Về làng anh hùng Núp

8lhRgZsw.jpgPhóng toMột góc làng Stơr hiện nay, khu vực dự kiến đặt các công trình phục dựng làng kháng chiến Stơr – Ảnh: T. B.D.

Kông Hoa là cái tên của văn học nhưng đó là một ngôi làng hoàn toàn có thật. Và người anh hùng Núp trong tiểu thuyết cũng được xây dựng từ một hình tượng có thật: anh hùng Đinh Núp – người làng Stơr thuộc huyện Kbang, tỉnh Gia Lai.

Mang theo những mường tượng về hình ảnh một ngôi làng Ba Na kiên cường và câu chuyện có thật về anh hùng Núp, chúng tôi tìm về xã Tơ Tung (huyện Kbang). Mấy chục năm đã trôi qua kể từ ngày làng Stơr cầm vũ khí đứng lên kháng Pháp, ngôi làng này đã được di chuyển về trung tâm xã Tơ Tung và vẫn giữ nguyên tên gọi cũ là làng Stơr, song bao năm qua người ta vẫn thường gọi làng Stơr là làng Kông Hoa, làng anh hùng Núp. Làng Stơr trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tơ Tung được nhắc đến với cuộc chiến đấu của dân làng dưới sự lãnh đạo của anh hùng Núp đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của quân Pháp những năm 1943-1950.

Mang cung, bẫy đá… bây giờ

Khi biết chúng tôi có ý định tìm đến ngôi làng Stơr cũ, anh Đinh Sum – phó bí thư chi bộ làng Stơr – chỉ tay về hướng núi: “Ối, leo lên đó á? Cái làng ấy nó xa quá mà, trên mấy đám mây kia”. Theo Đinh Sum, để đến làng này chỉ còn cách đi bộ lội rừng. Trong Đất nước đứng lên, làng Stơr được bố phòng ở một đỉnh núi với mục đích thoát khỏi những cuộc tấn công của lính Pháp. Những năm lính Pháp vào các làng bắt đồng bào để cướp bóc, bắt thanh niên các làng đi xâu (đi làm công nhân cho Pháp), bắt nộp thuế, bắt đi làm lính cho Pháp…, trong khi các làng khác ở Tơ Tung đều đầu hàng Pháp thì người Kông Hoa một mực không chịu. Lính Pháp liên tục đem quân vào bắn phá, đốt cháy nhà rông. Một mình Đinh Núp đứng ra vận động rồi đưa người làng lên đỉnh núi Kông Hoa (núi Stơr) – nơi có vị trí hiểm trở nhất – để phản kích những cuộc tấn công.

Sau khoảng hai giờ lội rừng, ngôi làng Stơr cũ cũng hiện ra trước mắt. Từ vị trí làng này nhìn xuống thung lũng chỉ còn lại những dấu chấm nhỏ. Lối đi nhỏ lên làng giờ đã nằm lọt thỏm giữa rừng, nhiều người lớn tuổi cho biết trong chiến tranh lối đi này được bịt kín bằng những bẫy chông và mang cung. Cách bờ suối Stơr (suối Đất Hoa trong tiểu thuyết) chừng 200m là những gốc xoài, gốc mít cổ thụ. Đây là hai dấu tích – “nhân chứng” hiếm hoi còn sót lại ở làng. Cây xoài trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên là hình ảnh của sự sống mãnh liệt của làng trong những lần lính Pháp tổ chức vào đốt phá. Bao nhiêu lần nhà rông bùng cháy, cây xoài vẫn xanh lá như thách thức. Dưới bóng cây này, khi lính Pháp tấn công lùng sục vào làng, Đinh Núp một mình mang cung tên đứng sau gốc cây rồi nhằm thẳng bụng lính Pháp mà bắn. Đây cũng là lần đầu tiên người Tây nguyên biết rằng lính Pháp cũng là người, cũng chảy máu giống người mình, không phải quái vật như tin đồn: “Núp bắn rồi! Mũi tên trúng vào giữa bụng thằng Pháp. Núp muốn coi nó có máu không? A! Từ cái bụng trắng, một dòng máu đỏ chảy ra, chảy thấm xuống đất làng Kông Hoa”.

