy đang là sinh viên Trường Điện ảnh. Gặp bà, nghệ sĩ Thế Anh mừng rỡ vì có người quen ở xứ người. 

Diễn viên Thế Anh và Lan Hương trong phim “Em bé Hà Nội”.

“Ông bảo: “Em cho bọn anh đi taxi thăm các phố xá thủ đô Nga như thế nào được không?”. Tất nhiên là được rồi vì với một “ngôi sao” tên tuổi như anh, nỡ nào từ chối dù đời sống sinh viên chỉ có học bổng, chạy một tua taxi như thế cũng chết tiền. Thế nhưng tôi vẫn vui vẻ đưa anh và một anh bạn nữa của anh đi. Nhìn đường phố nhà cửa công viên và dòng sông Moscow – cái gì cũng to lớn rộng rãi thoáng đãng sạch sẽ anh thích lắm. Anh luôn trầm trồ khen ngợi dù anh đã từng đi các nước khác rất nhiều, đặc biệt là Pháp.

Sau “tour du lịch” bổ mắt và lý thú, anh và anh bạn còn ghé về ký túc xá của chúng tôi dùng cơm Việt Nam. Anh bảo ở khách sạn toàn ăn cơm Tây xót cả ruột. Các bạn sinh viên Việt Nam thấy nghệ sĩ Thế Anh ghé ký túc xá cũng kéo đến thăm và trò chuyện với anh rất vui” – nhà biên kịch Hồng Ngát kể lại.

Sau này, nhà biên kịch, nhà thơ Hồng Ngát được làm nghề cùng với các anh chị khoá 1 diễn viên nên biết rằng, NSND Thế Anh rất thân với đạo diễn Huy Thành và diễn viên Đoàn Dũng. 

Bà thường trêu đùa họ là bộ ba xe pháo mã bởi đi đâu họ cũng thường có 3 người. Bà nể trọng họ như ba người anh lớn, ba người NSND gạo cội. Mỗi lần vào Sài Gòn thể nào bà cũng phải gặp bộ ba, đến nhà thăm nom hoặc cùng nhau đi ăn cơm Bắc. 

Là người tham gia công tác Hội Điện ảnh, nhà biên kịch Hồng Ngát cho biết, mỗi lần Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải Cánh diều tại TP Hồ Chí Minh là bộ ba NSND luôn đến tham dự, có mặt trong các buổi họp báo để góp tiếng nói ủng hộ hoạt động của Hội và càng phải có mặt trong đêm trao giải để còn gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp, đặc biệt những người ở Hà Nội vào. 

Trong ký ức của bà, NSND Thế Anh sinh ra tại Hà Nội nhưng sống chủ yếu ở Sài Gòn nên ông có gương mặt “anh Hai”, tính tình lúc nào cũng vui vẻ, hài hước. Những năm cuối đời, hầu như lúc nào ông cũng tỏ ra “quên” tuổi tác, ông hay mặc quần bò, áo phông cho “ngầu”, mũ lưỡi trai xoay ngược, cổ đeo dây xích bạc “như thanh niên”. Ông luôn hướng tới cái đẹp độc đáo.

Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh trong vai Trung úy Phương.

Đạo diễn Thanh Vân, con trai đạo diễn Hải Ninh, người đã có những thước phim để đời gắn bó với NSND Thế Anh cho biết, ông cảm thấy xót xa khi đón nhận tin bậc tiền bối qua đời. 

Dù chưa từng làm việc với ông nhưng xem các vai diễn ông thể hiện trong phim, anh cảm phục sự sáng tạo và hết mình với nghệ thuật của ông. Khi NSND Thế Anh nói về sân khấu bao giờ cũng chứa đựng trong đó tinh thần hân hoan, đam mê mãnh liệt. Ở ông còn có sự hồn nhiên của một người yêu nghệ thuật chân chính. 

Đó là điều hiếm có ở nghệ sĩ và càng khó gặp với các nghệ sĩ trẻ hiện tại. Những năm gần đây, đạo diễn Thanh Vân gặp gỡ NSND Thế Anh trong nhiều liên hoan phim, lễ trao giải. 

Anh thừa nhận càng ấn tượng với năng lượng tích cực và lửa nghề của bậc tiền bối. Dù tuổi đã cao, sức yếu nhưng ông luôn nhiệt tình góp mặt, không có buổi tiệc điện ảnh nào thiếu vắng Thế Anh. Sự ra đi của ông khiến nhiều người cảm thấy như vắng đi một người thân trong nghề.

Những vai diễn để đời trong lòng khán giả

Hơn nửa thế kỷ lao động nghệ thuật, thuộc thế hệ vàng của điện ảnh cách mạng Việt Nam, NSND Thế Anh đã để lại hàng chục vai diễn lớn, nhỏ khác nhau và ghi dấu ấn vào lòng khán giả ở những nhân vật đặc sắc như trung úy Phương trong “Nổi gió” (Năm 1966 – Đạo diễn Huy Thành, Lê Bá Huyến); bác sĩ Lê Huy trong “Tiền tuyến gọi” (1969 – Đạo diễn Phạm Kỳ Nam); Dư trong “Đường về quê mẹ” (1971 – Đạo diễn Bùi Đình Hạc); Biệt kích Luyến trong “Không nơi ẩn nấp” (Đạo diễn Phạm Kỳ Nam); Ba Duy trong “Mối tình đầu” (Đạo diễn Hải Ninh), Đỗ Long trong phim “Nơi gặp gỡ của tình yêu” (Đạo diễn Long Vân); Trịnh Sâm trong “Đêm hội Long Trì” (Đạo diễn Hải Ninh)…

Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh vai Ba Duy trong phim “Mối tình đầu”.

