Ông Nam Dược Hoàng Minh Châu: “Lấy lợi ích người tiêu dùng làm trọng”

Ông Nam Dược Hoàng Minh Châu: “Lấy lợi ích người tiêu dùng làm trọng”


Giấc mơ của “ông vua Nam Dược” Hoàng Minh Châu – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Dược đã bắt đầu trở thành hiện thực

“Nam dược trị Nam nhân” – Vì sao không tận dụng?

Thưa ông, “Nam dược trị Nam nhân” là kim chỉ nam cho Nam Dược trong suốt chặng đường phát triển vừa qua. Vì sao, ông – một người trẻ, học Tây dược, lại lựa chọn con đường này?

“Ở Việt Nam, những doanh nghiệp có hướng làm ăn dài hạn, bền vững xây dựng năng lực lõi không nhiều bởi vì làm việc đấy rất khó, không chỉ cần nguồn tài chính rất lớn mà còn phải có sự bền bỉ và tâm huyết với nghề”, ông Hoàng Minh Châu – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Dược.

Nam Dược được thành lập vào năm 2004 và lựa chọn con đường tân dược. Nhưng đến năm 2009, công ty lâm vào con đường khó khăn. Nguyên nhân là do không thể cạnh tranh về tài chính, công nghệ, con người và kinh nghiệm sản xuất với các công ty nước ngoài. Để cạnh tranh, công ty sẽ phải đầu tư rất lớn, mà gánh nặng tài chính là một trong những khó khăn lớn nhất.

Trong khi đó, Việt Nam có hàng nghìn năm lịch sử với truyền thống sử dụng cây cỏ để chữa bệnh, với gần 4.000 cây, con và khoáng vật làm thuốc. Minh chứng là từ Bắc vào Nam, từ những bản làng, thôn xóm đều có các thầy lang với kinh nghiệm sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền, cây cỏ quanh nhà để chữa bệnh. Đấy là tiềm năng độc đáo, là thế mạnh của nước ta mà nhiều quốc gia khác trên thế giới không có.

Đó cũng chính là lý do để Nam Dược quyết định chuyển sang một hướng đi mới: Sản xuất thuốc Đông dược và TPCN có nguồn gốc dược liệu.

Trong khi, hướng đến sử dụng các sản phẩm thiên nhiên, đặc biệt là dược liệu thiên nhiên hiện nay không còn là xu thế của riêng Việt Nam…

Đúng vậy, thế giới đang có xu hướng quay trở lại với các sản phẩm tự nhiên để phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh. Đây là xu thế tất yếu của cuộc sống. Đời sống ngày càng được nâng cao, con người cũng quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe. Thứ họ quan tâm và ưu tiên chính là sử dụng các sản phẩm có thành phần thiên nhiên để phòng chống các tác dụng phụ của các loại thuốc điều trị, đặc biệt trong bối cảnh bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp, đái tháo đường… ngày càng phát triển như hiện nay.

Lễ ký kết chuyển giao công trình nghiên cứu khoa học về dược liệu dây thìa canh

Và, việc đi theo con đường Đông dược hiện nay đang là một “trào lưu”. Đúng không, thưa ông?

Khoảng 3 năm trở lại đây, chúng ta chứng kiến sự “nở rộ” của các công ty sản xuất thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) có nguồn gốc từ nguyên liệu tự nhiên. Trào lưu này càng khẳng định rõ hơn xu hướng sử dụng sản phẩm từ thảo dược thiên nhiên đang được người tiêu dùng quan tâm. Tuy nhiên, “trào lưu” này cũng đặt ra một thách thức cho các công ty: Sự cạn kiệt của nguyên liệu tự nhiên bởi sự khai thác “tận diệt” của người dân.

Như vậy, để duy trì sự phát triển, các doanh nghiệp bắt buộc phải tự chủ về dược liệu để tránh đi vào tình trạng “thiếu” nguyên liệu sản xuất. Nam Dược đã thực hiện điều này như thế nào, thưa ông?

