Những bức ảnh sống mãi cùng thời gian
Những bức ảnh sống mãi cùng thời gian
Thế kỷ 20 và đặc biệt 60 năm cuối cùng là thời gian xuất hiện nhiều thể loại nhiếp ảnh, với các tác phẩm đẹp phản ánh những sự kiện quan trọng trên thế giới.
Thế kỷ 20 và đặc biệt 60 năm cuối cùng là thời gian xuất hiện nhiều thể loại nhiếp ảnh, với các tác phẩm đẹp phản ánh những sự kiện quan trọng trên thế giới. Trong đó có những hình ảnh đến nay vẫn có giá trị bằng muôn lời nói và là biểu tượng bất hủ về tình yêu, hòa bình, sắc đẹp, sức mạnh và trí tuệ…
Nụ hôn chiến thắng trên Quảng trường Thời đại, 1945 của Alfred EisenstaedtLà một trong những bức ảnh lãng mạn nhất, gây xúc động mạnh mẽ của tác giả Alfred Eisenstaedt. Ảnh cho thấy một anh lính hải quân đang ôm hôn một cô y tá nha khoa mặc áo blu trắng giữa quảng trường để chào mừng chiến thắng của quân đội Mỹ trước phát xít Nhật và kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai. Ảnh được đăng trên tạp chí Life cùng một số ảnh ăn mừng khắp nơi với tên Lễ mừng chiến thắng. Đây là một tác phẩm ra đời hết sức bất ngờ cũng giống như sự kiện vui chung của cả thế giới. Chiều hôm đó, Eisenstaedt đang đi trên đường thì đài báo quân đồng minh đã thắng trận, đồng nghĩa với chiến tranh thế giới kết thúc. Trước tin này, hàng nghìn người đã lao đến ôm chầm lấy nhau và nhanh chóng tỏa đi đón thân nhân. Lúc đó, có một nhóm lính thủy có mặt trên quảng trường và một người đã chạy đến ôm hôn một cô gái. Cảnh ôm hôn diễn ra rất chóng vánh song nhờ cầm sẵn chiếc máy Leica Illa, Eisenstaedt đã chụp được nó một cách xuất sắc. Cùng với ông, ở một góc khác, nhiếp ảnh gia Victor Jorgensen cũng ghi được một tấm hình tương tự. Song do chụp nhanh nên trên ảnh đều không rõ mặt đôi bạn, và vì họ đi nhanh quá cũng không kịp hỏi tên. Vài năm sau, một số người đã đến tòa soạn nhận mình chính là nhân vật trong ảnh. Mãi đến năm 2012, nhà xuất bản mới ghi chú trong cuốn sách Nụ hôn thủy thủ, anh là George Mendonsa và chị là Greta Zimmer. Lúc ấy, hai người không hề biết nhau, chỉ đến khi anh bất thần ôm ghì và gửi chị một nụ hôn nồng nhiệt. Điểm thú vị của ảnh là sự tương phản giữa hai màu đen trắng, sự gợi cảm của dáng đứng và sự thắm thiết của nụ hôn cùng với muôn người hướng về chung vui. Trong suốt nửa thế kỷ, nó đã trở thành biểu tượng của tình yêu, sự vinh quang và hào sảng sau chiến tranh.
Nụ hôn chiến thắng trên Quảng trường Thời đại, của Alfred Eisenstaedt
Marilyn Monroe – Bảy năm ngứa ngáy, 1954 của Matty ZimmermanNếu như bức ảnh trên thu hút bởi những giá trị chân quý của hòa bình thì bức ảnh dưới đây lại lôi cuốn bởi giá trị của sự giải trí khi nhân vật là Marilyn Monroe- nữ minh tinh, người mẫu, ca sỹ và thần tình ái của Mỹ. Cô diện một bộ đầm trắng, đứng trên nắp thông hơi của một ga tàu điện ngầm Manhattan Mỹ và diễn xuất cho bộ phim Bảy năm ngứa ngáy. Nhờ vẻ kiều diễm, nữ nghệ sỹ đã đáng yêu càng trở nên quyến rũ khi bật cười và luồng khí nóng bên dưới làm vạt váy thốc lên để lộ đôi chân khêu gợi. Matty Zimmerman đã chụp được bức ảnh này lúc đứng bên ngoài hậu trường sau 40 lần bấm máy chọn cảnh. Ngay từ khi xuất hiện, nó đã chấn động thế giới bởi vẻ đẹp thanh xuân, hồn nhiên và hấp dẫn của người phụ nữ và góp phần không nhỏ trong sự thành công của bộ phim công chiếu tháng 6/1955. Đến nay, đây là một bức ảnh chân dung đẹp nhất của Monroe, cùng với bộ đầm đã có mặt khắp mọi triển lãm và phòng đấu giá. Riêng bộ đầm vào năm 2011 đã bán được 4,6 triệu đô la.
