Huyền Chip: Xách ba lô lên và đi, nghi án nói dối và bức thư sau 4 năm

Huyền Chip và những nghi vấn xung quanh cuốn sách đình đám “Xách ba lô lên và đi” – được quảng bá là “cô gái đi 25 nước với 700 đôla” – từng là quả bom truyền thông vào năm 2013.

Ngày 19/9/2013, tại Trung tâm Văn hóa Pháp (Hà Nội), một cô gái 23 tuổi ngồi trước khoảng 250 khán giả và đối mặt với những câu hỏi về tính xác thực của các chi tiết trong cuốn sách du ký trước đó của cô, Xách ba lô lên và đi – Tập 1: Châu Á là nhà, đừng khóc (2012).

Ngày hôm đó, Huyền Chip ra mắt tập 2 trong bộ sách của mình, có tên Đừng chết ở châu Phi. Nhưng tại họp báo, thông tin về tập 2 bị chìm lấp giữa vô vàn dư luận về tập 1.

Từ cuốn sách truyền cảm hứng du hành thế giới
và gây tranh cãi dữ dội

Xách ba lô lên và đi là một tít sách xuất sắc, về sau được nhắc lại không biết bao nhiêu lần mỗi khi người ta check in trên Facebook trước một chuyến hành trình. Tháng 9/2012, cuốn sách này ra mắt và tạo nên một cơn sốt trong giới trẻ Việt Nam.

Hình ảnh trên bìa sách, với Huyền Chip đeo chiếc ba lô to và nặng, nhìn về phía con đường cô sắp đi, một nơi khô cằn, nhiều núi đá và cát bụi, có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ đến giới trẻ Việt Nam khi đó vẫn chưa có thói quen coi “đi nước ngoài giống như đi chợ”.

huyen chip,  xach ba lo len va di,  noi doi anh 1

Hàng tít sách ấn tượng: Xách ba lô lên và đi – Tập 1: Châu Á là nhà, đừng khóc.

Và câu chuyện về cô gái “đi 25 nước với 700 đôla” được đưa lên tít các báo, như một cách rút ngắn sự thật để gây ấn tượng. Đây cũng là thông điệp truyền thông chính của cuốn sách: giới trẻ hoàn toàn có thể thăm thú nhiều nước trên thế giới với chi phí hạn chế, với lòng quyết tâm máu lửa và khả năng thích nghi với hoàn cảnh.

Vào những năm người ta tin rằng phải có thật nhiều tiền mới đi được nhiều nước, câu chuyện của Huyền Chip giống như một lối thoát. Không những vậy, còn mang lại cảm giác phiêu lưu đầy bụi bặm của tuổi trẻ. Xách ba lô lên và đi gây sốt khá lâu trước khi âm nhạc kịp hưởng ứng với các bài ca tuổi trẻ cổ vũ lối sống xê dịch.

Nhưng tình tiết “đi 25 nước với 700 đôla”, phi thường nhưng khó tin, cũng lập tức bị dư luận “soi’. Dư luận đòi cô chứng minh bằng cách trưng ra visa đi 25 nước, con dấu hộ chiếu, chứng minh tài chính, làm cách nào để vào được cả Israel lẫn Palestine khi hai nước này có xung đột chính trị, xâm nhập trái phép vào Malawi… cùng với nhiều tình tiết khác trong cuốn sách, như bị “gãy ống đồng và khỏi sau 3-4 tuần” hay “làm việc trong sòng bạc ở châu Phi”.

Và trong hai buổi họp báo ra mắt tập 2 năm đó, ở cả Hà Nội (19/9) và TP.HCM (22/9), Huyền Chip đã không ngừng bị xoay như chong chóng. Từ việc trưng ra hộ chiếu ở cự li xa tại Hà Nội, vào đến TP.HCM, cô đã từ chối cho báo chí xem hộ chiếu và khước từ trả lời những câu hỏi mà cô không thích.

Đến nay, sư việc chưa từng khép lại, bởi những câu hỏi của 4 năm về trước vẫn còn để ngỏ.

