Nhạc Phi: Một đời trung nghĩa danh muôn thuở – Mấy độ hàm oan thấu trời xanh!
Sau khi Nhạc Phi chết 84 năm, nỗi oan của ông mới được rửa sạch hoàn toàn.
Nhạc Phi là anh hùng dân tộc nổi tiếng thời Nam Tống, ông thống lĩnh Nhạc gia quân trải qua 126 trận đánh lớn nhỏ, không có cuộc tấn công nào là không giành chiến thắng. Uy danh của Nhạc Phi khiến quân Kim nghe danh liền hoảng sợ, than rằng: “rung chuyển núi dễ, rung chuyển Nhạc gia quân khó!”…
Tuy nhiên, thật đáng tiếc, một anh hùng kiệt xuất như vậy mà cuối cùng lại bị đám người của Tần Cối hãm hại, hàm oan mà chết…
Nỗi hàm oan giải muộn…
Tuy rằng sau này Nhạc Phi được khôi phục danh dự, nhưng đó là câu chuyện 20 năm sau khi ông đã qua đời, là Tống Hiếu Tông chủ động cho phép khôi phục danh dự cho Nhạc Phi. Tuy nhiên qua khảo sát tư liệu lịch sử cho thấy, khoảng thời gian này lâu hơn nhiều so với dự kiến thông thường, và cũng là nhờ vào sự cố gắng của con cháu Nhạc Phi.
Tranh vẽ Nhạc Phi (Nguồn: Wikipedia).
Năm xưa Nhạc Phi bị xử tử với tội danh “mưu phản”, “tạo phản”, vì vậy trong triều đình và dân gian khi đó chỉ cần bàn luận đến văn thư của Nhạc Phi thì người ta đều gọi ông là “phản thần”. Sau khi Tần Cối chết, Tống Cao Tông vì muốn duy trì Hiệp ước Thiệu Hưng đã ký kết với nước Kim, nên quyết định bổ nhiệm thân tín lúc còn sống của Tần Cối là Vạn Sĩ Tiết làm tướng quốc, lại trọng dụng phe cánh của Tần Cối là đám người Thang Tư Thoái, Ngụy Lương Thần v.v… Tuy vậy mâu thuẫn giữa Tống – Kim vẫn ngày một sâu đậm, không lâu sau Vạn Sĩ Tiết bệnh chết, phe cánh của Tần Cối từng người một thất thế, vào năm Thiệu Hưng thứ 31 (năm 1161), hoàng đế Hoàn Nhan Lượng của nước Kim hủy bỏ hiệp ước, cho quân đi chinh phạt Tống, triều đình nhà Tống chấn động, văn võ bá quan lần lượt trình tấu chương lên hoàng đế, yêu cầu rửa sạch nỗi oan cho Nhạc Phi, phơi bày tội ác của Tần Cối. Tống Cao Tông bị tình thế ép buộc nên đành phải hạ chiếu chỉ: “Con cháu và gia quyến của Sái Kinh, Đồng Quán, Nhạc Phi, Trương Hiến, xóa bỏ quản thúc tại biên cương và được thả tự do”. Từ đó hậu thế của Nhạc Phi được miễn trừ quản thúc giám sát, lấy lại tự do.
Một năm sau đó Tống Hiếu Tông lên ngôi, ông hạ chiếu chỉ khôi phục chức quan của Nhạc Phi lúc còn sống, ban thụy hiệu là Vũ Mục, lại truy phong chức quan cho hai người con trai đã chết của Nhạc Phi là Nhạc Vân và Nhạc Lôi, sau đó lại treo thưởng giá cao tìm kiếm được di hài của Nhạc Phi, tổ chức an táng cho Nhạc Phi tại Tây Hồ ở Lâm An bằng nghi lễ an táng dành cho quan nhất phẩm, và xây miếu thờ cho Nhạc Phi tại Ngạc Châu, sau đó liên tục trọng dụng những con cháu còn sống của Nhạc Phi, người nào người nấy đều được bổ nhiệm chức quan. Vào năm Long Hưng thứ nhất (năm 1163), nhà cửa và ruộng vườn tại Giang Châu của Nhạc Phi khi còn sống đều được trả lại cho con cháu của ông.