Marilyn Monroe – Bảy năm ngứa ngáy, của Matty Zimmerman
Albert Einstein lè lưỡi, 1951 của Arthur SasseBức ảnh Albert Einstein lè lưỡi là bức ảnh đầu tiên cũng là bức ảnh duy nhất đến nay có nội dung hài hước về một nhà khoa học nổi tiếng. Không nói thì ai cũng biết nhà vật lý đoạt giải Nobel Albert Einstein. Ông là nhà bác học đại tài đã phát minh ra thuyết Tương đối. Tuy làm nghiên cứu song ông cũng có đầu óc khôi hài và nhờ thế có một bức ảnh vô cùng dí dỏm, là hình mẫu của các thiên tài, lập dị và đãng trí nói chung của thế giới. Nhân dịp sinh nhật 72 tuổi của ông tại viện nghiên cứu Princeton- New Jersey, Mỹ ngày 14/3/1951, Arthur Sasse đã tới chơi và có ý mời ông chụp ảnh với nụ cười thật tươi. Bấy giờ, nhà bác học đang ngồi ở ghế sau một chiếc ô tô. Nhận lời người bạn trẻ, song thay vì sự nghiêm trang, chỉn chu thì ông lại thè lưỡi ra tinh nghịch, và hình ảnh đó đã trở thành chân dung đặc biệt nhất của Einstein cũng như thời đại. Ông rất thích bức ảnh và đã chín lần tráng rửa nó. Sinh ra tại Đức đến năm 1940, ông đã nhập quốc tịch Mỹ và cống hiến nhiều công trình vĩ đại. Sau khi ảnh được công bố bốn năm thì ông mất. Năm 2009, một bản gốc của nó đã bán được 74.324 đô la.
Albert Einstein lè lưỡi, của Arthur Sasse
Winston Churchill, chú sư tử gầm, 1941 của Yousuf KarshÍt có bức ảnh nào lại khó chụp và cũng cực kỳ chân thực như chân dung ngài Thủ tướng Anh Winstor Churchill, một mãnh tướng cũng là chính trị gia cứng rắn nhất thế kỷ 20. Trong một lần ông phát biểu tại Hạ viện Canada ở Ottawa ngày 30/12/1941 – thời kỳ đầu thế chiến thứ nhất, Yousuf Karsh được chính phủ Canada thuê để thực hiện chân dung ông. Vì không biết trước buổi ghi hình, ngài Thủ tướng có vẻ giận, sau một hồi ông mới ngồi xuống ghế và bảo Karsh có hai phút để chụp hình. Sau đó, ông châm một điếu thuốc và hút. Đã gấp mà khói thuốc càng làm cho việc chụp ảnh khó khăn, Karsh xin ông hãy bỏ điếu thuốc xuống song bị từ chối, trong giây phút vội vàng anh chàng liền giựt luôn điếu thuốc và nhanh như chớp bấm máy, và những gì đọng lại là một hình ảnh thú vị với nét mặt nghiêm nghị, gầm gừ của nhà lãnh đạo.
Winston Churchill, chú sư tử gầm, của Yousuf Karsh
Muhammad Ali và cú đánh knockout, 1965 của Neil LeiferĐược thực hiện cuối hiệp hai trận đấu quyền anh giữa võ sỹ Muhammad Ali và Sonny Liston vào tháng 5/1965, bức ảnh này sau đó xuất hiện trên trang bìa tạp chí Sports Illustrated, số đặc biệt với tên Những bức ảnh thể thao hay nhất thế kỷ. Trong ảnh, Ali vừa hạ đo ván đối thủ và hơi cúi xuống hét gọi anh ta đứng dậy-lúc đó đang nằm vật trên sàn. Trận đấu này đến nay vẫn là một trận đọ sức gây tranh cãi do có nhiều phỏng đoán Liston đã chịu thua ngay từ đầu vì bán độ để lấy tiền trả nợ hoặc sợ sẽ thiệt mạng khi giao đấu tiếp với các đối thủ nặng ký sau Ali bởi ngay từ hiệp đầu tiên đã no đòn. Nhờ tư thế rất chuẩn của cả hai võ sỹ – một người rất sung – một người cực yếu khắc họa nét bi thương, tính chất thô sơ, dữ dội của quyền anh và lại về một người đã từng nói và chứng thực được qua câu nói: “Tôi là người mạnh nhất” – Muhammad Ali nên nó được xem là một bức ảnh thể thao hay nhất của thời đại cho thấy đỉnh cao của tuổi trẻ và sự nghiệp của người võ sỹ.
