Nguyễn Hữu Ân – Chàng trai bước ra từ… cổ tích
Chàng trai hiếu thuận ấy giờ vẫn mải mê với các hoạt động thiện nguyện, đem lại niềm vui để bù đắp cho bao mảnh đời bất hạnh.
Hành động lay động trái tim
Trong lần giao lưu “Chuyện đời – chuyện nghề”, một bạn sinh viên báo chí năm 2 trường Đại học KHXH&NV TPHCM nói với tôi rằng: “Trong những bài anh viết trên báo Khuyến học & Dân trí, em ấn tượng nhất bài “Chuyện cổ tích mang tên Nguyễn Hữu Ân” và được chọn lọc đăng trong Sách giáo khoa Ngữ Văn 12 mà thế hệ chúng em được học. Không biết nhân vật ấy bây giờ ra sao?”.
Nguyễn Hữu Ân là thế hệ Công dân trẻ TPHCM đầu tiên được vinh danh vào năm 2007. Hữu Ân không ngờ những việc làm nhỏ, rất đỗi bình thường của mình lại được nhiều người quan tâm. Trong ký ức tôi vẫn còn nhớ như in từng chi tiết mà mình viết về nhân vật đặc biệt này.
Nguyễn Hữu Ân sinh ra ở Huế nhưng tuổi ấu thơ gắn liền với miền quê nghèo Quảng Trị. Ân lớn lên trong cảnh ly tán của gia đình. Mẹ bị bệnh nặng, gia đình phải dắt díu nhau vào phố biển Vũng Tàu để lập nghiệp. Nghèo khó, cha mẹ gửi các con nương nhờ vào những gia đình có điều kiện. Riêng cậu út Hữu Ân thì được gửi làm công quả ở chùa Từ Vân tận miệt Đơn Dương (Bảo Lộc, Lâm Đồng).
Học xong lớp 12, sư trụ trì của chùa mà Ân gọi với tên thân mật là Ôn (theo tiếng Huế, ông – bà gọi là ôn – bệ) hỏi có muốn học tiếp nữa hay không thì Ân mong muốn được là cậu sinh viên. Thế là chú tiểu Hữu Ân rời chùa, xuôi về phố biển Vũng Tàu học trường Trung cấp Tài chính. Thời gian này, mẹ bị bệnh nặng, Hữu Ân gác lại chuyện học hành để vào Bệnh viện Ung bướu TPHCM chăm sóc mẹ.
Nguyễn Hữu Ân (thứ 2 từ trái sang) chụp ảnh cùng ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TPHCM (thứ 3 từ trái sang) trong lễ tuyên dương Công dân trẻ năm 2007.
Những ngày lấy bệnh viện làm nhà trọ, Hữu Ân vẫn miệt mài ôn luyện để nuôi giấc mơ vào đại học. Thương cho hoàn ảnh mẹ con Ân, bà Nguyễn Thị Phẳng quê ở Buôn Mê Thuột cũng là bệnh nhân ung thư đang điều trị tại đây đã chăm sóc mẹ Ân để chàng trai hiếu thảo an tâm học tập. Bà Phẳng không chồng con, không họ hàng thân thích. Bà đã có 6 năm trời điều trị ở bệnh viện theo chính sách hỗ trợ người nghèo và cầm cự qua ngày từ những suất ăn từ thiện.
Bà Phẳng thương yêu mẹ Ân như chị em ruột. Bà tận tình giúp đỡ cho các bệnh nhân từ việc mua thuốc ở đâu, cách nào uống thuốc không sặc, trị vết thương như thế nào, làm sao cho hết đau… Bà không ngại dơ bẩn khi phụ giúp chăm người khác nên bệnh nhân và các y bác sĩ đều quý mến, gọi bà bằng cái tên thân mật là Má.
