Gia đình ông Tập Cận Bình và nỗi oan trong Đại cách mạng văn hóa
Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bầu ông Tập Cận Bình làm Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy trung ương.
Gia đình ông Tập Cận Bình và nỗi oan trong Đại cách mạng văn hóa
> Chân dung con gái độc nhất của ông Tập Cận Bình
> Đặc phái viên Tổng Bí thư chúc mừng thành công ĐH Đảng Trung Quốc
Đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bầu ông Tập Cận Bình làm Tổng bí thư, Chủ tịch Quân ủy trung ương.
Ông Tập Trọng Huân.
Do đó, những thông tin hữu quan xung quanh gia đình ông Tập Cận Bình, người từng được Tạp chí Time bình chọn (năm 2009) là 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới đều được dư luận quan tâm, tìm hiểu. Một trong những vấn đề được dư luận chú ý là những oan khiên mà nguyên Phó thủ tướng Tập Trọng Huân, thân phụ Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình từng gặp phải trong Đại cách mạng văn hóa.
Nỗi oan khiên đến từ một cuốn tiểu thuyết
Ông Tập Cận Bình là con trai trong gia đình có 5 anh chị em của nguyên Phó thủ tướng Tập Trọng Huân, người từng bị bức hại trong thời kỳ Đại cách mạng văn hóa. Tên gọi khi mới sinh của ông Tập Trọng Huân là Tập Trung Huân, tự Tương Cận.
Ông Tập Trọng Huân (15-10-1913 – 24-5-2002) sinh ra trong một trang trại ở huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây. Nhưng tổ phụ của ông Tập Trọng Huân lại ở hai nơi, một là thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, hai là thành phố Cát An, tỉnh Giang Tây.
Cuối đời nhà Thanh, chiến tranh li tán, gia đình họ Tập phải chuyển tới huyện Phú Bình, tỉnh Thiểm Tây. Trong thời kỳ đó, ông Tập Trọng Huân là một trong những nhà lãnh đạo của khu Thiểm Bắc, là người sáng lập chính căn cứ địa cách mạng khu vực Thiểm Cam.
Trước khi gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1928), ông Tập Trọng Huân gia nhập Liên đoàn Thanh niên Cộng sản (tháng 5-1926).
Trong thập niên 30 của thế kỷ trước, ông Tập Trọng Huân hoạt động tích cực tại khu vực Tây Bắc, Thiểm Bắc, Thiểm Cam và được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng. Tới tháng 10-1935, ông Tập Trọng Huân hội quân với Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Ngày 28-4-1944, ông Tập Trọng Huân kết hôn với bà Tề Tâm và sinh được 5 người con, trong đó có Phó chủ tịch nước Tập Cận Bình (15-6-1953). Tháng 6-1945, ông Tập Trọng Huân được bầu làm Ủy viên dự khuyết Trung ương (bổ sung). Chỉ 2 tháng sau (tháng 8-1945), ông Tập Trọng Huân được cử làm Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Ông Tập được coi là một trong những người thuộc thế hệ lãnh đạo đầu tiên của Trung Quốc nên sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập (1-10-1949), được cử làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương (tháng 9-1952), Phó chủ tịch Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Trung ương. Vì được đánh giá là người có khả năng nên tháng 4-1959, ông Tập được cử làm Phó thủ tướng, phụ trách công tác hàng ngày của chính phủ kiêm Tổng thư ký Quốc vụ viện.
Nhưng đến cuối tháng 9-1962 Tập Trọng Huân bị mất chức Phó thủ tướng vì bị coi là phần tử chống đảng, chống lại Chủ tịch Mao Trạch Đông. Người khiến ông Tập Trọng Huân mất ghế Phó thủ tướng là trùm mật vụ Khang Sinh với cáo buộc: “Tập đoàn phản đảng Tập Trọng Huân”, “Tập đoàn phản đảng Tây Bắc”.
Hội nghị Bắc Đới Hà khai mạc ngày 25-7-1962 đã thảo luận nhiều vấn đề như nông nghiệp, lương thực, tài chính, thương nghiệp. Trong 2 ngày 5 và 6-8/-962, Chủ tịch Mao Trạch Đông tới phát biểu tại tổ Hoa Đông và tổ Hoa Trung. Khi đó, Phó thủ tướng Tập Trọng Huân không tham dự hội nghị Bắc Đới Hà bởi ông bận chủ trì hội nghị công nghiệp toàn quốc tại Bắc Kinh (từ 30-7 đến 24-8-1962) theo sự phân công của Thủ tướng Chu Ân Lai.