Muhammad Ali và cú đánh knockout, của Neil Leifer
Salvador Dali ria vểnh, 1954 của Philippe HalsmanDo thích tranh siêu thực của Salvador Dali- họa sỹ siêu thực nổi tiếng nhất thế kỷ, bản thân cũng là một nhà tiếp thị giỏi giang – một người thích tạo nên dư luận bởi cá tính khôi hài mà một ví dụ là để một bộ ria vểnh lúc nào cũng bôi trơn- cong vút, thập niên 50, Philippe Halsman đã làm quen với Dali và cho ra cuốn sách ảnh Ria của Dali gồm hơn 30 tấm hình độc đáo. Chúng cho thấy có lẽ không có ai có bộ ria đặc biệt gây cười như vậy!. Chính nhờ bộ ria này đã giúp Dali nổi bật trước đám đông suốt những năm cuối đời và được tờ Daily Telegraph của Anh và hơn 14 nghìn nam giới vào tháng 11/2010 ghi nhận là bộ ria đẹp nhất mọi thời đại.
Salvador Dali ria vểnh, của Philippe Halsman
Cô gái Afghanistan, 1984 của Steve McCurryẢnh đặc tả một nữ sinh 12 tuổi, tên là Sharbat Gula trong một trại tỵ nạn ở Pakistan thời Liên Xô cũ và được in trên bìa tạp chí National Geographic tháng 6/1985. Tuy còn nhỏ song em đã có vẻ chững trạc và có nét gì đó giống nàng Mona Lisa trong bức tranh của danh họa Leonardo da Vinci, vì thế được gọi là Nàng La Gioconda của thế chiến thứ ba. Nhà báo Steve McCurry trong lần du ký đã chớp thời cơ hiếm hoi ghi lại được cảnh sinh hoạt tù túng và thiếu thốn của phụ nữ Afghanistan trong trại Nasir Bagh, trong đó có Sharbat Gula bằng máy ảnh Nikon. Danh tính của em mãi 17 năm sau mới được xác định khi đoàn phóng viên đến vùng Tora Bora Afghanistan chơi và gặp lại cô gái khi ấy đã 30 tuổi. Trong ảnh, người thiếu nữ hiện lên với khuôn mặt sắc lạnh, chùm đầu một chiếc khăn đỏ và đôi mắt màu xanh nước biển nhìn thẳng vào ống kính thể hiện cho những xung đột căng thẳng và tình hình tỵ nạn bấy giờ đang xảy ra trên toàn thế giới.
Cô gái Afghanistan, của Steve McCurry
Cây vĩ cầm của Ingres, của Man Ray
Cây vĩ cầm của Ingres, 1924 của Man RayBức ảnh Cây vĩ cầm của Ingres là một sáng tạo thủ công của nhà nhiếp ảnh siêu thực Man Ray. Lấy cảm hứng từ những nhân vật khỏa thân trong tranh Jean- August- Dominique Ingres, ông đã làm nên tác phẩm này có những nét hết sức mềm mại của hội họa. Ảnh cho thấy một cô gái quấn khăn trên đầu, mặt ngoảnh sang trái, mình trần, ngồi quay lưng vào khán giả. Bằng kỹ xảo, tác giả chỉ để lộ tấm lưng cô người mẫu Missus Kiki de Montparnasse và vẽ trên ảnh hai nốt fa – hai nốt nhạc trong bản hòa tấu rồi chụp lại, tạo nên hình ảnh một cây đàn violin. Ông còn tinh nghịch đặt tên nó là Cây vĩ cầm của Ingres theo tiếng Pháp có ý chỉ việc chơi đàn là một thú vui của Ingres và việc kết giao cũng là một niềm vui của riêng ông. Ngoài yếu tố nghệ thuật thì đây là một bản vẽ chuẩn mực về hình thể cân đối của người phụ nữ.
C.M.C
(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 4/2015)
- BÀI TRƯỚC / PREV POST
- BÀI KẾ TIẾP / NEXT POST
Tin trong nước
Tin Quốc tế