Hình ảnh làng Kông Hoa trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên được bố trí với hệ thống mang cung, bẫy đá, hầm chông xung quanh. Già làng Đinh H’Rinh (làng Toong, xã Tơ Tung) – cháu ruột của anh hùng Đinh Núp và cũng là một trong ba người cùng chiến đấu với anh hùng Núp còn sống tại Tơ Tung – cho biết đây chính là những hình ảnh rất thật về làng Stơr những ngày cùng Đinh Núp đứng lên chống Pháp. Để chống trả những cuộc truy quét của lính Pháp, Đinh Núp vận động người làng đào hầm đặt bẫy chông, chặt cây làm mang cung và dựng những hào rào đá hai bên dòng suối Stơr chảy từ núi xuống. Hàng chục năm trôi qua, tất cả giờ đã thành phế tích.

5UR7ImMv.jpgÔng Đinh H’Rinh – cháu ruột của anh hùng Đinh Núp – tự hào giữ được bộ râu để tưởng nhớ người chú của mình – Ảnh: T.B.D.

Dân làng Stơr treo ảnh “Bok Hồ”, “Bok Núp”

Vào làng Stơr bây giờ thật khó tìm gặp những người còn biết về Đinh Núp. Dù không biết mặt nhưng một điều khá thú vị là hầu như trong mỗi ngôi nhà ở làng Stơr đều treo ảnh Bác Hồ và bên cạnh đó là ảnh Đinh Núp. Người lớn, trẻ con ở Stơr không gọi anh hùng Núp mà gọi là “Bok Núp” – nghĩa là bác, là người đáng kính trọng giống như họ thường gọi “Bok Hồ”.

Ông Đinh H’Rinh năm nay đã 84 tuổi, ánh mắt mơ màng ngồi bên nhà sàn nói thỉnh thoảng ông vẫn thường kể cho con cháu nghe về Bok Núp và những ngày cùng dân làng đánh Pháp. “Bok Núp hướng dẫn mình làm chông, làm mang cung đánh Pháp đấy” – ông H’Rinh nhớ lại. Những ngày theo Núp đi đánh Tây, ông H’Rinh cho biết Núp rất gan lì và gần như không sợ chết. Sau nhiều năm đánh Pháp, Núp được kết nạp Đảng rồi được đưa ra Bắc học tập. Trở thành người của “Bok Hồ”, Đinh Núp được nhiều người ở gần xa biết đến, bận nhiều việc nhưng Đinh Núp vẫn thường xuyên về thăm làng. Năm 1999, nghe tin anh hùng Núp qua đời, dân làng Stơr ai cũng khóc, ai cũng thương Bok Núp vì nhờ Bok Núp mà người Kông Hoa đã thắng được Pháp. Riêng Đinh H’Rinh thì nói Đinh Núp khi còn sống có một bộ râu dài trắng muốt. Núp mất đi rồi nhớ Núp quá nên Đinh H’Rinh cũng để râu từ đó. Giờ bộ râu của Đinh H’Rinh y hệt Đinh Núp, H’Rinh rất tự hào.

Già Đinh H’Rinh kể rằng sau năm 1975, chính quyền vận động người dân Stơr xuống núi để làm lúa nước. Những ngày đó, nhiều cán bộ từ tỉnh đến huyện tới giúp dân khai hoang, lập làng mới, hướng dẫn người dân trồng lúa nước để đảm bảo cuộc sống tốt hơn nên người Stơr đã xuống núi sinh sống, gắn bó với xã Tơ Tung cho đến ngày nay.

Phục dựng làng kháng chiến Stơr

Với vai trò lịch sử lớn lao của làng Stơr, UBND tỉnh Gia Lai đang xây dựng đề án phục dựng nguyên trạng làng kháng chiến này. Làng sẽ được phục dựng trên diện tích 3ha tại khu vực làng Stơr hiện nay (cách UBND xã Tơ Tung khoảng 3km). Ngoài phục vụ du lịch cộng đồng, làng kháng chiến Stơr cũng sẽ là nơi dạy các nghề truyền thống của đồng bào bản địa như dệt thổ cẩm, chỉnh chiêng, đánh cồng chiêng…

Phòng văn hóa thông tin huyện Kbang cho biết hiện đề án đang được triển khai với sự đóng góp ý kiến của hội đồng già làng, chính quyền, người dân và nhà văn Nguyên Ngọc. Ông Phan Xuân Vũ, giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh Gia Lai, cho biết đây là kế hoạch lớn nên phải xem xét kỹ các góc độ từ lịch sử, văn hóa đến việc thu hút khách du lịch.

Rate this post