Sau khi kết thúc hội nghị công nghiệp toàn quốc, Phó thủ tướng Tập Trọng Huân tới Bắc Đới Hà nghỉ ngơi 2 ngày theo dặn dò của Thủ tướng Chu Ân Lai. Đúng thời điểm Phó thủ tướng Tập Trọng Huân tới Bắc Đới Hà nghỉ ngơi thì hội nghị Bắc Đới Hà cũng kết thúc. Phó thủ tướng Tập Trọng Huân không thể ngờ mình trở thành một trong những người bị Khang Sinh, khi đó là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Tổ phó tổ “Văn giáo Trung ương” hãm hại. Khang Sinh vu cáo Phó thủ tướng Tập Trọng Huân có liên quan tới cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” – muốn lật lại những quyết định của Trung ương đối với Cao Cương.
Trong bức thư gửi Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Dương Thượng Côn, Khang Sinh viết: Cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” không đơn giản là một tác phẩm văn học bởi có khuynh hướng chính trị, kiến nghị xử lý vấn đề này. Điều đáng nói là Khang Sinh không đọc cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan”, chỉ nghe báo cáo sau đó ra quyết định kể trên.
Phó thủ tướng Tập Trọng Huân quay trở lại Bắc Kinh để tham dự hội nghị trù bị cho Hội nghị Trung ương 10 khóa 8 và không hề hay biết đang bị Khang Sinh đưa vào tầm ngắm.
Sau khi thảo luận xong 2 văn kiện và tình hình quốc tế, ngày 6 và 7-9-1962, hội nghị trù bị tiến hành phê phán Bành Đức Hoài, cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” và Phó thủ tướng Tập Trọng Huân lập tức trở thành đối tượng phê phán mới. Phó thủ tướng Tập Trọng Huân ban đầu bị coi là chủ trì, sau đó là “tác giả thứ nhất” của cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan”, bị liệt vào “tập đoàn phản đảng Bành Đức Hoài, Cao Cương, Tập Trọng Huân” và cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” là cương lĩnh chống đảng của tập đoàn này.
Trong cuốn “Tập Trọng Huân: Những hoài niệm không thể quên” và “Văn tuyển Tập Trọng Huân” xuất bản tháng 12-1995 có ghi: Đây là những lời buộc tội khiến mọi người không thể hiểu. Sở dĩ nói như vậy vì Phó thủ tướng Tập Trọng Huân là người không đồng ý cho viết và xuất bản cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan”.
Ông Tập Trọng Huân cùng 2 con trai.
Ngày 13-9-1962, Phó thủ tướng Tập Trọng Huân viết thư gửi Trung ương, kiên quyết phủ nhận là người chủ trì viết cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan”, cũng như phản đối những cáo buộc của Khang Sinh đối với mình. Mặc dù Phó thủ tướng Tập Trọng Huân đã đưa ra những kiến giải, nhưng đều bị coi là “không trung thực”, “chống đối đảng”. Trước tình hình kể trên, Phó thủ tướng Tập Trọng Huân quyết định gặp Thủ tướng Chu Ân Lai để xin phép không tham dự Hội nghị Trung ương 10 khóa 8.
Ngày 24-9-1962, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông phát biểu tại Hội nghị Trung ương 10 khóa 8, Khang Sinh đã gửi một mẩu giấy trong đó ghi: Việc lợi dụng cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” để loại trừ các hoạt động chống đảng là một phát minh lớn. Cũng trong ngày 24-9-1962, Khang Sinh đã kiến nghị và được Hội nghị Trung ương 10 khóa 8 thông qua. Theo đó, Bành Đức Hoài, Tập Trọng Huân, Trương Văn Thiên, Hoàng Khắc Thành, Chu Tiểu Đan là những người phải bị điều tra.
Chiều 27-9-1962, Hội nghị Trung ương 10 khóa 8 quyết định thành lập 2 ủy ban điều tra đối với Bành Đức Hoài và Tập Trọng Huân. Ủy ban điều tra Tập Trọng Huân do Khang Sinh làm trưởng ban, An Tử Văn, Trương Đạt Chí, Vương Ân Mậu, Trương Đức Sinh, Dương Tĩnh Nhân, Vương Thế Thái làm ủy viên.
Ngay sau khi nhận “ấn kiếm”, Khang Sinh lập tức yêu cầu ủy ban điều tra tập trung làm rõ toàn bộ hoạt động của “Tập đoàn chống đảng Tập Trọng Huân”. Thủ tướng Chu Ân Lai và Nguyên soái Trần Nghị sau khi được Chủ tịch Mao Trạch Đông căn dặn đã tới khuyên giải ông Tập Trọng Huân. Nhưng sau khi nghe Thủ tướng Chu Ân Lai và Nguyên soái Trần Nghị khuyên giải, ông Tập Trọng Huân tuyên bố: “Tôi không làm những việc người ta nói. Tôi đã chuẩn bị về nông thôn làm nông dân”.