Triều đình khi đó nhìn như có vẻ đã khôi phục danh dự cho Nhạc Phi, nhưng vẫn còn rất nhiều chỗ chưa thỏa đáng: thứ nhất là vẫn chưa truy cứu tội trạng của kẻ chủ mưu Tần Cối và đồng bọn đã gây ra vụ án oan cho Nhạc Phi; thứ hai là tội danh “mưu phản” của Nhạc Phi vẫn chưa được xóa bỏ mà chỉ được ân xá mà thôi, trong chiếu thư con cháu của Nhạc Phi được liệt chung với con cháu của Lục tặc khiến Bắc Tống diệt quốc là Sái Kinh, Đồng Quán v.v… mà công lao và chiến tích của Nhạc Phi lúc còn sống cũng chưa được triều đình xem trọng. Năm Càn Đạo thứ 2 (năm 1166), triều đình biên soạn “Trung Hưng thập tam xứ chiến công”, trong đó có một vài trận chiến là chiến dịch nhỏ gây thương vong mấy trăm người, còn lại đều là những chiến thắng nhỏ không đáng nhắc tới, bốn lần Bắc phạt và chiến thắng tại Yển Thành, chiến thắng tại Dĩnh Xương, chiến thắng tại Chu Tiên trấn của Nhạc Phi đều không được ghi vào trong đó, khi đó quan sử muốn đặt lại một thụy hiệu khác cho Nhạc Phi, nhưng hầu như không thể tìm thấy bất cứ chiến tích nào của ông được ghi chép trong Sử quán. Bá tánh trong thiên hạ đều biết đến lòng trung thành của Nhạc Phi và Nhạc gia quân thiện chiến như thế nào, nhưng trong triều đình hầu như không có bất cứ ghi chép nào liên quan đến Nhạc Phi.
Hình ảnh “Nhạc Trung Vũ Vương Tập” in ấn vào những năm Đồng Trị của nhà Thanh (Phạm vi công cộng, tác giả Ngưỡng Nhạc cung cấp).
Hành trình cải biên Nhạc Phi chính truyện vô cùng gian nan
Tần Cối khi còn sống đã từng nắm giữ triều chính gần 20 năm, không chỉ hầu hết những trung thần và tướng giỏi bị y diệt trừ toàn bộ, mà Tần Cối còn bài trừ những người không cùng ý kiến với mình, nghiêm cấm cá nhân biên soạn sử sách, chấn hưng “ngục văn tự” (một loại áp bức chính trị và ngôn luận của kẻ cầm quyền chuyên chế đối với tầng lớp trí thức trong xã hội Trung Quốc thời xưa), vì vậy mà một lượng lớn những tài liệu văn tự có liên quan đến Nhạc Phi lần lượt bị mất hoặc bị tiêu hủy. Tần Cối còn sắp xếp con nuôi của mình là Tần Hi giám sát việc biên soạn quốc sử, vào thời kỳ Nhạc Phi làm quan Thái úy, nắm binh quyền trong tay, rất nhiều chiến công của Nhạc Phi bị che giấu mà không báo cáo. Sau khi Nhạc Phi bị hại, các phe cánh của Tần Cối đã vu khống Nhạc Phi ra sao, xóa bỏ chiến tích của Nhạc gia quân trong sử sách như thế nào, chỉ cần nghĩ là biết ngay.
Vào thời của Tống Hiếu Tông, quan sử Trương Chấn bẩm tấu lên triều đình, nói rằng “Cao Tông nhật lịch” do Tần Hy biên soạn có rất nhiều nội dung viết sai, sau khi văn thần Từ Độ xem qua tài liệu lịch sử, nói rằng: “Đây phần lớn đều là từ ngữ gian tà, không thể lưu truyền hậu thế”, và ông không ngừng than thở vì điều này.
