NSƯT Cẩm Tiên: “Ca vọng cổ hơi dài phá nát kịch bản”

NSƯT Cẩm Tiên: Ca vọng cổ hơi dài phá nát kịch bản - Ảnh 1.

NSƯT Cẩm Tiên

NSƯT Cẩm Tiên có xuất phát điểm là một giáo viên dạy trường cao đẳng sư phạm, do đam mê và nhất là có chất giọng mạnh mẽ, cô đã dấn thân vào sân khấu cải lương. Năm 1995, Cẩm Tiên đoạt Huy chương vàng giải Trần Hữu Trang và năm 2007 được trao tặng danh hiệu NSƯT. 

Với sở trường ca hơi dài khi vô vọng cổ, NSƯT Cẩm Tiên được giới chuyên môn đánh giá là một danh ca có tố chất riêng biệt.

NSƯT Cẩm Tiên: Ca vọng cổ hơi dài phá nát kịch bản - Ảnh 2.

NSƯT Cẩm Tiên, Phượng Hằng, Kim Tử Long và NSND Lệ Thủy trong chương trình giao lưu với khán giả tại HTV

“Quá trình gắn bó với đoàn cải lương Trung Hiếu đã cho tôi khả năng khám phá cách ca hơi dài và biến nó thành lợi thế. Nhưng khi tôi được mời về Đoàn cải lương Văn Công TP, NSND Diệp Lang và ông Phan Quốc Hùng – lúc đó là trưởng đoàn đã khuyên tôi nên thay đổi phong cách diễn xuất, kể cả cách ca vọng cổ” – NSƯT Cẩm Tiên kể.

Nhờ quá trình đó, dù đã tạo tiếng vang qua nhiều vở tuồng mà lợi thế ca hơi dài đã đưa tên tuổi mình thành ngôi sao sáng như “Lệnh truy nã”, “Đồng tiền đẫm máu”, “Hoàng tử mặt nám”… nhưng Cẩm Tiên đã dứt khoát không ca hơi dài, “để hòa quyện vào phong cách của thương hiệu Văn Công TP thời đó”. 

“Vì tôi được mời về diễn với NSND Minh Vương, thay thế vị trí đào chánh của NSND Lệ Thủy. Quyết định đó đầy cam go. Bỏ đi lợi thế, xây dựng lại từ đầu cách ca diễn, nhưng tôi đã thành công” – NSƯT Cẩm Tiên nói.

NSƯT Cẩm Tiên: Ca vọng cổ hơi dài phá nát kịch bản - Ảnh 3.

NSƯT Cẩm Tiên

Quả nhiên, sau vở “Một chuyện tình buồn” của tác giả – nhà văn Ngọc Linh, cô đã tạo dấu ấn mới trong lòng khán giả. 

“Bởi vậy, ngày nay nhiều em diễn viên trẻ ham ca hơi dài, kịch bản nào cũng chêm vào cách ca này, có khi không phải vô vọng cổ mà để vô một bài bản cũng ca hơn 100 chữ. Chính sự lạm dụng này đã phá nát kịch bản” – NSƯT Cẩm Tiên nhận định.

Theo nữ nghệ sĩ, phải tuân thủ theo tình huống, tâm lý, hoàn cảnh quy định của nhân vật, khi đã chạy theo cách ca hơi dài đã làm nhân vật lệch đội hình. “Tôi khuyên các bạn trẻ có sẵn chất giọng, có khả năng ca hơi dài hãy bình tâm mà nhìn lại. Ngày nay, kỹ thuật phòng thu hỗ trợ cho diễn viên khi ca hơi dài rất tốt. Có thể kéo đến hơn 200 chữ khi vô vọng cổ. Nhưng khán giả dễ nhàm chán vì cách ca phản cảm, nội dung bị tán ra để đủ số chữ, trong khi cải lương cần chất tự sự, mùi mẫn và đúng tâm lý” – NSƯT Cẩm Tiên góp ý.

NSƯT Cẩm Tiên: Ca vọng cổ hơi dài phá nát kịch bản - Ảnh 4.

NSƯT Cẩm Tiên

Rate this post