NSƯT Thu Hạnh: 10 năm trở lại màn ảnh với vai diễn bị ghét nhất phim

Bộ phim “Hương vị tình thân” hiện đang bước giai đoạn kịch tính, mâu thuẫn của các nhân vật đẩy lên cao, trong đó vai diễn bà Sa (nghệ sĩ Thu Hạnh đóng) – bà mẹ mưu mô, thủ đoạn luôn ép con gái vai Thy (diễn viên Thu Quỳnh) phải lấy chồng giàu nhận nhiều phản ứng từ khán giả.

“Khoái” khi bị khán giả ghét

Chào nghệ sĩ Thu Hạnh! Trước khi đọc kịch bản, chị có lường trước được phản ứng của khán giả dành cho vai diễn trở lại màn ảnh lần này?

Đầu tiên cảm giác khi đọc kịch bản rất là thích, riêng nhân vật bà Sa là có chút lăn tăn khi sau khoảng 10 năm mới quay lại làm phim truyền hình, lại nhận vai phản diện, lo sợ nhiều khán giả trẻ sẽ có phản ứng và khó chấp nhận vai diễn.

Thú thực, vai bà Sa là vai diễn khó, đó là chất xúc tác tôi muốn làm. Nhân vật có diễn biến nội tâm, một bà mẹ “có một không hai” ngoài đời, một bà mẹ như thế rất ít người chấp nhận. Thời điểm này, phim phát sóng phần 1, khán giả chưa thể hiểu vì sao bà mẹ Sa thể hiện với cô con gái Khánh Thy (diễn viên Thu Quỳnh đóng) bởi đằng sau còn rất nhiều vấn đề. Là diễn viên hiểu nhân vật xuyên suốt, trong khi khán giả đang xem và dường như đang muốn tẩy chay mình. Mọi người đang rất khó chịu về nhân vật bà Sa. Nhưng không sao, đó là thành công của vai diễn.

Có phải chính yếu tố kịch bản hay thuyết phục chị nhận vai diễn?

Đúng là kịch bản phim tốt, đa chiều nhân vật. Mỗi vai diễn chính, phụ đều có đất diễn, tất cả các vai có chiều sâu, nội dung phim được biên kịch Khánh Hà viết cuốn hút. Đặc biệt, phim có nội dung đề tài gia đình đúng sở trường với tôi.

Cơ duyên nào đưa chị tiếp tục hợp tác với đạo diễn Nguyễn Danh Dũng?

Tôi với đạo diễn Nguyễn Danh Dũng từng hợp tác khá nhiều phim. Phải kể đến là vai nữ chính Yến Chi phim “Khi đàn chim trở về”, sau đó là “Chuyện phố phường”. Làm việc với anh Danh Dũng, hai anh em làm phim rất hiểu ý. Đến “Hương vị tình thân” có thể anh Danh Dũng nhìn ra chất diễn phù hợp và mời tôi vào phim.

Đặt vị trí của một khán giả xem phim, chị có những trăn trở?

Phim có nội dung hay nhưng tôi chỉ lăn tăn thời lượng phim phát sóng quá ngắn, làm cho mạch chuyện trong thời gian 20 – 25 phút rất khó để truyền tải tới khán giả. Nếu xuyên suốt 45 phút, bộ phim có nội dung, nút thắt nhất định. Khi phim chiếu thời lượng ngắn, không đủ lượng trong một tập để toát lên hết nội dung, khán giả có phản ứng khi chưa kịp hiểu câu chuyện đó là điều dễ hiểu. Đôi khi, điểm khuyết này buộc khán giả tò mò, có thể đó là chất xúc tác tạo sự lôi cuốn cho khán giả.

Dự kiến, bộ phim “Hương vị tình thân” kéo dài hơn 100 tập, hiện phim đã kết thúc phần 1. Chị có thể tiết lộ những chất liệu mới trong vai diễn bà Sa ở phần 2?

Chắc chắn ở phần 2, nhân vật bà Sa sẽ có màu sắc khác để khán giả xem không nhàm chán. Đi sâu vào phim, khán giả sẽ hiểu rằng không phải tự nhiên, đạo diễn và biên kịch xử lý tình huống tại sao hai mẹ con bà Sa và Thy lại đối nghịch với nhau như vậy.

Những điều đó sẽ khiến khán giả tò mò và tạo sức hút khi xem phim. Nhiệm vụ diễn viên chuyển đổi màu sắc cho thật ngọt, thật đời. Một con người thay đổi từ từ, nhân vật tốt hẳn cũng phải có sự chuyển biến như thế nào, cũng như nhân vật bà Sa vẫn là nhân vật phản diện nhưng thay đổi kiểu gì, diễn màu sắc như thế nào không giống với màu sắc cũ.