Đến bức thư giãi bày và bài học
“miễn trừ trách nhiệm”

Trải nghiệm trong buổi họp báo ngày 19/9/2013 được Huyền Chip nhắc lại ngay đầu bức thư giãi bày mới nhất, đăng tải hôm 25/9 trên một tờ báo mạng. Cô thừa nhận, đây là kỷ niệm tồi tệ nhất đời mình tính đến nay, nhưng đồng thời, cũng là kỷ niệm đáng trân trọng nhất.

“Tôi đã phạm phải nhiều lỗi lầm ngốc nghếch, và đã nhận được nhiều bài học” – cô viết trong thư.

Có 4 bài học được Huyền Chip nêu ra sau vụ việc. Một là “nên bình tĩnh và từ tốn khi tiếp xúc với người phản đối mình”; hai là “các cuốn hồi ký, du ký đều nên có “disclaimer” đính chính rằng vì sách được viết từ trí nhớ và trí nhớ con người là không chính xác”; ba là “một khi tôi chọn đưa câu chuyện của mình đến với độc giả, tôi sẽ phải hy sinh nhiều quyền riêng tư cá nhân”; và bốn là “không cần phải giải thích góc nhìn của bản thân”.

Trong bốn bài học Huyền Chip nêu ra, có liên quan trực tiếp đến cuốn sách nhất là bài học thứ ba, về “disclaimer” (miễn trừ trách nhiệm). Phần miễn trừ trách nhiệm trong các cuốn sách phi hư cấu được đưa ra với lý lẽ “trí nhớ con người có thể không chính xác”, nhằm hạn chế các chất vấn về tính xác thực, như Huyền Chip đã gặp phải trong Xách ba lô lên và đi.

huyen chip,  xach ba lo len va di,  noi doi anh 2

Những hình ảnh du lịch và khám phá thế giới vẫn được Huyền Chip chia sẻ qua trang cá nhân.

Cụ thể Huyền giải thích: “Cuốn sách của tôi có thể có những chi tiết không hoàn toàn chính xác, nhưng câu chuyện tôi viết ra là thật. Tôi đã bắt đầu đi khi trong tay chỉ có 700 đô. Tôi chưa bao giờ nói rằng chi phí toàn bộ cuộc hành trình là 700 đô – trong sách tôi đã viết là tôi phải đi làm để kiếm thêm tiền. Tôi cũng chưa bao giờ nói là tôi đi 25 nước trong hành trình. Khi phóng viên hỏi tôi lần đầu tiên, nếu tôi nhớ không nhầm thì cho Yahoo! News, tôi trả lời rằng chắc khoảng 20, 25 nước gì đó”.

Cuối thư, tác giả Xách ba lô lên và đi đưa ra lời xin lỗi công khai đầu tiên của cô từ khi xảy ra vụ việc đến nay: “Tôi xin lỗi vì đã nông nổi nghịch ngợm hồi trẻ. Tôi là một người tồi tệ. Tôi đã và đang cố gắng hàng ngày để trở thành một con người tốt hơn”.

Cũng có ý kiến cho rằng, bức thư này, được đặt tít là “thư xin lỗi”, thực ra lời xin lỗi không phải là trọng tâm.

Theo nhà báo, nhà thơ Nguyễn Phong Việt, bức thư nên được nhìn nhận như một lời giãi bày của tác giả sau vụ việc 4 năm trước. Anh nói: “Với tôi, thông điệp lớn nhất của bức thư này không phải là thừa nhận hay phủ nhận, mà chính xác là Huyền giãi bày những cá tính nông nổi của mình của một tuổi trẻ cách đây 4 năm của cô. Còn trọng tâm của vấn đề là Huyền đã nói thật hay nói dối những chi tiết được liệt kê là có vấn đề trong cuốn sách ấy thì không được nhắc đến”.