“Nhạc Trung Vũ Từ tam thủ” do Thư ký lang đương thời là Viên Phủ sáng tác đã miêu tả một hiện trạng khi đó qua bốn câu thơ: “Bối Ngôi quân mã chiến vô trù, áp tận đương niên chúng liệt hầu. Tiên bối hữu văn đa tản dật, hậu sinh thùy thức phát tiềm u”, bốn câu thơ này ca ngợi sự dũng mạnh của Bối Ngôi quân khi ra chiến trường, đội binh tinh nhuệ này áp đảo hết toàn bộ các liệt hầu khi xưa. Bối Ngôi quân là một đội kỵ binh tinh nhuệ của Nhạc gia quân, và cũng là đại diện cho sự tinh hoa của Nhạc gia quân.
Con trưởng của Nhạc Phi là Nhạc Vân bị xử tử cùng với Nhạc Phi, con thứ Nhạc Lôi qua đời trong thời gian bị lưu đày ở Lĩnh Nam, vì vậy người con trai thứ ba của Nhạc Phi là Nhạc Lâm đảm nhận công việc thu thập tài liệu lịch sử của Nhạc Phi lúc còn sống. Vào năm Thuần Hy thứ 5 (năm 1178), Nhạc Lâm bị điều đến trung ương làm quan, được Tống Hiếu Tông triệu kiến, Nhạc Lâm thỉnh cầu Tống Hiếu Tông hoàn trả ngự trát và thủ chiếu (thư từ và chiếu chỉ do chính tay hoàng đế viết) mà năm xưa Tống Cao Tông ban tặng cho Nhạc Phi. Tống Hiếu Tông đồng ý thỉnh cầu này của Nhạc Lâm, cuối cùng đưa cho Nhạc Lâm 88 phần văn kiện, Nhạc Lâm cũng dựa vào đó để làm cơ sở, ra sức khôi phục lại một đoạn lịch sử đã bị kẻ khác cố ý xóa bỏ, tuy nhiên công việc này lại khó khăn muôn trùng.
Hình ảnh “Nhạc Trung Vũ Vương tập” vào những năm Càn Long của nhà Thanh (Phạm vi công cộng, tác giả Ngưỡng Nhạc cung cấp).
Sau khi Nhạc Phi chết, phần đông các tướng sĩ quan trọng của Nhạc gia quân đều lần lượt bị đàn áp và qua đời dưới sự bức hại của Tần Cối và đồng bọn của hắn, đồng thời rất nhiều quan viên và nhân sĩ từng qua lại với Nhạc Phi đều lần lượt tiêu hủy hết toàn bộ ghi chép, thư từ qua lại với Nhạc Phi, để tránh gặp phải tai ương. Khi Nhạc Phi bị hãm hại, Nhạc Lâm mới chỉ có 12 tuổi, vẫn còn chưa hiểu chuyện, nhưng cho dù là như vậy, Nhạc Lâm vẫn bỏ ra thời gian 30 năm để tìm kiếm những người bạn năm xưa của Nhạc Phi để lật tìm lại những sự tích về cha mình, còn có một vị Quốc tử bác sĩ Cố Kỷ hỗ trợ biên tập bản thảo Nhạc Phi truyền ký.
Tuy nhiên công việc này vẫn chưa thể hoàn thành, khi đó Nhạc Lâm 63 tuổi bị bệnh nặng, không lâu sau thì qua đời, trước khi chết, ông đem phần tư liệu lịch sử mà mình đã biên soạn giao lại cho đứa con trai Nhạc Kha mới chỉ 10 tuổi, nói rằng: “Lòng trung thành của tiên công (ông nội quá cố) chưa được chứng thực, nỗi oan chưa được sáng tỏ, sự thật nằm ở tai nghe mắt thấy, lâu ngày biến thành tro bụi. Lúc đầu gặp đại họa, cha sống phiêu bạt và bị giam cầm. Cho đến khi được làm quan, tìm kiếm lại sự thật, hỏi chuyện những binh sĩ còn sống sót, sưu tầm tài liệu nhưng chưa đủ, thật đáng tội. Nếu như con có thể tiếp nối ý nguyện của cha, rửa nỗi oan của ông con, cha chết cũng nhắm mắt!”
