Lãng Tử Yến Thanh – Nhân vật toàn mỹ nhất của Lương Sơn Bạc
Trong 108 bậc hảo hán “chọc trời khuấy nước” của bến thủy bạc ấy, có rất nhiều cá tính khác nhau: kẻ nóng nảy, người trầm tĩnh; kẻ tinh ranh, người thâm trầm; kẻ văn nhã, người thô lỗ; kẻ ưa náo nhiệt, người thích ẩn mình…Nhưng nhân vật có thể được xem toàn mỹ nhất phải là Thiên Xảo Tinh Lãng Tử Yến Thanh, vị chánh tướng đứng cuối cùng trong 36 sao Thiên Cang.
Lãng Tử Yến Thanh là một trong những hảo hán được yêu thích nhất của Thủy Hử. Lãng tử mà làm kẻ cướp thì cũng là kẻ cướp phong lưu nhất, hào hoa nhất và tất nhiên, mang đầy tính truyền kỳ. Theo truyền thuyết, môn võ công nổi danh “Yến Thanh quyền” trong nhiều tiểu thuyết và vẫn đang truyền đến ngày nay bắt nguồn từ nhân vật Yến Thanh của Thủy Hử: lối đánh thực tế nhưng vẫn đẹp mắt, lanh lợi, biến hoá và hiểm độc nhưng không kém phần hoa mỹ.
Yến Thanh sinh ra tại Đại Danh Phủ (Bắc Kinh), sớm mồ côi cha mẹ, được viên ngoại Lư Tuấn Nghĩa nhận làm gia nhân và hết mực thương yêu. Yến Thanh được học võ công, bao gồm thập bát ban võ nghệ, đặc biệt là chàng luyện được ngón vật xứng danh vô địch thiên hạ. Lý Quỳ trời không sợ, đất chẳng kinh nhưng nhắc đến ngón vật của Yến Thanh cũng phải kính mấy phần. Cũng chính nhờ tài đấu vật mà Yến Thanh ít nhất hai lần lấy lại thể diện cho huynh đệ Lương Sơn: một lần thượng đài đánh bại Kình Thiên Trụ Nhâm Nguyên, một lần đánh ngã Cao Cầu đang huyên hoang “đấu vật chưa gặp đối thủ”.
Yến Thanh rất say mê võ nghệ, luôn trau dồi không ngừng nên nói không quá Yến Thanh hoàn toàn nằm trong những người có võ nghệ cao nhất Lương Sơn Bạc. Thiên hạ đều biết Tiểu Lý Quảng Hoa Vinh có tài xạ tiễn thiên hạ vô song, Yến Thanh lên Lương Sơn Bạc gần như sau cùng liền gặp ngay Hoa Vinh xin học món bắn tên đó. Kết quả, quân Lương Sơn đi đánh trận, Yến Thanh trổ tài bắn nhạn bay trên trời không trật một phát, so tài chắc chẳng kém Hoa Vinh bao nhiêu.
Ngay đến cái biệt danh của chàng “Lãng Tử” cũng thể hiện một sự uyên bác hiếm có. “Lãng Tử” nghĩa ở đây chỉ đơn giản là “tay chơi” vì Yến Thanh không những khôi ngô tuấn tú, đào hoa phong lưu mà còn biết rành mọi ngón nghề: đao thương cung ngựa, đàn, hát, tửu, sắc…không gì không thông, không gì không thử qua. Yến Thanh còn nổi tiếng bởi trên lưng có hình xăm hoa đẹp động lòng người, đến như mỹ nhân Lý Sư Sư nhìn thấy còn không cầm nổi lòng.
Yến Thanh được yêu thích nhất không chỉ bởi tài nghệ mà chính ở tấm lòng trung nghĩa, sắt son không đổi của chàng lãng tử khinh đời. Lư Tuấn Nghĩa có hai người gia nhân thân tín là Yến Thanh và Lý Cố, Lý Cố bày mưu với vợ của Lư Tuấn Nghĩa hãm hại chủ nhân hòng chiếm đoạt gia sản. Tác giả đưa ra hoàn cảnh rất khéo: ban đầu thì Yến Thanh bị vu oan khiến Lư Tuấn Nghĩa đuổi khỏi Lư phủ, nhưng Yến Thanh vẫn nhẫn nại âm thầm bảo vệ chủ nhân, đến khi Lư Tuấn Nghĩa gặp nạn, Yến Thanh không quản ngại gian khổ cướp pháp trường, lang bạt giang hồ tìm đường lên Lương Sơn cầu cứu. Đặt bên cạnh kẻ phản phúc bất trung Lý Cố, hình tượng của lãng tử Yến Thanh càng trở nên lung linh hơn bao giờ hết.
Nhắc đến lãng tử Yến Thanh cũng phải nhắc đến Lý Sư Sư của Ngự Hương Lâu thành Đông Kinh, chính là mối tình lãng tử – danh kỹ đậm chất truyền kỳ. Tống Giang muốn quân Lương Sơn được Tống Đế chiêu an, bèn theo kế Ngô Dụng tìm đến kinh thành tiếp xúc với kỹ nữ Lý Sư Sư được hoàng thượng sủng ái nhất. Sau lần đầu tiên là ở đêm Trung Thu thất bại, “Lãng Tử Yến Thanh cáo ngự trạng” được chỉ định tiếp tục đến gặp Lý Sư Sư lần thứ hai. Nào ngờ đâu, Lý Sư Sư gặp Yến Thanh tuấn tú khôi ngô, đàn giỏi hát hay, kể chuyện anh hùng hiệp nghĩa như mật ngọt rót vào tai, lập tức say mê chàng lãng tử, đã đôi ba phen gạ gẫm chuyện trăng hoa. Đối diện trước sự quyến rũ của người đẹp nhất thiên hạ, đến hoàng đế còn say mê, Yến Thanh là lãng tử, mà lãng tử thì đa tình, cũng suýt chẳng cầm lòng được. Nhưng chàng biết thân mang trọng trách, “nam tử hán mà để nữ sắc mê hoặc khác gì loài cầm thú”. Yến Thanh dứt lòng, lạy tám lạy xin nhận làm tiểu đệ kết nghĩa, chấm dứt tấm lòng mong đợi của Lý Sư Sư, hoàn thành nhiệm vụ huynh trưởng giao phó…
Trong ngọn cờ “Thế Thiên Hành Đạo” của nghĩa quân Lương Sơn, Yến Thanh là một trong 10 đầu lĩnh bộ quân, nhiều lần lập nhiều công lao, xứng danh anh hùng. Chàng cũng là người có cái kết viên mãn hơn cả khi suy nghĩ thấu đáo, bỏ chức quan triều đình ngao du sơn thủy, sống một đời của kẻ lãng tử vô ưu. Chàng khuyên Lư Tuấn Nghĩa nên thoái ẩn, bỏ đi hư vinh nhưng Lư vẫn muốn “áo gấm về làng để phong thê ấm tử”, Yến Thanh chỉ đành nuốt lệ từ biệt ân chủ. Sau này, Lư Tuấn Nghĩa, Tống Giang và Lý Quỳ đều trúng rượu độc của gian thần mà chết tức tưởi, mới thấy Yến Thanh có tầm nhìn xa thế nào?
Hình tượng chàng lãng tử tài kiêm văn võ, lưng xăm hoa, tay thổi tiêu, trước làm tướng quân tung hoành thiên binh vạn mã; sau lang bạt giang hồ làm bạn với sơn thủy; có thể coi là cái kết đẹp nhất của những hảo hán Lương Sơn Bạc.
Share this:
Thích bài này:
Thích
Đang tải…