Phạm Linh Đan: Người Việt duy nhất của César!

Sinh tại Sài Gòn, lớn lên và thành công tại Pháp, học điện ảnh tại New York và sinh sống tại London, thiên di qua nhiều thành phố, cô là trường hợp người Việt duy nhất được các đạo diễn Pháp thừa nhận, trở thành một trong những minh tinh của nhiều dự án lớn. Người Việt duy nhất nhận giải César. Cô có cái tên hoàn toàn Việt Nam : Phạm Linh Đan.

Tôi chờ mãi mới tới giờ gặp Phạm Linh Đan ở L’espace trên phố Tràng Tiền, Hà Nội. Linh Đan tới, tóc ngắn, đầm vàng, miệng cười rộng, như một bông cúc nở giữa mùa thu. Không có dấu vết của một minh tinh. Chỉ toát lên một vẻ đẹp thanh tao. Truyền hình cũng ào đến tác nghiệp. Linh Đan vẫy tay: “Nhớ quay góc mặt bên trái nhé, bên đó đẹp hơn, các đạo diễn bảo vậy!”. Rồi cười khúc khích, như một cô bé. Linh Đan nói, cô vừa xuống máy bay và chưa kịp ăn gì, nhưng cô sẽ dành cho tôi hai chục phút, vì sau đó là hoạt động kín lịch của một tuần lễ phim tại Việt Nam.

-Cuối cùng thì chị cũng đã trở lại Việt Nam, cùng với một bộ phim mới, sau 15 năm của “Đông Dương”. Lần này chị thấy thế nào?

Phạm Linh Đan sinh tại Việt Nam, năm  1 tuổi cô sang Pháp và lớn lên tại đó. Cô đoạt giải César của điện ảnh Pháp với vai diễn đầu tay trong “Đông Dương” năm 1993.

Năm 1994, cô tham gia một vai trong phim “Jamila” của đạo diễn Monica Teuber. Sau đó cô tạm chia tay điện ảnh và trở về với điện ảnh năm 2005 trong phim “Những người chơi tồi” của Frédéric de Balekdjian.

Năm 2006 cô nhận giải César cho nữ diễn viên triển vọng trong “Trái tim lỗi nhịp” của đạo diễn Jacques Audiard, phim có sự tham gia của Romain Duris và được trao tới 8 giải César.

Một năm sau cô đóng chung với diễn viên nổi tiếng José Garcia trong bộ phim “Ra đi nhanh chóng và trở về muộn màng” của đạo diễn Regis Wargnier.

-Lần nào về tôi cũng cảm thấy thật đặc biệt. Việt Nam là cái gì đó khó lý giải, nhưng mỗi chuyến trở về lại khiến mình cảm thấy yêu cuộc sống mà mình đang có. Tôi nhớ khi tôi đóng phim “Đông Dương”, đó là lần đầu tiên tôi được ba mẹ đưa trở về Việt Nam. Thật may là phim quay cả Bắc, Trung, Nam, từ Hạ Long cho đến Huế rồi Sài Gòn. Tôi đi chung xe với ba mẹ, đi tới đâu các cụ chỉ dẫn tới đó, nơi này là ba mẹ yêu nhau, nơi này là kỷ niệm tuần trăng mật… Tất cả khiến tôi hiểu rõ hơn về nơi mà ba mẹ mình đã sống và sinh ra mình.

Vai diễn đầu tiên của chị trong Đông Dương có một trường đoạn khá đặc biệt, đó là cảnh hai nhân vật trôi trên chiếc thuyền giữa Hạ Long. Có thể nói, họ đang trọn vẹn trong tình yêu và thiên nhiên. Khi ấy chị còn quá trẻ, hình như là chưa yêu, chị có gặp khó khăn gì không?

-Tôi không gặp nhiều khó khăn lắm, dù đó là vai diễn đầu tiên và tôi không phải là một diễn viên chuyên nghiệp. Khi đó tôi đang là sinh viên, tôi dự định trở thành bác sỹ. Bố tôi đọc báo thấy có tin tuyển diễn viên và tôi đi casting thôi. Tôi vào vai một cách tự nhiên và đến sau này, tôi luôn cảm thấy mình sống cuộc sống của nhân vật.

-Sau giải César với phim “Đông Dương”, chị gần như “biến mất” khỏi màn bạc. Chị đi đâu vậy?

-Tôi đến với điện ảnh như sự dạo chơi thôi. Bố mẹ tôi không muốn tôi theo nghiệp diễn viên, họ muốn tôi học tốt và có công việc làm. Thực ra sau đó tôi có tham gia mấy phim nữa, trong đó đáng chú ý như phim “Tạm biệt sông Ba” của điện ảnh Hàn Quốc, có quay 6 tháng ở Việt Nam, nên tôi cũng có điều kiện ở lại Việt Nam trong một thời gian. Rồi sau đó thì tôi đi học, đi làm, ngỡ như điện ảnh chỉ là một ký ức.