Rồi điều không mong đợi cũng xảy ra. Tháng 7/2002, mẹ Ân mất. Trước khi nhắm mắt, bà gọi cậu con trai út đến bên giường bệnh và căn dặn: “Hãy thương yêu má Phẳng như mẹ ruột của mình. Để khi mẹ có mất đi, thì con vẫn còn có người để yêu thương, chăm sóc và gọi tiếng Mẹ trên cõi đời này”.Mẹ ruột Ân đã ra đi khi vừa bước qua tuổi 51.
Ngày mẹ mất cũng là lúc bệnh tình má Phẳng trở nặng. Thương má, tạc ghi lời căn dặn của mẹ trước lúc lâm chung, Hữu Ân đã chăm sóc bà Phẳng như chính mẹ ruột của mình. Từ việc lấy cơm, nước, cho đến giặt giũ, lau người cho má, Ân làm thuần thục bằng tất cả tình yêu thương của người con.
Năm 2003, Hữu Ân đậu vào ngành Du lịch, khoa Đông Nam Á, trường Đại học Mở TPHCM. Một buổi đi học, một buổi Ân chăm sóc má. Cuối tuần, Ân còn đi phục vụ nhà hàng tiệc cưới ở tận khu Kỳ Hòa (quận 10). Không ngại khó, ngại khổ, tiền kiếm được từ việc chạy bàn, bưng bê đó, Ân tích góp vô hóa trị cho má Phẳng và tằn tiện đóng học phí.
Ở bệnh viện Ung bướu TPHCM, hình ảnh bệnh nhân Nguyễn Thị Phẳng lấy phòng bệnh làm nhà trọ, còn cậu con trai Hữu Ân lấy gầm giường làm góc học tập đã lay động tình người. Chính việc làm hết sức bình dị mà cao cả đó của Hữu Ân nên ngày 1/1/2007, chàng trai ấy được vinh danh là “Công dân trẻ TPHCM”. Ngoài ra, Ân được tặng Huy hiệu TPHCM, Huy hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác của Trung ương Đoàn (năm 2010).
Ký ức về 2 người mẹ
Tôi gặp lại Hữu Ân trong một buổi sáng đầu xuân, khi tiết trời Sài Gòn se se lạnh. Vẫn gương mặt bầu bĩnh, nụ cười hiền từ và giọng nói ấm cúng, Hữu Ân bùi ngùi khi kể về quãng thời gian đã qua. “Như một giấc chiêm bao, anh nhỉ”, Hữu Ân khẽ cười nhẹ nhàng nhưng hẳn trong lòng rất vui.
Hữu Ân nhớ như in những kỷ niệm về hai người mẹ. “Nhà đã có 4 đứa con trai nên ngày sinh em ra, mẹ ước là con gái nhưng không được. Thương cho ước ao của mẹ không thành hiện thực, em hay mặc đồ, đi dép con gái cho mẹ vui.
Bức hình ngày ấu thơ của em, mẹ có ghi dòng chữ “Con trai giả con gái như thiệt” em vẫn còn giữ. Bây giờ, thỉnh thoảng đem ra nhìn lại, thấy con gái của em bây giờ nó giống hệt em của ngày xưa”, Ân hóm hỉnh khi liên kết câu chuyện giữa 2 miền ký ức.
Nguyễn Hữu Ân đem bằng chứng nhận Công dân trẻ, kỷ niệm chương về Bệnh viện Ung bướu TPHCM chung vui với má Phẳng và các bệnh nhân ung thư.
Còn với má Phẳng, Hữu Ân không bao giờ quên ngày mình được vinh danh “Công dân trẻ TPHCM”. Người đầu tiên Ân nghĩ đến là má. Hạnh phúc cho bản thân thì ít nhưng hạnh phúc cho má thì nhiều. Ngay khi nhận bằng chứng nhận và hoa, Ân chạy ào vào bệnh viện với má. Hai má con ôm nhau. Mắt má ngấn lệ vì hạnh phúc. Hạnh phúc của người mẹ có con trưởng thành.