Được giải oan sau 16 năm
Sau khi biết chuyện của Phó thủ tướng Tập Trọng Huân, Bành Đức Hoài đã nói với vợ: “Tại sao vấn đề của tôi lại liên lụy tới Tập Trọng Huân”. Sau đó, Bành Đức Hoài đã kêu oan cho Phó thủ tướng Tập Trọng Huân, cho dù khi đó ông cũng bị hãm hại. Bành Đức Hoài và Tập Trọng Huân có mối quan hệ khá mật thiết trước đó.
Trung tuần tháng 3-1947, Bành Đức Hoài và Tập Trọng Huân đã làm tốt công tác bảo vệ Trung ương, cũng như hỗ trợ Mao Chủ tịch giành chiến thắng trong chiến dịch Thiểm Cam Ninh. Sau đó, mối quan hệ giữa 2 người càng bền chặt. Sau một thời gian bị điều tra, tháng 12/1965, ông Tập Trọng Huân bị đưa tới làm việc tại Lạc Dương, tỉnh Hà Nam.
Tháng 1-1967, ông Tập Trọng Huân bị đấu tố tại nhiều địa phương ở tỉnh Thiểm Tây. Sau đó, ông bị giam lỏng tới 8 năm. Tháng 5-1975, ông Tập Trọng Huân tiếp tục bị thẩm vấn, điều tra. Ngày 15-11-1976, ông Tập Trọng Huân viết thư gửi Trung ương sau khi biết tin “Bè lũ 4 tên” bị đánh đổ.
Sau khi đề cập tới nhiều vấn đề, cuối thư ông Tập Trọng Huân ký tên cùng dòng chữ: Đảng viên Tập Trọng Huân của Mao Chủ tịch vẫn chưa được phục hồi sinh hoạt.
Ngày 24-8-1977, ông Tập Trọng Huân tiếp tục viết thư gửi Chủ tịch Hoa Quốc Phong, Phó chủ tịch Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm và Uông Đông Hưng.
Cùng thời gian này, bà Tề Tâm, vợ ông Tập Trọng Huân thường xuyên tới Lạc Dương, Bắc Kinh để kêu oan cho chồng. Sau cuộc gặp trực tiếp Phó chủ tịch Diệp Kiếm Anh và Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hồ Diệu Bang trình bày án oan của chồng, bà Tề Tâm cảm thấy yên tâm hơn.
Ngày 22-2-1978, sau khi đáp chuyến tàu hỏa rời Lạc Dương tới Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, ông Tập Trọng Huân đã không kìm chế được cảm xúc bản thân đã ôm Trần Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam và nói: “Đây là lần đầu tiên sau 16 năm (1962-1978) tôi ôm một người khác”.
Sau một ngày nghỉ tại tỉnh Hà Nam, ông Tập Trọng Huân lại đáp tàu hỏa tới Bắc Kinh. Từ 24-2 đến 8-3-1978, ông Tập Trọng Huân được mời tham dự Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban Chính hiệp lần thứ 5. Tại hội nghị này, Đặng Tiểu Bình được bầu làm Chủ tịch, còn ông Tập Trọng Huân được bầu làm Ủy viên thường trực. Cũng trong thời gian này, Hội nghị lần thứ nhất của Quốc hội khóa 5 cũng khai mạc và ông Tập Trọng Huân cũng được mời tham dự.
Gia đình Tập Trọng Huân.
Ngày 14-7-1979, bản báo cáo liên quan tới cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” được công bố. Theo đó, việc viết và xuất bản cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” là có kế hoạch từ trước, không liên quan gì tới ông Tập Trọng Huân. Trong năm 1960, ông Tập Trọng Huân có 2 lần nêu ý kiến (rõ ràng và trách nhiệm) về cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” với những người hữu quan. Kết luận của Khang Sinh đối với Tập Trọng Huân “là chủ mưu, là tác giả thứ nhất” của cuốn tiểu thuyết “Lưu Chí Đan” cùng một số vấn đề khác là không có căn cứ…
Ngày 4-8-1979, Trung ương phê chuẩn báo cáo kể trên, đồng thời quyết định, minh oan và phục hồi danh dự cho ông Tập Trọng Huân. Ngày 25-2-1980, Trung ương còn ra thông tri về vấn đề kể trên. Trong khi đó, Phó chủ tịch Diệp Kiếm Anh đã gặp và nói chuyện với ông Tập Trọng Huân, đồng thời đề nghị cựu Phó thủ tướng tới tỉnh Quảng Đông làm việc.