-Thế rồi cơ duyên nào khiến chị quay lại và một lần nữa lại đoạt giải César cho “Nữ diễn viên triển vọng” với vai Miao Lin trong “Trái tim lỗi nhịp”. 13 năm chị lại nhận tiếp một giải triển vọng, chị có thấy sự nghiệp của mình có chút gì đó như là sự hài hước?

– Tôi đi làm makerting 4 năm, đó là một cái “hợp đồng” với ba mẹ. Nhưng công việc đó khiến tôi không thực sự say mê. Vậy là tôi đi học diễn xuất ở New York, rồi nhận được lời mời vào phim “Những kẻ chơi tồi” năm 2005. Năm 2006, tôi nhận vai cô giáo dạy dương cầm của “Trái tim lỗi nhịp”  và vô cùng bất ngờ nó lại cho tôi thêm một giải thưởng nữa. Tôi gần như hét lên khi biết mình đoạt giải. Tôi thấy đó là một sự vinh danh của điện ảnh Pháp với những nghệ sỹ có đóng góp. Không có gì là hài hước cả. Vai đầu tiên trong “Đông Dương” như là sự nhập môn. Còn với “Trái tim lỗi nhịp”, giải thưởng đó như một tấm bằng chứng nhận với giới điện ảnh Pháp.

-Cái sự chứng nhận đó cụ thể là như thế nào?

-Nếu như trước đây, người ta cần một cô gái Việt Nam cho một bộ phim Pháp thì họ sẽ đi tìm tôi. Còn sau giải thưởng này, tôi đang được mời tham gia một số dự án phim nữa. Họ mời tôi vào vai một người phụ nữ bất kỳ, một nhân vật trong bộ phim của họ, chứ không phải chỉ là một người phụ nữ gốc Á. Có thể coi đó như là một bước tiến trong vị trí của người diễn viên.

-Có một chi tiết tôi không thích ở vai diễn của chị trong “Trái tim lỗi nhịp”. Tại sao nhân vật là cô gái Trung Quốc mà chị lại nói tiếng Việt? Và tại sao chị không thuyết phục đạo diễn để Miao Lin là một cô gái Việt Nam?

-Đó là một sự nhầm lẫn mà người xem vội không để ý. Cô ấy là người Việt đó chứ, cô ấy chỉ qua Trung Quốc học dương cầm mà thôi.

-Sau “Trái tim lỗi nhịp” chị có những dự án mới không?

-Tôi vừa quay xong hai bộ phim. Sau chuyến đi Việt Nam về, tôi sẽ vào vai Linh Đan trong một bộ phim về những cô gái làm nghề ca sỹ. Tôi hứng thú với bộ phim này, vì tôi sẽ được nhảy, được hát.

Phạm Linh Đan (ngồi giữa) tại buổi họp báo ngày 11/10.

-Chị biết nhảy và hát?

-Không. Thế mới hứng thú chứ, vì mình được học. Làm điện ảnh có cái hay là mình được học nhiều thứ.

-Đợt này, khán giả Việt Nam cũng có dịp xem diễn xuất của chị trong phim “Ra đi thật nhanh và trở về muộn màng”. Điều tôi ấn tượng trong phim là chị đã thực sự thu hút được người xem nhờ đôi mắt biết nói. Nhưng thật tiếc, vai của chị chỉ xuất hiện có ba phút…

-Ba phút cũng quý lắm, ít nhất là nó cho tôi cơ hội này, cơ hội về lại Việt Nam. Hơn thế, tôi quan niệm không phải vai dài hay ngắn, mà là vai đó thế nào. Tôi sẵn sàng cạo trọc đầu, diễn cảnh khỏa thân miễn là vai diễn thực sự yêu cầu như thế.

-Chị học điện ảnh Mỹ, sao chị không chọn Hollywood để phát triển sự nghiệp?

-Tôi học cách mà họ làm phim, chứ tôi không thích phim Hollywood. Mỗi nền điện ảnh có giá trị riêng của nó, nhưng tôi thích điện ảnh Pháp hơn, có vẻ như nó phù hợp với tôi hơn.

-Vừa nãy chị có nói đã đi làm bốn năm để hoàn thành “hợp đồng” về công việc. Thế trong chuyện tình cảm, chị có cái “hợp đồng” nào phải giải quyết với ba mẹ chưa?

-(Cười lớn) Tôi không thích nói chuyện riêng tư đâu. Nhưng tôi thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại. Tôi sống một mình ở London, cách Paris của ba mẹ vài giờ đi tàu, cũng không xa lắm. Có thể nói hiện giờ tôi dành trọn vẹn mọi thứ cho điện ảnh…

-Cảm ơn Linh Đan!

Rate this post