“Mẹ ruột mất, về chăm má Phẳng trên giường bệnh em càng thấu hiểu hết nỗi đau mà những bệnh nhân ung thư đang gặp phải. Trong những lúc đau đớn nhất, sự đồng cảm và chia sẻ ngọt ngào là liều thuốc làm vơi đi nỗi đau. Má Phẳng khác mẹ. Mẹ có 5 đứa con quây quần chăm sóc, còn má Phẳng không một người thân thích bên cạnh…”, Ân chia sẻ về 2 người mẹ.
Bà Phẳng hay căn dặn Hữu Ân phải thành nhân trước khi thành danh. Bà mong mỏi đứa con trai mà bà hết mực yêu thương hơn chính bản thân mình bằng mọi cách phải học xong đại học, có một gia đình hạnh phúc. Nhưng, ngày Hữu Ân nhận tấm bằng đại học cũng là ngày bà Phẳng mãi mãi ra đi ở tuổi 59.
“Chiếc bánh thời gian” có thể chia nhiều phần cho công việc, gia đình, bạn bè… và nếu quay ngược trở lại, Ân vẫn muốn dành toàn thời gian đó để được ở bên má.
Lan tỏa lửa yêu thương
Hiện Hữu Ân làm việc tại Sở Du lịch TPHCM còn vợ cũng đang công tác tại một công ty Nhà nước. Hai vợ chồng đã có với nhau một bé gái kháu khỉnh. Trước đám cưới hai tuần, Ân và vợ đã về Buôn Ma Thuột thăm mộ má Phẳng, cũng là để báo với má hạnh phúc mà thuở còn sống má luôn mong ước.
Sau khi rước dâu về Vũng Tàu, đôi bạn đã làm lễ hằng thuận tại ngôi chùa gần nhà, cũng là nơi mẹ ruột Ân yên nghỉ. Sau đám cưới, trong chuyến công tác tại Hội chợ Du lịch Đà Lạt, Ân còn đến chùa Từ Vân, nơi Ân đã sống nhiều năm, để chào và cũng là để Ôn chúc phúc cho tổ ấm mới.
Cuộc sống, công việc dù bận rộn nhưng Hữu Ân vẫn luôn dành thời gian cho các hoạt động thiện nguyện của mình. Hữu Ân được tín nhiệm bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Công dân trẻ TPHCM.
Ân lập ra quỹ “Chung một niềm vui”, tổ chức các chuyến từ thiện, trao tặng xe lăn cho người khuyết tật, tặng xe đạp, học bổng cho các học sinh nghèo, tổ chức những đợt thăm và khám chữa bệnh miễn phí, quyên góp tặng nhà tình bạn cho các đoàn viên có gia đình đặc biệt khó khăn… Tết Nguyên đán, Câu lạc bộ của Ân thường xuyên thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM.
Hữu Ân mong muốn những trải nghiệm của mình tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM trước đây cùng với những hoạt động có ích tại đây sẽ lan tỏa đến từng người bệnh, thân nhân và các mạnh thường quân khác. Hữu Ân ước mơ lập quỹ hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Ước mơ ấy đã được sự ủng hộ nhiệt tình và chắp cánh của Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch Hội ung thư TPHCM.
Hữu Ân cũng không giấu được niềm vinh dự khi bài viết về mình của báo Khuyến học & Dân trí được chọn lọc đăng trên Sách giáo khoa Ngữ Văn 12 (Tập I).
Anh em đồng nghiệp kể với con mình là nhân vật Hữu Ân trong sách giáo khoa mà các con đã/đang/sẽ học đó hiện giờ là “đồng nghiệp của ba mẹ đấy”. Hữu Ân lấy làm tự hào vì mình được chọn là tấm gương tiêu biểu về sự hiếu thuận, tôn sư trọng đạo cho thế hệ trẻ hôm nay.
“Những công dân trẻ là đại diện cho chuẩn mực sống, là tấm gương điển hình cho lớp trẻ noi theo. Hồ Chủ tịch từng nói: “100 bài diễn thuyết hay không bằng một tấm gương sống”. Vì vậy, đã là công dân trẻ TPHCM thì ngày hôm nay phải sống tốt hơn ngày hôm qua”, Hữu Ân tâm sự.
Ngô Công Quang