Mặc dù vậy, nhà thơ Nguyễn Phong Việt nhìn nhận việc Huyền Chip chủ động giãi bày là “một sự dũng cảm, ít nhất là Huyền đã trưởng thành hơn rất nhiều khi chấp nhận nói về scandal lớn nhất trong sự nghiệp viết lách của mình, cho dù sự dũng cảm ấy vẫn chưa là tuyệt đối”.

huyen chip,  xach ba lo len va di,  noi doi anh 3

Nhà thơ Nguyễn Phong Việt và phượt thủ Rosie Nguyễn đều từng lên tiếng về vụ việc năm 2013.

Còn Rosie Nguyễn, một phượt thủ kiêm tác giả sách nổi tiếng (cuốn Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu), cũng nhìn nhận đây là sự trưởng thành của Huyền Chip: “Bức thư này có ý nghĩa cá nhân với Huyền Chip nhiều hơn là với cộng đồng, vì theo quan sát của tôi, sự việc 4 năm trước có tác động rất lớn tới tâm lý và cách nhìn nhận bản thân và cuộc sống của cô ấy. Bài viết này có lẽ là một dịp để cô ấy nhìn lại xem mình đã đi được bao xa và học được gì từ sự kiện quan trọng ấy”.

Ai cũng có một thời tuổi trẻ

Cách đây 4 năm, Huyền Chip từng là tâm điểm dư luận đến mức buổi họp báo của cô được công chúng ghi âm, quay clip và tung hết lên mạng để cộng đồng mạng cùng soi mói.

File ghi âm được tải lên Soundcloud, được gỡ băng và phân tích từng tình tiết trên các trang diễn đàn, Facebook. Đỉnh điểm, còn có bài… “Phân tích ngôn ngữ cơ thể Huyền Chip trong buổi họp báo” để suy luận là nói dối hay nói thật.

Nhưng cũng rất nhanh, Huyền thấy mình trôi khỏi sự quan tâm của dư luận, theo đúng quy luật của thời bội thực thông tin.

Tháng 12/2016, Huyền Chip ra mắt cuốn sách thứ ba, Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford, viết về cuộc sống sinh viên của cô ở Đại học Stanford (Mỹ), không nằm trong bộ Xách ba lô lên và đi và cũng không với tư cách phượt thủ. Cuốn sách này có nhiều thông điệp thú vị, như “Không hạnh phúc ở Standford là một tội ác”, nhưng cũng không gây dư luận như dự báo.

Mặc dù vậy, theo Rosie Nguyễn, nhiều người sẽ lặng lẽ dõi theo sự trưởng thành của một người trẻ đặc biệt như Huyền Chip. Bản thân chị nhận thấy “Huyền Chip của bây giờ khiêm tốn và thận trọng hơn ngày xưa, với mong muốn làm điều có ích, đóng góp cho cộng đồng, cống hiến lại để trả ơn những gì mình đã nhận được, hơn là chỉ đi cho chính mình như trước”.

Trên trang cá nhân của mình, Huyền Chip cũng thường xuyên đăng những bài viết chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm học đại học ở Mỹ, học tiếng Anh, giao tiếp với người nước ngoài… và cả những chuyến đi xa thú vị, trong đó có cả chuyến thăm trụ sở Facebook ở Palo Alto hồi đầu tháng 9. Những bài viết của cô được đông đảo người đọc hưởng ứng vì tính hữu ích chứ không phải vì các tình tiết “phi thường đến khó tin” như xưa.

Và nhà thơ Nguyễn Phong Việt cũng thừa nhận: “Huyền là một người giỏi với độ tuổi của cô ấy vào thời điểm đó và cả bây giờ. Cô ấy cũng đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người, cả những người trẻ muốn trải nghiệm thế giới và những tác giả trẻ viết sách về du ký. Tuy nhiên, có thể tham vọng về sự nổi tiếng cùng với những chi tiết vĩ đại trong một năm tháng nào đó của tuổi trẻ ấy, đã khiến cho cô ấy không giữ được sự chân thành của ngòi bút”.

“Cuộc đời có những lỗi sai mà bạn không thể nào sửa chữa lại được. Và trường hợp của Huyền là như thế…” – anh nói.

Rate this post