Diễn viên Đức Khuê: “Sợ tôi nhất là… vợ và các con”

Vẫn gương mặt hài hước, kiểu nói chuyện tưng tửng có duyên, Đức Khuê lúc nào cũng như chơi, nhưng khi vào việc lại là một nghệ sĩ vô cùng “pro” (chuyên nghiệp). Là diễn viên kịch của Nhà hát Tuổi Trẻ, tung hoành trên sân khấu với nhiều vai diễn khác nhau và gặt hái thành công với HCV, HCB tại các kỳ liên hoan, nhưng khán giả đại chúng cứ hay nhớ đến anh trong các bộ phim truyền hình, điện ảnh… Nhà báo “xịn” phỏng vấn “nhà báo” – nghệ sĩ trong phim truyền hình nhiều tập “Đối thủ kỳ phùng” đang phát trên VTV1.

Vào vai nhà báo Quốc Thành trong “Đối thủ kỳ phùng”, anh hẳn phải thâm nhập thực tế nhiều? Nhìn lại vai diễn của mình, anh thấy có giống nhà báo “xịn”?

– Anh hỏi khó thế! Có giống nhà báo không thì phải hỏi khán giả xem phim chứ! Còn đi thực tế thì không đi được, nhà báo “xịn” à, chả giấu gì anh vì… bận quá! Nhưng là diễn viên, tôi lại tìm thấy tính cách nhân vật trong kịch bản và ý đồ của đạo diễn. Tôi thấy mình đúng là “nhà báo” khi phản ánh trung thực, cũng như bênh vực cho lẽ phải và công lý…

Thực tế là nhân vật nhà báo trong nhiều phim truyền hình VN rất dở, méo mó so với nguyên mẫu ở ngoài đời. Theo anh là vì sao?

– “Rất dở” có lẽ đúng, nếu như không đặt nhân vật vào hệ quy chiếu: Nhà báo cũng là người bình thường như bao người trong mọi nghề nghiệp khác. Cuộc sống muôn màu quanh ta là bức tranh phản ánh sinh động nhất. Không có một khuôn mẫu nào cả.

Đức Khuê tại buổi ra mắt đoàn phim “Em là bà nội của anh”.  Ảnh: CJ Entertainment cung cấp

Đức Khuê tại buổi ra mắt đoàn phim “Em là bà nội của anh”. Ảnh: CJ Entertainment cung cấp

Trong các vai hài, lối diễn tưng tửng của anh thường ghi điểm mạnh với khán giả. Vậy khi vào những vai chính kịch trên sân khấu, anh có phải tiết chế nhiều?

– Sân khấu có những niêm luật riêng và tính ước lệ đặc thù của nó. Bởi vậy, tiết chế hay không, còn phụ thuộc hoàn cảnh trong những lớp kịch. Hơi khoe một chút những vai chính kịch trong sân khấu đã cho tôi những tấm HCV, HCB trong các kỳ hội diễn sân khấu.

Vai diễn nào trên sân khấu mang chất Đức Khuê rõ nhất, theo anh?

– Một tác phẩm, vai diễn thành công có lẽ là ở sức sống của nó trong lòng khán giả. Đến giờ khán giả vẫn nhớ đến tôi qua vở kịch “Bệnh nói nhiều”. Đó là điều hạnh phúc của những người làm nghề.

Vậy còn màn ảnh?

– Có lẽ là vai Thắng trong phim “Của rơi” (vai diễn từng mang lại cho Đức Khuê giải Nam diễn viên xuất sắc nhất trong LHP Việt Nam lần thứ 14).

Khán giả hay định hình Đức Khuê như một anh chàng ngơ ngơ ngác ngác, nghe chừng là rất dễ bị “dắt mũi” trong cuộc sống. Nhưng ngoài đời, hẳn là không ai… lừa nổi?

– Nói thế cũng không đúng đâu! Cũng dễ tin lắm. May mà là đàn ông đấy (cười).

Hay cười như anh chắc không mấy khi nổi giận đâu nhỉ?

– Hay cười thôi chứ không phải lúc nào cũng cười (là có vấn đề). Còn cáu giận thì cũng có lúc chứ, ai chẳng vậy! Và tất nhiên người sợ nhất chính là… vợ con mình.

Trở lại với phim điện ảnh bằng vai diễn mới trong bộ phim “Em là bà nội của anh” sau một thời gian vắng bóng trên màn ảnh rộng, điều gì ở nhân vật đã thuyết phục anh?

– Là diễn viên, ai cũng mơ ước được trải nghiệm qua nhiều vai diễn. Sân khấu, điện ảnh, hay phim truyền hình với tôi không có sự phân biệt. Khi đọc kịch bản “Em là bà nội của anh”, tôi đã rất ấn tượng trước một câu chuyện rất nhân văn, gần gũi với cuộc sống, được kể dưới hình thức lãng mạn, giả tưởng đầy hài hước và cũng rất xúc động về những mối quan hệ gia đình cũng như ngoài xã hội. Tôi đóng vai Quang – con của một người mẹ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để nuôi dạy đứa con trai duy nhất trưởng thành; chồng của một cô vợ mắc bệnh trầm cảm và là cha của 2 đứa con đang độ tuổi trưởng thành. Thông điệp mà tôi ấn tượng nhất trong phim là: Ai trong chúng ta cũng có một người mẹ, hãy sống thế nào để xứng đáng với hy sinh của mẹ.

Theo dự đoán của anh, 5 năm nữa sẽ là một Đức Khuê thế nào?

– Quả thực là tôi cũng không có kế hoạch dài hạn đến như vậy (anh em vẫn hay đùa là ăn đong ấy mà)! Mỗi giai đoạn đều có những công việc khác nhau và luôn cố gắng làm hết sức cho công việc mình yêu thích. Hãy sống trọn vẹn cho hiện tại, còn tương lai để mai, ngày kia tính (cười).

Theo Lao động
 

Rate this post