NSƯT Thu Hạnh: 10 năm trở lại màn ảnh với vai diễn bị ghét nhất phim Tạo hình của nghệ sĩ Thu Hạnh trong vai diễn bà Sa phim “Hương vị tình thân”

10 năm vắng bóng và toả sáng sân khấu kịch

Đâu là lý do sau 10 năm nghệ sĩ Thu Hạnh mới quay trở lại màn ảnh?

Khi làm truyền hình có nhiều thời điểm khác nhau, nếu thời trẻ mình đóng yêu đương. Đến khi lập gia đình, có những bạn sắp xếp được công việc và gia đình, có người gần như lui về chăm sóc gia đình. Và tôi cũng không ngoại lệ. Tôi quay về chu toàn gia đình và làm thêm một bước là học lớp đạo diễn. Khi tốt nghiệp đạo diễn, niềm đam mê sân khấu cuốn mình vào công việc đạo diễn. Đầu tiên là những vở diễn thiếu nhi, vở hài ngắn. Sau đó, nhận sự tin tưởng GĐ Nhà hát giao cho làm vở lớn “Kẻ trộm” đạt Huy chương vàng Liên hoan sân khấu về hình tượng CAND.

23 năm gắn bó với sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, vở diễn nào chị tâm đắc nhất?

Vai diễn ấn tượng trong sự nghiệp sân khấu đến thời điểm này trong vở diễn “Mắt phố” khi tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Khi nhận kịch bản, vai diễn đơn giản, nhưng bản thân đặt câu hỏi, khi lên sân khấu chuyên nghiệp, dù là vai phụ nhưng phải làm sao cho vai diễn toả sáng.

Qua trao đổi với đạo diễn Phạm Thị Thành về vai diễn chưa có nhiều đất diễn, chưa có nội tâm, nhân vật chưa được sống lắm thì nhận sự động viên của đạo diễn là mạnh dạn sáng tạo. Sau đó, tôi tự bồi đắp lời thoại, sáng tạo nhân vật mang tính đời sống hơn. Lần đó, dù là vai phụ đã đạt Huy chương vàng tại hội diễn.

NSƯT Thu Hạnh: 10 năm trở lại màn ảnh với vai diễn bị ghét nhất phim

Chân dung NSƯT Thu Hạnh ngoài đời. (Ảnh: Vi Giáng)

Sau thành công đạo diễn vở diễn “Kẻ trộm”, chị đã và đang ấp ủ dự án nghệ thuật nào khác?

Hiện, tôi đang ấp ủ làm một kịch bản khác. Từ nay đến năm sau quyết tâm làm một vở diễn. Vẫn khai thác đề tài nóng hổi, thời sự, các vấn đề trong xã hội. Ngoài lịch cá nhân thì năm nay, Nhà hát có kế hoạch tham dự 2 vở diễn tham gia hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc.

Thực tế phụ nữ làm nghệ thuật chịu nhiều vất vả hơn so đàn ông, vì các chị còn có bổn phận làm mẹ, làm vợ. Gia đình đã trở thành “hậu phương” ra sao để chị Thu Hạnh có thể toàn tâm, toàn ý cống hiến cho nghệ thuật?

Gia đình tôi luôn có nguyên tắc là “việc ai người nấy làm”, anh xã làm về bên cảnh sát hình sự, tôi thì làm nghệ thuật, hai ngành nghề đặc thù bận rộn nên tôi luôn cố gắng sắp xếp, cân đối cuộc sống gia đình .

Trước tình hình Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, các đơn vị nghệ thuật đóng cửa, đây có thể nói là giai đoạn mà sân khấu đang chịu rất nhiều khó khăn. Để vực dậy “thương hiệu” Nhà hát Kịch Hà Nội, những năm vừa qua, sân khấu kịch Thủ đô đã và đang có sự chuyển mình khi tiếp cận khán giả từ việc đưa tới sân khấu quay hiện đại nhất phía Bắc, mở sân khấu Quảng Lạc phố đi bộ. Chị có đánh giá ra sao với hướng đi mới này?

Đó là chủ trương của Sở Văn hoá Hà Nội, sắp tới đường lối phát triển của Nhà hát sẽ mở sân khấu hàng đêm, là tụ điểm giải trí riêng cho khán giả. Bên cạnh việc phát huy sân khấu Quảng Lạc, tại địa điểm Nhà hát Kịch sẽ đưa những vở diễn nhỏ để sáng đèn hàng đêm tạo thương hiệu sân khấu truyền thống Thủ đô. Cùng với đó là mục tiêu đưa sân khấu kịch vào học đường dành cho đối tượng thiếu nhi.

Cảm ơn NSƯT Thu Hạnh về cuộc trò chuyện!

Vi Giáng

Rate this post