Đây là quyết định đã được Phó chủ tịch Diệp Kiếm Anh thảo luận trước với Chủ tịch Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình. Trước khi tới nhận công tác tại tỉnh Quảng Đông, 5 ủy viên thường vụ Bộ Chính trị là Chủ tịch Hoa Quốc Phong, Phó chủ tịch Diệp Kiếm Anh, Đặng Tiểu Bình, Lý Tiên Niệm và Uông Đông Hưng đều gặp ông Tập Trọng Huân bởi họ hy vọng, cựu Phó thủ tướng sẽ khôi phục và phát triển mọi mặt của một khu vực có vị trí địa – chính trị quan trọng. Khi đó ông Tập Trọng Huân tới tỉnh Quảng Đông làm việc với tư cách Bí thư thứ hai, “Phó tướng” cho Bí thư Tỉnh ủy Ngô Nam Sinh.
Sau đó ông Tập Trọng Huân được cử làm Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Quảng Đông, kiêm Chính ủy thứ hai Quân khu Quảng Châu. Tháng 9-1980, ông Tập Trọng Huân được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội khoá 5. Tháng 6-1981, ông Tập Trọng Huân còn được bầu làm Bí thư Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 (tháng 9-1982). Đến tháng 4-1988, ông Tập Trọng Huân lại được bầu làm Phó chủ tịch Quốc hội khóa 7.
Ông Tập Cận Bình.
Ông Tập Trọng Huân làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông đúng thời điểm Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách mở cửa và được coi là người đề ra mô hình đặc khu kinh tế Thâm Quyến. Được coi là một trong bát đại nguyên lão thời kỳ Đặng Tiểu Bình nắm quyền.
Ngoài ra, ông Tập Trọng Huân còn được coi là người dìu dắt Tổng bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Nhưng ông Tập Trọng Huân lại là người ủng hộ cách làm của Tổng bí thư Triệu Tử Dương, phản đối đàn áp phong trào biểu tình của sinh viên hôm 4-6-1989.
Trong cuốn “Những sự kiện lớn”, bà Tề Tâm từng viết, chồng mình là một người tốt, là người bạn đời thủy chung, đồng thời là người cha gương mẫu, luôn hết lòng quan tâm con cái. Bà Tề Tâm thổ lộ, lần đầu tiên gặp nhau (một ngày Chủ nhật tháng 4-1943), ông Tập Trọng Huân chỉ nhìn và mỉm cười gật đầu, còn khi cầu hôn thì yêu cầu bà viết lý lịch gửi cho mình. Một trong những đặc điểm của ông Tập Trọng Huân là bình dị, dễ gần cùng thái độ ân cần, thân mật với mọi người. Ngoài ra, ông Tập Trọng Huân còn có khả năng thu hút mọi người bằng cách diễn tả lời nói độc đáo.
Bà Tề Tâm nhớ lại, kể từ lúc lên chức bố sau khi vợ sinh cô con gái Kiều Kiều đầu lòng (1-3-1949), ông Tập Trọng Huân luôn yêu quý, chăm sóc các con và vui đùa với chúng cho dù công việc rất bận. Điều đáng nói là khi đó bà Tề Tâm đang làm việc tại Trường Đảng Trung ương sau khi học xong khóa học ở Học viện Mác – Lênin. Do đó, thời gian cả gia đình sum họp rất ít.
Vì điều kiện công tác của mẹ nên cả 2 anh em Tập Cận Bình và Tập Viễn Bình đều do bố chăm sóc sau khi cai sữa mẹ khi mới 10 tháng tuổi.
Một mình ông Tập Trọng Huân, khi đó là Phó thủ tướng kiêm Tổng thư ký Quốc vụ viện vừa làm việc, vừa chăm sóc cả mấy người con thay vợ. Được biết, ông Tập Trọng Huân rất nghiêm khắc với các con – cả hai cậu con trai Tập Cận Bình và Tập Viễn Bình đều sử dụng và mặc thừa những thứ chị gái để lại – từ sách vở, cặp sách đến quần áo, giày dép…
Ông Tập Cận Bình nhớ lại, ông từng không chịu đi đôi dép của chị vì bị các bạn cùng lớp trêu, nhưng đã bị bố nghiêm khắc nhắc nhở “phải đi dép của chị đến lớp”. Thói quen cần kiệm đã trở thành gia phong của gia đình họ Tập từ lúc nào không biết. Sự cần kiệm, chịu khó, giản dị của ông Tập Trọng Huân không những truyền cho con trai, mà cả con dâu.
Theo Hồng Thất Công – Tuấn Quỳnh
Petrotimes
Theo Đăng lại