Sau khi cậu bé Nhạc Kha tiếp nhận ý nguyện của cha mình, cậu nhanh chóng tiếp tục tiến hành công việc này, cậu không ngừng chăm chỉ học hành, lại đi khắp nơi tìm kiếm những người quen biết ông nội mình năm xưa, mất 30 năm mới hoàn thành được bản thảo đầu tiên. Vào năm Gia Thái thứ 3 của Tống Ninh Tông (năm 1203), Nhạc Kha trình tấu lên triều đình 5 quyển “Hu thiên biện vu”, 6 quyển “Hành thực biên niên” (tức “Ngạc Vương hành thực biên niên”) cùng 10 quyển “Thông tự” và “Gia tập”, lật đổ lời vu khống của tập đoàn Tần Cối.
Tống Ninh Tông đem tấu chương này giao phó cho Trung Thư và Môn Hạ thẩm duyệt chi tiết, xác định được tài liệu lịch sử thu thập được rất chính xác và đầy đủ, việc làm này đáng khen ngợi. Cuối cùng phần tài liệu lịch sử này được công nhận là cơ sở tham khảo cho lịch sử dân tộc, văn kiện “Hình bộ đại tư lý tự trạng” định tội Nhạc Phi năm xưa bị xem là một tờ giấy không có giá trị, lúc này đã là 63 năm sau kể từ khi Nhạc Phi bị hãm hại. Ngày 20 tháng 5, năm Gia Thái thứ 4 (năm 1204), Tống Ninh Tông ban bố chiếu thư truy phong cho Nhạc Phi làm Ngạc Vương, và đem tài liệu lịch sử của Nhạc Phi lúc còn sống công bố ra thiên hạ. Năm Khai Hy thứ hai của Tống Ninh Tông (năm 1206), triều đình tước bỏ chức vị vương tước của Tần Cối, đổi thụy hiệu thành “Mậu Xú”.
Vào tháng 2 năm Bảo Khánh đầu tiên (năm 1225), Tống Lý Tông ban bố “tứ thụy cáo từ”, trong đó có nhắc đến nỗi oan của Nhạc Phi vì phản đối nghị hòa mà bị chết trong tay của gian thần, đổi thụy hiệu là “Trung Vũ”. Tính đến thời điểm khi đó, sau khi Nhạc Phi chết 84 năm, nỗi oan của ông mới được rửa sạch hoàn toàn.
Tượng Tần Cối và Vương Thị quỳ trước Nhạc Miếu ở Hàng Châu, hai tượng này dùng để người Trung Quốc đến thăm phỉ nhổ tội trạng của hai người (Nguồn: Wikipedia).
Sau khi Nhạc Phi được rửa sạch nỗi oan, khắp nơi đua nhau xây miếu thờ để tưởng niệm ông, còn những kẻ xấu hãm hại Nhạc Phi năm xưa đều không còn sống trên đời nữa, vì vậy người đời sau mới đúc tượng của 5 kẻ gian thần hãm hại trung lương, gồm có: Tần Cối, Vương Thị, Trương Tuấn, Vạn Sĩ Tiết, Vương Tuấn đặt ở phía trước Nhạc Vương miếu tại Hàng Châu, các bức tượng ở bên trong hàng rào sắt trong bộ dạng khỏa thân, khoanh hai tay ra phía sau quỳ trước mộ Nhạc Phi, muôn đời muôn kiếp đều phải chịu sự mắng chửi và khinh miệt của người đời. Theo dòng chảy thời gian, sự căm hận của mọi người đối với những kẻ xấu xa ác độc này ngày càng tích tụ nhiều hơn, những bức tượng ở tư thế quỳ này bị người đời đập bỏ, rồi lại bị đúc lại, cứ lặp đi lặp lại như vậy mười mấy lần, giống như trong “Thuyết Nhạc toàn tập” có thơ viết rằng:
“Trung thần vi quốc tử hàm oan,
Thiên đạo chiêu chiêu tự khả liên.
Lưu đắc thanh thanh công đạo sử,
Thị phi thiên tải tại nhân gian”
Tạm dịch: Trung thần vì nước mà chết oan, đạo Trời soi sáng sẽ xót thương. Để lại lịch sử thật công bằng, ngàn năm đúng sai ở nhân gian.
Theo Epoch Times
Châu Yến biên dịch