Ngay từ khi bắt đầu chuyển đổi sang Đông dược, Nam Dược đã xác định cần “tự chủ” nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là các nguyên liệu sạch, đảm bảo chất lượng bằng cách xây dựng vùng nguyên liệu riêng. Đầu 2014, 10ha dây thìa canh (ở Nam Định) của Nam Dược đã được cấp chứng nhận GACP – WHO (Thực hành tốt nuôi trồng, thu hoạch cây dược liệu TPCN theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới) sau 2 năm nỗ lực triển khai thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia thuộc Đại học Dược Hà Nội.

Hiện, chúng tôi cũng đang đầu tư cho trại rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Phúc) để nuôi rắn hổ mang – nguyên liệu ứng dụng trong bài thuốc Bách Xà chữa xương khớp. Cách làm này vừa bảo tồn nguồn gene dược liệu để khai thác lâu dài, vừa giúp kiểm soát được chất lượng nguyên liệu đầu vào.

Đến nay, Nam Dược đã “chủ động” được 20 dược liệu chất lượng trong 110 dược liệu có trong 40 sản phẩm do công ty sản xuất. Các dược liệu còn lại cũng được thu mua với những tiêu chuẩn rất khắt khe.

Có thể nói, xây dựng vùng dược liệu chuẩn là một trong những “giá trị lõi” tạo nên sự phát triển bền vững của một doanh nghiệp sản xuất TPCN nói chung và Nam Dược nói riêng.

Nam Dược vui mừng đón nhận Huân chương Lao động hạng 3 do Chủ tịch nước trao tặng

Xây dựng “giá trị” cốt lõi

Ông vừa nhắc đến những “giá trị lõi” để một công ty sản xuất TPCN phát triển bền vững. Ngoài xây dựng vùng dược liệu, các giá trị còn lại là…

Đầu tiên, đó là nghiên cứu và phát triển. Các doanh nghiệp “ăn xổi” không có “đủ” tâm huyết để nghiên cứu, xây dựng những phương pháp bào chế tốt, lại càng không thể đầu tư cho việc kiểm nghiệm chất lượng nên chắc chắn đến một thời điểm nhất định, người tiêu dùng sẽ nhận ra chất lượng sản phẩm có vấn đề. Thực tế đã có nhiều sản phẩm năm nay bán rất chạy, nhưng năm sau đã chết yểu. Thứ hai là năng lực sản xuất chất lượng cao: Nam Dược đã áp dụng tích hợp tiêu chuẩn quốc tế như GMP, ISO, HACCP, TQM…

Thứ ba là áp dụng mô hình liên kết 4 nhà, trong đó Nhà doanh nghiệp là mắt xích kết nối để tạo nên chuỗi giá trị khép kín, bền vững: Phối hợp với nhà nông để trồng dược liệu – Hợp tác với nhà khoa học để ứng dụng các nghiên cứu khoa học về dược liệu – Phối hợp với Nhà nước để xây dựng chính sách phát triển dược liệu hoặc cải tạo môi trường đầu tư cho việc phát triển ngành.

Đó là bài toán của những doanh nghiệp đầu tư lớn, bài bản.

Để đầu tư vào giá trị lõi thường tốn nhiều thời gian và công sức, trong khi những công ty làm ăn “chụp giật” lại thu lợi ồ ạt. Có lúc nào ông cảm thấy “sốt ruột”?

Tôi tin là người tiêu dùng rất thông thái, họ biết lựa chọn công ty uy tín, sản phẩm chất lượng để sử dụng. Do đó, chúng tôi kiên định với việc xây dựng bài bản để hướng tới phát triển bền vững dài hạn.

Vậy, ông có lời khuyên nào cho các công ty đã, đang và sẽ tham gia thị trường để đảm bảo sự phát triển bền vững trong tương lai?

Theo tôi, tốt hơn hết, những công ty sản xuất, hãy lấy cái tâm với nghề và lợi ích của người tiêu dùng làm trọng. Hướng đến việc phát triển dài hạn, xây dựng thương hiệu uy tín, có như vậy thì mới xây dựng được chuỗi giá trị và đóng góp được nhiều lợi ích cho các bên.

Cảm ơn ông về những chia sẻ này!

Năm 2014, Nam Dược được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng 3 và nhận Bằng khen của Bộ Y tế vì những thành tích trong việc kế thừa và phát triển Y học cổ truyền Việt Nam.

Thùy Chi – M.Hiếu H+

Rate this post