NSND Trà Giang, người cùng thời với NSND Thế Anh, cùng lớp diễn viên điện ảnh khóa I, chia sẻ, họ đều là lứa nghệ sĩ Bắc vào Nam lập nghiệp. Trong mắt bà, ông là người giỏi nghề, rất khiêm tốn, vui vẻ, trẻ trung. Bà và NSND Thế Anh đóng chung trong các phim “Mối tình đầu”, “Em bé Hà Nội”. 

Ông dù là dân sân khấu kịch nhưng chuyển sang phim đóng rất tự nhiên. Nhân vật Ba Duy trong “Mối tình đầu” (Đạo diễn Hải Ninh) nổi sóng trong thời điểm ra mắt (1977) bởi sự dữ dội của nhân vật. 

“Mối tình đầu” lấy bối cảnh Sài Gòn trước 1975 và những lựa chọn sống của người trẻ trong một xã hội hậu chiến rối ren. Ba Duy (Thế Anh) và Diễm Hương (Như Quỳnh) yêu nhau nhưng phải xa nhau vì lý do thời cuộc, gia đình. Vì thất tình, Ba Duy bỏ học và sa vào nghiện ngập, đối mặt với một tương lai vô định. 

Để đóng vai Ba Duy nghiện ngập, Thế Anh phải đi thực tế tại một trại cai nghiện ở Sài Gòn. Đây là nhân vật lạc lối và sa ngã. Thế Anh cũng lăn xả, cống hiến rất nhiều cho vai diễn này, với những cảnh bò lê bò lết lấy ma tuý hay sùi bọt mép. Vai diễn nhập tâm này đã mang lại cho Thế Anh giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 5 (năm 1980).

Đối với nhiều thế hệ yêu thích điện ảnh Việt Nam, một trong những vai diễn ấn tượng của NSND Thế Anh chính là nhân vật Trung uý Phương. Là trung úy quân đội chính quyền Sài Gòn, anh lại có chị gái là Vân theo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. 

Từ một con người đầy tham vọng, sẵn sàng loại bỏ đối thủ để leo lên bậc thang chức quyền trong quân đội, anh dần được cảm hoá khi chứng kiến nhân dân lầm than, biết được những hy sinh và sự dũng cảm của chị mình khi theo cách mạng. 

Từ những năm 1966, NSND Thế Anh đã thể hiện được vai diễn Trung uý Phương với mâu thuẫn nội tâm phức tạp, đa chiều. Ông đã hoá thân xuất sắc trong vai này, vừa bộc lộ được một con người đầy tham vọng, có lúc bất chấp thủ đoạn để tranh đoạt quyền lực. 

Nhưng kết thúc bộ phim, khán giả đầy cảm xúc với lòng trắc ẩn, biết rung động trước sự đau khổ của nhân dân và đi theo tiếng gọi của cái thiện, của vận mệnh dân tộc mà Trung úy Phương đã giác ngộ. Với vai diễn này, ông đã được khán giả nhớ tới với hình ảnh chàng thanh niên đẹp trai, có gương mặt cương nghị, đôi mắt xếch và chiến răng khểnh duyên dáng mỗi khi mỉm cười. Và với vai diễn đầu tiên ấy, cũng đã dự báo cho điện ảnh nước nhà sẽ có một diễn viên sáng giá.

Nghệ sĩ nhân dân Thế Anh trong phim “Đêm hội Long Trì”.

NSND Thế Anh tốt nghiệp Trường Trung học Albert Sarraut năm 1957, ông từng tâm sự rằng, ở tuổi vị thành niên, ông chưa bao giờ mơ ước trở thành diễn viên, mà muốn thành bộ đội… Sau giải phóng thủ đô năm 1954 bộ đội oai lắm nên hầu hết các thanh niên muốn thành bộ đội. Các cô gái thì muốn thành… vợ bộ đội, chính vì thế năm 1958 ông nhập ngũ. Ông làm công việc giảng dạy văn hóa nhưng theo thời gian thì cũng không phù hợp với bản tính thích bay nhảy của ông. 

May thay, kịp lúc Trường Nghệ thuật sân khấu tuyển sinh, thế là ông đi thi và trúng tuyển. Năm 1964 ông được phân công về Nhà hát Kịch Việt Nam. Tuy được đào tạo để trở thành diễn viên sân khấu nhưng Thế Anh lại nổi tiếng và thành công chủ yếu trên màn bạc. Những vai diễn của ông đã đưa ông trở thành một nghệ sĩ gạo cội trong làng điện ảnh Việt Nam.

Giữa tiết trời thu, ông ra đi, như một chiếc lá vàng thu rụng xuống, dù biết nó là quy luật của cuộc đời, song, trước một tài năng, luôn là những nuối tiếc khôn nguôi trong lòng người đưa tiễn…

Rate this post